Cô hiệu trưởng hết lòng vì “Đàn em thân yêu”

Lượt xem:

Đọc bài viết

Ngay từ những ngày đầu bước vào nhận công tác ở trường Tiểu học số 2 thị trấn Plei Kần, tôi không khỏi ngỡ ngàng vì môi trường khang trang sạch sẽ của khuôn viên nhà trường. Qua thời gian công tác nơi đây tôi mới biết tất cả sự khang trang, nề nếp ấy là do sự nỗ lực của các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh trong trường, đặc biệt là sự tận tụy của cô giáo Nguyễn Thị Liên – Hiệu trưởng nhà trường.

Từ khi về công tác tại trường (đầu năm học 2011-2012), cô luôn giúp đỡ các thầy cô giáo, các em học sinh và làm thay đổi chất lượng dạy và học của trường theo hướng tích cực. Năm nào cũng vậy, trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh, cô luôn sát cánh cùng các giáo viên kèm cặp cho các học sinh trong đội tuyển. Nhờ sự quan tâm của cô đội tuyển thi học sinh giỏi của trường trong năm học vừa qua đều đạt giải cao, đứng trong tốp đầu của huyện. Không chỉ truyền thụ cho các em học sinh về mặt kiến thức cô còn rèn cho các em học sinh những kĩ năng sống thông qua những câu chuyện ngắn ngủi nhưng ý nghĩa ngay trong các buổi chào cờ đầu tuần. Cô làm việc gì cũng mang tính đột phá, sáng tạo, không thích đi trên con đường mòn cũ kĩ. Một người lãnh đạo chịu thương, chịu khó, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì tập thể.

Để công tác quản lý đạt hiệu quả cao, ngoài trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, cô luôn tự trau dồi chuyên môn, tham gia nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hiệu trưởng; các lớp tập huấn do ngành giáo dục tổ chức để nắm bắt tình hình, cải tiến công tác quản lý tại đơn vị mình. Nhờ vậy, trong những  năm cô công tác ở trường công tác quản lý của đơn vị luôn kịp thời và thường xuyên được đổi mới. Ngoài ra, cô còn dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, viết sáng kiến chuyên môn như: “Một số biện pháp quản lý của Hiệu trưởng nhằm chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học ở Trường TH số 2 Thị trấn Plei Kần”. Tôi nhận thấy một kinh nghiệm hữu ích của cô là: Mỗi khi triển khai kế hoạch gì thì cô đều tổ chức thực hiện bài bản và kiểm tra đánh xét hết sức cụ thể, ai làm tốt được tuyên dương nhân rộng, người không thực hiện hay thực hiện qua loa cũng nhắc nhờ kịp thời và đồng thời tư vấn cách làm và hẹn thời gian hoàn thành để kiểm tra lại. Có nhiều lần tôi đã áp dụng vào công tác chủ nhiệm của mình thấy đạt kết quả rất khả quan. Quả thực tôi đã học được rất nhiều điều bổ ích từ cô.

Cô giáo Nguyễn Thị Liên (ngoài cùng bên phải) làm giám khảo trong Hội thi “Trang trí lớp học” Ảnh: Trung Kiên (GV trường TH Số 2).

Đối với các em học sinh nói chung và một số em học sinh cá biệt nói riêng cô không bao giờ la mắng hay trách phạt nhưng em nào cũng rất gần gũi và đều tự nhận lỗi với cô một cách tự giác – nếu có lỡ mắc lỗi. Lúc mới về nhận công tác (đầu năm học 2012-2013), tôi không biết cô làm thế nào mà hễ học sinh nhặt được của rơi đều trả lại ngay trước buổi chào cờ đầu tuần. Hỏi ra mới biết cô đã tuyên dương rất kịp thời đối với những gương tốt trong trường nên học sinh cứ thế mà đua nhau làm việc tốt. Thông qua giáo viên chủ nhiệm lớp cô nắm bắt tình hình học tập và rèn luyện của mỗi lớp nên cứ hàng tháng cô lại viết thư gửi vào hộp thư của lớp để tuyên dương học sinh chăm ngoan học giỏi và nhắc nhỡ những em chưa ngoan. Cứ như thế mỗi lần sinh hoạt lớp khi nghe thư cô hiệu trưởng em nào cũng im lặng nghe xem mình được khen hay còn phải nhắc nhỡ đây… Ngoài ra cô còn kiểm tra và nhận xét vở của học sinh 3 lần trên năm để tìm thêm minh chứng khi đánh giá kết quả giáo dục của các lớp… Có thể nói rằng rất ít người cán bộ quản lí mà tôi đã biết lại tận tâm, tận lực và có trách nhiệm đến thế.

Trong công việc là thế, còn trong cuộc sống đời thường, cô xem chúng tôi như những người chị, người em trong một gia đình. Thân thiện, cởi mở chia sẻ cùng chị em việc xây dựng hạnh phúc gia đình, cách đối nhân, xử thế. Cô thường nói với chúng tôi “Làm nghề giáo là chấp nhận sự vất vả, khó nhọc, nghề giáo được xã hội tôn vinh, kính trọng vì vậy mỗi người cần tự làm giàu vốn sống, vốn hiểu biết để xứng đáng với nghề nghiệp mình chọn, tuy nhiên phải sắp xếp thật tốt để hài hòa giữa việc trường và việc nhà”. Bởi vậy, chúng tôi xem chị không chỉ là một hiệu trưởng là người cán bộ quản lý mẫu mực của nhà trường mà hơn thế nữa chị còn là người bạn gần gũi thấu hiểu tâm tư tình cảm, sẵn sàng sẻ chia, yêu thương giúp đỡ chúng tôi.

Bước vào năm học mới học sinh tươi cười hớn hở vì  được gặp bạn bè và thầy cô sau bao ngày nghỉ hè nhưng thấm trên gương mặt cô là nỗi lo toan về cơ sở vật chất, điều kiện học tập, sinh hoạt cho học sinh: để rồi lại tất bật với bàn, ghế, bảng lớp, bán trú…cho các em có  được những điều kiện tốt nhất để học tập và rèn luyện  đạt kết quả cao. Vì nguồn kinh phí hoạt động của nhà trường còn nhiều hạn hẹp, cô tranh thủ liên lạc với ban đại diện cha mẹ học sinh, các trường bạn nhờ sự hỗ trợ, đóng góp từ nguồn xã hội hóa để tu sửa và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất. Nhờ sự nỗ lực hết mình của cô nhà trường đã khang trang, sạch sẽ và nụ cười luôn nở trên môi cô mỗi khi nhìn thấy “đàn em thân yêu” được sống và học tập trong môi trường lành mạnh.

Trong thời gian này cô lại đang cùng tập thể sư phạm nhà trường tham mưu đề xuất với cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đầu tư mua thêm cây xanh để tạo cảnh quang ngày càng xanh-sạch-đẹp… hội tụ đủ tiêu chí để nhà trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 vào thời gian tới.

Thật may mắn cho chúng tôi, những giáo viên được sống, học tập và làm việc trong tập thể trường Tiểu học số 2 và đặc biệt may mắn hơn khi tất cả chúng tôi được dẫn dắt bởi một hiệu trưởng tận tâm, nhiệt huyết với tình yêu không giới hạn cho sự nghiệp trồng người.

ĐTTN (GV trường TH Số 2).

Mời các bạn xem tiếp bài viết khác của giáo viên trong thời gian may mắn được công tác cùng cô giáo Nguyễn Thị Liên. 

Một lãnh đạo giỏi, một người chị hiền

Tôi vừa về trường nhận công tác chưa được bao lâu, nhưng qua đồng nghiệp, qua phụ huynh tôi được biết về chị. Công việc tuy bận rộn, nhưng để đón chào ngày nhà giáo Việt Nam tôi chắp bút viết về chị như một tri ân đối với một người đồng nghiệp, người chị cả trong tập thể sư phạm nhà trường.

Cô giáo Nguyễn Thị Liên, sinh ngày 11 tháng 02 năm 1973. Quê ở thị xã Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh. Năm 1996 cô từ biệt quê hương thân yêu, bước chân vào mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió, đem cái chữ đến cho đàn em yêu thương tại Huyện Ngọc Hồi – Tỉnh Kon Tum.

Khi ấy nơi đây nói chung và đời sống của cô còn nhiều vất vả, sáng daỵ học, chiều hái măng rừng để cải thiện bữa ăn, bữa thì theo bà con dân bản lên rẫy hái rau…Cuộc sống của cô gặp không ít khó khăn nhưng cô đã cố gắng rất nhiều tất cả vì các em học sinh thân yêu. Cô được rất nhiều học sinh, phụ huynh yêu mến và kính trọng. Chính những điều đó đã làm động lực giúp cô vươn lên, nhiều năm liền cô luôn là giáo viên giỏi cấp huyện, tỉnh, được nhận rất nhiều bằng khen, giấy khen của cấp trên trao tặng.

Cô giáo Nguyễn Thị Liên khi đang là hiệu trưởng Trường TH Bế Văn Đàn (Ngọc Hồi).

Trải qua nhiều năm công tác, năm… được nhân dân, học sinh, phụ huynh và các cơ quan đoàn thẻ công nhận, bầu cô giữ chức vụ Hiệu Trưởng, kiêm Bí Thư chi bộ nhà trường, Trường Tiểu Học Bế Văn Đàn – Xã Bờ Y- Huyện Ngọc Hồi – Tỉnh Kon Tum.

Là một lãnh đạo, cô luôn nghiêm túc trong tác phong, nghiêm khắc trong công việc, luôn là người đi đầu trong các hoạt động của nhà trường, của ngành tổ chức, làm việc khoa học và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đối với đồng nghiệp cô lúc nào cũng hoà đồng, với năng lực chuyên môn được cô đúc kết qua nhiều năm, cô luôn chia sẻ, giúp đỡ và tậnn tình chỉ bảo nên nhiều giáo viên học tập được ở cô những phương pháp, kĩ năng vận dụng vào dạy học mang lại hiệu quả cao. Cô luôn được đồng nghiệp quý mến, kính trọng và nể phục.

Trước học sinh cô luôn là cô giáo, cô hiệu trưởng, người mẹ hiền giữa hàng trăm đứa con. Em nào chưa ngoan cô dạy bảo nhẹ nhàng nhưng lại thấu tình đạt lí. Cô hướng dẫn các em từng li từng tí, từ việc ăn mặc, vệ sinh cá nhân, nói năng, học hành… Cô luôn được học sinh gọi với hai từ thân thương “mẹ Liên”.

Trong cuộc sống đời thường cô lại chính là người cô, người chị, người em của tất cả anh chị em trong nhà trường.

Cô luôn quan tâm đến hoàn cảnh của từng giáo viên, nhân viên trong trường, động viên giúp đỡ kịp thời, đồng nghiệp ốm đau cô chăm sóc nhiệt tình như người trong gia đình. Khi có những điều cần chia sẻ các anh, chị em đều tâm sự cùng cô, cô lúc nào cũng có những lời khuyên nhủ, góp ý bổ ích, luôn đưa ra ý kiến hay, hợp tình hợp lí, giúp cho không ít anh chị em tháo gỡ tốt mọi công việc.

Trong gia đình chị là một người mẹ hiền của hai đứa con ngoan ngoãn, học giỏi, một người vợ hiền, đảm đang, một người con dâu hiếu thảo hết mực lo toan mọi việc trong gia đình.

Dù bận nhiều việc lớp, việc trường nhưng cô luôn sắp xếp thời gian để chăm lo cho gia đình. Nhiều năm liền gia đình cô luôn đạt danh hiệu Gia đình văn hoá, được chính quyền địa phương trao tặng giấy khen.

Cô giáo Nguyễn Thị Liên chính là một đoàn viên nữ, một tấm gương giỏi việc nước, đảm việc nhà xứng đáng là tấm gương tốt cho các đồng nghiệp nữ của nhà trường học tập, noi theo.

Bài và ảnh: XPH (Trường TH Bế Văn Đàn)