Hội thi “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”

Lượt xem:

Đọc bài viết

Tiếp tục triển khai và thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, tạo mọi điều kiện cho trẻ được tăng cường tham gia các hoạt động trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu môi trường giáo dục bên trong và bên ngoài lớp nhằm phát triển toàn diện về thể chất, ngôn ngữ, tình cảm và thẩm mỹ cho trẻ mầm non. Vừa qua Trường Mầm non Họa Mi đã tổ chức Hội thi “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”.

Nội dung trọng tâm của cuộc thi là xây dựng môi trường vật chất, môi trường xã hội trong và ngoài lớp học theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; Thực hiện việc khai thác, sử dụng có hiệu quả môi trường trong việc tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục mầm non. Hội thi nhận được sự tham gia tích cực của 15/15 lớp, nhóm lớp trong toàn trường.

Kết thúc hội thi, ban tổ chức đã trao giải xuất sắc cho 05 lớp đạt điểm cao nhất của hội thi, đồng thời nhân rộng mô hình mẫu cho các lớp khác học tập áp dụng.

Hội thi thực sự là dịp giúp giáo viên nâng cao kiến thức, kĩ năng làm đồ dùng, đồ chơi, trang trí lớp, xây dựng môi trường lớp học đẹp, thân thiện đảm bảo cho các hoạt động của cô và trẻ trên lớp theo chủ đề, thu hút trẻ đến trường lớp và đây cũng là một trong những biện pháp để duy trì sĩ số đạt hiệu quả. Qua hội thi nhằm phát hiện ra nhiều cá nhân điển hình trong việc làm đồ dùng, đồ chơi, trang trí lớp, tạo môi trường thân thiện cho cô và trẻ cùng tham gia các hoạt động ở trường lớp, để trao đổi kinh nghiệm, phát huy tối đa mọi tiềm năng trong việc làm đồ dùng, đồ chơi tạo môi trường hoạt động tích cực cho trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và hưởng ứng phong trào thi đưa “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Việc thiết kế môi trường giáo dục dựa vào nhu cầu, hứng thú, khả năng của trẻ, cô và trẻ cùng xây dựng, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ, phối hợp của phụ huynh trong việc chuẩn bị nguyên liệu, học liệu đa dạng, phong phú phục vụ cho các hoạt động vui chơi học tập của trẻ.

Một số hình ảnh:

Sau đây là một số nội dung cụ thể của Hội thi “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” cấp trường năm học 2017-2018 của Trường MN Họa Mi để các đơn vị trường mầm non tham khảo:

I. Địa điểm – Đối tượng dự thi

– Tại các lớp học ở điểm trung tâm và các điểm lẻ.

– Tất cả các giáo viên đang công tác tại tr­ường mầm non Họa Mi.

II. Nội dung cụ thể (tổng điểm dự thi: 100 điểm)

1. Môi trường vật chất (60 điểm)

1.1. Môi trường giáo dục bên ngoài lớp học (30 điểm)

a. Đối với điểm trường chính

+ Có tường rào, biển tên trường, cổng trường sạch, đẹp, có nội dung tuyên truyền về chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. (5 điểm)

+ Có các trang thiết bị đảm bảo an toàn trong chăm sóc và giáo dục trẻ như: phòng y tế với đầy đủ trang thiết bị; hệ thống điện an toàn; thiết bị phòng chống cháy nổ (5điểm)

+ Sân chơi có ít nhất 5 loại đồ chơi ngoài trời (tự tạo hoặc được cấp), ít nhất có 03 góc chơi ngoài trời như:  góc vận động; góc bán hàng;  góc chơi với cát, sỏi, nước; góc thư viện, góc âm nhạc, vườn cổ tích… sắp xếp phù hợp, đảm bảo thuận tiện cho trẻ hoạt động. Tận dụng tối đa không gian ngoài trời như mặt sân, gốc cây, bồn hoa … để tạo môi trường giáo dục cho trẻ hoạt động. (10 điểm)

+ Trường học Xanh – Sạch – Đẹp (Có cây xanh bóng mát, có vườn rau của bé hoặc vườn cây thuốc nam, …) (5 điểm).

+ Có nguồn nước sạch và hệ thống thoát nước, công trình vệ sinh đủ và đạt yêu cầu. (5 điểm).

b. Đối với điểm trường lẻ

+ Có tường rào, biển tên trường (sử dụng hàng rào bằng các nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương, lưới B40, kẽm gai, hàng rào le… ) (5 điểm)

+ Sân chơi có cây xanh, bóng mát, có góc thiên nhiên đảm bảo xanh, sạch, đẹp, an toàn cho trẻ chơi và có ít nhất 01 thiết bị vận động được cấp hoặc tự tạo. (12 điểm)

+ Có công trình vệ sinh đủ và đạt yêu cầu. (5 điểm)+ Có nguồn nước sạch đủ cho trẻ dùng (3 điểm)

+ Các thiết bị đồ chơi được kiểm tra tu sửa và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ trong quá trình tham gia vui chơi và học tập (5 điểm)

1.2. Môi trường giáo dục bên trong lớp học (dành cho điểm trường chính và điểm trường lẻ) (30 điểm)

+ Phòng học được xây kiên cố hoặc bán kiên cố, đảm bảo diện tích theo quy định. Phòng học đảm bảo an toàn, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, đủ ánh sáng (2 điểm)

+ Có tủ thuốc y tế với đầy đủ các trang thiết bị sơ cứu ban đầu (2 điểm)

+ Thiết kế, phân chia các khu vực vui chơi phù hợp với điều kiện thực tế của lớp, đảm bảo hoạt động cần yên tĩnh cách xa các hoạt động ồn ào, góc sách truyện được bố trí nơi có nhiều ánh sáng, khu vực chơi mang tính mở, có nhiều đồ dùng, đồ chơi được sắp xếp gọn gàng, thuận tiện đặc biệt là những đồ chơi phát huy tối đa các giác quan của trẻ, có nhiều nguyên vật liệu mở giúp trẻ thể hiện khả năng sáng tạo trong quá trình học và chơi (đồ dùng, đồ chơi tự làm, được trang bị…)  (10 điểm)

+ Có góc tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non phù hợp với điều kiện của lớp và đối tượng học sinh. Sử dụng chữ viết to, rõ ràng đối với các lớp 5 tuổi ưu tiên môi trường chữ số và chữ cái. Đối với các lớp học vùng dân tộc thiểu số ưu tiên  có không gian thể hiện nét văn hóa riêng của địa phương. (3 điểm)

+ Trang trí lớp học đẹp, thoáng, sáng tạo, dễ dàng thay đổi linh hoạt giữa các chủ đề, nguyên vật liệu trang trí đa dạng. Tên góc được sử dụng mẫu chữ hiện hành, khuyến khích sử dụng song ngữ trong việc bố trí tên góc. (7 điểm)+ Sử dụng sản phẩm của trẻ để trang trí lớp học phù hợp và nổi bật theo chủ đề (3 điểm)

+ Có góc thiên nhiên đa dạng phong phú, phục vụ cho trẻ học tập và vui chơi. (3 điểm)

2. Môi trường xã hội (15 điểm)

–  Giáo viên và học sinh có trang phục đẹp, gon gàng, phù hợp, có hành vi, lời nói, cử chỉ chuẩn mực. (5 điểm)

– Học sinh ngoan, sạch sẽ, mạnh dạn, tự tin trong các hoạt động, thể hiện tốt nội dung giáo dục lễ giáo tốt. (5 điểm)

– Giáo viên giao tiếp với trẻ thân thiện, đối xử công bằng với trẻ, khi trò chuyên luôn hướng ngang tầm mắt của trẻ, quan tâm và giải đáp mọi thắc mắc của học sinh. (5 điểm)

3. Khai thác và sử dụng môi trường giáo dục (25 điểm)

– Giáo viên cho trẻ chơi khai thác và sử dụng môi trường giáo dục bên ngoài lớp học. (5 điểm)

– Học sinh mạnh dạn, tự tin, có kỹ năng tốt trong vui chơi và học tập tại các góc chơi được phân công. Hàng tuần có sự thay đổi linh hoạt giữa các góc chơi. (15 điểm)

– Giáo viên quan sát và hướng dẫn trẻ học và chơi đúng nội dung, đảm bảo an toàn cho trẻ. Chú ý quan tâm và hỗ trợ phù hợp đối với trẻ gặp khó khăn trong các hoạt động. (5 điểm)

II. Điều kiện để công nhận

1. Lớp học ở điểm trường chính được công nhận theo các giải cụ thể như sau:
+ Giải xuất sắc: có tổng số điểm từ 98 đến 100 điểm.
+ Giải Nhất: có tổng số điểm từ 96 đến dưới 98 điểm.
+ Giải nhì: có tổng số điểm từ 94 đến dưới 96 điểm.
+ Giải ba: có tổng số điểm từ 92 đến dưới 94 điểm.
+ Giải khuyến khích: có tổng số điểm từ 90 dưới 92 điểm.
+ Chưa đạt: có tổng điểm dưới 90 điểm.
2. Lớp học ở điểm lẻ được công nhận theo các giải cụ thể như sau:
+ Giải Xuất sắc: có tổng số điểm từ 97 đến 100 điểm.
+ Giải Nhất: có tổng số điểm từ 95 đến dưới 97 điểm.
+ Giải nhì: có tổng số điểm từ 93 đến dưới 95 điểm.
+ Giải ba: có tổng số điểm từ 90 đến dưới 93 điểm.
+ Giải khuyến khích: có tổng điểm từ 88 đến dưới 90 điểm
+ Chưa đạt: có tổng số điểm dưới 88 điểm.

Phòng GDĐT Ngọc Hồi.