Đôi điều về dạy học phân hóa đối tượng ở tiểu học
Lượt xem:
Giáo dục tiểu học được xem là bậc học nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng cơ bản để tiếp tục học các bậc cao hơn. Nền tảng nhân cách, kĩ năng sống, kĩ năng học tập cơ bản (nghe, nói, đọc, viết và tính toán) của học sinh được hình thành ở tiểu học và được sử dụng trong suốt cuộc đời của mỗi con người. Học sinh tiểu học được dạy từ những thói quen nhỏ nhất như cách cầm bút, tư thế ngồi viết, cách thưa gửi, đi đứng, ăn mặc cho đến các kĩ năng tự phục vụ, kĩ năng giao tiếp, các kĩ năng học tập và khả năng tự học, sáng tạo. Như vậy, giáo dục tiểu học (GDTH) có giá trị cơ bản, lâu dài, có tính quyết định. Vì thế, làm tốt GDTH là đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.
Quá trình dạy học gồm hai hoạt động có quan hệ hữu cơ: hoạt động dạy của giáo viên (GV) và hoạt động học của học sinh (HS). Cả hai hoạt động này đều được tiến hành nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục. Trong quá trình dạy học, cần dựa trên nhu cầu, hứng thú, thói quen và năng lực của người học. Chính vì vậy, việc dạy học theo nhóm đối tượng (phân hóa đối tượng HS) sẽ giúp cho tất cả HS đều tích cực học tập. Từ đó đạt được chuẩn kiến thức, kĩ năng của bài học, đồng thời phát triển năng lực học tập của từng HS.
Đặc thù của dạy học phân hóa là dạy sao cho vừa sức với đối tượng: Học sinh ở mức độ khá, giỏi thì dạy sao cho các em hứng thú, đam mê với việc học; Đối với học sinh trung bình thì tạo động lực để các em vươn lên; Với học sinh yếu, kém thì phải bù đắp được chỗ hổng về kiến thức để lĩnh hội được kiến thức cơ bản. Như vậy, dạy học phân hóa xuyên suốt và chi phối mọi phương pháp dạy học. Chẳng hạn khi giáo viên thực hiện phương pháp đọc sáng tạo ở trên lớp thì phải phân hóa cho được các đối tượng học sinh, để áp dụng từng biện pháp đọc – hiểu văn bản ở những mức độ khác nhau.
Dạy học phân hóa (DHPH) là cách thức dạy học có tính đến sự khác biệt của người học (cá nhân) hoặc nhóm người học. Ở tiểu học, DHPH thường được thể hiện ở việc lấy chuẩn kiến thức, kĩ năng làm nền cơ bản. Ngoài kế hoạch dạy học, thông thường phân hóa để có những kế hoạch dạy học phù hợp, đưa HS yếu kém đạt chuẩn và giúp các đối tượng đã đạt chuẩn hoặc khá, giỏi phát triển ở mức cao hơn. Quy trình thực hiện DHPH ở tiểu học thường diễn ra như sau: Đánh giá, phân loại trình độ, năng lực học tập của HS. Xây dựng kế hoạch, nội dung và lựa chọn hình thức, phương pháp dạy học cho phù hợp với từng nhóm đối tượng hoặc từng đối tượng đặc biệt. Tổ chức triển khai thực hiện. Kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh, hoàn thiện.
Trong thời gian vừa qua, nhờ DHPH, chúng tôi đã có những kết quả hết sức khả quan: Tất cả các đối tượng học sinh đều trở nên thích thú, say mê với mỗi nhiệm vụ được giao. HS khá, giỏi được nâng cao, mở rộng kiến thức. HS yếu được rèn luyện từ những bài tập vừa sức và dần dần làm chủ được những kiến thức cơ bản.
Ví dụ: Trong tiết học giao bài tập cho HS, cô giáo có thể thiết kế phiếu bài tập theo các mức độ học lực khác nhau thể hiện qua các phiếu màu khác nhau.
Dạy học phân hoá là một quan điểm dạy học tập trung vào việc thiết kế giảng dạy xuất phát từ tình hình thực tế của học sinh, dựa vào đặc điểm cá nhân, tâm lí, sinh lí, nhu cầu, động cơ, hứng thú, nguyện vọng, điều kiện hoàn cảnh… của các em mà tìm cách dạy cho phù hợp, giúp cho mọi học sinh đều có cơ hội phát triển toàn diện năng lực tiềm tàng của bản thân.
Việc dạy học phân hóa đối tượng HS sẽ làm cho tiết học không bị nhàm chán, HS không bị áp đặt theo khuôn mẫu định sẵn, tạo nhiều cơ hội cho HS sáng tạo và phát triển tư duy.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng dạy học thì việc dạy học phân hóa đối tượng học sinh trong phân môn Toán nói riêng, trong môn Tiếng Việt và các môn học khác nói chung là một việc làm hết sức cần thiết. Cùng với việc tích cực đổi mới phương pháp dạy học giáo viên cần tìm ra những biện pháp cải tiến mới nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Khi thực hiện các biện pháp trên, giáo viên cần lưu ý:
– Xác định đúng đối tượng, để phân loại sát thực tế.
– Linh hoạt, sáng tạo trong các hình thức chia nhóm.
– Bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng, trình độ học sinh của lớp mình để điều chỉnh tài liệu hướng dẫn học phù hợp cho từng đối tượng học sinh.
– Nắm vững các phương pháp dạy học, sử dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức dạy học phân hóa đối tượng HS. Nắm vững đặc điểm tâm sinh lý, nhận thức của từng đối tượng học sinh. Học sinh làm bài tập theo các mức độ
– Áp dụng đánh giá học sinh theo thông tư 30/2014 của Bộ GD&ĐT và Thông tư 22/2016 của Bộ GD&ĐT thường xuyên nhằm động viên, tuyên dương khích lệ học sinh một cách kịp thời đặc biệt là đối tượng học sinh chậm tiến.
Ở mỗi tiết dạy GV nghiên cứu nắm vững mục tiêu, nội dung và yêu cầu của từng nhiệm vụ trong bài học để lựa chọn các phương pháp dạy học cũng như các hình thức tổ chức, vận dụng vào từng tình huống cụ thể cho hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu của bài học. GV thực hiện cẩn thận và xem xét nhiều khía cạnh khác nhau của các bài tập trong tài liệu hướng dẫn học tập và lựa chọn nội dung bài tập nâng cao cho HS làm thêm.
Khi chuẩn bị bài phải dự kiến các câu hỏi, các tình huống và các yêu cầu ở từng mức độ khác nhau cho học sinh trong từng phần. Để áp dụng việc dạy phân hoá đòi hỏi mỗi GV phải nghiên cứu kĩ về kiến thức, kĩ năng của mỗi bài học để điều chỉnh tài liệu hướng dẫn học phù hợp với từng đối tượng HS trong lớp, trong từng bài học cụ thể.
Ví dụ: Giáo viên có thể gợi ý cho nhóm B như sau: Em đọc kĩ các từ đó và gạch dưới từ chỉ đức tính tốt để đưa vào nhóm đó cho hợp lý?
Giáo viên có thể gợi ý cho nhóm C như sau: Em đọc kĩ các từ đó đồng thời dùng từ điển tra nghĩa của mỗi từ. Khi đã hiểu về nghĩa của chúng thì em sẽ đưa từng từ chỉ đức tính tốt vào nhóm A, từ chỉ đức tính xấu vào nhóm B cho thích hợp ?
Yêu cầu những học sinh trong nhóm C, nếu chưa hiểu thì tìm kiếm sự hỗ trợ của GV hoặc các bạn trong nhóm A bằng cách giơ thẻ cứu trợ.
Đối với những bài có khối lượng kiến thức nhiều, một số học sinh làm không kịp thời gian trong tiết học thì GV có thể linh hoạt chuyển nội dung sang tiết tiếp theo.
Đối với những bài có khối lượng kiến thức ít hơn hoặc những bài có nội dung ôn tập, sau khi một số học sinh giỏi hoàn thành xong giáo viên có thể giao thêm một số bài tập nâng cao để mở rộng thêm kiến thức cho học sinh.
Việc dạy phân hóa đổi tượng cho học sinh cần được thể hiện đa dạng với nhiều hình thức: giao bài tập, đặt hệ thống câu hỏi, đánh giá nhận xét bạn hay thông qua các trò chơi học tập, các hoạt động trong cũng như ngoài giờ học.
Trong quá trình dạy học, không chỉ giáo viên phân hóa đối tượng học sinh mà học sinh trong nhóm, lớp cũng cần nắm được năng lực học tập của bạn để ra yêu cầu, nêu câu hỏi cho phù hợp với năng lực của từng bạn. Như thế việc dạy phân hóa mới diễn ra mọi lúc, trong tất cả các hoạt động của giờ học.
Tóm lại việc dạy học phân hóa đối tượng học sinh là một việc làm quan trọng để giúp HS tiếp thu và chiếm lĩnh kiến thức, để làm được điều này đòi hỏi người giáo viên phải tâm huyết và vận dụng hết sức linh hoạt, tuân thủ các yêu cầu trong quá trình phân hóa thì sẽ đạt được mục tiêu và nâng cao chất lượng học tập của học sinh./.
Nguyễn Thị Lệ Thủy – GV Trường TH Số 2 thị trấn Plei Kần.