Trường Tiểu học Đắk Ang nâng cao tỉ lệ chuyên cần, duy trì sĩ số học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Lượt xem:
Trường Tiểu học Đắk Ang đóng chân trên địa bàn xã Đắk Ang, nằm cách trung tâm thị trấn hơn 25 km, điều kiện kinh tế, xã hội và đời sống của người dân còn gặp khá nhiều khó khăn, gần 100% học sinh trong trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Nhận thức của một bộ phận người dân về việc học của con cái còn hạn chế. Chưa quan tâm nhiều đến việc học của con em. Còn giao hẳn việc học cho thầy cô, nhà trường.
Tiết mục văn nghệ của học sinh Trường TH Đắk Ang chào mừng kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam.
Đóng chân trên địa bàn như vậy. Nên ngoài việc dạy cho các em kiến thức, rèn luyện các kĩ năng thì một nhiệm vụ vô cùng quan trọng là duy trì được sĩ số học sinh và tỉ lệ chuyên cần, nhất là những thời điểm giao mùa. Bởi có duy trì được sĩ số và chuyên cần của học sinh thì mới có thể từng bước nâng cao được chất lượng dạy và học.
Tuy vậy, trong những năm học trước, việc duy trì sĩ số, duy trì tỉ lệ chuyên cần ở nhà trường thường gặp một số khó khăn sau:
Học sinh vắng học buổi chiều, nhất là những nhóm đối tượng học sinh nhà xa. Đi học buổi sáng, buổi trưa về bố mẹ đi làm xa, thiếu sự quan tâm, nhắc nhở của gia đình nên nhiều em trốn học.
Đến các dịp lễ (như Giáng Sinh), các thời điểm ngủ rẫy (khoảng tháng 12) và những thời điểm đầu mùa mưa nhiều em thường em thường theo bố mẹ đi ngủ rẫy, lên rẫy trông em cho bố mẹ làm rẫy. Thậm chí, có nhiều em bố mẹ đi làm rẫy đến cuối tuần mới về, ở nhà các em tự nương tựa, nấu nướng ăn qua bữa với rất nhiều thiếu thốn (ăn không đủ no, mặc không đủ ấm).
Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong những năm qua trường Tiểu học Đắk Ang đã có nhiều giải pháp thiết thực và đã mang lại những kết quả rất đáng khích lệ: năm học 2016 – 2017 nhà trường có 02 học sinh bỏ học; liên tục 2 năm học 2017 – 2018 và 2018-2019 nhà trường không có học sinh bỏ học. Tỉ lệ chuyên cần hàng tháng đạt trên 98%.
Có được kết quả như vậy là nhờ sự đồng lòng của đội ngũ giáo viên trong nhà trường và sự chỉ đạo sát sao của Ban giám hiệu (BGH). Sau đây là một số giải pháp mà nhà trường đã thực hiện trong thời gian qua nhằm “nâng cao tỉ lệ chuyên cần, duy trì sĩ số học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Thứ nhất: Phát huy vai trò tiền phong, tâm huyết, nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm của mỗi giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm. Đây là giải pháp có tính quyết định. Bởi chỉ có sư tận tâm, tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề của mỗi giáo viên, nhất là GVCN mới có thể giúp học sinh đi học chuyên cần, làm tốt công tác duy trì sĩ số. Ở trường, giáo viên thường đến thăm nhà học sinh có hoàn cảnh khó khăn vào giữa buổi, giờ ra chơi, những tiết của giáo viên phân môn. Còn những học sinh vắng học. Giáo viên thường đến nhà vận động, động viên, tìm hiểu nguyên nhân vào buổi chiều tối, hoặc vào buổi sáng sớm. Bởi lúc đó, phụ huynh mới có ở nhà. Có những học sinh theo bố mẹ đi ngủ rẫy, trông em cho bố mẹ làm rẫy xa thì giáo viên thường tới nhà vào những ngày cuối tuần.
Thứ hai: Cử giáo viên, đảng viên phụ trách thôn làng, tham gia chào cờ với địa phương. Ở địa phương chính quyền duy trì lịch chào cờ hàng tháng. Ở xã duy trì chào cờ vào ngày mùng 01 hàng tháng (nếu trúng thứ 7 hoặc chủ nhật thì chuyển sang thứ 2 tiếp theo) và ở các thôn làng duy trì vào ngày mùng 3 hàng tháng (nếu trúng thứ 7 hoặc chủ nhật thì chuyển sang thứ 2 tiếp theo). Ở đây, những đồng chí giáo viên được phân công phụ trách sẽ tham gia chào cờ với bà con. Lồng ghép trong chương trình buổi chào cờ, đại diện nhà trường sẽ đánh giá lại những kết quả nổi bật của việc học tập của các học sinh trong thôn (thông qua báo cáo từ giáo viên chủ nhiệm các lớp), nêu gương những học sinh tốt, có nhiều cố gắng, nổ lực trong học tập. Đồng thời, qua đây cũng nhắc nhở, động viên những gia đình có con em chưa chuyên cần, tìm hiểu nguyên nhân. Bên cạnh đó, cũng kịp thời thông báo đến phụ huynh những công việc nhà trường cần triển khai tới phụ huynh (các chế độ chính sách…). Đồng thời, tiếp thu và giải đáp những ý kiến của phụ huynh (nếu có thể). Sau đó, sẽ về và báo cáo lại với Ban giám hiệu và chi bộ nhà trường. Qua đây, nhà trường nắm được nguồn thông tin hai chiều để kịp thời giải quyết tâm tư nguyện vọng của phụ huynh.
Thứ ba: Nâng cao hiệu quả Ban vận động học sinh và xây dựng mô hình bán trú dân nuôi. Để kịp thời vận động những học sinh vắng học. Nhà trường thông qua Hội nghị Ban đại diện cha mẹ học sinh đầu năm, thành lập Ban vận động học sinh. Thành viên là Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên là cụm trưởng, đại diện hội cha mẹ học sinh của từng làng và đại diện ban ngành của từng thôn. Khi có tình trạng học sinh vắng học, giáo viên chủ nhiệm sẽ báo cáo lên cụm trưởng, cụm trưởng sẽ cùng giáo viên chủ nhiệm, phối hợp với đại diện CMHS và đại diện chính quyền thôn làng đến từng nhà tìm hiểu nguyên nhân. Nếu những trường hợp vận động nhiều lần nhưng vẫn không có kết quả. Giáo viên chủ nhiệm sẽ báo về BGH. Hàng tháng BGH sẽ báo cáo về Đảng ủy, ủy ban để chính quyền địa phương tổ chức cho Ban vận động của xã đi vận động.
Bên cạnh đó, nhiều học sinh của nhà trường được hưởng chế độ bán trú (Nghị định 116 của CP). Nên nhà trường đã mạnh dạn xin ý kiến của chính quyền địa phương, ý kiến của phụ huynh học sinh thực hiện chế độ bán trú dân nuôi. Rất nhiều học sinh của nhà trường được tổ chức ăn trưa và ngủ trưa tại trường. Điều này, đã giúp giảm tình trạng học sinh sáng đi, chiều nghỉ và cũng đã từng bước nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Thứ tư: Phối hợp, tìm kiếm và tổ chức các hoạt động thiện nguyện. Đây là giải pháp động viên, khích lệ những học sinh còn có nhiều khó khăn, nhất là những học sinh thuộc hộ nghèo. Thông qua những quà tặng như cặp sách, vở, áo ấm, quần áo cũ vào các dịp như đầu năm học, trung thu, các thời điểm tiết lạnh, giao mùa… tuy ít, nhỏ nhưng cũng là những món quà tinh thần to lớn thu hút các em đến trường, thấy bản thân được quan tâm, giúp đỡ.
Trong những năm qua, nhờ thực hiện tốt, đồng bộ các giải pháp trên mà kết quả duy trì sĩ số, tỉ lệ chuyên cần của nhà trường luôn ở mức cao. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học ở trường.
Nguyễn Thanh Vũ (GV Trường TH Đắk Ang).