Tăng cường quản lý giáo dục đối với cấp trung học cơ sở
Lượt xem:
Ngày 24/02/2025, Phòng Giáo dục và Đào tạo ban hành Văn bản số số 111/PGD&ĐT về việc tăng cường quản lý giáo dục đối với cấp trung học cơ sở.
HS trường THCS thị trấn Plei Kần tham gia Cuộc thi KHKT cấp huyện năm học 2024-2025.
Theo đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Hiệu trưởng các trường THCS, TH-THCS, THCS trực thuộc phải kịp thời và thường xuyên tuyên truyền, cảnh giác về các thủ đoạn, nguy cơ của việc lôi kéo, dụ dỗ của các cá nhân, tổ chức nhằm đưa học sinh độ tuổi chưa thành niên đi lao động trái phép. Công tác tuyên truyền cần thực hiện bằng các áp phích truyền thông, các phóng sự đã được cơ quan chức năng và truyền thông đưa tin. Phổ biến rộng rãi đến cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh cụ thể quy định về sử dụng lao động chưa thành niên của Bộ luật Lao động năm 2019.
Đồng thời Phòng cũng yêu cầu các nhà trường tăng cường công tác quản lý và giáo dục học sinh trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá điện tử, phòng chống ma túy trong nhà trường. Chủ động nắm bắt các nguy cơ và chủ động phối hợp với đơn vị chức năng, gia đình xử lý hiệu quả và kịp thời các vấn đề có liên quan. Thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình chuyên cần, thông tin về học sinh lơ là trong học tập, có nguy cơ bỏ học. Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và các tổ, ban trong nhà trường nêu cao trách nhiệm nắm bắt tình hình học sinh, kịp thời phát hiện, báo cáo cho nhà trường những dấu hiệu bất thường như: nghỉ học, bỏ học thường xuyên, có những biểu hiện lệch lạc trong suy nghĩ, vi phạm các nội quy, quy định của nhà trường, pháp luật Nhà nước. Phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, chính quyền địa phương và các tổ chức liên quan để xác minh thông tin, giáo dục, tư vấn, hỗ trợ học sinh quay lại trường học nếu có dấu hiệu bỏ học.
Phòng đề nghị các trường phát huy vai trò, hoạt động của Tổ tư vấn tâm lý học đường trong nhà trường; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, nhất là trí tuệ nhân tạo (trợ lý ảo) hoạt động 24/7 để tư vấn, hỗ trợ tâm lý thường xuyên, kịp thời cho học sinh khi gặp khó khăn; hướng dẫn kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp để giúp học sinh hiểu rõ tầm quan trọng của việc học tập, phòng tránh sự lôi kéo, dụ dỗ của các tổ chức cá nhân để bỏ học, đi làm nhưng thực chất là lao động bất hợp pháp và các hoạt động phi pháp như lạm dụng tình dục, lừa đảo, buôn bán người, …. Tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, đoàn thể, tạo môi trường học tập hấp dẫn, hạn chế tối đa tình trạng học sinh bỏ học vì thiếu động lực.
Tăng cường triển khai các hoạt động đặc thù của các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, tổ chức các mô hình, hoạt động thiết thực, ý nghĩa để lôi cuốn học sinh tham gia, trong đó chú trọng đến tư vấn nghề nghiệp, các kỹ năng, mô hình học tập gắn với thực tiễn sản xuất tại địa phương, bình đẳng giới, tuyên truyền, giáo dục về chống tảo hôn, kết hôn cận huyết,…
Nhà trường phải có quy trình, phương án xử lý, giáo dục đối với học sinh vi phạm nội quy, vi phạm pháp luật, học sinh có nguy cơ bỏ học; báo cáo kịp thời về Phòng Giáo dục và Đào tạo. Trong trường hợp học sinh rời khỏi địa phương mà chưa có sự đồng ý của gia đình, cần báo cáo ngay cho chính quyền địa phương để có hướng xử lý phù hợp. Tổng hợp báo cáo định kỳ về tình trạng học sinh bỏ học cho cấp quản lý để theo dõi, chỉ đạo kịp thời.
Phòng GDĐT Ngọc Hồi.