Đổi mới công tác đánh giá, phân loại viên chức góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ ở trường THCS

Lượt xem:

Đọc bài viết

Đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức là khâu khó nhất trong công tác cán bộ, vì chủ thể và đối tượng được đánh giá là con người. Đánh giá không đúng, không chính xác có thể dẫn đến sử dụng cán bộ, công chức, viên chức một cách tùy tiện, làm mất đi động lực phấn đấu của từng cá nhân, thậm chí làm xáo trộn tâm lý, gây nghi kỵ, mất đoàn kết, trì trệ công việc.

Một buổi sinh hoạt ngoại khoá của thầy và trò trường THCS Bờ Y. Ảnh: Quang Minh

Năm học qua, công tác đánh giá, phân loại viên chức ở trường THCS Bờ Y đã có những đổi mới về nhận thức, phương pháp và cách làm. Chúng tôi xin chia sẻ một số việc làm trong công tác đánh giá, phân loại viên chức ở Trường THCS Bờ Y.

Căn cứ để đánh giá

Nhà trường đã căn cứ: Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015của  Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức; Công văn số 2592/UBND-TH ngày 30/10/2015 của UBND tỉnh Kon Tum ban hành về triển khai đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức; Hướng dẫn số 2028/HD-SNV ngày 06/11/2015 của Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum Hướng dẫn về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ; Thông tư 30/2009/TT-BGDĐT ngày 22/10/2009 của Bộ giáo dục và đạo tạo về đánh giá giáo viên theo “Chuẩn nghề nghiệp”, Thông tư 35/2015/TT-BGDĐT ngày 31/12/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Hướng dẫn 763/HD-UBND ngày 29/9/2015 của UBND huyện Ngọc Hồi…

Đánh giá, xếp loại viên chức được dựa vào tiêu chuẩn viên chức (tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể); vị trí việc làm; yêu cầu và trách nhiệm tổ chuyên môn phân công rõ ràng; sản phẩm công tác cụ thể của mỗi một vị trí việc làm trong thời gian đánh giá (tháng, học kỳ và cả năm); hiệu quả về giáo dục – đào tạo, về đoàn kết nội bộ, mức độ tín nhiệm của đồng nghiệp, học sinh và cha mẹ học sinh; môi trường và điều kiện công tác, căn cứ vào trách nhiệm liên đới, đồng thời xem xét tổng thể các mối quan hệ nhà trường, gia đình và xã hội…

Việc đánh giá viên chức thực hiện thông qua phiếu đánh giá và mức đánh giá như sau

Thang đánh giá theo các mức: A, B, C, D (tương ứng: Tốt, Khá, Trung bình và Yếu). Cụ thể (phiếu tóm tắt) như sau:

Tên viên chức và chức vụ, nhiệm vụ được giao (vị trí việc làm) Đánh giá của Phó hiệu trưởng: Về hiệu quả các hoạt động chuyên môn, đạo đức, năng lực nghề nghiệp… (hồ sơ đánh giá theo học kỳ). A, B, C, D Hệ số 2
Đánh giá của TPT Đội: Về công tác Đội TNTP, hoạt động NGLL…(hồ sơ đánh giá theo tháng, kỳ và cả năm). A, B, C, D Hệ số 1
Đánh giá BCH Công đoàn: Về hoạt động phong trào, sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ, tinh thần đoàn kết…(hồ sơ theo học kỳ). A, B, C, D Hệ số 1
Đánh giá của Tổ chuyên môn: Đánh giá, xếp loại của tổ (hồ sơ đánh giá từng tháng, học kỳ và cả năm). A, B, C, D Hệ số 1
Đánh giá của Trưởng ban lao động: Về công tác lao động, bảo vệ CSVC, cảnh quan… (Hồ sơ theo tháng, học kỳ và cả năm). A, B, C, D Hệ số 1
Đánh giá của bộ phận tài chính: Công tác phối hợp thu, quản lý, chi trả… (theo học kỳ và cả năm). A, B, C, D Hệ số 1
Đánh giá của bộ phận phổ cập giáo dục: Về công tác duy trì sĩ số, trang bị học tập, góc học tập… (theo tháng, học kỳ và cả năm). A, B, C, D Hệ số 1
Đánh giá của Tổ Văn phòng: Về chế độ báo cáo, cập nhập điểm, sổ đầu bài, ngày giờ công…(theo tháng, học kỳ và cả năm). A, B, C, D Hệ số 1
Xếp loại của Hiệu trưởng: Tham khảo đánh giá của các tổ, bộ phận, Hội Cha Mẹ học sinh để quyết định xếp loại viên chức. Theo 4 mức

Từng nội dung trên các tổ trưởng chuyên môn, trưởng các ban giáo dục, tổ chức đảng, đoàn thể… đánh giá trên cơ sở hồ sơ theo dõi hàng tháng, học kỳ và cả năm học; đồng thời trực tiếp báo cáo trước cuộc họp liên tịch, trả lời chất vấn, phản biện của Ban giám hiệu và trưởng các bộ phận khác về nội dung đánh giá từng viên chức.

Xếp loại

Thang xếp loại được quy đổi ra điểm số và xếp loại như sau:

Thang đánh giá theo các mức A, B, C và D: Được quy ra điểm như sau: A = 4,0 điểm; B = 3,0; điểm; C = 2,0 điểm và D = 1,0 điểm, cụ thể:

+ Viên chức có số điểm trung bình cộng từ 3,5 đến 4,0 điểm thì xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng thời phải đáp ứng yêu cầu được quy định tại Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27/7/2017 về tiêu chí công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến kinh nghiệm được cấp có thẩm quyền công nhận và áp dụng.

+ Viên chức có số điểm trung bình cộng từ 2,5 đến dưới 3,5 điểm thì xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ở mức này nếu vượt quá 75 % tổng số cán bộ, viên chức nhà trường thì lấy theo thứ tự từ cao xuống cho đủ 75% tổng số cán bộ, viên chức được đánh giá, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.

+ Viên chức có số điểm trung bình cộng từ 2,0 đến dưới 2,5 thì xếp loại hoàn thành nhiệm vụ (kể cả viên chức trên 2,5 điểm nhưng bị khống chế 75% số lao động trong toàn đơn vị ).

+ Viên chức có số điểm trung bình cộng dưới 2,0 điểm thì xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.

Lưu ý:

Một số vị trí việc làm của viên chức không phân công nhiệm vụ thì không đánh giá, xếp loại ở tiêu chí đó.

Số lượng cán bộ, viên chức trong đơn vị ở 02 mức xếp loại: Hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ là ¼ trên tổng số cán bộ, viên chức của nhà trường.

Kết quả

Nhà trường đã thực hiện tốt công tác đánh giá, phân loại  viên chức; đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, khách quan, toàn diện, lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo chính.

Đại đa số viên chức hài lòng với kết quả đánh giá, xếp loại của nhà trường.

Kết quả đánh giá, xếp loại viên chức là căn cứ để xếp loại danh hiệu thi đua khen thưởng hàng năm; đồng thời là căn cứ đánh giá giáo viên theo “Chuẩn nghề nghiệp” quy định tại Thông tư 30/2009/TT-BGDĐT ngày 22/10/2009 của Bộ giáo dục và đạo tạo.

Làm thay đổi nhận thức và kích thích được sự nỗ lực, phấn đấu của từng viên chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Mặt khác, kết quả đánh giá, xếp loại viên chức cũng là căn cứ để xếp loại đảng viên, đề xuất đi học, nâng hạng nghề nghiệp, xét tặng kỷ niệm chương, thực hiện chính sách,… đối với viên chức.

Bài học kinh nghiệm

Việc triển khai đánh giá, xếp loại viên chức phải đảm bảo đầy đủ, đúng mục đích, yêu cầu khi đánh giá. Đó là:

+ Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu ở các tổ, ban giáo dục trong quản lý, đánh giá , xếp loại viên chức; qua đánh giá, xếp loại làm rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của từng viên chức.

+ Đánh giá viên chức phải thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đảm bảo các kết luận đánh giá viên chức khách quan, chính xác, công bằng. Bản thân viên chức được trình bày ý kiến của mình về kết luận đánh giá, xếp loại.

Phải lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo phẩm chất và năng lực của viên chức, lấy nhu cầu nhiệm vụ làm căn cứ để bố trí viên chức phù hợp từng vị trí việc làm.

Đánh giá viên chức phải có phương pháp (phân tích định lượng, đánh giá theo kết quả và lưu trữ). Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể (ngoài Hiệu trưởng còn có phó hiệu trưởng, các ban giáo dục, tổ chuyên môn, bộ phận chuyên trách, tổ chức đảng, đoàn thể, thanh tra nhân dân, hội cha mẹ học sinh…) trong việc đánh giá, xếp loại viên chức.

Hoàn thiện hệ thống các tiêu chí đánh giá, xếp loại viên chức phù hợp với yêu cầu thực tiễn của nhà trường. Các tiêu chí khi xây dựng càng cụ thể, rõ tràng, chi tiết thì càng giúp cho việc đánh giá viên chức đạt hiệu quả. Có thể bao gồm: số lượng công việc mà viên chức thực hiện; số lượng công việc hoàn thành; số lượng công việc hoàn thành có chất lượng, đúng tiến độ; khả năng nắm vững kiến thức, năng động, sáng tạo, tiết kiệm… làm lợi cho nhà trường như thế nào ? Tinh thần thái độ phục vụ, duy trì mối quan hệ với đồng nghiệp, phụ huynh học sinh, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, xử thế với mọi người hài hòa, thân thiện, hợp tác.

Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về phương pháp, cách thức đánh giá mới này. Mục đích làm cho viên chức nhận thức được trách nhiệm của cá nhân và các tổ chức, tổ, bộ phận trong nhà trường để tham gia một cách tích cực, dân chủ vào quá trình đánh giá xếp loại, gồm cả đánh giá bản thân và đánh giá đồng nghiệp.

Trên đây là một số nội dung, phương pháp, cách thức đánh giá, xếp loại viên chức ở Trường THCS Bờ Y trong những năm qua. Kết quả đánh giá, xếp loại bước đầu đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên của trường. Chúng tôi mong muốn nhận được những trao đổi để không ngừng hoàn thiện và nâng cao hiệu quả đánh giá, xếp loại viên chức trong những năm tiếp theo.

Hồng Phương (HT Trường THCS Bờ Y).