10 sự kiện tiêu biểu của Ngành giáo dục Ngọc Hồi năm 2018
Lượt xem:
Năm 2018 đang dần đến những ngày cuối cùng, nhìn lại một năm hoạt động của ngành giáo dục huyện, Trang Thông tin điện tử Phòng giáo dục và Đào tạo tổng hợp 10 sự kiện, vấn đề nổi bật trong năm qua để phần nào thấy được sự quan tâm của các cấp, các ngành; sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội đối với giáo dục huyện nhà, đặc biệt là sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh trong việc thực hiện nhiệm vụ của Ngành.
1. Thêm 06 trường được công nhận đạt Chuẩn quốc gia
Tháng 5/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ký quyết định công nhận thêm 06 trường học của huyện Ngọc Hồi đạt chuẩn quốc gia, theo đó, có 03 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 là: Trường mầm non Hoa Hồng, Trường mầm non Bờ Y, Trường tiểu học Số 1 Thị trấn Plei Kần và 03 trường đạt chuẩn mức độ 1 gồm các trường Mầm non Đắk Dục, Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, THCS Đắk Nông. Thời hạn công nhận trường đạt chuẩn quốc gia là 5 năm. Theo kết quả này nâng số trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện lên 19 trường. Như vậy toàn ngành hiện có 10/14 trường Tiểu học, 05/10 trường Mầm non, 04/9 trường THCS được UBND Tỉnh công nhận trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 57,6% (19/33 trường); phấn đấu phấn đấu đến năm 2020 toàn ngành có trên 70% trường mầm non, trên 80% trường tiểu học, trên 70% trường THCS đạt chuẩn quốc gia ở cả hai mức độ.
2. Sơ kết 2 năm thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2016- 2020”
Sau 2 năm (2016/2018) thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” toàn cấp học đã chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện chuyên đề một cách nghiêm túc và đạt hiệu quả tốt từ cấp huyện đến tận các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN); Kết quả sau 2 năm thực hiện chuyên đề đã góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều trường mầm non, nhất là các trường mầm non vùng đặc biệt khó khăn trong việc đầu tư, cải tạo khuôn viên, xây dựng môi trường học tập và tăng cường đồ chơi ngoài trời, đồ dùng và môi trường học tập trong các lớp học, xóa nhiều điểm trường không có đồ chơi, sân chơi “trắng” như những năm trước; Đặc biệt trong năm qua, Ngành đã chỉ đạo bậc học mầm non tích cực hưởng ứng và tham gia Cuộc thi “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong các cơ sở giáo dục mầm non” cấp tỉnh năm học 2017-2018 (Cuộc thi diễn ra từ ngày 29/3 đến ngày 05/4/2018, dành cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường mầm non trên địa bàn tỉnh). Kết quả, huyện Ngọc Hồi vinh dự được Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum cử là một trong ba đại diện của tỉnh tham dự Cuộc thi “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong các cơ sở giáo dục mầm non” cấp toàn quốc năm học 2017-2018.
3. Ký kết thực hiện chương trình phối hợp “Đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập”
Trung tuần tháng 9/2018, tại Trường THCS Bờ Y, Phòng dục và Đào tạo đã phối hợp với Đồn biên phòng các xã Sa Loong, Đắk Xú, Dục Nông và Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y tổ chức Lễ ký kết chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ “Đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập” ở các xã biên giới huyện Ngọc Hồi giai đoạn 2018-2025. Mục tiêu của chương trình nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân đảm bảo 100% trẻ em trong độ tuổi được đi học; giảm tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng, nhất là học sinh ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã biên giới; tạo sự đồng thuận trong cán bộ và nhân dân về chủ trương, nội dung, ý nghĩa của phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học góp phần vào nâng cao dân trí, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng biên giới.
4. Phát động phong trào thi đua “Xây dựng Nhà vệ sinh thân thiện trong các trường học” giai đoạn 2018-2023
Bên cạnh công tác đầu tư CSVC cho các phòng học, phòng chức năng, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục trong mỗi nhà trường, thì công trình nhà vệ sinh trường học cũng là mối quan tâm hàng đầu của Ngành giáo dục huyện.
Ngay trước thềm năm học Phòng GDĐT đã có chỉ đạo các đơn vị trường học từ mầm non đến THCS tiến hành rà soát, đánh giá chất lượng toàn bộ hệ thống nhà vệ sinh của nhà trường, thống kê những nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn. Trên cơ sở đó Phòng đã đề xuất, tham mưu UBND huyện về kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà vệ sinh trong thời gian tới và lộ trình sửa chữa toàn bộ nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn để phấn đấu trong năm học tiếp theo có 100% nhà vệ sinh trong trường học, đạt chuẩn.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh trong việc sử dụng và bảo quản nhà vệ sinh công cộng, góp phần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; đồng thời làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực trong và ngoài nhà trường để xây dựng, tu sửa, nâng cấp và sử dụng nhà vệ sinh nhà trường phù hợp với điều kiện hiện có của từng đơn vị, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã phát động và triển khai phong trào “Xây dựng nhà vệ sinh thân thiện trong các trường học” giai đoạn 2018- 2023. Ngay sau khi phát động Phong trào đã có hiệu ứng tích cực, tạo sức lan tỏa trong toàn ngành và nhận được sự đồng thuận, nhất trí của các đơn vị trường học (đặc biệt là bậc học mầm non và tiểu học), đã có nhiều đơn vị đã nỗ lực sáng tạo tìm ra những biện pháp cải thiện, nâng cao chất lượng công trình vệ sinh của nhà trường.
5. Nâng cao cơ sở vật chất gắn liền với công tác quy hoạch mạng lưới trường học
Trong năm qua Ngành đã tích cực tham mưu UBND huyện xây mới 43 phòng học, 3 nhà đa năng và sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm nhiều trang thiết bị trong các cơ sở giáo dục với với tổng kinh phí trên 26 tỷ đồng.
Theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW, thực hiện chủ trương quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, năm 2018, Phòng GDĐT đã tham mưu UBND huyện thực hiện sáp nhập được 20 điểm trường ở các bậc học; trước đó đã thực hiện sáp nhập Trường PTDTBT THCS xã Đắk Ang với trường THCS Ngô Quyền (thành Trường PTDTBT THCS Ngô Quyền), sáp nhập Trường MN Họa Mi và Trường MN Sao Mai (thành trường MN Họa Mi). Hầu hết các trường/điểm trường sau khi sáp nhập đều tập trung được công tác quản lý, tạo điều kiện thuận lợi trong bố trí chuyên môn, tăng cường được các hoạt động trao đổi nghiệp vụ, dự giờ, thăm lớp…
6. Giáo dục Ngọc Hồi tiếp tục tạo ổn định vững chắc về chất lượng dạy học
Công tác giáo dục toàn diện, đặc biệt là giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh đã được các trường đặc biệt quan tâm. Chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững, chất lượng mũi nhọn tiếp tục được duy trì và nâng cao. Năm 2018, học sinh giỏi lớp 9 cấp Tỉnh có 29 HS đạt giải; 02 học sinh THCS đạt giải trong cuộc thi Olympic “Tài năng tiếng Anh” (OTE) cấp tỉnh; giải Nhất toàn đoàn trong Hội thi “Tuyên truyền, giới thiệu sách”cấp tỉnh và Giải Nhất Hội thi Cồng chiêng – Xoang học sinh tỉnh Kon Tum năm 2018; bên cạnh đó ngành giáo dục huyện cũng góp mặt trong một số hội thi cấp toàn quốc như: Thi Tìm hiểu kỹ năng kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho HS tiểu học; Thi “Chỉ huy Đội TNTP Hồ Chí Minh giỏi”; Tham gia Cuộc thi “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”…
7. Cải cách chế độ giao ban, hội họp; giảm tải hệ thống hồ sơ sổ sách trong các trường học
Đáp ứng yêu cầu của cải cách hành chính, trong năm qua, Phòng GDĐT đã giảm bớt số lượng, nâng cao chất lượng các cuộc họp trong hoạt động của cơ quan và của toàn Ngành. Thay vào đó Phòng GDĐT đã dành thời gian thích đáng và có chương trình kế hoạch cụ thể để thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên hoạt động của các đơn vị trường học trong việc thực hiện nhiệm vụ năm học, trực tiếp chỉ đạo xử lý tại chỗ những công việc phát sinh có liên quan thuộc thẩm quyền. Phòng GDĐT giao các bộ phận phụ trách chuyên môn cấp học tập chung tổ chức các cuộc họp như họp tham mưu, tư vấn; họp (hội nghị) chuyên môn; họp (hội nghị) tập huấn, triển khai… nhằm giải quyết các yêu cầu chuyên môn phục vụ công tác nâng cao chất lượng dạy và học.
10 sự kiện tiêu biểu năm 2016 của ngành giáo dục Ngọc Hồi
|
Trước thực trạng trong nhiều năm qua, ở một số nhà trường cán bộ quản lý, giáo viên đang phải sử dụng nhiều loại hồ sơ, sổ sách ngoài những quy định tại Điều lệ nhà trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT). Việc này làm mất nhiều công sức, gây ảnh hưởng đến thời gian giảng dạy, công tác và bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ quản lý, giáo viên. Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, Phòng GDĐT đã ban hành văn bản yêu cầu các nhà trường không sử dụng những loại hồ sơ, sổ sách ngoài quy định của Điều lệ hoặc Quy chế do Bộ GDĐT ban hành; có thể sử dụng kết hợp để giảm số lượng các loại hồ sơ, sổ sách ở mỗi trường; bên cạnh đó Phòng cũng yêu cầu các đơn vị trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường như sử dụng sổ điểm điện tử, phần mềm quản lý tổng hợp các số liệu, hồ sơ quản lý nhà trường…
8. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ
Thực hiện Quyết định số 1025/QĐ-UBND ngày 29/9/2011 của UBND tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2020, ngành giáo dục và đạo tạo đã triển khai việc dạy môn tiếng Anh tại 14/14 trường tiểu học với 3526 học sinh. Trong đó, có 05 trường dạy Tiếng Anh theo chương trình mới 4 tiết/tuần với 1229 học sinh; 09 trường dạy chương trình 2 tiết/tuần với 2297 học sinh ; triển khai thực hiện song song 2 chương trình hệ 7 năm hiện hành và hệ 10 năm theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đối với bậc Trung học cơ sở.
Hàng năm Ngành đều quan tâm cử giáo viên tham gia bồi dưỡng theo chuyên đề, theo chuẩn quy định của khung năng lực ngoại ngữ cho giáo viên dạy tiếng Anh ở cấp tiểu học, THCS, nhất là giáo viên đang giảng dạy chương trình tự chọn từ lớp 3. Chất lượng môn tiếng Anh có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp tiếng Anh của học sinh các cấp ngày càng được cải thiện, nâng cao.
9. Tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho học sinh
Nhằm góp phần củng cố những kiến thức đã học trên lớp và giúp học sinh hoàn thiện kỹ năng qua các hoạt động trải nghiệm, trong năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục yêu cầu các đơn vị trường học trực thuộc tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.
Theo đó, các trường mầm non, tiểu học, THCS đã phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thiết thực, bổ ích cho học sinh như: Hoạt động trải nghiệm “Cô và bé với chủ đề đề chú bộ đội”: Thăm doanh trại QĐND Việt Nam; Mời khách (bộ đội) đến lớp; Thi vẽ tranh… (Trường MN Hoạ Mi, MN Bình Minh, MN Sơn Ca, MN Đồ Rê Mí); Hoạt động trải nghiệm “Khám phá về nghề nông” (Trường MNTT Mỹ Hưng, MNTT Đồ Rê Mí); Hoạt động trải nghiệm “Bé tập bơi” (MN Bình Minh, MNTT Đồ Rê Mí); Hoạt động “Bé làm quen tiếng Anh, Nhảy Aerobic” (MN Hoa Hồng, MN Đồ Rê Mí) và một số hoạt động như: Tham quan trường tiểu học; Cha mẹ vui chơi cùng con; Mời phụ huynh vào lớp; Bé làm lính cứu hoả; Bé với nghề làm bánh; Bé tập làm tò he; Gói bánh chưng cùng bé…
Các cấp học phổ thông cũng tổ chức nhiều hoạt động với những hình thức, nội dung phong phú cho học sinh như: thành lập, tổ chức hoạt động các câu lạc bộ học tập, văn hoá, văn nghệ, TDTT, dân vũ học đường, học kỳ quân đội, bảo tồn Cồng chiêng – Xoang… trong các nhà trường và giảng dạy một số môn học theo hình thức trải nghiệm sáng tạo ngoài lớp học.
10. Tổ chức thành công giải cầu lông, giải bóng đá mi ni nam, nữ dành cho CBQL, GV, NV ngành giáo dục
Song song với công tác thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, phát triển giáo dục toàn diện theo tinh thần Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục huyện còn luôn quan tâm xây dựng và phát triển công tác giáo dục thể chất, phong trào thể dục thể thao trong trường học nhằm tạo điều kiện cho các cán bộ, giáo viên và ngươì lao động gặp gỡ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, qua đó góp phần xây dựng và thúc đẩy phong trào thể dục thể thao trong ngành giáo dục huyện ngày càng phát triển; trong năm qua, Ngành đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thi đấu thể thao vào những dịp kỷ niệm, những ngày lễ lớn của đất nước của địa phương tạo sân chơi lành mạnh cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tham gia… từ đó, góp phần cụ thể hóa cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Phòng GDĐT Ngọc Hồi.