Hiệu quả bước đầu của việc thực hiện Chuyên đề “Dạy học môn Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực”

Lượt xem:

Đọc bài viết

Nâng cao chất lượng giáo dục là một nhu cầu bức thiết của xã hội ngày nay đối với các nhà trường, là sự sống còn có tác động mạnh mẽ đến chất lượng đào tạo nguồn lực cho sự phát triển xã hội. Trong rất nhiều các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thì giải pháp đổi mới phương pháp dạy học được xem là khâu vô cùng quan trọng.

Chuyên đề “Dạy học môn Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực học sinh” với tiết dạy minh họa ở phân môn tiếng Việt: tiết 1 (Danh từ – lớp 6). Ảnh: Văn Sang.

Được sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), năm học 2019-2020 Trường THCS thị trấn Plei Kần xây dựng kế hoạch chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng một số chuyên đề đổi mới về phương pháp dạy học, trong đó chú trọng tới việc thực hiện chuyên đề dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Tổ chuyên môn Văn – Sử Trường THCS thị trấn Plei Kần đã tiên phong trong việc thực hiện chuyên đề “Dạy học môn Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực học sinh” với 02 tiết dạy minh họa ở phân môn tiếng Việt: tiết 1 (Danh từ – lớp 6), tiết 02 (Dấu ngoặc đơn – lớp 8).

Qua việc thực hiện tiết dạy minh họa bài “Danh từ” tại lớp 6D2, chúng tôi nhận thấy những tác động tích cực của hoạt động giáo dục phát triển năng lực mang lại hiệu quả giáo dục đối với học sinh đã tạo ra 01 giờ học rất nhẹ nhàng, bổ ích và lý thú; cuốn hút học sinh hơn vào các hoạt động để tìm tòi, khám phá kiến thức. Các năng lực học sinh của lớp được khai thác và phát huy, hình thành các phẩm chất tốt đẹp:

+ Học sinh được tự học qua nghiên cứu SGK, các tài liệu học tập và tự tìm kiếm những kiến thức có liên quan đến bài học;

+ Phát triển năng lực giao tiếp qua các hoạt động học tập;

+ Hình thành được một số kĩ năng cơ bản: làm việc độc lập; hoạt động nhóm, kĩ năng quan sát, phân tích suy luận, biết chia sẻ bày tỏ ý kiến cá nhân; khả năng trình bày diễn đạt trước tập thể lớp; biết đưa ra các tình huống yêu cầu các cá nhân khác cùng tham gia giải quyết (kĩ năng phản biện); rèn kĩ năng học sinh tự đánh giá lẫn nhau thông qua việc tham gia vào các hoạt động;

+ Thông qua hoạt động tự bản thân mỗi học sinh có thể tổng hợp, khái quát kiến thức để dần hình thành và phát triển tiềm năng sáng tạo.

Những tác động tích cực đó không chỉ mang lại hiệu quả giáo dục đối với học sinh mà còn tác động tích cực đến giáo viên:

+ Giáo viên là người dẫn dắt vấn đề, chuyển giao nhiệm vụ cho học sinh thực hiện; dẫn dắt chuyển ý tạo nên tiết học logic chặt chẽ nhưng cũng vô cùng nhẹ nhàng, lôi cuốn các em tham gia hoạt động và dưới sự hướng dẫn của giáo viên học sinh biết cách giải quyết các vấn đề, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của người học.

+ Giáo viên là người bao quát lớp học quan sát, kiểm tra đánh giá học sinh xem mức độ hiểu bài đến đâu; hỗ trợ, quan tâm tới học sinh, khi phát hiện một số học sinh còn vướng mắc trong việc tìm tòi tri thức, giáo viên cần linh hoạt thực hiện những câu hỏi gợi mở để giúp đỡ các em.

+ Trong quá trình tham gia hoạt động cùng học sinh, nếu phát hiện những học sinh có tố chất tốt, giáo viên có thể yêu cầu học sinh ấy cùng phối hợp tham gia giúp đỡ hoạt động đối với các nhóm đối tượng học sinh khác khi còn khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ.

+ Trong quá trình quan sát, giáo viên phát hiện được những tình huống có vấn đề liên quan đến kiến thức thì linh hoạt xử lí ngay trong tiết học hoặc gặp một số tình huống mới trong khâu thiết kế sẽ rút kinh nghiệm cho việc xây dựng kế hoạch bài học ở những tiết lên lớp tiếp theo.

+ Chính trong mỗi hoạt động, giáo viên phải đánh giá kết quả học tập của học sinh (không nhất thiết phải bằng điểm số, chỉ thông qua nhận xét), việc đánh giá này rất quan trọng một mặt đánh giá thực chất kết quả học tập của các em, mặt khác còn động viên, khích lệ các em tham gia hoạt động một cách hăng say (tránh cách đánh giá cực đoan thiếu tác dụng giáo dục).

Để có được hiệu quả trên, ngoài việc xây dựng kế hoạch chuyên đề, thực hiện các bước theo đúng định hướng, theo các văn bản hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, nhà trường chỉ đạo tổ chuyên môn làm tốt công tác tư tưởng đối với mỗi giáo viên trong tổ. Mỗi giáo viên cần trẻ hóa trong nếp suy nghĩ vốn đã xưa cũ để có thể đáp ứng xu hướng phát triển giáo dục hiện nay và trong tương lai. Việc đổi mới phương pháp dạy học giúp giáo viên thực sự đóng vai trò là người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn các hoạt động học tập. Từ đó, đòi hỏi giáo viên phải có động lực đổi mới, nhiệt tình và tâm huyết với nghề, tích cực học tập, trau dồi chuyên môn và phương pháp giảng dạy, thành thạo ứng dụng CNTT.

Thông qua hoạt động tự bản thân mỗi học sinh có thể tổng hợp, khái quát kiến thức để dần hình thành và phát triển tiềm năng sáng tạo. Ảnh: Văn Sang.

Hơn nữa, qua thực tế thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi nhận thấy việc thiết kế giáo án cho một bài dạy hết sức quan trọng. Đây là một hoạt động xây dựng kế hoạch dạy học cho một bài học cụ thể, thể hiện mối quan hệ tương tác giữa GV với HS, giữa HS với HS nhằm đạt được những mục tiêu của bài học.

Căn cứ trên giáo án, có thể vừa đánh giá được trình độ chuyên môn và tay nghề sư phạm của GV vừa thấy rõ quan niệm, nhận thức của họ về các vấn đề giáo dục như: mục tiêu giáo dục, nội dung giáo dục, cách sử dụng PPDH, thiết kế hình thức tổ chức dạy học và cách đánh giá kết quả học tập của HS. Chính vì thế, hoạt động chuẩn bị cho một giờ học rất vất vả nhưng lại có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng, quyết định nhiều tới chất lượng và hiệu quả giờ dạy học. Ví dụ cụ thể đối với một giáo án phân môn tiếng Việt, chúng tôi thực hiện như sau:

Xác định mục tiêu bài học

Xác định mục tiêu cần đạt của bài học, bài học này cần xác định mục tiêu phát triển năng lực cụ thể nào, phù hợp với đặc thù của môn học.

Phương pháp dạy học

Dự kiến sử dụng các PPDH và các kĩ thuật dạy học tích cực (kĩ thuật khăn trải bàn, thảo luận nhóm lớn, thảo luận cặp đôi,…).

Chuẩn bị

+ Tài liệu học tập cho học sinh (trên cơ sở này để HS thuận lợi trong việc chuẩn bị bài).

+ Chuẩn bị đồ dùng dạy học: phiếu học tập, video, nhạc; máy chiếu,..

+ Tìm tòi ngữ liệu chuẩn thay thế ngữ liệu SGK (có thể).

Thiết kế các hoạt động dạy học

Hoạt động khởi động:

– Dựa vào kiến thức bài học, giáo viên thiết kế hoạt động sinh động vừa tạo tâm thế cho HS, dẫn dắt HS bước đầu nhập cuộc để khám phá tri thức.

Hoạt động hình thành kiến thức: (có rất nhiều hoạt động nhỏ, GV phải thiết kế sao cho các hoạt động ấy không bị trùng lặp).

GV bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng:

– Tên hoạt động và xây dựng mục tiêu cho mỗi hoạt động.

+ Thiết kế hình thức tổ chức phù hợp với mục tiêu của hoạt động (dự kiến thười gian tổ chức).

+ GV chủ động, linh hoạt xây dựng ngữ liệu dạy học đảm bảo tính chính xác, khoa học mang tính giáo dục (không nhất thiết phải sử dụng các ngữ liệu trong SGK). dự kiến tình huống phát sinh; dự kiến hệ thống bài tập khi một số nhóm đã hoàn thành.

+ Xây dựng hệ thống câu hỏi phù hợp với các mức độ nhận thức.

+ Tổ chức cho HS khám phá tri thức.

+ HS được trình bày ý kiến, thực hiện phản biện, nêu vấn đề hướng tới các thành viên khác cùng giải quyết.

+ GV đánh giá kết quả học tập của HS thông qua hoạt động.

+ GV chốt lại kiến thức.

Hoạt động luyện tập: Thiết kế các trò chơi sinh động, HS tự tổ chức và được củng cố kiến thức.

Hoạt động tìm tòi mở rộng:

– Giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng đối tượng hoặc từng nhóm đối tượng HS.

– Xác định những việc HS cần phải tiếp tục thực hiện sau giờ học để củng cố, khắc sâu, mở rộng bài cũ, hoạt động ứng dụng kết quả bài học vào cuộc sống hoặc để chuẩn bị cho việc học bài mới. Nếu học sinh không chủ động học tập thì việc tổ chức dạy học sẽ không thành công.

Có rất nhiều phương hướng đổi mới phương pháp dạy học với những cách tiếp cận khác nhau. Trên đây chỉ là một số phương hướng chung, việc đổi mới phương pháp dạy học đòi hỏi những điều kiện thích hợp về phương tiện, cơ sở vật chất và tổ chức dạy học, điều kiện về tổ chức, quản lý; ngoài ra, phương pháp dạy học còn mang tính chủ quan, mỗi giáo viên với kinh nghiệm riêng của mình cần xác định những phương hướng riêng để cải tiến phương pháp dạy học và kinh nghiệm của cá nhân để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Hồng Chuyên (GV Trường THCS TT Plei Kần).