Thư viện thân thiện Trường TH ĐăkAng hướng đến xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh vùng khó khăn
Lượt xem:
Công tác thư viện đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và phát triển văn hoá đọc của các em học sinh trong nhà trường.
Thư viện nhà trường thực sự là nơi để học sinh mở mang kiến thức, bồi dưỡng tâm hồn.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, thư viện của Trường Tiểu học Đắk Ang không được đầu tư cả cơ sở vật chất và sách phục vụ học sinh. Mặc dù được gọi là thư viện, nhưng thực sự là “nhà kho” của trường, trong đó rất nhiều thứ hỗn độn (sách giáo khoa, thiết bị dạy học, tranh ảnh…) và hầu như không có sách, truyện thiếu nhi. Điều này cản trở học sinh tiếp cận với sách và lựa chọn cho mình quyển sách phù hợp. Ngoài ra, một không gian thư viện phục vụ chung cả giáo viên và học sinh cũng khiến học sinh không cảm thấy thoải mái khi đến thư viện. Từ đó có thể thấy rằng, thư viện của nhà trường vẫn chưa hấp dẫn, chưa đáp ứng được yêu cầu đọc sách và xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh.
Vậy làm thế nào để thay đổi “kho sách – thiết bị tổng hợp”, thành thư viện trường học thân thiện? Việc có một thư viện thân thiện để khuyến khích học sinh đến thư viện đọc sách, hình thành và phát triển kĩ năng đọc cho học sinh ra sao? Làm thế nào để xây dựng thói quen đọc sách cho các em học sinh vùng khó khăn, hướng đến mục tiêu giúp các em trở thành người đọc độc lập trong tương lai, là người có kỹ năng đọc và thói quen đọc? Đứng trước vai trò to lớn của thư viện trường học đối với giáo dục và đào tạo cũng như vai trò của văn hóa đọc trong việc hình thành nhân cách cho thiếu nhi, công tác thư viện nhà trường cần phải làm gì để tìm ra những lối đi riêng trong việc đưa sách và văn hóa đọc tới gần hơn với các em? Đó là những suy nghĩ, trăn trở của đội ngũ, tập thể cán bộ, giáo viên và nhân viên trong toàn đơn vị.
Xuất phát từ những vấn đề trên, nhà trường đã cùng nhau trao đổi phác thảo ý tưởng, học tập một số mô hình thư viện thân thiện của một số trường tiểu học ở các tỉnh khác cũng như lập kế hoạch về kinh phí trang bị cơ sở vật chất… qua một thời gian dài miệt mài với sự chung tay – chung sức – chung lòng của đội ngũ, mô hình thư viện thân thiện hướng đến xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh vùng khó khăn Trường tiểu học Đăk Ang đã hoàn thành.
Để thiết lập thư viện thân thiện, việc đầu tiên nhà trường tiến hành khảo sát và bố trí phòng có diện tích đảm bảo có sự thoải mái về không gian, đảm bảo ánh sáng với nhiều hoạt động mới mẻ để tạo cho các em nhiều hứng thú đọc sách và tiến hành trang trí, vẽ tranh tường, lựa chọn hình ảnh gần gũi, ngộ nghĩnh; màu sắc phù hợp với tâm sinh lí học sinh tiểu học.
Việc tiếp theo là trang bị, phun sơn theo 06 màu (xanh lá, đỏ, cam, trắng, vàng, xanh dương) tương ứng với các khối lớp của giá sách, bàn đọc; Sau đó, sắp xếp 6 giá sách, bàn đọc, thảm xốp màu vào thư viện. Giá sách được thiết kế phù hợp với chiều cao của học sinh tiểu học và sơn theo từng mã màu tương ứng, đồng thời đảm bảo tiêu chí: giá sách không che khuất ánh sáng, không gian đọc thoáng mát – sạch đẹp. Các đồ vật khác như thảm xốp, bàn thấp, vật phẩm giáo dục cũng được trang bị và sắp xếp nhằm tạo ra môi trường đọc thân thiện, cuốn hút học sinh.
Nhà trường dành thời gian phù hợp để giới thiệu và giúp học sinh tìm hiểu những cuốn sách mới.
Thư viện được sắp xếp theo hướng mở tạo cơ hội cho học sinh tìm được quyển sách phù hợp với sở thích và khả năng đọc của mình tại thư viện thân thiện. Sách được trưng bày trên kệ mở, phân loại theo mã màu tương ứng trình độ đọc. Học sinh dễ dàng tìm sách phù hợp với trình độ đọc của mình và tự lấy được sách để đọc. Có lịch mượn trả sách cho tất cả các lớp. Tài liệu tham khảo, tra cứu cũng được trưng bày phù hợp, trang thiết bị trong thư viện được sắp xếp hợp lý, học sinh di chuyển dễ dàng để chọn sách và vật phẩm giáo dục. Sách được nhà trường trang bị 02 đợt, với gần 500 đầu sách và sách truyện khổ to để thực hiện các tiết đọc chung thư viện.
Thư viện thân thiện được thiết kế theo hướng mở có đủ không gian để học sinh tham gia vào các hoạt động đọc: cá nhân, cặp đôi, nhóm; có đủ không gian phục vụ việc mượn trả sách và có thể thực hiện các tiết học Mĩ thuật tại thư viện mở theo thời khóa biểu của nhà trường. Đồng thời, có thời khóa biểu tiết đọc chung thư viện cho từng lớp. Nhà trường phân công giáo viên kiêm nhiệm công tác thư viện và thực hiện giảng dạy các tiết đọc chung và mĩ thuật tại thư viện. Bước đầu sẽ được tập huấn kỹ thuật để quản lý thư viện và kỹ thuật dạy tiết đọc thư viện trước khi triển khai hoạt động này.
Ngoài ra, còn có hệ thống hướng dẫn việc quản lý và sử dụng thư viện rõ ràng, các khẩu hiệu, bảng biểu về “Nội quy thư viện thân thiện”, “Lịch mượn, trả”, “Lịch tiết đọc thư viện”, “Giới thiệu sách mới “các bảng hướng dẫn, “Góc tra cứu”, “Góc viết vẽ”, “Góc trò chơi” được thiết lập đầy đủ và bố trí hợp lí để khuyến khích học sinh đọc nhiều loại sách khác nhau nhằm phát triển ngôn ngữ và phát huy tính sáng tạo của các em.
Như vậy dưới góc nhìn của một người làm công tác giáo dục, việc xây dựng thư viện thân thiện đã chủ động khuyến khích và hỗ trợ tất cả học sinh được đọc sách, không phân biệt trình độ đọc của các em. Đồng thời khích lệ tất cả học sinh ở mọi trình độ đọc, giúp các em cảm thấy thư viện là một nơi thoải mái và không bị áp lực khi đọc.
Và sau thời gian dài với sự chung tay góp sức của cả tập thể giáo viên, nhân viên và phụ huynh, đến nay thư viện thân thiện trường Tiểu học Đăk Ang đã hoàn thành và là món quà đầy ý nghĩa của quý thầy cô gửi tặng các em học sinh thân yêu. Hi vọng những chia sẻ trên sẽ giúp quý thầy cô có thêm góc nhìn đầy đủ hơn, cùng nhau thay đổi xây dựng một môi trường văn hoá đọc thân thiện ngay tại trường mình.
Một số hình ảnh:
Thư viện – sách – thiết bị nhà trường những năm học trước (H1).
Thư viện – sách – thiết bị nhà trường những năm học trước (H2).
Thư viện thân thiện hiện tại của Trường Tiểu học Đăk Ang.
Vẽ tranh trang trí trong phòng thư viện (H1).
Vẽ tranh trang trí trong phòng thư viện (H2).
Thầy cô giáo chung tay cải tạo thư viện trường: Phun sơn giá sách – bàn đọc (H1).
Thầy cô giáo chung tay cải tạo thư viện trường: Phun sơn giá sách – bàn đọc (H2).
Thầy cô giáo chung tay cải tạo thư viện trường: Phun sơn giá sách – bàn đọc (H3).
Thầy cô giáo chung tay cải tạo thư viện trường: Phun sơn giá sách – bàn đọc (H4).
Bộ mặt mới của thư viện nhà trường (H1).
Bộ mặt mới của thư viện nhà trường (H2).
Bộ mặt mới của thư viện nhà trường (H3).
Bộ mặt mới của thư viện nhà trường (H4).
Bộ mặt mới của thư viện nhà trường (H5).
Tiết đọc chung tại thư viện.
Học sinh đọc sách giờ giảo lao (H1).
Học sinh đọc sách giờ giảo lao (H2).
Góc viết vẽ.
Giới thiệu sách mới.
Góc tra cứu.
Nơi giúp học sinh mượn, trả sách dễ dàng, thuận tiện.
Góc trò chơi, nội quy thư viện.
Huỳnh Thị Duy Lam (HT Trường TH Đăk Ang).