Giải pháp nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số

Lượt xem:

Đọc bài viết

I. Đặc điểm tình hình

Huyện Ngọc Hồi là huyện ngã ba biên giới, nằm ở phía bắc tỉnh Kon Tum, bên sườn phía Đông dải Trường Sơn, giáp với huyện Đắk Glei ở phía Bắc, huyện Tu Mơ Rông ở phía Đông Bắc, huyện Đắk Tô ở hướng Đông Nam, huyện Sa Thầy ở hướng Nam, Lào và Campuchia ở hướng Tây. Huyện lỵ là thị trấn Plei Kần (Pờ-lây-kần). Quốc lộ 40 theo hướng đông tây nối cửa khẩu quốc tế Bờ Y với Plei Kần và với thành phố Kon Tum. Quốc lộ 14 theo hướng bắc nam. Huyện Ngọc Hồi có diện tích 824 km², gồm 7 xã và 1 thị trấn, dân số 56.284 người với 17 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 55,66%, nhiều nơi mặt bằng dân trí còn thấp, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, đời sống kinh tế khó khăn.

Học sinh DTTS Trường Tiểu học Nguyễn Huệ.

Năm học 2017-2018, toàn huyện có 14 trường tiểu học, 218 lớp, 6256 học sinh, học sinh dân tộc thiểu số là 3806 em, tỉ lệ 61 %. Có 14/14 trường tổ chức dạy học 2 buổi/tuần. Số trẻ 6 tuổi vào học lớp 1, đạt tỷ lệ 100%; huyện duy trì được kết quả phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3 ở 6/8 xã, thị trấn.

Với đặc điểm của một huyện miền núi, biên giới có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) cao, nhiều năm qua, ngành giáo dục huyện đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục học sinh trong đó các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS đã mang lại nhiều kết quả.

II. Những thuận lợi, khó khăn chính khi triển khai thực hiện nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

1. Những thuận lợi chính

Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Sở Giáo dục và Đào tạo, của chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ các tổ chức đóng chân trên địa bàn.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, khắc phục khó khăn, tạo mọi điều kiện để ngành duy trì dạy học 2 buổi/ngày, dạy học tiếng Việt lớp 1 theo chương trình Công nghệ giáo dục.

Đa số phụ huynh đã quan tâm đến công tác giáo dục, quan tâm đến việc học tập của con em mình. Song song với việc bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình thì đến nay, nhiều gia đình dân tộc thiểu số trên địa bàn đã có thói quen dùng tiếng phổ thông trong sinh hoạt gia đình.

Đội ngũ CBQL tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm, có nhiều sáng kiến trong công tác quản lý, giáo dục học sinh DTTS. GV nhiệt tình, không ngừng học học tập, cải tiến phương pháp, hình thức dạy học và lề lối làm việc để nâng cao trình độ kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn. 100% CB, GV có trình độ đào tạo chuẩn, trong đó trên chuẩn 87 %. 100% Cán bộ quản lý, giáo viên được đánh giá chuẩn nhề nghiệp hàng năm.

2. Những khó khăn chính

Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn; tỷ lệ đói nghèo còn cao. Trình độ dân trí ở vùng sâu, vùng xa còn thấp; cha mẹ học sinh (CMHS) ít quan tâm đến học tập của con em mình, nhiều CMHS chỉ trông chờ ỉ lại vào các  chế độ chính sách hỗ trợ của nhà nước, khoán trắng việc giáo dục con em cho nhà trường.

Việc đầu tư cơ sở vật chất, chế độ chính sách cho giáo viên trong nững năm qua đã có sự chuyển biến song còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được điều kiện thực tế (thiếu các phòng học chức năng, trang thiết bị xuống cấp chưa được bổ sung, sửa chữa kịp thời nhất là những trang thiết bị hiện đại; chế độ đãi ngộ cho nhà giáo, chế độ hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tại trường không còn,…)

Sự bất đồng ngôn ngữ giữa giáo viên và học sinh; việc học bằng tiếng Việt tại các trường tiểu học của học sinh người dân tộc thiểu số với tư cách là ngôn ngữ thứ hai. Vốn tiếng Việt ít ỏi, thậm chí là không có nên việc sử dụng tiếng Việt trong học tập và giao tiếp của học sinh gặp nhiều khó khăn, đây là rào cản lớn đối với học sinh DTTS, là yếu tố ảnh hưởng quyết định đến chất lượng giáo dục học sinh trong trường phổ thông nói chung, trường tiểu học nói riêng.

Phòng GDĐT huyện tập huấn nghiệp vụ cho giáo viên tiểu học.

III. Các giải pháp đã triển khai nhằm nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số

Vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS vừa là vấn đề cấp bách, vừa là vấn đề cơ bản, là nền tảng để nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp tiểu học nói chung, đối với học sinh DTTS nói riêng. Trong những năm qua, giáo dục tiểu học huyện Ngọc Hồi đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục. Tập trung chủ yếu vào các giải pháp như: Đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học; giao quyền tự chủ cho các trường trong việc điều chỉnh nội dung dạy học; đổi mới phương pháp, hình thức dạy học; tăng cường áp dụng các yếu tố tích cực của mô hình trường học mới (VNEN) vào tổ chức lớp học và các hoạt động giáo dục; dạy học 2 buổi/ngày, tăng thời lượng một số môn học, tăng cường phụ đạo học sinh còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng; dạy học môn tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu CNGD; xây dựng môi trường tiếng Việt trong và ngoài lớp học; tổ chức nhiều hình thức học tập phong phú nhằm thu hút học sinh đến trường, tăng hứng thú học tập cho học sinh; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc bàn giao chất lượng học sinh lên lớp trên,… các giải pháp đã mang lại những kết quả rõ rệt. Sau đây là một số giải pháp trọng tâm:

1. Công tác chỉ đạo, tập huấn, hướng dẫn nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh DTTS

Tổ chức cho CBQL, GV toàn ngành nghiên cứu Quyết định số 1008/QĐ-TTg, ngày 02 tháng 06 năm 2016 của Thủ tướng chính  phủ, về tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

Căn cứ vào chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ năm học và các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo và Kế hoạch số 215/KH-UBND ngày 23/01/20017 về triển khai Đề án tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Trên cơ sở đó, Phòng GD&ĐT huyện tham mưu UBND huyện Ngọc Hồi phê duyệt Kế hoạch số 19/KH-PGDĐT về việc thực hiện Đề án “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS” giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn huyện.

Triển khai đến từng CBQL, giáo viên, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của Đề án nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các bậc cha mẹ, học sinh, đặc biệt nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên về dạy tiếng Việt cho học sinh  DTTS một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng nhà trường. Hàng năm cử cán bộ, giáo viên tham dự các lớp tập huấn, các buổi hội thảo chuyên môn về tăng cường Tiếng Việt cho học sinh DTTS do Sở tổ chức; đồng thời mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn, các chuyên đề hội thảo chuyên môn cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên nhằm cụ thể hóa sát với tình hình và yêu cầu của địa phương. Qua đó đội ngũ đã thông về tư tưởng, hiểu về mục đích và từng bước thuần thục về phương pháp, kỹ năng.

2. Xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt, trang trí khuôn viên lớp học

Trang trí lớp học nhằm tạo ra môi trường học tập thân thiện, gần gũi, tích cực cho học sinh cũng là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh DTTS. Tạo cho HS có thói quen và có trách nhiệm với các hoạt động của lớp. Phát huy khả năng tương tác giữa giáo viên với học sinh và học sinh với học sinh. Giúp học sinh sáng tạo, tự tin hơn, biết tự hào về bản thân và những gì mình đạt được qua những sản phẩm học tập được trưng bày trong lớp học.

Các lớp học được trang trí đẹp, khoa học có tác dụng giáo dục cao trong đó có tác dụng nâng cao năng lực ngôn ngữ tiếng Việt cho các em học sinh DTTS (sơ đồ, nội quy lớp học, xây dựng các góc, như: góc thư viện, góc địa phương, góc thiên nhiên, góc trưng bày sản phẩm, các câu châm ngôn, danh ngôn về giáo dục,…), việc trang trí lớp học do cô, trò cùng với sự hỗ trợ của phụ huynh học sinh tạo lên.

Bên ngoài lớp học trang trí các bảng biểu là những câu khẩu hiệu nói lên phương châm, sứ mệnh, tầm nhìn của nhà trường và một số tiểu sử về thân thế, sự nghiệp của các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa gắn liền với tên trường, tên Sao, Chi đội. Ngoài các hình ảnh, ngôn ngữ trang trí lớp học đã góp phần tạo ra môi trường ngôn ngữ tiếng Việt “đậm đặc” cho các em. Nhờ được tương tác thường xuyên với các hình ảnh, ngôn ngữ và các hoạt động “đậm đặc” tiếng Việt như thế mà kiến thức và kỹ năng tiếng Việt của học sinh DTTS được cải thiện qua đó nâng cao chất lượng học tập của các em.

Bên cạnh đó, việc giao tiếp, học tập của học sinh trong trường học hoàn toàn bằng tiếng Việt, đồng thời tuyên truyền, khuyến khích phụ huynh học sinh thường xuyên sử dụng tiếng Việt khi giao tiếp với con em ở nhà và ở cộng đồng.

Học sinh DTTS Trường Tiểu học Đắk Dục giao lưu tiếng Việt của chúng em.

3. Xây dựng thư viện thân thiện, thư viện xanh, thư viện lớp học tạo phong trào đọc sách

Khuyến khích và tạo điều kiện cho các trường xây dựng thư viện thân thiện, để học sinh có nhiều cơ hội đọc sách. Ngoài việc trưng bày các loại sách báo đẹp, hài hòa cuốn hút học sinh tham gia đọc trong thư viện, chỉ đạo các trường đưa sách báo, truyện đọc ra sân trường, xây dựng góc thư viện trong lớp học.

Sách, báo trong thư viện, ngoài sân trường, trong từng lớp học được nhà trường mua sắm và được giáo viên, học sinh ủng hộ. Sách, báo thường xuyên được trao đổi giữa các lớp, trong thư viện, ngoài sân trường, để tạo hứng thú, khuyến khích học sinh tự chủ động lấy sách, tranh, truyện ra đọc.

Hàng năm tổ chức ngày hội đọc sách, kể chuyện theo sách từ cấp trường đến cấp huyện.

Hiệu quả từ thư viện đối với học việc bồi dưỡng văn hóa đọc, nâng cao tri thức, nhất là tri thức và năng lực tiếng Việt cho học sinh DTTS là rất lớn. Ngoài việc học sinh được tiếp cận, rèn luyện thường xuyên với tiếng Việt nâng cao kỹ năng đọc, viết, giao tiếp, góp phần tích cực trong việc nâng cao tỷ lệ đi học chuyên cần, nâng cao chất lượng học tập của học sinh và tăng cường vốn tiếng Việt cũng như khả năng sử dụng tiếng việt cho các em, đồng thời tạo cơ hội cho học sinh được tiếp cận với tri thức khoa học một cách tích cực, được vui chơi, khám phá… phù hợp với nhu cầu.

4. Tổ chức các hoạt động Đội, sao Nhi Đồng gắn với các hoạt động ngoài giờ lên lớp (NGLL)

Phối hợp với Hội Đồng Đội huyện chỉ đạo các đơn vị trường học đưa các trò chơi dân gian vào chương trình sinh hoạt Đội và sao Nhi đồng. Tổng phụ trách đội cùng với giáo viên chủ nhiệm các lớp xây dựng kế hoạch chọn lựa nhiều trò chơi liên quan đến việc hình thành và phát triển ngôn ngữ tiếng Việt cho học sinh dân tộc (như các trò chơi gắn với các bài đồng dao; thi hát dân ca ba miền, giải câu đố, dịch mật thư,…).

Qua việc sinh hoạt với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tạo sân chơi bổ ích, lôi cuốn các em thích thú đến trường và tạo điều kiện để bổ sung thêm vốn tiếng Việt cho các em.

5. Chỉ đạo và giao quyền tự chủ cho các nhà trường trong việc chủ động, linh hoạt thực hiện có hiệu quả chương trình kế hoạch dạy học, xây dựng kế hoạch phụ đạo, bồi dưỡng HS

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục trong trường tiểu học;

Xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày. Xác định nội dung, chương trình dạy cho buổi thứ hai (buổi chiều). Buổi thứ hai dùng để giãn tiết, tổ chức phụ đạo kiến thức cho học sinh còn hạn chế, bồi dưỡng kiến thức nâng cao cho học sinh năng khiếu hoặc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa, hoạt động giáo dục trải nghiệm khác.

Chỉ đạo các trường giao quyền chủ động cho giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch dạy học. Điều chỉnh, tích hợp hoặc tăng thời lượng nội dung dạy học; phân luồng đối tượng học sinh, tổ chức dạy học theo hướng cá thể hóa, chấp nhận sự khác biệt trong lớp học với phương châm “đi chậm mà chắc”, “học đến đâu chắc đến đó”.

Chỉ đạo giáo viên rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa (SGK), tài liệu học tập đề xuất với tổ chuyên môn thảo luận kế hoạch dạy học chủ động, linh hoạt điều chỉnh, tinh giảm, lược bớt những nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục để phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí học sinh tiểu học trên nguyên tắc đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng và định hướng phát triển năng lực học sinh; thay đổi hoặc gạt bỏ những nội dung bài học chưa phù hợp với mọi đối tượng học sinh và điều kiện thực tế tại từng vùng, miền.

Khuyến khích giáo viên mạnh dạn thay đổi những ngữ liệu, nội dung một số bài Tập đọc, Kể chuyện, Tập làm văn, một số bài toán giải có lời văn trong SGK còn xa lạ, khó hiểu đối với học sinh, nhất là học sinh dân tộc thiểu số (DTTS).

Bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu; không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong SGK quá mức độ cần đạt về kiến thức, kĩ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học hiện hành.

Căn cứ nội dung các bài học đối với từng môn/lớp ở từng chủ đề, rà soát nội dung các bài học tương ứng với chủ đề đó để sắp xếp lại một số bài học; khuyến khích giáo viên tích cực, chủ động thực hiện dạy học tích hợp các nội dung của môn học, các bài học theo từng tiết sang dạy học theo chủ đề phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện thực tế của nhà trường.

Dạy học lồng ghép, tích hợp các nội dung giáo dục cần thiết nhưng không thành một môn học (như các nội dung về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, năng lượng, biến đổi khí hậu, quyền và bổn phận trẻ em, bình đẳng giới, kĩ năng sống, dân số, sức khỏe sinh sản, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, văn học, lịch sử, địa lí địa phương…) vào nội dung của từng môn học hoặc các hoạt động giáo dục sao cho nhẹ nhàng, phù hợp và đạt hiệu quả.

Thời gian qua các trường tiểu học đã tạo nhiều sân chơi bổ ích để học sinh DTTS có cơ hội giao lưu, học hỏi và thực hành tiếng Việt, từ đó lôi cuốn HS DTTS thích thú đến trường và tạo điều kiện để bổ sung thêm vốn tiếng Việt cho các em.

6. Dạy học môn tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục

Bắt đầu từ năm học 2011-2012 cho đến nay, toàn huyện triển khai dạy học môn tiếng Việt theo tài liệu Công nghệ giáo dục ở tất cả các trường tiểu học. Dạy và học tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục đã làm thay đổi phương pháp dạy của giáo viên và phương pháp học của học sinh, đấy cũng chính là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng môn tiếng Việt cho học sinh, nhất là học sinh vùng DTTS. Khi học xong chương trình lớp 1 học sinh không những đọc thông viết thạo mà còn nắm rất chắc luật chính tả, nắm vững hệ thống cấu trúc ngữ âm tiếng Việt, đồng thời giúp các em phát triển tư duy và biết cách làm việc trí óc, phát huy năng lực tối ưu của tứng cá nhân học sinh, khắc phục triệt để các lỗi sai vùng miền, địa phương và nhất là học sinh DTTS không còn thêm bớt dấu thanh khi đọc.

Cách học TV1 CGD của các em là học cái gì là làm ra cái đó, đây là quan điểm rất phù hợp trong đổi mới giáo dục tiểu học hiện nay, dạy học không chỉ cung cấp kiến thức mà còn rèn luyện, phát triển phẩm chất, năng lực ở mỗi học sinh.

7. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa (NGLL)

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các đơn vị trường học, đồng thời đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục ngoại khóa để lôi cuốn học sinh tham gia, tạo sân chơi lành mạnh cho các em, là nơi các em phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, tinh thần hợp tác, qua đó cũng khơi dậy ở các em học sinh dân tộc lòng ham thích tiếng Việt, yêu quý trân trọng bản sắc văn hóa dân tộc, tạo không khí vui tươi “Học mà chơi, chơi mà học” góp phần xây dựng trường học thân thiện, đồng thời phát hiện năng khiếu, khả năng nghe, nói, đọc, viết, khả năng diễn thuyết của học sinh dân tộc thiểu số. Như ngày hội “Giao lưu tiếng việt cho học sinh dân tộc thiểu số”; “Ngày hội đọc sách”; Hội thi “Kể chuyện theo sách”; “Kể chuyện đạo đức Bác Hồ”;… Qua hoạt động giao lưu giúp các em học sinh dân tộc thiểu số hình thành kĩ năng sử dụng tiếng Việt và tình yêu tiếng Việt.

IV. Kết quả đạt được

Qua việc áp dụng những giải pháp nêu trên vào quá trình giảng dạy nhằm tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn huyện. Kết quả dạy và học môn tiếng Việt trong 2 năm học gần đây của bậc tiểu học được duy trì khá bền vững. Tỉ lệ học sinh DTTS còn hạn chế về kiến thức kỹ năng giảm còn khoảng 3%.

CBQL, giáo viên đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức, có kĩ năng tổ chức các hoạt động cho học sinh theo phương pháp dạy học tích cực và có thể áp dụng trong các môn học một cách hiệu quả.

Giáo viên đã linh hoạt sử dụng hiệu quả các tiết tăng cường và giãn tiết để tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Từ đó, giáo viên đã nắm chắc hơn trình độ, điểm mạnh, điểm yếu của từng học sinh, nhận được nhiều thông tin phản hồi từ phía học sinh, qua đó điều chỉnh kịp thời cách dạy, cách tổ chức và hướng dẫn học sinh học tập tốt hơn. Nhiều giáo viên đã có nhiều cố gắng, sáng tạo trong việc bồi dưỡng tiếng Việt phù hợp với năng lực của từng học sinh, phù hợp với điều kiện thực tế của lớp, của trường

Học sinh đã có vốn tiếng Việt phong phú, hiểu được nội dung, yêu cầu của môn học, bài học. Ngoài ra, qua việc tăng cường tiếng Việt giúp học sinh phát huy tinh thần trách nhiệm, rèn được các kĩ năng giao tiếp, tính tự tin cho học sinh, nhất là học sinh DTTS. Nhiều học sinh có khả năng quản lý điều hành lớp, nhóm tốt, các em năng động hơn trong học tập, ham thích, chủ động tìm tòi kiến thức, làm cho tiết học sôi nổi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

V. Kết luận

Việc nâng cao chất lượng giáo dục phụ thuộc rất nhiều yếu tố song việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh là một yếu tố hết sức quan trọng cần tập trung tạo môi trường Tiếng Việt cho học sinh nhất là học sinh DTTS ở mọi lúc, mọi nơi.

Để các em có được điều kiện học tập và nâng cao vốn tiếng Việt ở trường, gia đình và cộng đồng thì trước hết CBQL, các tổ chức đoàn thể phải có kế hoạch hoạt động cụ thể; đội ngũ giáo viên phải thực sự nhiệt tình, tâm huyết, có tinh thần đổi mới, thiết kế những tiết học sôi nổi, hấp dẫn, thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, kết hợp chặt chẽ với phụ huynh nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho các em thường xuyên sử dụng tiếng Việt trong việc giao tiếp ở nhà và sinh hoạt tại cộng đồng.

Gia đình và các tổ chức đoàn thể ở thôn luôn là môi trường thuận lợi trong việc giúp học sinh làm quen và bồi dưỡng vốn tiếng Việt. Đặc biệt trong dịp hè, tổ chức Đoàn nên thường xuyên tạo cho các em những sân chơi giúp cho các em có được những ngày hè vui tươi, bổ ích và tạo điều kiện nâng cao vốn tiếng Việt cho học sinh.

Vì vậy, ngoài việc xây dựng môi trường ngôn ngữ, tổ chức nhiều hoạt động tăng cường Tiếng Việt ở lớp, ở trường cần tư vấn, phối hợp với cha mẹ học sinh, thôn làng tạo điều kiện để các em được giao tiếp tiếng Việt thường xuyên hơn.

VI. Một số đề xuất

Về biên chế học sinh/lớp: Vì học sinh DTTS gặp nhiều khó khăn trong đó khó khăn về ngôn ngữ tiếng Việt là rất lớn nên đề nghị cần có quy định biên chế lớp riêng cho những trường vùng dân tộc thiểu số mà tỉ lệ học sinh DTT số chiếm trên 50% chỉ tối đa 25 học sinh trên lớp (Điều lệ trường tiểu học quy đinh 35 học sinh/lớp). Vì trên 25 học sinh là rất khó khăn đối với giáo viên trong việc dạy học và nâng cao chất lượng học sinh.

Cần có chương trình dạy tiếng Việt linh hoạt hơn, phù hợp cho đối tượng học sinh DTTS theo hướng tăng về thời lượng, tăng về thực hành.

Cần tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị đồ dùng dạy học và cần duy trì các chính sách hỗ trợ tài chính cho học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh DTTS nhằm tạo điều kiện học tập tốt hơn cho các em.

Trên đây là một số giải pháp mà ngành giáo dục huyện Ngọc Hồi đã triển khai, thực hiện qua nhiều năm học và đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, rất mong nhận được sự đóng góp, chia sẻ của cấp lãnh đạo và đồng nghiệp.

Minh Tuấn (Phòng GDĐT Ngọc Hồi).