Một số biện pháp phát triển ngôn ngữ trẻ lớp mẫu giáo lớn (mầm non Đắk Ang)
Lượt xem:
Bác hồ đã dạy: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc, chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó”. Ngôn ngữ có vai trò to lớn trong sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em. Ngôn ngữ là phương tiện giữ gìn bảo tồn, truyền đạt và phát triển những kinh nghiệm lịch sử và phát triển xã hội của loài người.
Hoạt động tập nói tiếng Việt.
Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất đặc biệt đối với trẻ nhỏ, là phương tiện giúp trẻ giao lưu cảm xúc với những người xung quanh hình thành những cảm xúc tích cực. Ngôn ngữ là công cụ giúp trẻ hòa đồng với cộng đồng và trở thành một thành viên của xã hội. Nhờ có ngôn ngữ mà trẻ nhận biết ngày càng nhiều màu sắc, hình ảnh… của sự vật hiện tượng có trong cuộc sống hằng ngày, đặc biệt đối với trẻ mẫu giáo dân tộc thiểu số cần giúp trẻ phát triển mở rộng các loại vốn từ, biết sử dụng nhiều loại câu bằng cách thường xuyên nói chuyện với trẻ về những sự vật, hiện tượng, hình ảnh,… mà trẻ nhìn thấy trong sinh hoạt hằng ngày, nói cho trẻ biết tên gọi, đặc điểm, công dụng của chúng từ đó hình thành ngôn ngữ cho trẻ. Trẻ em lĩnh hội ngôn ngữ sẽ trở thành những chủ thể có ý thức, lĩnh hội kinh nghiệm của loài người xây dựng xã hội ngày càng phát triển hơn. Như vậy ngôn ngữ có vai trò to lớn đối với xã hội và đối với con người. Vấn đề phát triển ngôn ngữ một cách có hệ thống cho trẻ ngay từ nhỏ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với người giáo viên mầm non.
Trong năm học 2017-2018 tôi được phân công trực tiếp giảng dạy với lớp mẫu giáo lớn ghép 2 độ tuổi (4 và 5 tuổi). Trong lớp có tổng 25 trẻ, trẻ 4 tuổi 5; trẻ 5 tuổi 20, 100% trẻ là người dân tộc thiểu số nên vốn tiếng Việt còn rất nhiều hạn chế, trẻ chủ yếu giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Trong giờ học trẻ tiếp thu chậm về ngôn ngữ, nói tiếng Việt chưa rõ, vì vậy tôi luôn trăn trở làm sao để dạy các con tiếp thu tiếng Việt nhanh, mạch lạc, chính xác nhất phù hợp với yêu cầu phát triển của lứa tuổi. Chính vì vậy muốn cho trẻ phát triển ngôn ngữ một cách tốt nhất tôi mạnh dạn áp dụng một số biện pháp như sau:
Thông qua giờ học Tập nói Tiếng Việt: Đây là môn học quan trọng nhất đối với sự phát triển ngôn ngữ và cung cấp vốn từ vựng cho trẻ. Trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số bộ máy phát âm chưa hoàn chỉnh và mang nhiều ngôn ngữ của tiếng địa phương, vì vậy đối với tiếng Việt trẻ thường nói không đủ từ, nói ngọng, cho nên trong tiết dạy cô phải chuẩn bị đồ dùng trực quan đẹp, hấp dẫn để gây hứng thú cho trẻ, bên cạnh đó cô phải chuẩn bị một hệ thống câu hỏi rõ ràng, ngắn gọn trong khi trẻ trả lời cô hướng dẫn trẻ nói từng từ và nói trọn câu. Ở hoạt động tập nói Tiếng Việt trẻ được phát âm nhiều, được nói nhiều và cũng dễ bộc lộ ý tưởng của mình muốn nói, cũng trong hoạt động này cô giáo phát hiện ra những cháu phát âm chuẩn, những cháu chưa phát âm chuẩn để kịp thời sửa sai.
Ví dụ, trong bài Tập nói Tiếng Việt “Một số loại rau ăn củ, quả”: giáo viên muốn cung cấp cho trẻ từ ngữ “củ cà rốt” cho trẻ cần phải chuẩn bị hình ảnh, vật thật để cho trẻ quan sát, trẻ sử dụng các giác quan như, sờ, nhìn…nhằm phát huy tính tích cực của tư duy, rèn khả năng ghi nhớ có chủ đích để giúp trẻ hứng thú tập trung vào đối tượng quan sát và cô cần đưa ra hệ thống câu hỏi: Củ gì đo đỏ? Con thỏ thích ăn? Củ cà rốt có màu gì? Củ cà rốt có lợi ích gì? Các con hãy kể về một số món ăn được chế biến từ củ cà rốt nào?
Cô và trẻ trong giờ kể chuyện.
Thông qua giờ văn học (thơ, truyện): Trên tiết học khi cho trẻ làm quen với các tác phẩm văn học là phát triển ngôn ngữ nói cho trẻ và còn hình thành phát triển ở trẻ lỹ năng nói mạch lạc và muốn làm được như vậy trẻ phải có vốn từ phong phú hay nói cách khác là trẻ cũng được học thêm được các từ mới qua giờ học thơ, truyện, để giờ thơ, truyện đạt kết quả cao cũng như hình thành ngôn ngữ cho trẻ thì đồ dùng phục vụ cho tiết học phải đảm bảo:
Đồ dùng phải đẹp, màu sắc phù hợp đảm bảo tính an toàn và vệ sinh cho trẻ.
Nếu là tranh vẽ phải đẹp, phù hợp với câu chuyện, phía dưới phải có chữ to giúp cho trẻ phát triển vốn từ của trẻ được thuận lợi.
Bản thân giáo viên phải thuộc truyện, ngôn ngữ của cô phải trong sáng, giọng đọc phải truyền cảm, thể hiện đúng ngữ điệu của nhân vật.
Thông qua giờ học âm nhạc: Để thu hút trẻ vào giờ học và giúp trẻ phát triển ngôn ngữ được tốt hơn tôi phải nghiên cứu, sang tạo ra những phương pháp dạy học tốt nhất có hiệu quả với trẻ
Đối với hoạt động âm nhạc trẻ được tiếp xúc với nhiều đồ vật (Trống lắc, phách tre, xắc xô,… Và nhiều đồ dùng âm nhạc khác) trẻ được học những giai điệu vui tươi kết hợp với các loại vận động theo bài hát một cách nhịp nhàng. Để làm được như vậy đó là nhờ sự hiểu biết, nhận thức vốn từ, và sự giao tiếp bằng ngôn ngữ của trẻ được tích lũy và lĩnh hội, phát triển tính nghệ thuật giúp trẻ yêu âm nhạc.
Qua giờ học hát và vận động theo nhạc, trẻ đã biết sử dụng ngôn ngữ có mục đích, biết dùng ngôn ngữ và động tác cơ bản để miêu tả những hình ảnh đẹp của bài hát.
Hát và vận động bài “Cháu thương chú bộ đội”.
Thông qua giờ đón trẻ: Giờ đón trẻ là lúc cần tạo ra không khí vui vẻ, lôi cuốn trẻ tới trường, khi trẻ tới lớp cô phải thật gần gũi, tích cực trò chuyện với trẻ, vì trò chuyện với trẻ là hình thức đơn giản để cung cấp vốn từ cho trẻ và phát triển ngôn ngữ cho trẻ, đặc biệt là ngôn ngữ mạch lạc, trọn câu. Bởi qua cách trò chuyện với trẻ cô mới có thể cung cấp mở rộng vốn từ cho trẻ.
Ví dụ, giáo viên trò chuyện với trẻ về gia đình của trẻ: Gia đình con có những ai? Trong gia đình con yêu ai nhất? + Mẹ yêu con như thế nào? Hôm nay ai đưa con đến lớp?
Như vậy khi trò chuyện với cô trẻ tự tin vào vốn từ của mình, ngôn ngữ của trẻ nhờ đó mà được mở rộng và phát triển hơn.
Ngoài ra trong giờ đón trẻ và trả trẻ tôi nhắc trẻ chào ông, bà, bố, mẹ như vậy kích thích cho trẻ trả lời trọn câu và bên cạnh đó giáo dục trẻ có thói quen lễ phép biết vâng lời.
Giáo dục ngôn ngữ cho trẻ thông qua hoạt động góc: Trong một giờ hoạt động chung trẻ không thể phát triển ngôn ngữ một cách toàn diện được mà phải thông qua các hoạt động khác trong đó có hoạt động góc, bởi giờ chơi có tác dụng rất lớn trong việc phát triển vốn từ. Trong quá trình chơi trẻ có điều kiện học và sử dụng các loại từ khác nhau. Tôi dạy trẻ dần dần không áp đặt trẻ bắt đầu quan sát bạn chơi, sau đó từ từ đưa trẻ tham gia vào đó chuyển trò chơi từ độc lập sang hợp tác cùng nhau, trẻ tự lôi kéo nhau vào việc mở rộng quá trình chơi, giao tiếp khi chơi. Trong trò chơi trẻ luôn gặp những sự vật, hành động mới, những trò chơi học tập cũng góp phần không nhỏ trong việc phát triển vốn từ cho trẻ.
Ví dụ: Cô nói Trẻ
Con vịt Cạp cạp
Con mèo Meo meo
Con lợn Ủn ỉn
Ví dụ, trò chơi trong góc “Đóng vai” trẻ được chơi với em búp bê và khi trẻ chơi sẽ giao tiếp với các bạn bằng ngôn ngữ hàng ngày:
+ Bác đã cho búp bê ăn chưa?
+ Khi ăn bác nhớ đeo yếm để bột không dây ra áo búp bê nhé!
+ Ngoan nào mẹ cho búp bê ăn nhé!
+ Bột vẫn còn nóng lắm để mẹ thổi cho nguội đã
+ Búp bê của mẹ ăn ngoan rồi mẹ cho búp bê đi chơi nhé!
Qua giờ chơi cô không những dạy trẻ nghe, hiểu giao tiếp cùng nhau và trao cho nhau những tình cảm yêu thương, gắn bó của con người.
Trẻ thích thú với trò chơi chăm sóc em bé trong Giờ hoạt động góc.
Giáo dục ngôn ngữ thông qua hoạt động ngoài trời: Hoạt động dạo chơi thăm quan trẻ được trực tiếp quan sát các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống. Hằng ngày chơi trong sân trường tôi thường xuyên đặt câu hỏi để trẻ được gọi tên các đồ chơi trong sân trường như: Xích đu, cầu thăng bằng, cầu khỉ, cổng chui,… Ngoài ra tôi còn giới thiệu cho trẻ biết cây xanh, cây hoa ở vườn trường và hỏi trẻ: Bông hoa này có màu gì? Thân cây này có to không? Cây xà cừ này rất cao và có lá màu gì? … qua đó giáo dục trẻ biết chăm sóc cây không được hái lá bẻ cành.
Qua những câu hỏi cô đặt ra sẽ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ chính xác, mạch lac, rõ ràng hơn. Ở lứa tuổi này trẻ hay nói và trả lời trống không. Vì vậy bản thân tôi luôn chú ý lắng nghe và nhắc nhở trẻ, nói mẫu cho trẻ nghe và yêu cầu trẻ nhắc lại.
Tổ chức thông qua một số trò chơi: Đối với trẻ dân tộc thiểu số được phát triển thông qua trò chơi là một biện pháp tốt nhất. Trò chơi đã trở thành phương tiện để cung cấp, tích lũy được nhiều vốn từ của trẻ và trên cơ sở hiểu biết đầy đủ ý nghĩa của các từ đó trẻ biết sử dụng vốn từ một cách thành thạo. Qua trò chơi trẻ được mạnh dạn giao tiếp, ngôn ngữ cũng lưu loát hơn, tôi nhận thấy rằng khi trẻ chơi trò chơi xong sẽ gây hứng thú lôi cuốn trẻ vào bài học, như vậy trẻ sẽ tiếp thu bài một cách nhẹ nhàng và thoải mái.
Bản thân tôi đã tìm tòi, tham khảo, đọc những tài liệu sách và tôi thấy rằng trò chơi này thực sự có hiệu quả làm tăng thêm vốn từ cho trẻ, từ đó ngôn ngữ của trẻ ngày càng phong phú hơn.
Trò chơi 1: “Cái gì? Làm bằng chất liệu gì?
Mục đích của trò chơi này là tôi muốn trẻ nhận biết được một số đồ dùng, đồ chơi và biết được công dụng, chất liệu làm nên đồ dùng, đồ chơi đó và từ đó ngôn ngữ của trẻ cũng được phát triển.
– Chuẩn bị:
+ Đồ dùng, đồ chơi: Ly, thìa, bóng,…)
+ Mỗi trẻ một tranh lô tô đồ dùng, đồ chơi khác nhau.
– Tiến hành:
+ Tôi cho trẻ ngồi hình chữ U và cô nhắc đến đồ dùng nào thì trẻ phải nói nhanh đồ dùng, đồ chơi đó dùng để làm gì và được làm bằng chất liệu gì?
Cô nói:
+ Quả bóng được làm bằng chất liệu gì? (Được làm bằng nhựa)
+ Cái ly được dùng để làm gì? (Dùng để uống nước)
Sau khi hỏi trẻ xong tôi vận dụng trò chơi này để rèn luyện sự nhanh nhẹn và tư duy của trẻ. Tôi phát cho mỗi trẻ một tranh lô tô đồ dùng, đồ chơi khác nhau, tôi yêu cầu trẻ gọi tên đồ dùng và xác định nơi cất đồ dùng đó trong lớp, sau đó tôi hô 1, 2, 3 yêu cầu trẻ chạy nhanh về đúng nơi đồ dùng đồ chơi đó.
Trẻ chơi trò chơi cùng cô giáo.
Trò chơi 2: “Con thỏ”
– Cách chơi:
+ Cô đứng phía trước trẻ, cô cho trẻ đọc và làm động tác theo cô.
+ Cô cho trẻ đọc từng lời một có kèm theo động tác.
Khi trẻ chơi tôi nhận thấy tất cả các trẻ đều tham gia đọc cùng cô, có trẻ đọc được cả câu, có trẻ bập bẹ bớt một hai từ, nhưng qua đó cũng giúp ngôn ngữ của trẻ dần dần được hình thành trọn vẹn hơn.
Phối kết hợp với phụ huynh: Để vốn từ của trẻ phát triển tốt không thể thiếu được đó là sự góp phần của gia đình. Việc giáo dục trẻ ở gia đình là rất cần thiết tôi luôn kết hợp chặt chẽ với phụ huynh trao đổi thống nhất về cách chăm sóc nuôi dưỡng trẻ. Là trẻ dân tộc thiểu số đang học nói Tiếng Việt vì thế phụ huynh cần giành nhiều thời gian thường xuyên trò chuyện cùng trẻ, cần lắng nghe và trả lời những câu hỏi của trẻ, ở nhà thay vì giao tiếp với trẻ bằng tiếng địa phương thì phụ huynh nên giao tiếp với trẻ bằng tiếng việt. Ngoài ra tôi còn vận động phụ huynh sưu tầm tranh truyện, hình ảnh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để trẻ đễ hiểu, dễ nhớ.
Như vậy phát triển ngôn ngữ cho trẻ là rất quan trọng và cần thiết, mức độ phát triển ngôn ngữ của trẻ còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Phát triển ngôn ngữ giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống giao tiếp hằng ngày và nhận thức của con người nói chung, sự phát triển tâm lí nhận thức của trẻ nói riêng, đặc biệt là trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số. Tôi nhận thấy rằng việc rèn luyện và phát triển ngôn ngữ cho trẻ là cả quá trình liên tục và có hệ thống đòi hỏi giáo viên phải kiên trì, bền bỉ khắc phục khó khăn để tìm ra phương tiện, điều kiện cần thiết cho sự phát triển toàn diện của các con, hơn nữa cô giáo là người gương mẫu để trẻ noi theo, điều này đã góp phần bồi dưỡng thế hệ măng non của đất nước.
Bùi Thị Thơm (GV Trường MN Đắk Ang).