Duy trì sĩ số HS DTTS rất ít người góp phần nâng cao CLGD toàn diện ở Trường THCS Bờ Y
Lượt xem:
Trường THCS Bờ Y đóng chân ở vùng biên giới thuộc xã Pờ Y, toàn xã có 17 dân tộc khác nhau, trong đó người Brâu là dân tộc thiểu số rất ít người (gần 400 người); địa bàn là xã vùng sâu, vùng xa; tỷ lệ học sinh dân tộc chiếm trên 60%, đa số các em chưa xác định được việc học là quan trọng.
Thầy giáo Nguyễn Viết Khoa – Phó Hiệu trưởng nhà trường, cùng Ban quản lý thôn và các thầy cô giáo tuyên truyền vận động học sinh Brâu đến trường ở nhà rông thôn Đắk Mế. Ảnh: Lê Chu Chinh.
Hằng năm số lượng học sinh dân tộc Bờrâu bỏ học, có nguy cơ bỏ học khá cao (4-5 em) nên công tác duy trì sĩ số vô cùng nan giải; phần đông các em thuộc gia đình nghèo, đông con thường xuyên phải tham gia lao động để phụ giúp gia đình như: săn bắt, làm rẫy, ở nhà trông em,… một số em bị hổng kiến thức nên chán học dẫn đến bỏ học.
Xác định duy trì sĩ số để nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số rất ít người là khâu đột phá trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên đến tận gia đình để làm tìm hiểu hoàn cảnh sống, phong tục tập quán, văn hóa, lối sống, sinh hoạt của từng gia đình; đồng thời kết hợp bộ đội biên phòng, dân quân, công an xã, cán bộ của xã, thôn… để vận động các em đến trường. Chúng tôi đã tập trung vào một số việc làm sau:
Thành lập và phân công tổ phụ trách tại thôn Đắk Mế. Tổ gồm một giáo viên phụ trách chính và các thành viên là hội Cha Mẹ học sinh, thôn trưởng, bí thư chi bộ, đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh, người cao tuổi, già làng, người có uy tín trong thôn tham gia trong tổ vận động học sinh đến trường. Tổ có nhiệm vụ thông tin thường xuyên giữa gia đình có con em đi học đến giáo viên chủ nhiệm lớp; đồng thời giáo viên chủ nhiệm báo cáo tình hình những em vắng học không lý do cho tổ để tìm hiểu và vận động.
Thường xuyên tổ chức giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao trong nhà trường. Các em thích được giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi đấu bóng đá, bóng chuyền, cầu lông…, những môn có đông đảo học sinh ưa thích và chơi tập thể. Nhiều em nghỉ học, nhưng khi nhà trường tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao đều tự nguyện xin đến lớp học để được tham gia trong các đội thi đấu.
Vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nhà trường, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm,… góp tiền mua áo quần, giày dép hoặc các đồ dùng học tập cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến lớp.
Đồng chí Đinh Thị Khiêm – Bí thư Chi bộ thôn Đắk Mế phổ biến nội dung chỉ đạo của Đảng uỷ xã về công tác giáo dục đến nhân dân trong thôn. Ảnh: Lê Chu Chinh.
Đối với học sinh cá biệt, thường xuyên vắng học, bỏ học…, tổ phụ trách tại thôn nắm chắc đối tượng học sinh, hoàn cảnh gia đình…, phối hợp với tổ an ninh thôn, công an xã, bộ đội biên phòng để có biện pháp giáo dục, răn đe, xử phạt các hành vi vi phạm. Từng bước đưa các em ra khỏi các tệ nạn xã hội, đến trường học tập đầy đủ.
Giáo viên chủ nhiệm thành lập các nhóm “bạn giúp bạn”, “đôi bạn cùng tiến” trong lớp để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, lao động theo từng địa bàn dân cư, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với giáo viên bộ môn trong công tác giảng dạy và quản lý học sinh, cùng với giáo viên bộ môn tìm các biện pháp thích hợp giúp các em hứng thú học tập và đi học đều đặn hơn.
Vận động các gia đình làm “góc học tập” cho con em mình, các khu dân cư có “tiếng kẻng, tiếng loa” thông báo giờ học buổi tối cho các em. Thông qua đó, giáo dục cho các em lòng yêu thương, đoàn kết, tương thân tương ái, biết sẻ chia niềm vui và nỗi buồn để cùng vượt khó khăn vươn lên học tốt.
Nhà trường thường xuyên mở các lớp phụ đạo cho học sinh yếu, chưa đạt chuẩn để các em theo kịp chương trình. Sau khi khảo sát chất lượng đầu năm và kết hợp với kết quả năm học trước, chúng tôi tiến hành phân loại đối tượng học sinh, xây dựng kế hoạch phụ đạo cụ thể theo khối lớp và theo môn học; phân công giáo viên có năng lực tham gia giảng dạy ở các lớp này; định kỳ có đánh giá, kiểm tra chất lượng đối với từng học sinh.
Thường xuyên tổ chức hướng nghiệp, tư vấn học nghề cho HS lớp 8,9. Đây là việc làm hết sức quan trọng giúp cho những em có hoàn cảnh khó khăn không tiếp tục học THPT đi học các lớp nghề phù hợp.
Nhà trường thường xuyên bồi đắp lòng yêu nghề, tận tụy với công việc cho giáo viên. Chính lòng yêu nghề, yêu trẻ của thầy cô giáo đã góp phần rất lớn trong việc duy trì sĩ số học sinh trên lớp. Các thầy cô giáo thường xuyên quan tâm đến các hoạt động của của học sinh, giúp các emh có ý thức tự giác trong học tập, kịp thời ngăn chặn học sinh bỏ học, vắng học không có lý do.
Tóm lại, thực hiện tốt công tác duy trì sĩ số học sinh là góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường bền vững. Chất lượng công tác chủ nhiệm lớp cũng được cải thiện và nâng cao. Các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, xây dựng trường học thân thiện được duy trì thường xuyên, có hiệu quả, hạn chế tình trạng học sinh vi phạm nội quy đến mức phải xử lý kỷ luật. Môi trường, cảnh quan trường lớp luôn được giữ gìn sáng, xanh, sạch, đẹp. Quan hệ thầy trò đúng mực, thân thiện; học sinh chủ động tích cực học tập và mạnh dạn hơn.
Lê Chu Trinh (GV Trường THCS Bờ Y).