Một số biện pháp thực hiện hiệu quả chuyên đề phát triển vận động cho trẻ ở trường Mầm non Hoa Hồng
Lượt xem:
1. Đặt vấn đề
Trong chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phát triển thể chất là một trong những lĩnh vực giáo dục phát triển toàn diện cho trẻ. Giáo dục phát triển vận động cho trẻ không chỉ đơn thuần dạy múa hay dạy vận động mà mục đích để phát triển các cơ bắp, xương, khớp, sự khéo léo, dẻo dai… thông qua các động tác là cơ hội phát huy năng lực vận động tiềm ẩn của đứa trẻ. Trẻ được vận động một cách phù hợp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hệ thần kinh, giúp cho quá trình cảm giác, tri giác, trí nhớ, tư duy phát triển tốt. Đồng thời cũng củng cố cho trẻ những kiến thức về sự vật hiện tượng xung quanh.
Thông qua hoạt động phát triển vận động còn giúp trẻ phát triển tình cảm, xã hội, vì vận động sẽ giúp trẻ nâng cao nhận biết của bản thân, phẩm chất đạo đức như tinh thần tập thể, lòng mong muốn giúp đỡ lẫn nhau, tính thẳng thắn, tính trung thực, tính khiêm tốn, công bằng…
Trẻ em ở lứa tuổi mầm non là thời kỳ quan trọng nhất để thực hiện các hoạt động phát triển thể chất, giúp cơ, xuơng ngày một săn chắc, việc luyện tập các động tác vận động, khả năng giữ thăng bằng, sự phối hợp các giác quan và vận động giữa các cơ với nhau; đây chính là thời kỳ phát triển đa dạng các lĩnh vực, từ phát triển thể chất, ngôn ngữ, nhận thức, thẩm mỹ đến phát triển tình cảm và các mối quan hệ xã hội cho trẻ.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, năm học 2013-2014 Bộ GD&ĐT tạo đã chỉ đạo thực hiện chuyên đề Giáo dục và phát triển vận cho trẻ mầm non nhằm từng bước nâng cao thể trạng và tầm vóc người Việt Nam. Để thực hiện có hiệu quả chuyên đề này Trường Mầm non Hoa Hồng đã đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện tốt chuyên đề; trong 4 năm thực hiện tài nhà trường đã thu được những thành công đáng kể.
2. Thực trạng của việc thực hiện chuyên đề giáo dục phát triển vận động trong nhà trường
2.1. Ưu điểm
Ban giám hiệu nhà trường luôn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Thực hiện tốt công tác tham mưu với chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý cấp trên để được sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, xây dựng các phòng chức năng, xây thêm phòng học đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ.
Tăng cường công tác tác tuyên truyền cho đội ngũ CB – GV – NV, phụ huynh và cộng đồng dân cư hiểu sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện giáo dục thể chất cho trẻ.
Hàng năm xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp sát thực tiễn; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân trong việc thực hiện chuyên đề giáo dục phát triển vận động.
Bồi dưỡng năng lực, kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ thông qua tổ chức tập huấn, sinh hoạt chuyên môn hàng tháng, xây dựng các tiết dạy mẫu có chất lượng để giáo viên học tập, tăng cường công tác kiểm tra dự giờ tư vấn.
Hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo giám sát chặt chẽ, có biện pháp mạnh đối với những cá nhân chưa thực hiện tốt nhiệm vụ.
Cán bộ, giáo viên, nhân viên có ý thức tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, chịu khó nghiên cứu văn bản để thực hiện nhiệm vụ có chất lượng, nâng cao tinh thần tự phê bình và phê bình.
Công tác kiểm tra, giám sát, quản lý, theo dõi, đánh giá cán bộ, giáo viên, nhân viên thường xuyên, nghiêm túc.
2.2. Hạn chế, bất cập
Trường được xây dựng nhiều đợt, mỗi đợt một hạng mục và thiếu quy hoạch tổng thể ngay từ ban đầu; dẫn đến sân chơi hẹp, sự phân bổ các khu vui chơi, vận động cho trẻ chưa phù hợp.
Chưa có phòng giáo dục thể chất, nghệ thuật cho trẻ học các giờ giáo dục âm nhạc, nghệ thuật và, các giờ thể dục. Trẻ chủ yếu học ngoài sân trường nắng, trong lớp diện tích chật hẹp không đảm bảo cho trẻ vận động.
Thiếu khu vận động ngoài trời, đồ dùng đồ chơi ngoài trời, đồ dùng dụng cụ phục vụ các giờ thể dục còn hạn chế.
Ngân sách từ chính quyền địa phương đầu tư cho giáo dục mầm non, nhất là đầu tư cho chuyên đề vận động hàng năm còn hạn chế.
Một số bộ phận giáo viên nhân viên chưa làm tốt công tác tuyên truyền, chưa chịu khó học hổi để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực giảng dạy, kinh nghiệm chăm sóc, giáo dục trẻ còn hạn chế.
Còn một số giáo viên đôi lúc chưa thực hiện đầy đủ chế độ sinh hoạt ngày, thực hiện quy chế chuyên môn chưa được tốt thỉnh thoảng còn đối phó khi kiểm tra.
Công tác quản lý, theo dõi, đánh giá cán bộ, giáo viên, nhân viên có lúc chưa sâu sát dẫn đến hiệu quả công việc chưa cao.
Một số góc vận động và góc tuyên truyền trong lớp học.
3. Giải pháp chỉ đạo thực hiện chuyên đề giáo dục phát triển vận động tại Trường mầm non Hoa Hồng
3.1. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản của các cấp về chuyên đề phát triển vận động đến CB, GV, NV, phụ huynh. Xây dựng kế hoạch thực hiện chuyên đề, phân công phân nhiệm hợp lý, nhằm thực hiện thành công chuyên đề
Để tạo sự đồng thuận trong nhà trường sau khi tiếp thu thí điểm chuyên đề giáo dục phát triển vận động cấp tỉnh và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học, văn bản chỉ đạo thực hiện thí điểm chuyên đề của Phòng GD&ĐT; nhà trường đã tổ họp để triển khai trong đội ngũ cán bộ giáo viên nhân viên.
Tổ chức họp phụ huynh đầu năm và tuyên truyền về việc thực hiện thí điểm chuyên đề vận động, nêu mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện chuyên đề để phụ huynh hiểu, qua đó kêu gọi sự đồng tình ủng hộ của phụ huynh trong công tác xã hội hoá để cải tạo sân làm khu chơi vận động, xây dựng vườn cổ tích, trang bị, sửa chữa đồ dùng đồ chơi ngoài trời và các thiết bị vận động.
Chỉ đạo các lớp xây dựng góc tuyên truyền riêng cho chuyên đề vận động với các hình ảnh đẹp, dễ hiểu thông qua đó thu hút phụ huynh cùng tham gia.
Thông qua website của Phòng GD&ĐT, của trường, nhà trường đã đưa các bài viết, các hình ảnh tiết dạy mẫu, hình ảnh trẻ đang sử dụng các thiết bị vận động để phụ huynh và cộng đồng hiểu thêm về việc thực hiện chuyên đề giáo dục phát triển vận động cho trẻ mầm non.
Để thực hiện có hiệu quả chuyên đề ngoài việc thực hiện công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, giáo viên nhân viên và các bậc phụ huynh, nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể chi tiết để chỉ đạo thực hiện.
Căn cứ vào chương trình Bộ GD&ĐT ban hành nhà trường xây dựng kế hoạch năm, tháng, chú trọng sắp xếp bố trí các hoạt động giáo dục phát triển thể chất trong các hoạt động như: Thể dục sáng; hoạt động ngoài trời, giờ học chính khoá; hoạt động góc, sinh hoạt chiều thông qua các trò chơi có luật, trò chơi dân gian, qua hoạt động biểu diễn văn nghệ,… Chỉ đạo giáo viên cụ thể hoá kế hoạch tuần, ngày để thực hiện.
Để giáo viên xây dụng kế hoạch giáo dục phát triển vận động phù hợp với từng lớp, đầu năm học tôi đã yêu cầu giáo viên các lớp khảo sát tình hình thực tế của lớp về đồ dùng vận động, khả năng vận động của trẻ để nắm được những trẻ hiếu động, có thể lực tốt, những trẻ có thể lực yếu và trẻ khuyết tật.
Khi lên kế hoạch phải dựa vào khả năng đặc điểm lứa tuổi để đưa ra cách vận động cho phù hợp. Đầu năm thực hiện những bài tập nhẹ nhàng dễ thực hiện, cuối năm tăng dần độ khó, vận động tinh xảo khéo léo.
Phân công phân nhiệm hợp lý, lựa chọn giáo viên có năng lực kiêm nhiệm tổ khối trưởng.
Tuyên truyền đến các bậc phụ huynh về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện giáo dục thể chất cho trẻ.
3.2. Cải tạo sân chơi, xây dựng môi trường vận động ngoài trời, thực hiện công tác tham mưu, xã hội hoá để mua sắm trang bị đồ dùng đồ chơi ngoài trời, và các thiết bị cho trẻ vận động.
Nhà trường được xây dựng qua 2 giai đoạn, sân chơi cho trẻ hoạt động chật hẹp. Các bồn cây chiếm quá nhiều diện tích sân chơi, chính vì vậy để có diện tích sân chơi tạo các góc vận động ngoài trời cho trẻ, nhà trường đã mạnh dạn phá bỏ các bồn, cải tạo các góc chơi trong sân trường gồm:
Một số bồn cây được cải tạo lại sử dụng để đổ cát vào làm khu chơi vận động, trẻ chơi nhà chòi trượt vào hố cát, thực hiện các bài tập thang leo, xà đơn đu …để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chơi, thực hiện các bài tập; 01 bồn được cải tạo làm nhà chòi, bố trí bàn, ghế, các gian hàng để trẻ chơi góc phân vai ở sân; 01 bồn được sử dụng để làm khu vận động với các bài tập đi, bò, trườn và một bồn nữa dùng để cho trẻ chơi với cát, nước;
Cải tạo, sửa chữa lại vườn cổ tích, bồn hoa trong sân trường. Di chuyển vườn thuốc nam và sử dụng diện tích đấy để xây dựng bể bơi cho trẻ. Thiết kế góc chơi vận động, góc chơi dân gian, tạo nhiều góc chơi cho trẻ toàn trường được hoạt động trải nghiệm hàng ngày.
Nhà trường đã được xây dựng nhiều năm, sân chơi có nhiều cây xà cừ lớn cho bóng mát. Tuy nhiên, các rễ cây xà cừ đã làm hỏng sân chơi của trẻ, Hiệu trưởng đã cùng nhân viên bảo vệ đưa khối bê tông cũ lên, chặt bớt rễ cây và làm lại sân, tạo sân chơi bằng phẳng an toàn cho trẻ chơi.
Để đáp ứng nhu cầu “học mà chơi, chơi mà học” của trẻ nhà trường đã vẽ các bài tập vận động có trong chương trình trên sân, kết hợp các chữ cái, chữ số… để giờ hoạt động ngoài trời, hoạt động học trẻ có thể vừa luyện tập các bài tập vận động, vừa củng cố, ôn luyện, làm quan các bài tập, các chữ số, chữ cái mới…
Để thực hiện tốt chuyên đề giáo dục phát triển vận động cho trẻ điều quan trọng không thể thiếu đó là cơ sở vật chất trang thiết bị. Trong khi ngân sách Nhà nước eo hẹp, hàng năm chỉ cấp trên tổng số biên chế trường hiện có, và chủ yếu dùng cho chi lương và thanh toán cá nhân, phúc lợi tập thể.. số tiền ngân sách cấp hàng năm không có để chi cho đầu tư mua sắm; chính vì vậy, muốn thực hiện được chuyên đề nhà trường đã thực hiện công tác tham mưu xã hội hoá;
Căn cứ văn bản 6890/BGD&ĐT-KHTC ngày 18/10/2010 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở giáo dục và đào tạo; nhà trường đã tranh thủ sự ủng hộ của Phòng GD&ĐT, Uỷ ban nhân dân Thị trấn để xin chủ trường vận động xã hội hoá giáo dục đầu tư mua sắm cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ cho chuyên đề giáo dục phát triển vận động.
Trong 4 năm thực hiện chuyên đề nhà trường đã sử dụng kinh phí đề án giáo dục mầm non được cấp và vận động các doanh nghiệp, các mạnh thường quân để mua sắm thêm đồ dùng đồ chơi ngoài trời như xích đu, cầu trượt, nhà chòi ống, thang leo, cầu giây, ống chui, ghế băng dài, hệ thống chơi với nước, sửa chữa vườn cổ tích, tạo các góc cây, đường đi bằng sỏi đá, vòng ném xa …với tổng số tiền là 200.000.000đ (Hai trăm triệu đồng chẵn).
3.3. Chỉ đạo giáo viên xây dựng môi trường bên trong lớp, tăng cường thiết bị, đồ dùng vận động và tạo cơ hội cho trẻ khai thác hoạt động trải nghiệm.
Đối với trẻ mầm non, môi trường và đồ dùng đồ chơi là rất quan trọng, đặc biệt là đồ dùng cho trẻ vận động; Chính vì vậy, sau khi kỳ nghỉ hè, giáo viên đến trường điều đầu tiên là tập trung cho việc sắp xếp lớp, trang trí tạo môi trường lớp học, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên tạo góc vận động trong lớp, góc vận động được bố trí phù hợp, có diện tích đủ cho trẻ hoạt động và xa góc tĩnh như góc sách, nghệ thuật, góc học tập.
Sử dụng các nguyên vật liệu phế thải để làm các đồ dùng dụng cụ như: Túi cát bằng vải, cổng chui bằng các hộp sữa, cà kheo, nơ, bông,…mua sắm thêm các trang thiết bị để phục vụ vận động trong góc như boling, gậy, vòng, bóng…Thực hiện việc khai thác góc vận động trong lớp như: Trẻ chơi với bô lin, ném vòng vòng vào cổ chai, bật qua các vòng, ném bóng vào giỏ, lăn bóng, tung bóng và bắt bóng, đi cà kheo…
Tạo góc tuyên truyền trước cửa lớp về chuyên đề phát triển vận động bằng các hình ảnh ngộ nghĩnh trẻ đang thực hiện các bài tập vận động, ý nghĩa tầm quan trọng của việc phát triển thể chất cho trẻ ở lứa tuổi mầm non để tuyên truyền đến các bậc phụ huynh.
Cải tạo sân chơi, xây dựng môi trường vận động ngoài trời cho trẻ hoạt động.
3.4. Chú trọng bồi dưỡng chuyên đề giáo dục phát triển vận động cho đội ngũ giáo viên
Song song với môi trường, cơ sở vật chất trang thiết bị, để thực hiện chuyên đề một cách có hiệu quả thì chất lượng đội ngũ đóng vai trò hết sức quan trọng vì vậy để giáo viên nắm được mục tiêu và phương pháp dạy hoạt động vận động cho trẻ thì việc bồi dưỡng cho giáo viên là rất cần thiết và thường xuyên; việc bồi dưỡng cần phải song song lý thuyết, kết hợp vớ thực hành thực tiễn.
Bồi dưỡng lý thuyết
– Mục tiêu cần đạt về lĩnh vực phát triển thể chất cho từng độ tuổi. Nội dung giáo dục phát triển thể chất.
– Bồi dưỡng cho giáo viên về phương pháp tổ chức các hoạt động; cách xây dựng kế hoạch theo chủ đề; hướng dẫn tích hợp lồng ghép hoạt động phát triển vận động vào trong các hoạt động trong ngày và mọi lúc mọi nơi, vào các ngày hội ngày lễ, hội thi.
– Hình thức bồi dưỡng: Hàng tháng tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo khối để giáo viên trao đổi học tập lẫn nhau.
– Kết hợp nhân viên y tế bồi dưỡng sơ cứu ban đầu khi gặp sự cố không an toàn cho trẻ, cách chăm sóc trẻ, phòng tránh ngộ độc thực phẩm..v..phòng tránh bệnh theo mùa;
– Trong các buổi sinh hoạt chuyên môn nhà trường đã tổ chức cho giáo viên ôn lại phương pháp thực hiện hoạt động phát triển vận động, bằng cách giáo viên nói lại lần lượt các bước thực hiện hoạt động vận động, đồng thời tập nói cách hướng dẫn vận động đó.
Bồi dưỡng qua thực hành
Sau mỗi lần bồi dưỡng lý thuyết cho GV, để GV hiểu rõ về thực hành hoạt động vận động nhà trường đã tổ chức xây dựng các tiết dạy mẫu với từng độ tuổi.
Trong quá trình dự giờ giáo viên nhà trường đã chọn và bồi dưỡng thêm cho giáo viên những kỹ năng cơ bản, cách hướng dẫn theo khả năng của trẻ tại lớp đó để cho tất cả giáo viên trong trường đến dự. Qua tiết dạy người dự đã nắm được phương pháp của hoạt động, hình thức lên lớp, cách lấy, cất đồ dùng dụng cụ, cách làm đồ dùng tự tạo trong hoạt động vận động cho trẻ.
3.5. Hướng dẫn giáo viên tổ chức tốt các hoạt động phát triển vận động cho trẻ trong giờ học chính khoá và lòng ghép tích hợp qua các hoạt động khác trong ngày
Đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm là yêu cầu cấp bách trong thời kỳ hiện nay vì “Dạy học lấy học sinh làm trung tâm là đặt trẻ vào vị trí trung tâm của hoạt động dạy – học, xem cá nhân của từng trẻ – với những phẩm chất và năng lực riêng – vừa là chủ thể vừa là mục đích của quá trình đó, phấn đấu tiến tới cá thể hóa quá trình học tập với sự trợ giúp của các phương tiện thiết bị, để cho tiềm năng của mỗi trẻ được phát triển tối ưu, góp phần có hiệu quả vào việc hình thành cho trẻ tính mạnh giạn, tự tin, độc lập, tự chủ, tư duy nhạy bén, sáng tạo, góp phần giúp cho trẻ xây dựng cuộc sống có chất lượng cho cá nhân, gia đình và xã hội sau này”.
Phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm là tăng cường đối thoại giữa cô và cháu, rèn trẻ cách làm việc nhóm; thực hành, trải nghiệm trên cơ sở đó giáo viên kết luận vấn đề thông qua các hoạt động của trẻ. Tránh việc cô nói nhiều, làm thay trẻ, trẻ tiếp thu kiến thức chủ động.
Để tổ chức tốt một hoạt động phát triển vận động giáo viên cần:
– Chuẩn bị đồ dùng đầy đủ, phù hợp với độ tuổi, chuẩn bị sân chơi, bãi tập bẳng phẳng sạch sẽ và chú ý đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình thực hiện vận động.
– Khi tổ chức thực hiện giáo viên cần cho trẻ có thời gian để trẻ luyện tập và kiên trì theo đuổi một hoạt động nào đó mà trẻ muốn trải nghiệm thành công. Khi hướng dẫn cho trẻ, không nhất thiết một nội dung nào giáo viên cũng phải thực hiện đầy đủ các bước rập khuôn như tập mẫu, cho 1,2 trẻ lên tập thử, lần lượt từng cá nhân, từng nhóm, từng tổ lên thực hiện, mà căn cứ vào khả năng của trẻ, giáo viên có thể lựa chọn các bước để tổ chức thực hiện cho phù hợp, tạo điều kiện cho trẻ được tham gia vận động tích cực, thoải mái, tăng số lần vận động với nhiều hình thức khác nhau, tránh để trẻ phải đứng chờ đợi theo thứ tự mới đến lượt được tham gia vận động.
– Những trò chơi trẻ đã hiểu luật chơi: Sau khi gọi tên trò chơi giáo viên chỉ cần giải thích sơ lược và nhắc lại những điều cơ bản của trò chơi, có thể đưa thêm một số yêu cầu cao hơn trước để trẻ thực hiện.
– Trong giờ học quan tâm đến mọi đối tượng trẻ, đối với trẻ nhút nhát, rụt rè giáo viên cần chia nhỏ nhiệm vụ và thực hiện cùng với trẻ, giúp trẻ hứng thú, mạnh dạn, tự tin, đối với trẻ nhanh cô cần nâng cao yêu cầu. Với những hoạt động khó, giáo viên có thể hạ thấp mức độ để trẻ được tận hưởng cảm giác thành công và hứng thú đến với những hoạt động khác.
– Đối với hoạt động thể dục sáng: Nhà trường đã chỉ đạo đổi mới các bài tập thể dục sáng đơn điệu bằng các đoạn nhạc, các bài hát khác nhau như bài hát vũ điệu rửa tay; con cào cào…tương ứng với các bài tập phát triển nhóm hô hấp, cơ, tay vai, chân bụng và các động tác nhảy bật, tăng cường thời lượng tập thể dục sáng để cho trẻ có cơ hội được vận động.
– Hoạt động ngoài trời: Phân chia các khu chơi ngoài sân cho các lớp hoạt động thông qua các bài tập được vẽ trước sân trường như nhảy bật qua các ô liên tục, bò trong đường hẹp, bò theo đường dích dắc, bật qua vòng, ném bóng rổ, đi qua suối, đi trên cầu giây, đu xà đơn, trèo thang, chui ống.. và chơi với các đồ dùng đồ chơi ngoài trời…. Tổ chức các trò chơi cho trẻ chơi như chạy cướp cờ, mèo đuổi chuột, bịt mắt bắt dê, chi chi chành chành, nhảy bao bố, đi cà kheo…qua đó để được rèn luyện tính mạnh dạn, tự tin khi thực hiện các bài tập, giúp trẻ phát triển thể chất, năng lực thực hiện các hoạt động.
– Tích hợp trong các hoạt động học:
Hoạt động làm quen với toán, trẻ được tổ chức luyện tập với hình thức thi đua chạy lên chọn những con vật gắn với chữ số tương ứng.
Hoạt động làm quen chữ viết, trẻ được chơi trò chơi cáo và chim sẻ, trẻ vừa nhảy vừa đọc thơ khi bị cáo đuổi bắt chim sẻ chạy về đúng nhà có chữ cái tương ứng có ở mũ chim đội trên đầu.
Hoạt động khám phá, trẻ được nhảy bật qua các vòng để lên gắn quả cho cây, hay phát triển các cơ ngón tay thông qua tự cuốc đất trồng rau các các chậu.
Hoạt động làm quen âm nhạc, trẻ được múa, vận động, nhảy các bài hát, đoạn nhạc.
– Trong hoạt động góc: Ví dụ Ở góc toán. Trẻ thực hiện gập, mở lần lượt từng ngón tay để đếm, thêm, bớt, tạo ra các hình học…
– Ở góc nghệ thuật: Trẻ được phát triển các vận động tinh như dùng bàn tay, ngón tay để vẽ tô màu, gắn hột hạt tạo ra sản phẩm, các ngón tay kết hợp với nhau cầm phấn, bút vạch ra những đường nét theo sự tưởng tượng của trẻ. Trẻ dùng đất nặn nhào, bóp, lăn dọc, xoay tròn, ấn, dí cũng cần có sự khéo léo và sức mạnh của đôi bàn tay. Với trò chơi đan tết, lắp ráp, cắt dán thường xuyên được giáo viên tổ chức trong hoạt động góc.
– Thông qua sinh hoạt chiều trẻ được chơi các trò chơi có luật, trò chơi dân gian; trò chơi vận động qua đó sẽ rèn luyện thể chất, sức khỏe cho trẻ, tạo cho trẻ sự nhanh nhẹn, năng động, tự tin.
Đồ chơi vận động cho trẻ.
3.6. Tổ chức có hiệu quả tuần lễ thể thao cho bé, và các hội thi cấp trường tham gia cấp huyện, xây dựng khẩu phần thực đơn bán trú cho trẻ tại trường mầm non
Giáo dục phát triển vận động không những được thực hiện qua giờ thể dục sáng, giờ phát triển thể chất và lồng ghép trong các hoạt động trong ngày, mọi lúc mọi nơi mà nó được thể hiện rõ ràng nhất trong ngày hội thể thao, hội thi bé khoẻ bé ngoan, bé tìm hiểu an toàn giao thông, các ngày hội ngày lễ trong năm. Đây là một sân chơi bổ ích nhằm phát triển thể chất, năng lực cho trẻ tốt nhất.
Năm học qua nhà trường đã tổ chức thành công Ngày hội thể thao của bé ngày hội được diễn ra trong vòng 3 ngày. Ngày thứ nhất trẻ được diễu hành đi bộ qua các con đường quanh trường nhằm tuyên truyền ngày hội thể thao về ý nghĩa của việc rèn luyện để nâng cao sức khỏe đến các bậc phụ huynh, nhân dân; ngày thứ hai các lớp thi các tiết mục nhảy Erô bích; ngày thứ ba trẻ chơi các trò chơi dân gian như nhảy bao bố, đi cà kheo; đi kẹp bóng.
Hội thi bé khỏe bé ngoan cấp trường cấp huyện trẻ, được thể hiện các phần thi năng khiếu múa, đóng kịch, nhảy; trả lời câu hỏi kiến thức về dinh dưỡng sức khỏe và phần thi đi trên ghế băng, bật qua các vòng tìm các nhóm chất dinh dưỡng dán vào ô tương ứng theo yêu cầu.
Hội thi bé tìm hiểu an toàn giao thông trẻ được thực hành đi theo tín hiệu đèn màu, đi theo hiệu lệnh chú cảnh sát giao thông qua ngã tư đường phố. Được thể hiện các tiểu phẩm vui nhộn về chủ đề và chạy nhanh chọn các phương tiện giao thông theo yêu cầu.
Thông qua ngày hội ngày lễ như; rằm trung thu của bé; mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11; noel của bé 24/12; kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ 19/5…trẻ được hát, múa, nhảy ê rô bích, đóng kịch, vận động tích cực…
Song song với công tác giáo dục thì nhiệm vụ của trường mầm non là làm tốt công tác nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ. Trẻ được ở với cô giáo 8-10 tiếng /ngày.
Trong khoảng thời gian đó trẻ được các cô yêu thương chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ, công tác vệ sinh cá nhân, đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất tinh thần cho trẻ. Một yếu tố quan trọng góp phần nâng cao thể lực cho trẻ ngoài tăng cường sự vận động đó là nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của bé.
Căn cứ thông Thông tư 28/2016/TT-BGDĐT nhà trường đã chỉ đạo bộ phận y tế xây dựng khẩu phần thực đơn phù hợp cho từng độ tuổi, sử dụng phần mềm nutrikis để cân đối các chất sinh năng lượng và các chất dinh dưỡng đảm bảo cho trẻ đầy đủ chất và đúng nhu cầu năng lượng của trẻ trong một ngày.
Ở trường trẻ được ăn 3 bữa một bữa chính vào lúc 10g30, 2 buổi phụ vào lúc 14g và 16g với đầu đủ các nhóm thực phẩm đa dạng như nhóm tinh bột trẻ ăn cơm trưa cháo buổi xế hoặc chè các loại ngủ cóc; nhóm chất đạm gồm thịt heo, bò, gà, cá thu, trứng cút, tôm, sữa, nhóm chất béo gồm dầu ăn, mỡ, lạc vừng; nhóm vitamin và chất khoáng gồm rau xanh, các loại củ quả.
Trẻ được chăm sóc giờ ăn, được cô động viên ăn hết suất, đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến và cho trẻ ăn.
Chính sự quan tâm ấy đã đem lại cho nhà trường uy tín lớn trong lòng phụ huynh, trong 18 năm thành lập và phát triển nhà trường chưa có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra. Tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng hàng năm giảm xuống dưới 5%. Đây là một yếu tố góp phần nâng cao thể lực giúp trẻ phát triển toàn diện.
3.7. Nâng cao năng lực quản lý của Ban giám hiệu, tổ khối trưởng, thực hiện tốt công tác kiểm tra tư vấn , đánh giá, rút kinh nghiệm
Một nhà trường tốt là một trường mà nơi đó bộ máy lãnh đạo hoạt động nhịp nhàng, tinh thần trách nhiệm cao và uy tín, giỏi về năng lực chuyên môn nghiệp vụ cũng như công tác quản lý. Muốn có được điều đó bản thân mỗi đồng chí trong Ban giám hiệu cần phải cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ tích cực tham khảo tài liệu, nghiên cứu văn bản để có kiến thức vững chắc, biết phân tích nhận định tình hình, xác định rõ nhu cầu mục tiêu ngắn và dài hạn. Trên cơ sở đó xây dựng đầy đủ các loại kế hoạch như: Kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn. Hàng năm xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học, kế hoạch học kỳ, kế hoạch tháng, tuần, kế hoạch thực hiện các cuộc vận động, thực hiện chuyên đề… Cụ thể hóa kế hoạch, nhiệm vụ, chỉ tiêu, chỉ đạo triển khai nghiêm túc nội dung chương trình chăm sóc giáo dục trẻ, các văn bản hướng dẫn của cấp trên. Thực hiện tốt kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn, bồi dưỡng đội ngũ phát triển toàn diện về mọi mặt.
Thường xuyên kiểm tra, dự giờ, tư vấn cho đội ngũ phương pháp đổi mới, cách áp dụng bộ tiêu chí theo quan điểm lấy trẻ làm trung trong các hoạt động chơi, khoạt động học nói chung và chuyên đề vận động nói riêng.
Sau mỗi học kỳ, năm học và sau khi tổ chức trao đổi, dạy mẫu chuyên đề vận động ban giám hiệu nhà trường cần đánh giá cụ thể nhưng ưu khuyết điểm để nhân rộng và rút kinh nghiệm trong đội ngũ đồng thời có ý kiến chỉ đạo, thống nhất chung trong quá trình thực hiện chuyên đề góp phần nâng cao hiệu quả.
Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện chuyên đề trong 3 năm, đồng thời cùng trao đổi tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu, tìm cách khắc phục những hạn chế, yếu kém.
Tuyên dương khen thưởng các cá nhân thực hiện tốt chuyên đề để kịp thời động viên khích lệ.
Một số tiết dạy mẫu giáo dục thể chất.
4. Những kết quả đạt được
Với những biện pháp như trên tôi đã vận dụng vào tình hình thực tế một cách hợp lý và kết quả mang lại cho trẻ sức khoẻ tốt, trẻ nhanh nhẹn, mạnh dạn, tự tin trong mọi hoạt động, có ý thức kỷ luật tốt.
Giáo viên triển khai các hoạt động vận động trong lĩnh vực phát triển thể chất chuyển biến một cách rõ nét, giáo viên có kinh nghiệm nhiều hơn trong việc dạy các hoạt động vận động và tổ chức trò chơi vận động.
Qua 4 năm học thực hiện chuyên đề, kết quả sức khoẻ của Trẻ ở kênh bình thường từ 80,5% tăng lên 94,3%; Trẻ SDD thể nhẹ cân từ 12,5% giảm xuống còn 4,5%; Trẻ SDD thể thấp còi từ 9,4% giảm xuống còn 3,5% và không còn trẻ bị béo phì. Các tiết dạy giáo dục phát triển thể chất cho trẻ xếp loại Tốt tăng 14%, loại Khá tăng 11% và loại TB tăng 25%.
Với sự quyết tâm lớn của BGH, sự đồng lòng cố gắng của đội ngũ với một số biện pháp thiết thực, phù hợp với đặc điểm tình hình của nhà trường, trường mầm non Hoa Hồng đã thực hiện thành công chuyên đề giáo dục phát triển vận động và đã đạt được một số kết quả sau:
Năm học 2014-2015 được Uỷ ban nhân dân huyện khen tập thể lao động xuất sắc.
Năm học 2015-2016 được Uỷ ban nhân dân Tỉnh công nhận tập thể lao động xuất sắc.
Năm học 2016-2017 được Uỷ ban nhân dân Tỉnh công nhận tập thể lao động xuất sắc.
Nhà trường được Phòng GD&ĐT tạo khen thưởng 3 năm thực hiện tốt chuyên đề giáo dục phát triển vận động.
5. Kết luận
Giáo dục phát triển vận động là một trong những nhiệm vụ của giáo dục phát triển thể chất nhằm phát triển toàn diện cho trẻ mầm non. Vận động (dù ở mức độ đơn giản hay phức tạp) cũng là điều kiện cho sự phát triển cơ thể con người ở nhiều mặt khác nhau. Dưới tác động của giáo dục, các hoạt động nhằm phát triển vận động cho trẻ sẽ được nghiên cứu, lựa chọn và tổ chức một cách khoa học để đạt được mục tiêu giáo dục đề ra.
Về mặt thể chất, giáo dục phát triển vận động góp phần tăng cường và bảo vệ sức khỏe: Các bài tập vận động vừa sức giúp cơ thể trẻ thoải mái, kích thích hoạt động của các hệ cơ quan bên trong như hệ tuần hoạn, hệ thần kinh, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa… đặc biệt khi trẻ luyện tập với các yếu tố tự nhiên như ánh nắng mặt trời, nước, không khí…không chỉ tăng cường hiệu quả tập luyện mà còn giúp trẻ thích nghi tốt hơn với môi trường sống bên ngoài, tăng cường sức đề kháng của cơ thể trẻ. Thực hiện các bài tập vận động một cách khoa học giúp trẻ phát triển hệ xương, củng cố khớp, dây chằng, tạo khả năng phát triển đúng tỉ lệ giữa các bộ phận cơ thể. Từ đó phát triển tư thế thân người hợp lý hoặc uốn nắn những tư thế sai cho trẻ.
Việc thực hiện các bài tập vận động góp phần tích cực vào giáo dục phát triển nhận thức (tăng cường hiểu biết, làm phong phú biểu tượng về bài tập vận động các bộ phận trên cơ thể và tác dụng của bài tập vận động đến chúng, yêu cầu luyện tập…) giáo dục và phát triển tình cảm và kỹ năng thực hiện các yêu cầu về vệ sinh cá nhân, môi trường và dụng cụ luyện tập; hình thành các phẩm chất nhân cách cần thiết của người lao động: giáo dục phát triển thẩm mỹ (nhận thức đúng đắn về cái đẹp trong trang phục luyện tập, các động tác vận động, có mong ước được tạo ra cái đẹp trong luyện tập vận động); giáo dục lao động cho trẻ mầm non (tham gia chuẩn bị địa bàn, các dụng cụ luyện tập; cất đặt đồ dùng, dụng cụ luyện tập đúng chỗ quy định), quý trọng sức lao động của người khác.
Như vậy có thể khẳng định Giáo dục phát triển thể chất cho trẻ là một nội dung hết sức cần thiết và mang tính cấp bách trong xu thế hiện nay vì thế với mỗi trường cần có những biện pháp sáng tạo, linh hoạt cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị mình nhằm thực hiện có hiệu quả.
Hằng Tư (HT Trường MN Hoa Hồng).