Các trường học cần làm gì trước dịch đau mắt đỏ ?
Lượt xem:
Trước nguy cơ lây lan và bùng phát của dịch đau mắt đỏ, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trường học trực thuộc chủ động, tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ.
Theo đó, đau mắt đỏ (Bệnh viêm kết mạc cấp) là tình trạng nhiễm trùng mắt, do vi rút hoặc vi khuẩn hoặc do dị ứng gây ra, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt còn lại. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và có thể gây thành các vụ dịch lớn, nhất là ở những nơi tập trung đông người như trường học, bệnh viện, công sở, bể bơi… gây ảnh hưởng tới khả năng lao động, học tập và sinh hoạt của cán bộ, giáo viên, học sinh… có trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này. Cho đến nay, bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu, những người đau mắt đỏ đã được chữa khỏi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xuất hiện các trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ, tuy chưa thành ổ dịch nhưng đã ảnh hưởng nhiều đến công việc, hoạt động của người dân và ảnh hưởng đến việc dạy – học của giáo viên và học sinh.
Để chủ động, tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ tại các cơ sở giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường học đẩy mạnh công tác truyền thông về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế bằng nhiều hình thức cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Truyền thông tạo sự đồng thuận cho cha mẹ học sinh với thông điệp không để học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ có chỉ định nghỉ học đến trường.
Tuyên truyền đến cha mẹ học sinh khi phát hiện học sinh có các triệu chứng như: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm… cần đưa trẻ đến các cơ sở khám chữa bệnh để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý mua thuốc tự điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
Chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp đau mắt đỏ trong lớp học, khi phát hiện ca bệnh đau mắt đỏ trong lớp học cần sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng đồ dùng, bàn ghế của học sinh; thông báo cho cha, mẹ học sinh (có con bị đau mắt đỏ), thông tin ca bệnh cho Trạm Y tế tại địa phương để phối hợp xử lý. Động viên học sinh bị đau mắt đỏ, không làm cho học sinh hoang mang, lo lắng khi bị mắc bệnh, xây dựng kế hoạch dạy phụ đạo phù hợp cho học sinh bị đau mắt đỏ có chỉ định nghỉ học của cơ sở y tế.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế, để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang… 2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. 3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. 4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ. 5. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng. |
Phòng GDĐT Ngọc Hồi.