Để thực hiện thành công chương trình GDPT 2018 trên địa bàn huyện Ngọc Hồi
Lượt xem:
Năm 2018 Chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPT 2018) được ban hành, từ năm học 2019 – 2020 việc triển khai chương trình, sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu với lớp 1, đến năm học 2023 – 2024 chương trình mới đang được triển khai ở lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 6, lớp 7, lớp 8 và lớp 10, 11…
Ảnh minh hoạ.
Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo, bằng sự chủ động, tích cực của đội ngũ CBQL, giáo viên, những năm qua Ngành GD&ĐT huyện Ngọc Hồi cơ bản đã thực hiện tốt việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới trên địa bàn. Về mặt chuyên môn, qua thực tiễn theo dõi và chỉ đạo gắn với yêu cầu chung, chúng tôi thấy rằng mỗi đơn vị trường học và toàn ngành cần tiếp tục thực hiện một cách đồng bộ như sau:
Một là phải kiên trì thực hiện CTGDPT 2018 trên tinh thần luôn luôn lắng nghe các ý kiến trái chiều một cách cầu thị gắn với việc thường xuyên rà soát, đánh giá mọi nội dung, mọi nhiệm vụ liên quan… để có cái nhìn tổng thể, đúng đắn, sâu sắc qua đó có điều chỉnh, bổ sung, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả.
Hai là phải tôn trọng và phát huy cao độ tính tự chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm về chuyên môn của nhà trường, CBQL và giáo viên trên cơ sở các quy định chung về nội dung chương trình. Tuyệt đối không máy móc áp đặt, không làm thay. Bởi cùng với tinh thần chung của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay, CTGDPT 2018 đòi hỏi sự sáng tạo rất lớn từ các nhà trường và đội ngũ nhà giáo để vừa đáp ứng yêu cầu chung, vừa phù hợp với các điều kiện cụ thể về đội ngũ, cơ sở vật chất, học sinh.
Ba là việc xây dựng Kế hoạch giáo dục năm học của mỗi nhà trường là rất quan trọng và có tính chất quyết định. Một Kế hoạch giáo dục đổi mới, khả thi đòi hỏi công sức, thời gian của cả Hội đồng sư phạm nhà trường trên cơ sở phát huy cao độ trí tuệ tập thể nhà giáo, CBQLGD. Tuyệt đối không lấy kế hoạch của năm trước áp dụng cho năm sau mà phải tập trung xây dựng kế hoạch năm sau trên cơ sở kế hoạch năm trước trong những điều kiện mới của năm học mới… Như vậy càng không thể lấy kế hoạch giáo dục của trường này áp dụng cho trường kia… Phải hiểu đúng bản chất của giáo dục đáp ứng phẩm chất năng lực người học để lựa chọn nội dung, hoạt động, phương pháp giáo dục phù hợp, tuyệt đối tránh dạy học nhồi nhét, thiên lệch về một môn học hoặc hoạt động nào đó.
Bốn là các nhà trường phải đẩy mạnh sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học. Đây là nhiệm vụ đồng thời là giải pháp quyết định đến việc phát triển chuyên môn của đội ngũ. Thông qua sinh hoạt chuyên môn đội ngũ được bồi dưỡng về kiến thức, rèn luyện về kĩ năng trên cơ sở các chuyên đề chuyên môn luôn được đào luyện không ngừng từ năm này qua năm khác với những bồi đắp, bổ sung, điều chỉnh phù hợp…Những tập huấn của cấp trên chỉ là cơ bản, bước đầu còn sinh hoạt chuyên môn thường xuyên của nhà trường mới thực sự là giải pháp thay đổi đội ngũ theo hướng ngày một tốt hơn.
Năm là phải làm tốt công tác truyền thông đến cha mẹ học sinh và toàn xã hội để họ hiểu, ủng hộ mọi mặt. Đây cũng chính là một trong những khâu còn yếu cần được các nhà trường nghiêm túc nhìn nhận, quan tâm và thực hiện thường xuyên, dưới nhiều hình thức, ứng dụng mạnh mẽ các nền tảng truyền thông số, công nghệ…
Sáu là phải tích cực hơn, làm tốt hơn công tác xã hội hóa giáo dục để khai thác và phát huy mọi nguồn lực cho việc thực hiện CTGDPT 2018. Xã hội hóa giáo dục là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và toàn ngành cần được hiểu đúng và làm tốt trên cơ sở các hành lang đã tương đối đầy đủ về chủ trương, pháp luật.
Bảy là mỗi nhà giáo, CBQLGD phải tích cực, chủ động tự học, tự rèn để không ngừng nâng cao kiến thức, năng lực, đạo đức nhà giáo…nhằm không chỉ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mà còn đáp ứng sự thay đổi thường xuyên, nhanh chóng của khoa học kỹ thuật trong điều kiện cuộc cách mạng 4.0. Giáo dục và đổi mới giáo dục chỉ có thể thành công nếu nhà giáo, CBQLGD có đủ phấm chất, năng lực và không ngừng đổi mới, đi đầu đổi mới…
Đạo đức, lương tâm nhà giáo là tiên quyết, hàng đầu, đòi hỏi mỗi thầy cô phải không ngừng gìn giữ, phát huy. Nếu đã là nhà giáo xin hãy vì học trò, hãy làm sao để các em có được một nền giáo dục chân chính, đúng đắn, qua đó mà tạo dựng nền móng và định hướng phát triển của cả cuộc đời các em.
Tất nhiên còn nhiều việc khác tiếp tục cần được quan tâm thực hiện như công tác tham mưu, công tác kiểm tra, công tác phối hợp,…
Vũ Việt Thắng (Phó TP Phòng GDĐT Ngọc Hồi).