Cô hiệu trưởng và mô hình Trường học hạnh phúc

Lượt xem:

Đọc bài viết

Cô Hoàng Thị Hòa – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường Tiểu học số 2, thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) vừa được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023, với nhiều sáng kiến có tính ứng dụng cao, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giáo dục,  tiêu biểu là mô hình Trường học hạnh phúc với 5 mô hình nhỏ.

Cô Hoàng Thị Hòa điều hành buổi họp chi bộ nhà trường. Ảnh: DN.

Xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc là một chủ trương lớn của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, mỗi cơ sở giáo dục có cách thức triển khai khác nhau, đảm bảo phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế, nhưng đều nhằm xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Đảng.

Tại trường Tiểu học số 2, thị trấn Plei Kần, mô hình Trường học hạnh phúc được cô hiệu trưởng Hoàng Thị Hòa khởi xướng, triển khai xây dựng bắt đầu từ năm học 2019 – 2020. Căn cứ vào tình hình thực tế, cô đã xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc với 5 mô hình nhỏ: Cổng trường An toàn, Thư viện thân thiện, Môi trường Xanh -Sạch -Đẹp và An toàn, Nâng bước em tới trường và Tiết kiệm làm theo lời Bác. Mô hình đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Ban Giám hiệu cùng các thầy, cô trong trường.

Cô chia sẻ, lý do tôi xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc là vì mong muốn mỗi ngày đến lớp là một ngày vui, không chỉ đối với 53 thầy, cô giáo mà còn đối với cả 898 học sinh, có như vậy mới thu hút được học sinh đi học chuyên cần và nâng cao chất lượng giáo dục, tạo sự an tâm, tin tưởng của phụ huynh khi giao con mình cho nhà trường dạy dỗ.

Mô hình “Cổng trường An toàn” là hướng dẫn học sinh thực hiện nghiêm túc việc xếp hàng, đi theo hàng ra về; đồng thời, hướng dẫn phụ huynh khi đưa, đón con em để xe đúng nơi quy định, tránh ùn tắc giao thông, góp phần xây dựng cổng trường an toàn giao thông. Sau thời gian triển khai, cổng trường không còn cảnh học sinh, phụ huynh chen lấn, dàn hàng ngang mà thông thoáng, thuận lợi, an toàn cho người tham gia giao thông qua đoạn đường trước cổng trường.

Mô hình “Thư viện thân thiện” được coi là sáng kiến “độc lạ” của cô Hòa bởi  thư viện được xây dựng dưới các tán cây, chân cầu thang, hành lang lớp học, với những tủ sách di động được làm từ đồ tái chế như lon bia, vỏ chai nhựa, mây tre đan theo tiêu chí thân thiện, gần gũi với thiên nhiên, đã mang lại những trải nghiệm thú vị cho các em học sinh, giúp các em có tinh thần học tập thoải mái và hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu, nâng cao chất lượng dạy và học.

Cô Hoàng Thị Hòa nghiên cứu giáo trình giảng dạy để cho ra đời thêm nhiều sáng kiến nâng cao chất lượng dạy và học. Ảnh: DN.

Đối với mô hình “Môi trường xanh – sạch – đẹp và an toàn”, cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh đã cải tạo lại vườn hoa, vườn thuốc nam trong khuôn viên trường; trồng mới các chậu hoa, góc thiên nhiên và cây cảnh xung quanh lớp học, tạo cảnh quan để các em được học tập, vui chơi trong môi trường an toàn, lành mạnh.

Để xây dựng mô hình “Nâng bước em tới trường”, cô Hoàng Thị Hòa đã đứng ra vận động quyên góp để hỗ trợ 5 học sinh (300.000 đồng/tháng/học sinh) từ năm 2019 – 2022; từ năm 2023 đến nay, hỗ trợ 3 học sinh (400.000 đồng/tháng/học sinh). Chỉ tính riêng năm học 2023 – 2024, nhà trường đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho hàng trăm học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện.

Mô hình “Tiết kiệm làm theo lời Bác” được duy trì theo hình thức mỗi thầy, cô tiết kiệm 1.000 đồng/ngày (trừ những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn). Trong năm học vừa qua, nhà trường đã ủng hộ xóa nhà tạm do Ủy ban MTTQVN thị trấn Plei Kần và xã Đăk Ang phát động trên 16,7 triều đồng và hỗ trợ học sinh nghèo, thăm hỏi cha mẹ học sinh mắc bệnh hiểm nghèo, tặng quà người có công với cách mạng.

Ngoài 5 sáng kiến trên, đặc biệt, trong năm học 2023 – 2024, sáng kiến “Một số kỹ năng sử dụng phần mềm Powerpoint, Ispring thông qua xây dựng bài giảng E-Learning và một số trò chơi nhằm nâng cao chất lượng môn Giáo dục địa phương lớp 2, 3” của cô Hoàng Thị Hòa đã được UBND tỉnh công nhận sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh năm 2023 vì có tính ứng dụng cao, mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác giáo dục.

Cô Hoàng Thị Hòa cho biết, bản thân luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, tìm tòi, nghiên cứu các phương pháp nâng cao chất lượng dạy, học. Thực hiện chương trình sách giáo khoa năm 2018, đòi hỏi cán bộ, giáo viên phải ứng dụng CNTT. Vì vậy, tôi đã tìm tòi, nghiên cứu cho ra đời sáng kiến này. Tôi đã chỉ đạo quyết liệt đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện tốt việc ứng dụng CNTT trong dạy học, đưa bài giảng lưu trên cơ sở dữ liệu 365 của ngành, để có thêm thời gian tập trung nâng cao chất lượng dạy và học. Sáng kiến nào tôi cũng đều đưa ra cuộc họp thảo luận, lấy ý kiến rồi mới triển khai.

Thầy Nguyễn Văn Đức – Phó Bí thư chi bộ, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cô hiệu trưởng Hoàng Thị Hòa rất quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với công việc của mình. Cô là trung tâm xây dựng đội ngũ giáo viên đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, động viên nhau cùng hoàn thành công việc; cùng với cán bộ, giáo viên nhà trường, tập trung xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện và tạo cơ hội cho học sinh phát triển. Từ những việc làm cụ thể đó, chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng được nâng lên.

Năm học 2022 – 2023, trường được công nhận lại đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 và nhiều năm liền là đơn vị dẫn đầu khối thi đua bậc Tiểu học. Vừa qua, cô hiệu trưởng Hoàng Thị Hòa và tập thể trường Tiểu học số 2, thị trấn Plei Kần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2023 – 2024.

Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Thanh Hóa, gần 32 năm gắn bó với Kon Tum và ngành GD-ĐT huyện Ngọc Hồi, cô Hoàng Thị Hòa đã cho ra đời trên 40 sáng kiến được các cấp và ngành GD-ĐT tỉnh công nhận.

Theo: Dương Nương (Báo điện tử Kon Tum).