Tình hình thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021
Lượt xem:
Trong bối cảnh phải ứng phó với dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ngành Giáo dục huyện đã chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học, vận dụng linh hoạt các hình thức dạy học, tinh giản chương trình giáo dục phổ thông, điều chỉnh quy định đánh giá cuối năm học. Các nhà trường đã tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình phù hợp với điều kiện triển khai của nhà trường. Nhờ đó, chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững trước ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19; nhất là trong những tháng cuối năm học 2020-2021.
Ảnh minh họa.
Hiện tại, toàn huyện có 33 trường học trực thuộc (Mầm non 13 trường (Công lập 10, ngoài công lập 03); Tiểu học 11 trường; Trung học sơ sở 6 trường; TH-THCS 03 trường), năm học 2020-2021 có 15029 học sinh/518 lớp. Trong đó: Mầm non 4215 trẻ/151 lớp; Tiểu học 6620 học sinh/230 lớp; THCS 4194 học sinh/137 lớp. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp năm học 2020-2021 đạt và vượt các chỉ tiêu phổ cập giáo dục, cụ thể: Mầm non đạt 92,3%, bậc Tiểu đạt 100% và bậc THCS đạt 99%; tỉ lệ chuyên cần cơ bản được duy trì ổn định mức trên 97%.
Thời điểm 30/8/2021, có 15.109 học sinh/500 lớp. Trong đó: Mầm non 3.975 trẻ/134 lớp; Tiểu học 6.688 học sinh/229 lớp; THCS 4.446 học sinh/137 lớp. Công tác tuyển sinh năm học 2021-2022 bậc TH và THCS đạt 100%; riêng bậc Mầm non đạt 80%. Hiện nay, đang thực hiện các hình thức dạy học không tập trung, 100% học sinh được tiếp cận với các hình thức dạy học.
Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trong các trường mầm non và chất lượng học tập của học sinh phổ thông dân tộc thiểu số có sự chuyển biến rõ nét, tích cực: số học sinh được xếp loại khá, giỏi ở kết quả xếp loại học lực cuối năm học tăng lên so với năm học trước, ngày càng tiệm cận với mặt bằng chung của toàn huyện. Công tác phụ đạo, bồi dưỡng học sinh năng khiếu, học sinh giỏi các cấp, triển khai nghiên cứu khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học vùng dân tộc thiểu số được đẩy mạnh, số lượng học sinh tham gia và đạt giả tại các Hội thi cấp huyện, cấp tỉnh ngày càng tăng lên.
Trên cơ sở Kế hoạch của tỉnh, Ban chỉ đạo PCGD-XMC đã chủ động tham mưu UBND huyện các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác PCGD-XMC trên địa bàn. UBND huyện đã tăng cường đầu tư kinh phí xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất đảm bảo đầy đủ phòng học và đầu tư trang bị cơ sở vật chất theo lộ trình trường chuẩn quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới.
Thực hiện tốt công tác tham mưu cho Ban chỉ đạo PCGD-XMC huyện, các ban chỉ đạo xã, thị trấn đã phối hợp với các đơn vị trường học, các đoàn thể địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, huy động học sinh ra lớp và duy trì sĩ số đảm bảo theo kế hoạch đề ra.
Đối chiếu theo Nghị định số 20/2014/NĐ-CP, ngày 24/3/2014 của Chính phủ về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT ngày 22/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về điều kiện bảo đảm và nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và Quyết định số 1387/QĐ-BGDĐT ngày 29/4/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đính chính Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT, huyện Ngọc Hồi duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ theo các mức độ như sau: Phổ cập giáo dục Mầm non trẻ 5 tuổi: Đạt. Phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi: Đạt mức độ 3. Phổ cập giáo dục Trung học cơ sở: Đạt mức độ 2. Xóa mù chữ: Đạt mức độ 2.
Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được các cấp ủy Đảng, chính quyền xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm gắn với phát trển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương và được cụ thể hóa trong Nghị quyết của cấp ủy Đảng và hội đồng nhân dân các cấp. Với sự nỗ lực của ngành Giáo dục và Đào tạo,
chính quyền địa phương các cấp, huyện Ngọc Hồi đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch và lộ trình đề ra. Tính đến cuối năm học 2020-2021, toàn huyện có 22/30 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 73,33 % vượt 3,33% so với kế hoạch, cụ thể chia theo các cấp học như sau: MN đạt 8/10 trường (80%); TH đạt 8/11 trường (72,72%); THCS đạt 3/6 trường (50%), TH-THCS đạt 3/3 trường (100%).
Công tác thực hiện phổ cập giáo dục đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm chỉ đạo, luôn giữ vững và nâng cao tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi hằng năm; Cơ sở vật chất ngày càng được quan tâm đầu tư đáp ứng nhu cầu dạy và học; Hồ sơ phổ cập được thiết lập và cập nhật thông tin theo đúng văn bản chỉ đạo của các cấp; chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để chuẩn bị cho công tác chuẩn phổ cập giáo dục trẻ 4 tuổi trong giai đoạn từ 2021-2024. Hiện nay, có 8/8 xã, thị trấn đạt chuẩn PCGD mầm non trẻ 5 tuổi.
Đánh giá chung về ưu điểm:
Mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn được sắp xếp từng bước tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và tiết kiệm ngân sách đầu tư, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được bổ sung, cải thiện; ngân sách cho GDĐT đã được ưu tiên phân bổ phù hợp. Trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được xây dựng theo lộ trình. Các nguồn lực đầu tư cho giáo dục được quản lý và triển khai hiệu quả.
Chất lượng đội ngũ giáo viên, CBQL giáo dục tiếp tục được bồi dưỡng, chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Từng bước điều chỉnh, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả.
Triển khai hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TW. Tập trung nguồn lực để thực hiện CTGDPT 2018. Tiếp tục đẩy mạnh nhằm đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn huyện theo Kế hoạch số 535/KH-UBND ngày 13/3/2019 của UBND tỉnh.
Ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học và thực hiện chuyển đổi số trong GD&ĐT tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng đạt hiệu quả cao, thiết thực.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn sau:
Cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường học vẫn còn thiếu so với yêu cầu triển khai CTGDPT 2018; nhiều trường học chưa có phòng học bộ môn, thư viện; nhà vệ sinh cho học sinh tại một số trường bị quá tải; nguồn nước sạch không ổn định, thiếu nước vào mùa khô; nhà bếp, nhà ăn, phòng ngủ tại một số trường còn thiếu, trang bị chưa đạt chuẩn quy định.
Biên chế giáo viên còn thiếu, khó khăn trong triển khai chương trình giáo dục, đặc biệt là dạy học 2 buổi/ngày, dạy học môn tin học, ngoại ngữ. Một bộ phận CBQL giáo dục, giáo viên ý thức, trách nhiệm chưa thật cao; một số giáo viên hạn chế về trình độ chuyên môn, thiếu nhạy bén với việc đổi mới phương pháp dạy học.
Chất lượng học tập của học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn, học sinh DTTS có những chuyển biến đáng kể, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng so với mặt bằng chung. Việc huy động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số, nâng cao tỷ lệ chuyên cần ở một số trường vẫn còn khó khăn, tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn diễn ra, làm hạn chế các giải pháp dạy học nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS của các nhà trường.
Công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS còn thấp. Công tác xã hội hoá giáo dục có chuyển biến tốt nhưng chưa đồng đều, rộng khắp, hiệu quả mang lại còn khiêm tốn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Tình hình dạy học đầu năm học 2021-2022 tiếp tục bị gián đoạn, học sinh phải nghỉ học tập trung, chuyển sang các hình thức dạy học khác (trừ trường PTDTBT THCS Ngô Quyền), việc triển khai nhiều hình thức dạy học (hướng dẫn trực tiếp, học trực tuyến, hỗ trợ học ở nhà, …) đã tạo áp lực, khó khăn lớn đối với ngành Giáo dục, nhất là cho đội ngũ giáo viên và học sinh.
Các nguyên nhân của thành công: Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về công tác giáo dục đã được triển khai đồng bộ từ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chỉ đạo của cơ quan Nhà nước, hỗ trợ của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội cấp huyện đến cơ sở; vai trò của từng trường, từng CBQL giáo dục, từng giáo viên, nhân viên được khẳng định và phát huy, tạo nên động lực mạnh mẽ cho sự phát triển chung của ngành, tạo được niềm tin, sự đồng tình ủng hộ của chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh và của cộng đồng. Tham mưu Huyện ủy, HĐND, UBND huyện lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực GD&ĐT. Công tác thông tin, truyền thông được đổi mới, mạng lưới truyền thông được thiết lập để kịp thời cung cấp thông tin và định hướng dư luận.
Nguyên nhân của những hạn chế:
Kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị đã được quan tâm đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế tại các trường học; điều kiện kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS khó khăn, nguồn lực huy động từ xã hội hóa hạn chế. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách của trung ương thay đổi khiến cho các mục tiêu và tiêu chuẩn định mức thay đổi và tăng nhu cầu đầu tư.
Điều kiện kinh tế đồng bào vùng DTTS đa số còn khó khăn đã tác động không nhỏ đến việc chăm lo học tập của con em; ý thức, động cơ học tập và khả năng tiếp thu của học sinh vùng DTTS vẫn còn hạn chế.
Trong thời gian qua, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên công tác dạy học, giáo dục thường xuyên bị gián đoạn, điều chỉnh nội dung chương trình đã ảnh hưởng đến việc duy trì sĩ số, tỉ lệ chuyên cần và nâng cao chất lượng giáo dục.
Công tác đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh, huyện chưa gắn với nhu cầu giải quyết việc làm nên chưa thu hút được học sinh sau tốt nghiệp THCS đi học nghề, khó khăn cho công tác phân luồng sau THCS.
Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, các chỉ tiêu biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo được cắt giảm theo chủ trương chung; trong khi đó quy mô học sinh, nhất là số lượng trẻ em, học sinh cấp MN, TH ngày càng tăng; vì vậy giáo viên vẫn còn thiếu cục bộ tại một số trường, đặc biệt là cấp MN, TH và các đơn vị thực hiện việc dạy học 2 buổi/ngày theo quy định.
Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học của ngành.
Nguyên nhân chủ quan:
Sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể tại một số địa phương với nhà trường trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cha mẹ học sinh đối với việc học tập của con em mình và vận động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số và nâng cao tỷ lệ chuyên cần học sinh hiệu quả chưa cao.
Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của một số cán bộ quản lý giáo dục còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt, chưa huy động được tối đa các nguồn lực để xây dựng, thúc đẩy sự phát triển công tác giáo dục trong tình hình mới.
Việc chỉ đạo, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học ở một số đơn vị trường học hiệu quả chưa cao; việc giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm cá nhân học sinh đối với việc rèn luyện, học tập chưa được chú trọng đúng mức nên một bộ phận học sinh chưa có thái độ, động cơ học tập đúng đắn, thiếu cố gắng vươn lên trong học tập.
Có nhiều giáo viên đã lớn tuổi, khả năng học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hạn chế, chưa đáp ứng kịp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đối với học sinh; một bộ phận giáo viên trẻ thiếu am hiểu ngôn ngữ, văn hóa, phong tục nên công tác dạy học, giáo dục đối với học sinh DTTS gặp những khó khăn nhất định.
Công tác phân luồng trong nhà trường và công tác phối hợp tư vấn hướng nghiệp cho học sinh thực hiện chưa thường xuyên, chưa đồng bộ.
Phương hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021:
Toàn ngành tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, khắc phục khó khăn để triển khai hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022; tập trung huy động mọi nguồn lực, tổ chức tốt các hình thức dạy học đang thực hiện, có tính đến phương án dịch bệnh có diễn biến phức tạp hơn.
Tiếp tục triển khai thực hiện việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực GDĐT giai đoạn 2 theo Đề án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực GDĐT thực hiện Chương trình số 53-CTr/TU ngày 21/02/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh Kon Tum Khóa XV thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCHTW Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tiếp tục tham mưu triển khai các nhiệm vụ chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện CTGDPT 2018.
Tiếp tục tham mưu đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị thực hiện CTDGPT cho năm học 2021-2022; tham mưu bổ sung xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, các phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch và mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu, trong đó chú trọng các vùng khó khăn, vùng DTTS. Chủ động tham mưu với các cấp có thẩm quyền, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để huy động các nguồn vốn nhằm tu bổ cơ sở vật chất, tăng cường thiết bị đảm bảo trường học khang trang, sạch đẹp, đảm bảo nước sạch, công trình vệ sinh để đáp ứng nhu cầu đổi mới, phát triển giáo dục hiện nay. Các trường có tổ chức bán trú phải đảm bảo điều kiện ăn, ở cho học sinh; đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tập trung triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp, tâm huyết, chủ động, sáng tạo; đổi mới công tác quản lý nhà nước về biên chế, tuyển dụng, sử dụng, đánh giá đội ngũ giáo viên. Thực hiện bồi dưỡng giáo viên, CBQL giáo dục triển khai CTGDPT 2018; bồi dưỡng nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ cho giáo viên đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên.
Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên, giáo dục dân tộc; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học; công tác giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên.
Tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 theo CTGDPT 2018; tiếp tục đổi mới công tác quản lý, tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong ngành; tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục phổ thông. Thực hiện tốt chủ trương giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS.
Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác quản lý giáo dục dân tộc. Triển khai, đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với CBQL, giáo viên công tác vùng DTTS; học sinh, đặc biệt là học sinh DTTS. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư sự nghiệp GD&ĐT phù hợp với tình hình địa phương.
Đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị để các trường đạt tiêu chí nông thôn mới theo kế hoạch xây dựng nông thôn mới của các cấp. Chuẩn bị cho lộ trình công nhận trường đạt chuẩn quốc gia năm 2022.
Phòng GDĐT Ngọc Hồi.