Kon Tum: Sẵn sàng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới

Lượt xem:

Đọc bài viết

Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; thể hiện sự quan tâm sấu sắc của Đảng đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Ảnh minh họa.

Triển khai chủ trương của Trung ương, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Nghị quyết 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Chính phủ đã ra Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới và chỉ đạo thực hiện. Để Nghị quyết 29-NQ/TW đi vào cuộc sống; thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị của Trung ương; Tỉnh Kon Tum chuẩn bị sàng các điều kiện  triển khai thực hiện chương trình.

Bậc học phổ thông giữ vai trò nền tảng trong ngành giáo dục và đào tạo, số học sinh phổ thông chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các bậc học, tác động đến mọi gia đình, tổ chức, đoàn thể trong xã hội. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW.  Triển khai chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông cần thực hiện 3 nhóm vấn đề cơ bản: Chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa mới. Bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục các cấp và bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình. Xây dựng cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị phục vụ chương trình.

1. Về chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới

Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra nhiệm vụ: “Đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề”. Trong đó, nội dung chương trình theo hướng “tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn”.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển những ưu điểm của  chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; đồng thời, tiếp thu thành tựu về khoa học giáo dục và kinh nghiệm xây dựng chương trình theo mô hình phát triển năng lực của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới gắn với nhu cầu phát triển của đất nước.

Khắc phục hạn chế trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, chương trình mới chia thành hai giai đoạn giáo dục phổ thông là giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Lồng ghép nội dung liên quan của một số môn học hiện nay để tạo thành môn học tích hợp, thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục. Cụ thể:

Cấp tiểu học có 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là: Toán; Tiếng Việt; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (lớp 3, 4, 5); Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, 2, 3); Lịch sử và Địa lý (lớp 4 và 5); Khoa học (lớp 4, 5); Tin học và Công nghệ (lớp 3, 4, 5); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật); Hoạt động trải nghiệm. Hai môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số hoặc Ngoại ngữ 1 (lớp 1, 2).

Cấp trung học cơ sở gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Và hai môn tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số hoặc Ngoại ngữ 2.

Cấp Trung học phổ thông gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Học sinh được chọn một trong hai môn học là Tiếng dân tộc thiểu số hoặc Ngoại ngữ 2. Ngoài ra, học sinh còn  học 5  môn học lựa chọn từ ba nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Nhóm khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Cấp Trung học phổ thông định hướng nghề nghiệp có sự phân hóa cao nên học sinh có nhiều lựa chọn môn học cho phù hợp.

Chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu thực hiện từ năm học 2020 – 2021 đối với lớp 1; năm học 2021 – 2022 thực hiện lớp 2, lớp 6; năm học 2022- 2023 thực hiện lớp 3, lớp 7, lớp 10; năm học 2023 – 2024 thực hiện lớp 4, lớp 8, lớp 11; năm học 2024 – 2025 thực hiện lớp 5, lớp 9, lớp 12. Sau 5 năm học sẽ hoàn thành việc triển khai chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Về sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới: Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông quy định: “Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông”. Hiện nay, nhiều nhà xuất bản đã quan tâm vấn đề này; tuy nhiên, triển khai thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa là một việc mới, phức tạp. Do vậy, trước mắt, sử dụng bộ sách giáo khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, cho phép xuất bản.

Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết, tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới phù hợp với điều kiện địa phương, chỉ đạo xây dựng chương trình giáo dục địa phương. Một số nhiệm vụ trọng tâm Tỉnh đang chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, phù hợp với điều kiện của tỉnh:

Thứ nhất, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, trước hết là nội bộ ngành giáo dục, cán bộ, đảng viên, phụ huynh, học sinh nhằm tạo sự thống nhất và đồng thuận trong cách tiếp cận cũng như trong tổ chức triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thứ hai, sắp xếp lại đội hệ thống trường lớp; sắp xếp lại ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Đồng thời, triển khai thực hiện các quy định về chuẩn nhà giáo, chuẩn hiệu trưởng để nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng tiếp cận với những nội dung đổi mới chương trình.

Thứ ba, thực trạng thiết bị dạy học và cơ sở vật chất hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là đáp ứng việc dạy 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học và đáp ứng việc tổ chức dạy các môn tích hợp, chuyên đề học tập, định hướng ở nghề nghiệp ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Do vậy, ngành rà soát  danh mục thiết bị dạy học tối thiểu và tiêu chuẩn bàn ghế học sinh phổ thông để có kế hoạch bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng chương trình.

Thứ tư, Ngành giáo dục và đào tạo tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Tăng tính chủ động, thường xuyên nắm bắt tình hình, phối hợp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế trong xã hội tham gia cung ứng dịch vụ giáo dục. Tạo điều kiện để các trường học ngoài công lập chất lượng cao hình thành và phát triển; người học có nhiều phương án chọn trường học phù hợp với điều kiện của mình.

2. Bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục các cấp và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên

2.1. Bồi dưỡng giáo viên cốt cán các môn học, các cấp học

Giáo viên cốt cán được ví như “thợ cả” trong mỗi nhà trường, là những người có khả năng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cao, có sự ảnh hưởng tới sự phát triển nghề nghiệp của đồng nghiệp. Có khả năng phân tích chương trình môn học, chuyển hóa tri thức khoa học môn học thành tri thức môn học nhà trường, và tổ chức dạy học môn học có hiệu quả theo định hướng phát triển năng lực người học. Do vậy, trong quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông việc phát triển, bồi dưỡng đội ngũ  giáo viên cốt cán hết sức quan trọng và cần thiết.

Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán theo hướng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phẩm chất và năng lực theo chuẩn giáo viên trường tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông. Lựa chọn giáo viên có nhiều thành tích trong hoạt động nghề nghiệp, được đánh giá xuất sắc theo chuẩn nghề nghiệp và đáp yêu cầu đối với giáo vên cốt cán; cử tham gia đầy đủ các khóa bồi dưỡng do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Đồng thời, tham mưu các cấp về chính sách cho giáo viên cốt cán, có cơ chế để giáo viên cốt cán kết nối với giảng viên các trường Sư phạm được Bộ Giáo dục và Đào tạo giáo bồi dưỡng giáo viên, các viện nghiên cứu về giáo dục, quản lý giáo dục.

2.2. Bồi dưỡng giáo viên các cấp học tại tỉnh

Theo Kế hoạch bồi dường giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, việc bồi dưỡng giáo viên tại tỉnh sẽ triển khai từ cuối năm 2019, tiến hành theo lộ trình thực hiện chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; phù hợp với điều kiện của địa phương.

Năm 2019 Ngành sẽ bồi dưỡng cho tất cả giáo viên để thực nhiện chương trình mới. Sau đó, theo lộ trình thực hiện chương trình và sách giáo khoa, hàng năm sẽ bồi dưỡng giáo viên giảng dạy theo sách giáo khoa mới. Giáo viên cốt cán của tỉnh sẽ là nòng cốt trong việc bồi dưỡng giáo viên các cấp học, kết hợp với việc mời giảng viên các trường đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên. Sử dụng triệt để các phương tiện công nghệ thông tin, trang thiết bị để triển khai nhiều phương thức bồi dưỡng sinh động, thiết thực như bồi dưỡng trực tuyến, bồi dưỡng quan mạng, bồi dưỡng trực tiếp.

2.3. Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học mới, các tổ hợp môn học mới

Đào tạo mới giáo viên để dạy các môn học Giáo dục nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) ở cấp trung học phổ thông. Giáo viên dạy Ngoại ngữ, Tin học và Công nghệ cấp tiểu học. Giáo viên dạy Tin học ở cấp trung học cơ sở để bảo đảm có đủ giáo viên phù hợp với môn học và các hoạt động giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, đào tạo bổ sung giáo viên các môn học, cấp học còn thiếu.

Bồi dưỡng giáo viên chuyên ngành Tin học dạy môn Tin học và Công nghệ cấp tiểu học. Bồi dưỡng giáo viên chuyên ngành Lịch sử và giáo viên chuyên ngành Địa lý  để dạy môn học Lịch sử và Địa lý. Bồi dưỡng giáo viên chuyên ngành Hóa, giáo viên chuyên ngành Sinh học, giáo viên chuyên ngành Vật lý để dạy môn học Khoa học tự nhiên.

3. Xây dựng cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị dạy học

Theo Đề án đảm bảo cơ sở vật chất chương trình mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 – 2025  được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 thì cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa chia thành 2 giai đoạn.

3.1. Giai đoạn 2017 – 2020

– Đối với giáo dục tiểu học: Kiên cố hóa trường, lớp học đầu tư xây dựng 5.900 phòng học tiểu học thay thế các phòng học tạm thời (phòng học tranh tre, nứa lá, đã hết niên hạn sử dụng, đang xuống cấp, cần xây dựng lại); phòng học nhờ, mượn, thuê tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng bổ sung: 6.000 phòng học; 7.770 phòng chức năng (giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, tin học, ngoại ngữ, thiết bị giáo dục, hỗ trợ giáo dục khuyết tật học hòa nhập); 3.420 phòng thư viện. Mua sắm bổ sung: 39.070 bộ thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 1 và lớp 2; 258.620 bộ bàn ghế hai chỗ ngồi; 13.910 bộ máy tính; 1.980 bộ thiết bị phòng học ngoại ngữ.

–  Đối với giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông: Xây dựng bổ sung: 5.670 phòng học bộ môn, 1.450 phòng chuẩn bị và 790 phòng thư viện cấp trung học cơ sở; 1.560 phòng học bộ môn, 340 phòng chuẩn bị và 530 phòng thư viện cấp trung học phổ thông.  Mua sắm bổ sung: 670 bộ thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 6; 4.190 bộ thiết bị phòng học bộ môn; 182.110 bộ bàn ghế hai chỗ ngồi; 8.220 bộ máy tính; 5.900 bộ thiết bị phòng học ngoại ngữ.

 3.2. Giai đoạn 2021 – 2025

 Tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học, đầu tư xây dựng số phòng học còn lại thay thế các phòng học tạm thời.  Phấn đấu xây dựng bổ sung đủ số phòng học đạt chuẩn 1 lớp/1 phòng cấp mầm non và tiểu học; đủ số phòng phục vụ học tập, phòng bộ môn và thư viện. Mua sắm bổ sung đủ thiết bị dạy học tối thiểu cho giáo dục mầm non và phổ thông; trong đó, ưu tiên cho lớp 3, lớp 4, lớp 5, lớp 7, lớp 8, lớp 9, lớp 10, lớp 11 và lớp 12 theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa;

Đến thời điểm chuẩn bị thực hiện giai đoạn 2021 – 2025 của Đề án, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn các địa phương rà soát, thống kê, xác định nhu cầu đầu tư; báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đầu tư và cơ chế huy động vốn bảo đảm khả thi, phù hợp với các mục tiêu nêu trên.

 Kinh phí thực hiện Đề án gồm có: Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, trái phiếu Chính phủ, các chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 – 2020 để thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học. Nguồn vốn hỗ trợ thực hiện thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hỗ trợ xây dựng bổ sung phòng học và khối phòng phục vụ học tập. Nguồn vốn ngân sách trung ương cho sự nghiệp giáo dục (chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục đào tạo) hỗ trợ để mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học. Nguồn vốn ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác.

Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu để Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ ngành trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nguồn lực, điều kiện thực hiện chương trình. Phối hợp với các sở ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện thắng lợi chương trình giáo dục phổ thông mới./.

Tài liệu tham khảo

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của BCH Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế;

[2]. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2014), Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

[3] . Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2017), Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

[4].  Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

[5].  Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, ngày 26/12/2018  ban hành Chương trình giáo dục phổ thông;

[6]. Ban Chấp hành  Đảng bộ tỉnh Kon Tum (2015), Nghị quyết Đại hội Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 –  2020.

Và các thông tư, hướng dẫn của các bộ ngành, trung ương.

ThS. Nguyễn Phúc Phận (Giám đốc Sở GDĐT Kon Tum).