Bông hoa của núi rừng Tây Nguyên
Lượt xem:
Đâu đó tôi đã từng nghe: “Người thầy là ngọn nến, đốt cháy mình để thắp sáng nhân gian.” Mỗi lần ngẫm nghĩ về câu nói ấy, trong lòng tôi lại nghĩ đến Y Hải, một cô giáo trẻ nhưng thật sự xứng đáng là tấm gương tiêu biểu trong ngành giáo dục và là tấm gương sáng để đồng nghiệp và học sinh học tập, noi theo.
Cô giáo Y Hải trong một giờ dạy trên lớp. Ảnh: Nguyễn Thị Liên.
Trải qua 25 năm công tác trong ngành Giáo dục, tôi có không ít cơ hội được công tác nhiều nơi, ở nhiều đơn vị khác nhau, được gặp gỡ với rất nhiều đồng nghiệp cũng như cộng tác với họ. Trong số đó có không ít tấm gương sáng khiến tôi trân trọng, nể phục.
Sự nể phục đó lại được nhân lên gấp bội khi tôi có dịp gặp gỡ và làm việc với Y Hải – một cô giáo trẻ đầy tài năng và nhiệt huyết. Em ấy đã chiếm trọn tình cảm của tôi bằng sự nỗ lực, sáng tạo và lòng say mê với nghề trồng người. Mặc dù tuổi đời còn trẻ, tuổi nghề chưa nhiều nhưng Hải luôn thể hiện mình là một thanh niên “Dưỡng tâm trong, rèn chí sáng” như Tổng Bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói. Hình ảnh của cô giáo trẻ đầy nhiệt huyết như một tấm gương sáng để tôi và đồng nghiệp lấy đó để soi mình.
Nhắc đến cô giáo Hải là nhắc đến sự tận tâm, đa tài, sáng tạo trong công việc mà bất cứ học sinh, đồng nghiệp nào trong trường cũng đều yêu mến, ngưỡng mộ. Sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, tinh thần trách nhiệm, lòng tận tâm, tận tụy, nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người và đặc biệt là tình yêu bao la, sự nhiệt tình quên mình đối với học sinh thân yêu đã khiến cho phụ huynh tin tưởng, học sinh yêu thương và đồng nghiệp nể phục.
Cô giáo Y Hải cùng với các em học sinh trong hoạt động sinh hoạt tập thể múa hát sân trường. Ảnh: Nguyễn Thị Liên.
Cô giáo trẻ Y Hải được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại thôn Nông Nhầy 2, xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Nhà chỉ có 2 chị em, Hải mang trong mình dòng máu Dẻ – Triêng, dân tộc thiểu số vùng đất Tây Nguyên có truyền thống cần cù lao động, yêu nước và hiếu học. Bố mẹ là những người con của bản làng Tây Nguyên thật thà, chất phác. Nguồn thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào 3 sào đất rẫy. Cuộc sống bấp bênh, nhiều khi cơm không đủ ăn, áo mặc không đủ ấm. Bữa ăn qua ngày thường là củ mì, cây măng, rau rừng…
Tuổi thơ của Hải cứ thế trôi qua, bằng tình thương bao la của bố mẹ rồi Hải cũng lớn dần. Từ cái khó của gia đình cũng như phải chứng kiến cả buôn làng đói cái ăn, thiếu cái chữ. Từ nhỏ Hải đã đã nuôi ước mơ lớn lên sẽ trở thành một cô giáo để đem cái chữ đến với buôn làng, để dạy cho các em cách sống, cách làm kinh tế để buôn làng của mình có cuộc sống đỡ vất vả hơn. Ước mơ đó trở thành động lực để cho em cố gắng vượt khó, vượt khổ học tập không biết mệt mỏi. Sự cố gắng đó đã được đền đáp xứng đáng với danh hiệu học sinh xuất sắc ở tất cả các bậc học. Kết quả em đạt được, không chỉ làm bố mẹ ưng cái bụng mà còn khiến cho các bạn bè cùng trang lứa cũng phải ngưỡng mộ, hơn thế Hải đã trở thành tấm gương học tập cho đám trẻ trong làng noi theo.
Ngoài sự túng thiếu khó khăn về kinh tế thì Hải còn vấp phải một số rào cản của tập tục địa phương. Nhưng bằng sự quyết tâm và hiểu biết của mình, Hải đã thuyết phục gia đình cho mình đi học sư phạm, để biến ước mơ làm cô giáo trở thành hiện thực. Sau nhiều năm miệt mài trau dồi kiến thức trong môi trường sư phạm. Hải vui sướng vì đã thực hiện được một nửa ước mơ mà không phải cô gái nào trong bản cũng thực hiện được. Năm 2013, cầm tấm bằng trên tay, Hải lên đường thực hiện phần ước mơ còn lại. Trời không phụ lòng người có ý chí. Hải được nhận công tác tại trường Tiểu học Đắk Rơ Ông, một xã vùng sâu của huyện Tu Mơ Rông. Một ngôi trường còn muôn vàn khó khăn, cách nhà 70 km nhưng em vẫn cố gắng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cô giáo trẻ. Kể cả sau khi xây dựng gia đình, bụng mang dạ chửa nhưng Hải vẫn luôn nỗ lực miệt mài đem cái chữ tới buôn làng, vẫn năng nổ nhiệt tình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Cô giáo Y Hải cùng các em học sinh quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Ảnh: Nguyễn Thị Liên.
Tháng 9/2019, Y Hải được chuyển về nhận công tác tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám. Ngôi trường cách nhà hơn 10km, nói gần thì cũng chưa, nhưng so với hơn 70km băng rừng của ngôi trường cũ thì đây là ngôi trường mơ ước của nhiều người trong đó có em. Chồng không có việc làm ổn định, nay đây, mai đó, con còn nhỏ, một mình em phải lo toan mọi thứ trong căn nhà thuê chật hẹp. Sáng dậy sớm lo cho con ăn, rồi vội vàng đưa con đi nhà trẻ để mẹ kịp thời vượt 10km đến trường, ngày làm việc kết thúc Hải lại tất bật chạy về để kịp đón con. Khó khăn là vậy nhưng với vai trò là một cô giáo chủ nhiệm lớp 1, em luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhẹ nhàng, mềm mỏng cộng với sự nghiêm khắc khôn ngoan em đã sớm chiếm được tình cảm của hơn 35 em học sinh đầu cấp đang trong tuổi ăn, tuổi chơi tự giác vâng lời, vui vẻ hợp tác với cô trong các giờ học.
Những ngày đầu tiên về trường Hải không khỏi bỡ ngỡ, nhưng với tố chất thông minh, nhanh nhẹn và nhạy bén của mình em đã nhanh chóng hòa đồng với đồng nghiệp, gần gũi với học sinh và thân thiện với phụ huynh, được mọi người tin tưởng thương yêu. Trong công việc, em luôn là người tiên phong, gương mẫu đổi mới phương pháp dạy học, khai thác hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin để thay đổi hình thức giảng dạy, tạo hứng thú cho học sinh nhằm nâng cao chất lượng dạy học.
Được may mắn sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây Nguyên kiên trung đại ngàn nắng gió, nên hơn ai hết, Hải hiểu học sinh mình cần gì, muốn gì, nên những phương pháp tác động của em đến với học sinh đều mang lại hiệu quả cao. Cùng một lúc Hải vừa phải làm quen với môi trường mới, vừa là lần đầu tiên tiếp nhận lớp 1, lại đúng dịp Bộ Giáo dục thực hiện thay sách giáo khoa đối với lớp 1 nữa chứ. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng nó đã không khuất phục được một con người giàu nghị lực như em. Cái khó đã ló cái khôn, trong khi đồng nghiệp đang bỡ ngỡ với nội dung chương trình sách giáo khoa mới, thì Y Hải lại có những sáng kiến độc đáo, sáng tạo để vận dụng vào giáo dục, giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng. Hải không giữ lại cho riêng mình mà tại hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện em đã mạnh dạn chia sẻ, sáng kiến của em là một trong 2 báo cáo được lãnh đạo Phòng Giáo dục nhân rộng trong toàn ngành. Đến thời điểm này, 35 học sinh của lớp 1B do Hải giảng dạy đã đọc thông, viết thạo và đạt chuẩn kiến thức kĩ năng cơ bản, nhiều em đã tiến bộ vượt trội.
Cô giáo Y Hải cùng đồng nghiệp tại Trường TH Lê Văn Tám. Ảnh: Nguyễn Thị Liên.
Chia sẻ với tôi, cô giáo Hải tâm sự: “Em là người dân tộc thiểu số nên em rất đồng cảm với học sinh của mình: Rào cản lớn nhất của các em là nhút nhát, rụt rè, có chút tự ti. Do vậy, sự quan tâm, nhẹ nhàng, gần gũi, thân thiện là yếu tố quyết định sự thành công; giáo viên hết sức kiên trì, kể cả khi các em sai, giáo viên cần chỉ bảo từ từ giúp các em sửa lỗi. Khi các em đã thương cô giáo thì các em sẽ cố gắng. Thế nên em đã thường xuyên động viên, khích lệ thay thế cho việc la mắng, hay mệnh lệnh. Trong dạy học, tôi luôn tìm tòi phương pháp tích cực, hình thức tổ chức phong phú, thay đổi ngữ liệu để học sinh dễ hiểu, dễ nhớ. Để khích lệ học sinh thích đọc tôi đã mua truyện tranh thiếu nhi, giờ giải lao cô trò cùng đọc cho nhau nghe…”.
Trong giờ giải lao, cô Hải thường dành thời gian chuyện trò với học sinh để hiểu rõ hoàn cảnh từng em, từ đó có hướng giúp đỡ, can thiệp cụ thể. Với những học sinh chưa hoàn thành về mặt học tập, Hải có kế hoạch bồi dưỡng riêng và phối hợp phụ huynh cùng hỗ trợ các em. Cô giáo Y Hải còn thường xuyên phát động các phong trào thi đua học tập vào các dịp lễ, hình thành đôi bạn cùng tiến để các em giúp nhau cùng tiến bộ.
Thời điểm tôi viết mấy dòng về em, cũng chính là lúc hội thi giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện đã khép lại. Sự cống hiến, hết mình với sự nghiệp trồng người của cô giáo trẻ được ghi nhận bằng phần thưởng xứng đáng đó là: đạt giải nhất hội thi giáo viên giỏi cấp huyện, trở thành ứng viên sáng giá tham gia dự thi cấp tỉnh. Ngày 15 tháng 3 vừa rồi Y Hải càng vinh dự hơn khi được Ban tổ chức hội thi Giáo viên giỏi cấp huyện lựa chọn đi tham gia Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Tuy chưa đạt được kết quả như mong muốn, nhưng qua các phần thi Y Hải đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng Ban giám khảo. Hải là một trong những gương mặt sáng giá cho danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh lần này.
Với tư cách là người quản lý đơn vị cô công tác, tôi vừa tự hào và hãnh diện khi đơn vị mình lại có cô bé đồng nghiệp hội đủ những phẩm chất cần có của một người làm nghề trồng người như vậy.
Ngoài năng lực sư phạm vững vàng, cô giáo trẻ này còn có rất nhiều tài năng khác. Ở trường Hải là cây văn nghệ, hát hay múa dẻo, khéo léo trong cách đối nhân xử thế…. Ở nhà Hải là một người vợ hiền, dâu thảo. Y Hải xứng đáng với tên “Bông hoa của núi rừng Tây Nguyên” mà đồng nghiệp và các em học sinh thương mến dành cho cô – cái tên nói lên sự tinh khiết và mùi hương lan tỏa của nó khiến cho ai bắt gặp cũng phải ngây ngất, đắm say.
Nguyễn Thị Liên (HT Trường TH Lê Văn Tám).