Chủ động phòng, tránh, ứng phó bão, mưa lũ, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn tỉnh
Lượt xem:
Sở GDĐT Kon Tum vừa ban hành Công văn gửi các Phòng GDĐT các huyện, thành phố; Các đơn vị trực thuộc Sở và Trung tâm GDNN-GDTX các huyện về việc chủ động phòng, tránh, ứng phó bão, mưa lũ, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa.
Theo đó, để chủ động phòng tránh, ứng phó với bão và mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, hạn chế thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề nghị các đơn vị trực thuộc Sở, Trung tâm GDNN- GDTX các huyện, Phòng GDĐT các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý thực hiện tốt các nội dung sau:
Triển khai thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1311/CĐ-TTg ngày 06/10/2021 về chủ động triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ; Công điện số 1107/CĐ-TTg ngày 31/8/2021 về việc sẵn sàng ứng phó thiên tai; Công điện số 13/CĐ-TW ngày 05/10/2021 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai; ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy tại Công văn số 280-CV/TU ngày 11/9/2021, Công văn số 292-CV/TU ngày 22/9/2021 về việc chủ động phòng, chống, ứng phó với thiên tai, Công văn số 1629-CV/VPTU ngày 12/9/2021 của Văn phòng Tỉnh ủy về việc khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão số 5 gây ra trên địa bàn tỉnh; ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công điện số 08/CĐ-CTUBND ngày 23/9/2021 về công tác phòng, tránh, ứng phó mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và Công điện số 07/CĐ- CTUBND ngày 11/9/2021 về công tác phòng, chống, ứng phó bão số 5; đặc biệt là rà soát, sẵn sàng phương án ứng phó bão, mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, đơn vị.
Tập trung chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ để triển khai ngay các biện pháp ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”; kiểm tra, rà soát các khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của mưa lũ, lụt, sạt lở đất; chuấn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm, sẵn sàng cho tình huống gây chia cắt, cô lập các khu vực.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức, kỹ năng ứng phó với thiên tai; tăng cường công tác cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai, bảo đảm kịp thời.
Phối hợp với chính quyền địa phương nắm chắc những thôn, làng, các hộ dân sinh sống ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ, lụt, sạt lở đất đá như vùng ven sông, suối, ven sườn đồi, vũng trũng… để thông báo, cảnh báo kịp thời khu vực nguy hiểm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh biết để chủ động ứng phó.
Rà soát lên phương án bảo đảm an toàn về người, tài sản, cơ sở vật chất, công trình trường học; chủ động di dời máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để tránh hư hại.
Căn cứ tình hình thực tế của từng địa phương, hiệu trưởng nhà trường chủ động cho học sinh nghỉ học khi cần thiết sau khi đã báo cáo cho cấp quản lý trực tiếp và chính quyền địa phương. Chỉ cho học sinh trở lại lớp học khi bảo đảm an toàn; bố trí dạy, học bù nghiêm túc, đảm bảo chương trình, kế hoạch năm học. Thực hiện vệ sinh trường lớp ngay sau khi hết mưa ngập; có kế hoạch phòng chống các dịch bệnh, khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra.
Phòng GDĐT Ngọc Hồi.