Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội làm việc tại huyện Ngọc Hồi

Lượt xem:

Đọc bài viết

Chiều 15/10, Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc Quốc hội do đồng chí Đinh Thị Phương Lan – Ủy viên Thường trực Hội đồng dân tộc Quốc hội làm trưởng đoàn đã tới khảo sát thực trạng công tác giáo dục em dân tộc thiểu số, trẻ em dân tộc Brâu (trẻ em dân tộc thiểu số rất ít người) trên địa bàn xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi và làm việc với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện. Buổi làm việc nằm trong Chương trình khảo sát giáo dục trẻ em DTTS và trẻ em DTTS rất ít người của Hội đồng Dân tộc Quốc hội khoá XIV.

Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc Quốc hội làm việc với các đơn vị trường học trên địa bàn xã Bờ Y.

Tham gia và làm việc với đoàn có các đồng chí Đinh Thị Lan – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum; đồng chí Ngô Tấn Quyết – Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Ngọc Hồi; đại diện các phòng chuyên môn liên quan của Sở và cán bộ quản lý các đơn vị trường học đóng trên địa bàn xã Bờ Y.

Đoàn công tác Hội đồng Dân tộc Quốc hội đã đi thăm và thực hiện khảo sát tại các đơn vị trường học trên địa bàn xã Bờ Y: hiện toàn xã có 107 học sinh dân tộc Brâu học tập tại 03/4 trường trên địa bàn xã, cụ thể: Trường mầm non Bờ Y có 36 trẻ mẫu giáo và 09 trẻ học lớp 5 tuổi; Trường Tiểu học Bế Văn Đàn có 45 học sinh và Trường THCS Bờ Y có 17 học sinh; công tác đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng tốt nhu cầu phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh; các trường đã thực hiện hiệu quả công tác duy trì sĩ số và vận động học sinh dân tộc thiểu số rất ít người (DTTSRIN) – học sinh Brâu ra lớp; 100% học sinh mầm non và tiểu học được học 2 buổi/ngày; nhiều học sinh Brâu đạt kết quả cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp; tỉ lệ học sinh DTTSRIN hoàn thành chương trình tiểu học và THCS năm học sau tăng so với năm học trước…

Qua kiểm tra khảo sát thực tế, đồng chí Đinh Thị Phương Lan đã ghi nhận những kết quả đạt được của toàn ngành về công tác giáo dục dân tộc nói chung và giáo dục trẻ DTTS RIN nói riêng; đồng thời lắng nghe các đề xuất của ngành về những khó khăn, bất cập trong công tác giáo dục dân tộc, như: vấn đề thiếu giáo viên của các cấp học, vấn đề đảm bảo các điều kiện để huy động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số, tăng tỉ lệ chuyên cần hằng năm; công tác xã hội hóa giáo dục tại địa phương; vấn đề phong tục tập quán của nhân dân các DTTS trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục của các nhà trường và toàn ngành…

Tại buổi làm việc, đồng chí Đinh Thị Phương Lan cũng đề nghị ngành giáo dục huyện cần tham mưu để chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa cho sự nghiệp Giáo dục; chính quyền sở tại và các đơn vị trường học xã Bờ Y cần thực hiện đúng các chế độ, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các cháu học sinh DTTS; không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, cung cấp tài liệu hỗ trợ dạy và học phù hợp với từng đối tượng học, chú ý đến học sinh DTTS nói chung và học sinh DTTSRIN nói riêng; quan tâm dạy tiếng nói, chữ viết cũng như tiếp tục duy trì và phát huy bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc của người Brâu.

Theo kế hoạch, ngày 16/10, tại TP Kon Tum, đoàn công tác tiếp tục làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh kết hợp khảo sát thực tế theo chuyên đề “Tình hình về giáo dục trẻ em DTTS, trẻ em DTTS rất ít người giai đoạn 2010-2018”.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Tin, ảnh: Nguyễn Thị Xuyến (Phó HT Trường TH Bế Văn Đàn).