Hướng dẫn cách viết tin bài cho trang báo điện tử

Lượt xem:

Đọc bài viết

Trang tin điện tử (website) mang đặc trưng của báo mạng điện tử. Đây là loại hình báo chí sử dụng mạng thông tin toàn cầu (Internet) là phương tiện chuyển tải thông tin. Ưu thế: chữ viết và hình ảnh (của báo in), âm thanh (của phát thanh) và hình ảnh sống động (của truyền hình).

Ảnh minh họa.

I. Một số khái niệm, đặc trưng cơ bản của báo chí

1. Khái niệm chung về báo chí:

– Báo chí là loại hình hoạt động thông tin chính trị – xã hội, ra đời do nhu cầu thông tin – giao tiếp, giải trí và nhận thức của con người.

2. Đặc trưng cơ bản của thông tin báo chí:

– Tính xác thực, tiêu biểu

– Tính thời sự

– Tính định hướng trực tiếp.

* Đặc trưng của báo điện tử:

– Trang tin điện tử (website) mang đặc trưng  của báo mạng điện tử. Đây là loại hình báo chí sử dụng mạng thông tin toàn cầu (Internet) là phương tiện chuyển tải thông tin. Ưu thế: chữ viết và hình ảnh (của báo in), âm thanh (của phát thanh) và hình ảnh sống động (của truyền hình).

– So với các loại hình báo chí khác, báo điện tử (Trang tin điện tử) có rất nhiều ưu thế: tốc độ lan truyền ngay tức thì, phạm vi tác động không giới hạn, sự hấp dẫn do tính tương tác cao…

3. Đối tượng phản ánh của tác phẩm báo chí:

– Là những sự việc, sự kiện, tình huống, hoàn cảnh mới nảy sinh, mới xuất hiện, tiêu biểu cho sự vận động phát triển không ngừng của cuộc sống.

– Những Chỉ thị, Nghị quyết có liên quan đến ngành, lĩnh vực

– Những chính sách mới (hoặc được bổ sung, điều chỉnh…)

– Những chủ trương, biện pháp, điều chỉnh mới của ngành

– Những nhiệm vụ mới

– Những thành tích mới, cố gắng mới

– Những sự kiện, tình huống, vấn đề, tình hình… mới xuất hiện, mới nảy sinh (đang cần được thông tin, phản ánh, giải thích, đánh giá, bàn luận để rút kinh nghiệm…)

– Những tập thể, cá nhân tiêu biểu cho cả hai mặt: tích cực, tiêu cực

4. Bạn đọc của báo chí:

– Mọi thành phần cư dân trong xã hội. Do vị trí xã hội, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, sở thích, hiểu biết, mỗi người có sự quan tâm và nhu cầu thông tin với các mức độ khác nhau

– Người viết bài cho trang tin phải luôn hiểu rõ ai là người sẽ “tiêu thụ” bài viết của mình, từ đó nắm bắt nhu cầu và những vấn đề bạn đọc của mình quan tâm để cung cấp thông tin, đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc.

*  Cổng thông tin quận Hà Đông: cán bộ, các tầng lớp nhân dân Hà Đông

*  Trang web của Hội Liên hiệp Phụ nữ quận: cán bộ, hội viên phụ nữ quận, các tầng lớp phụ nữ

*  Trang web của Đoàn thanh niên quận: cán bộ, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên

– Những bạn đọc cần thông tin về lĩnh vực chung của toàn quận và các lĩnh vực: công tác hội phụ nữ, công tác đoàn, hội liên hiệp thanh niên, công tác đội

– Xác định rõ đối tượng, loại hình, phương tiện chuyển tải để khoanh vùng phạm vi thông tin và sử dụng đặc trưng  của từng thể loại báo chí trong việc phản ánh vấn đề, sự kiện.

II. CÁCH VIẾT TIN, BÀI

1. Tác phẩm báo chí

1.1. Công thức thông tin: 6W và 1H

Hay tác phẩm báo chí phải trả lời các câu hỏi sau:

– What (cái gì/chuyện gì): Sự kiện quan trọng hay đáng lưu ý gì đã xảy ra ?

– Where (ở đâu): Sự kiện, hiện tượng đó xảy ra ở đâu ?

– When (khi nào): Sự kiện xảy ra vào lúc nào ?

– Who (ai): Ai liên quan ?

– With (cùng với những ai): Có thêm những ai tham gia vào sự kiện ?

– Why (tại sao): Tại sao chuyện đó xảy ?

–  How (như thế nào): Chuyện xảy ra như thế nào?

1.2. Chi tiết quan trọng trong tác phẩm báo chí

–  Phải chỉ ra khía cạnh căn bản nhất của sự  vật, hiện tượng.

–  Phải ở vị trí có tính chất then chốt trong toàn bộ những chi tiết, dữ kiện của sự vật, hiện tượng đó

1.3. Đầu đề (tít) trong tác phẩm báo chí

–   Đầu đề là sự biểu đạt cô đọng nội dung, thể hiện bản chất, tư tưởng chính trị của tác phẩm

–  Việc đặt đầu đề có tính quyết định số phận của bài báo. Bài báo dù rất hay, nhưng đầu đề dở thì có thể làm mất đi ít nhất một nửa độc giả.

–  Có ba cách đặt đầu đề cho tác phẩm báo chí:

–  Rút ra chi tiết, số liệu quan trọng, hấp dẫn nhất

–  Rút ra vấn đề, ý nghĩa quan trọng nhất, chủ yếu nhất

–  Phối hợp cả hai cách nêu trên

2. Tin

2.2. Khái niệm

Tin là thể loại báo chí cơ bản, ngắn gọn nhất, kịp thời nhất, phản ánh những sự kiện mới xảy ra, đang xảy ra, sắp xảy ra, có tầm quan trọng đối với xã hội.

2.3. Phân loại tin

– Tin vắn

– Tin ngắn

– Tin sâu

– Tin tường thuật

– Tin công báo…

2.4. Đặc điểm của tin

– Đối tượng phản ánh của tin là sự kiện, sự việc: mới xảy ra, đang xảy ra, sắp xảy ra hoặc mới phát hiện được…

– Thông tin, thông báo kịp thời nhất

– Hình thức đơn giản, ngắn gọn nhất (100 đến 200 chữ)

– Số liệu cụ thể, trực tiếp

– Ngôn ngữ thể hiện tính chất thông báo

2.5. Kỹ năng làm tin

– Lựa chọn sự kiện: xác thực, mới xảy ra, tiêu biểu

– Lựa chọn dạng và mô hình

– Đặt đầu đề cho tin

– Câu mở đầu của tin: chứa đựng được thông điệp cốt lõi, chủ yếu nhất

– Thân tin phải nêu lên được các chi tiết, số liệu bổ sung nhằm làm sáng tỏ những điều đã được nêu ở phần mào đầu.

2.6.  Ảnh:

– Hình ảnh: có nội dung, chủ đề, ý nghĩa rõ ràng, có giá trị thông tin thời sự

+ Phản ánh được khía cạnh tiêu biểu của sự kiện

– Chú thích: có nhiệm vụ giải thích cho tấm ảnh và bổ sung những thông tin phụ.

– Phải đáp ứng yêu cầu về bố cục, ánh sáng, góc độ…

3. Bài phản ánh

3.1. Khái niệm

– Là những dạng bài thông tin, phản ánh, đáp ứng các tiêu chí cơ bản của một tác phẩm báo chí, thường được dùng để thông tin, phản ánh về những vấn đề, sự kiện, nhân vật, hoàn cảnh, tình huống… ở cấp độ trung bình, vừa phải.

3.2. Đặc điểm của bài

– Phải đảm bảo yêu cầu về tính thời sự, tính xác thực và tính định hướng trực tiếp của những thông tin

– Dao động trong khoảng từ vài ba trăm đến khoảng bảy, tám trăm chữ.

– Phong cách ngôn ngữ khác nhau: sự chính xác, trực tiếp, cụ thể; tính chất nghiêm túc, chặt chẽ; sự mềm mại giàu cảm xúc …

3.3. Các dạng bài phản ánh

– Bài phản ánh về sự kiện, sự việc

– Bài phản ánh về quang cảnh, hiện trạng

– Bài phản ánh về tình huống, vấn đề

– Bài phản ánh về người thật việc thật

– Bài phản ánh về suy nghĩ, cảm xúc

3.4.  Các kết cấu thường gặp

– Kết cấu kim tự tháp ngược: Sắp xếp thông tin theo thứ tự quan trọng giảm dần. Thông tin quan trọng nhất, cần thiết nhất phải được đề cập ngay ở câu đầu, đoạn đầu. Những câu sau, đoạn sau phát triển các thông tin bổ sung.

– Kết cấu thời gian: Sắp xếp bài viết theo trật tự thời gian kiểu như tường thuật sự kiện, song chúng ta có thể sắp xếp trộn lẫn hai cách giữa trình tự thời gian với đảo ngược trình tự: bắt đầu bằng một dự án quan trọng trong tương lai, hiện tại hoặc quá khứ vừa diễn ra, sau đó quay trở lại kết cấu thời gian

– Kết cấu tổng hợp: Kết cấu này tương tự kết cấu một bài phát biểu về lịch sử. Bắt đầu bằng sự việc hoặc tình trạng, sau đó nói đến nguyên nhân hoặc kết quả. Kết cấu này đơn giản và logic, cho phép đề cập kỹ một vấn đề mà không làm độc giả chán.

– Kết cấu dạng chứng minh: Đề cập đến thông tin chính, sau đó chứng minh bằng một loạt lý lẽ dựa trên các sự việc.

4. Bài người tốt việc tốt

4.1. Khái niệm

– Người tốt là con người bình thường có thật trong đời sống xã hội, có nhận thức, hoạt động tiên tiến nổi bật trong khuôn khổ đạo lý xã hội, được xã hội thừa nhận mà mọi người xung quanh chưa làm được.

– Việc tốt là việc làm của một hoặc nhiều người có quá trình hoặc đột khởi mang lại cho bản thân họ và xã hội những kết quả về vật chất và tinh thần tốt đẹp.

4.2. Phương pháp viết bài Người tốt việc tốt

* Xây dựng kết cấu bài:

+ Ai ? Tuổi ? địa chỉ ?

+ Câu chuyện xảy ra như thế nào?

+ Hoàn cảnh ra sao?

+ Cách giải quyết hay của nhân vật.

+ Kết quả hoặc ý nghĩa mang lại lợi ích cho xã hội.

* Thu thập công việc tốt của nhân vật, phỏng vấn nhân vật về kinh nghiệm thực hiện công việc tốt. Sau khi có đầy đủ tư liệu, tiến hành viết bài.

* Kết cấu:

+ Tiêu đề: nêu bật ý tưởng, hành động tiên tiến của nhân vật một cách khái quát, có thể khái quát bằng lời bình của quần chúng, hoặc dùng từ hình ảnh hay phương pháp chơi chữ…gây sự chú ý của độc giả về chân dung con người mà chúng ta sắp đặc tả.

+ Mở đầu: là phần rất quan trọng nhằm thu hút người đọc; có thể nêu ý nghĩa việc tốt của nhân vật; có thể đưa mâu thuẫn giữa khả năng của nhân vật với khó khăn khách quan để tăng ý nghĩa của việc tốt; hoặc nêu thành tích của nhân vật; hoặc nêu dư luận của xã hội đánh giá về ý nghĩa, hành động tốt của nhân vật; hoặc nêu lên những đặc tả riêng biệt trong lai lịch của nhân vật.

+ Nội dung: đây là phần quan trọng chứa đựng nội dung trọng tâm của bài, gồm những diễn biến chính: suy nghĩ hành động của nhân vật, có thể sắp xếp thứ tự thời gian hoặc xen kẽ suy nghĩ và hành động của nhân vật.

Lưu ý:cần nêu những chi tiết then chốt biểu lộ cái tốt, cái hơn người của nhân vật để người đọc hiểu biết và khâm phục hoặc có thể áp dụng làm theo…

+ Kết thúc: cô đọng thêm chủ đề, có thể khái quát ý nghĩa của việc tốt,  có thể bình luận tác dụng của việc tốt gợi cho người đọc suy nghĩ và xác định hành vi, thái độ bản thân mình; có thể nêu uy tín của nhân vật đối với quần chúng; có thể nêu những phần thưởng của nhà nước và nhân dân dành cho người tốt, việc tốt…

III. LƯU Ý VIẾT CHO CÁC TRANG TIN

– Thực hiện nguyên tắc: đề cập, nói thẳng vào sự kiện, vấn đề chính

– Dùng các đoạn ngắn (mỗi đoạn một ý)

– Dùng câu chủ động, không lạm dụng tính từ

Với những bài dài, nên có những tiểu đề mục chứa đựng thông tin (Cách này vừa tạo ra những điểm nghỉ cho mắt, vừa lôi kéo độc giả đọc tiếp)

– Có thể dùng font chữ đậm để nhấn mạnh những điểm quan trọng nhưng không nên lạm dụng

– Nên có ảnh hoặc hình minh họa, dù nhỏ (Ảnh ở đây không chỉ có ý nghĩa trang trí mà còn có sức thu hút, minh chứng rõ nhất cho độc giả về bài viết)

– Cỡ chữ 14, font: Time New Roman.

Theo: Hoinhabaovietnam.vn