Làm cho học sinh vui

Lượt xem:

Đọc bài viết

“Chào đón các em gái và em trai đã vượt ngàn chông gai đến với lớp học của thầy”. Một giáo viên Toán lớp 11 chào học trò qua cửa sổ lớp học số Google Classroom trong khóa đào tạo Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong hoạt động dạy và học, do Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM tổ chức tháng trước.

Hãy để cho trẻ mỗi ngày đến trường là một niềm vui. Ảnh: Báo Điện tử Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh.

Lời chào “bắt trend” ấy là để tạo tâm lý hứng khởi cho các học sinh tuổi teen trước khi bước vào giờ học.

Nhiều trường học ở Việt Nam, trước cổng hoặc trong sân, đều có dòng chữ “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Từ School trong tiếng Anh có nguồn gốc chữ Latin là trò chơi, giải trí, hoặc bài giảng. Câu khẩu hiệu này cũng chính là một trong những mục tiêu quan trọng của giáo dục từ xưa đến nay: làm sao để trường học mang lại niềm vui, hạnh phúc cho học sinh?

Làm cho học sinh vui không có nghĩa là nuông chiều, lấy lòng các em, mà là sáng tạo trong cách giảng dạy để các em tiếp nhận kiến thức một cách tự nhiên, chủ động, tránh cảm giác bị ép buộc. Một trong những phương pháp giáo dục hiện đại là mô hình lớp học Đảo ngược. Thay vì là người trực tiếp truyền đạt cho học sinh, giáo viên sẽ thiết kế hoạt động để học sinh cảm thấy tò mò, hào hứng tìm hiểu kiến thức, kích thích tâm lý học tập tích cực.

Một giáo viên Địa lý lớp 12 ở trường PTTH Phú Nhuận, TP HCM đã gửi cho học sinh video ca khúc “Gửi nắng cho em” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Trong phần hướng dẫn, giáo viên mời các em xem video và trả lời các câu hỏi: Bài hát nói về mùa nào trong năm? Nhân vật “anh” đang ở miền nào của Việt Nam? Cảnh quan thiên nhiên nơi nhân vật “anh” đang ở có những đặc điểm gì? Nhân vật “anh” trong bài hát muốn gửi nắng ra đâu?

Phần trao đổi nhẹ nhàng “đầy tính nhạc” này chính là dẫn nhập cho bài giảng “Sự phân hóa đa dạng của thiên nhiên”.

Các nhà khoa học thần kinh đã chứng minh con người sẽ tiếp thu và ghi nhớ kiến thức lâu hơn khi được vui chơi. Việc thiết kế các trò chơi để học sinh hình thành kiến thức, vận dụng vào thực tế trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn rất nhiều cho giáo viên khi sử dụng các AI chatbot. Một giáo viên dạy lớp 12 đã “ra lệnh” cho Gemini dựa vào sách toán 12 bộ Chân trời sáng tạo để viết một trò chơi liên hoàn, vận dụng kiến thức của bài học đầu tiên “Tính đơn điệu và cực trị”. Yêu cầu đặt ra cho chatbot là: Thiết kế trò chơi gồm ba phần với mỗi nhóm khoảng sáu học sinh; hướng dẫn khái quát về cách thực hiện trò chơi; đặt tên trò chơi sao cho hấp dẫn, phù hợp tâm lý học sinh lớp 12; điểm từng phần sẽ được tính tổng để xem xét thứ hạng các đội…

Ở mỗi phần chơi, chatbot phải liệt kê danh sách các vật dụng cần chuẩn bị và tiêu chí chấm điểm, trừ điểm. Mục tiêu của trò chơi là xây dựng được các mô hình toán học đơn giản và thực tế liên quan đến sự biến thiên của hàm số. Các phần chơi phải phải có tính liên kết với nhau, học sinh hoàn thành xong phần một mới chuyển sang phần hai.

Chỉ trong khoảng 60 giây, chatbot này đã đưa ra được bản thiết kế với nội dung đáp ứng khá đầy đủ mong đợi của giáo viên. Gemini đề xuất tên gọi của ba trò chơi là: “Đường đua hàm số”, “Vượt qua đỉnh đèo”, “Thiết kế siêu xe hàm số”. Với những gợi ý của bản thiết kế này, giáo viên có thể cho học sinh tham gia tổ chức trò chơi trực tiếp tại lớp học hoặc trên môi trường số. Gemini còn có thể soạn các câu hỏi tự luận, trắc nghiệm, giới thiệu các video vui nhộn, ứng dụng hàm số trong cuộc sống để sử dụng trong trò chơi.

Trong quá trình nghiên cứu về AI và sự tham gia của AI robot vào môi trường giáo dục, tôi từng đặt ra câu hỏi, liệu các công cụ trí tuệ nhân tạo một ngày nào đó có thể thay thế giáo viên không? Sẽ có những vai trò, phần việc nhất định của giáo viên bị robot thay thế. Nhưng mặt khác, giáo viên hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ và tận dụng AI như các trợ lý ảo đắc lực, làm sinh động và sâu sắc hơn bài giảng của mình.

Chương trình phổ thông 2018 bên cạnh mục tiêu giúp học sinh hình thành kiến thức còn nhấn mạnh đến việc trang bị những năng lực và phẩm chất cần thiết để học sinh thích nghi và phát triển trong thời đại số. Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2017 nhấn mạnh đến bốn kỹ năng sống quan trọng để tồn tại và phát triển trong thế kỷ 21 là: Làm việc nhóm, Giao tiếp, Sáng tạo và Tư duy phản biện. Gần đây, các diễn đàn giáo dục thế giới cũng lưu ý nhà trường phải rèn luyện các kỹ năng sống này cho học sinh trên môi trường số. Một khái niệm mới được hình thành là kỹ năng số sống còn (The Vital Digital Skills) như kỹ năng cộng tác số, giao tiếp số, sáng tạo nội dung số, tư duy phản biện trên môi trường số…

Trăm hay không bằng tay quen. Các kỹ năng, năng lực chỉ được hình thành khi học sinh có cơ hội được thực hành sử dụng các thiết bị, các ứng dụng số trong quá trình học tập tại lớp hoặc ở nhà. Thực tế là hiện nay các em ngay từ độ tuổi tiểu học đã sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ như smartphone, máy tính bảng, máy tính để bàn, laptop… Vì thế nhà trường cần có những hoạt động, bài tập dự án làm việc chung trên môi trường số để học sinh rèn luyện các kỹ năng số sống còn, nhất là trong không gian lớp học, đồng thời các em sẽ giảm bớt thời gian dành cho chơi game, lướt TikTok, Facebook reels hay YouTube short.

Cuối cùng, công cụ vẫn chỉ là sự hỗ trợ. Để các em vui khi đến trường, điều quan trọng nhất là sự nỗ lực tập thể, của cả nhà quản lý giáo dục từ vĩ mô đến vi mô, đội ngũ giáo viên và cả cha mẹ học sinh.

Tác giả bài viết: Trần Minh Trọng.