Cha mẹ giúp trẻ học tiếng Việt (môn Văn)

Lượt xem:

Đọc bài viết

Trong quá trình giao tiếp với bạn đọc mua sách, câu hỏi bên lề mà có lẽ tôi gặp nhiều nhất là về việc học “môn văn” của con cái các bạn ấy. Rất nhiều than thở, rất nhiều lo lắng, rằng con học yếu văn quá, viết câu cú lủng củng, tạo lập một văn bản đơn giản không được, có sách gì không hay phải làm thế nào, v.v.. Vì không có nhiều thời gian, tôi chỉ “tư vấn” theo quan điểm của mình về vài điều tôi cho là quan trọng nhất mà cha mẹ có thể làm được.

Ảnh minh hoạ. Nguồn ảnh: Fb Thái Hạo.

Như nhiều lần tôi có chia sẻ trên Facebook và trên các bài báo, rằng học để sử dụng khác với cái học nghiên cứu. Không cần quá sa đà vào việc nhớ các tri thức tiếng Việt. Nó giống như học sử dụng máy tính thì khác với học ngành nghiên cứu máy tính vậy. Bạn có thể không hiểu gì lắm về chiếc máy tính (hoặc smart phone) mà mình đang dùng, với cấu trúc, thành phần, cơ chế vận hành, lịch sử, v.v., nhưng bạn vẫn có thể sử dụng được nó một cách thành thạo, thậm chí… rất siêu, là vì bạn đã học cách dùng và dùng điêu luyện. Hư thì mang ra tiệm! Học tiếng Việt để sử dụng cũng thế. Rõ ràng, một đứa trẻ từ khi sinh ra cho đến khi biết nói và nói thạo, chúng chẳng cần biết khái niệm câu, khái niệm danh từ, tính từ gì cả. Chúng bắt chước, tập nói, và nói theo, rồi dần nói giỏi.

Các khái niệm ngôn ngữ học đến với người Việt chưa lâu, chỉ từ khi người Pháp vào Việt Nam và đưa môn này vào nghiên cứu, giảng dạy; tuy nhiên, trước đó nhiều trăm năm, người Việt đã viết và có những cuốn sách, những bài văn bài thơ hay mà đến bây giờ học sinh đang được học, gọi là Văn học Trung đại. Tôi không phủ nhận việc học các tri thức ngôn ngữ học, nhưng tôi không cho rằng điều đó sẽ quyết định đến chất lượng sử dụng tiếng mẹ đẻ của một người. Sa đà vào đó có khi lại có hại; vì thứ nhất là không đủ thời gian, thứ hai là lệch hướng. Học để sử dụng khác với học để trở thành một nhà nghiên cứu! Một nhà ngôn ngữ học, bỏ cả đời ra chỉ để theo đuổi một mảng nhỏ trong một ngành hẹp của ngôn ngữ học, mà còn chưa chắc có thành tựu gì đáng kể, thì một học sinh mà học theo hướng ấy thì sẽ đi về đâu, và để làm gì?

Nhân đây, như có lần tôi và anh Hoàng Tuấn Công có nói chuyện với nhau về việc chương trình Vua Tiếng Việt của VTV mời các nhà văn nhà thơ lên ngồi ghế cố vấn, theo chúng tôi, đó là một sai lầm. Vì có thể họ sử dụng tiếng Việt rất giỏi, rất hay, họ viết ra được những tác phẩm rất có giá trị; nhưng đòi họ phải tường minh tri thức về tiếng Việt thì quả là oái oăm. Và tôi nghĩ, các nhà văn nhà thơ cũng nên biết từ chối, đừng vì cả nể mà lên đó ngồi, rồi nói linh tinh, sẽ bị phê phán và cười cợt, như trong suốt vài năm vừa qua.

Trước mắt, có một cách đơn gian mà cha mẹ nào cũng có thể làm được mà không cần có kiến thức chuyên môn gì to tát cả, để giúp con cái mình học tốt tiếng Việt hơn, đó là cho các cháu tập đọc, tập nói, tập viết… Nhưng với một điều kiện, tuy là rất đơn giản thôi, nhưng không phải ai cũng có đủ văn hóa để làm được, đó là tôn trọng con cái.

Theo tôi, năng lực ngôn ngữ của một người sẽ phát triển tỉ lệ thuận với sự độc lập suy nghĩ của người đó. Phải tôn trọng trẻ, cho các em được quyền nói ra mọi suy nghĩ, tình cảm của chúng. Không “định hướng”, không văn mẫu, không giáo đều, không ép buộc. Hãy khuyến khích các em viết ra. Cứ viết ra đã, viết dở, viết lủng củng, gì gì cũng được. Nhưng quan trọng là chịu viết ra. Đừng ép hoặc “mớm” cho các cháu viết cái ý không phải điều chúng đang nghĩ. Nạn văn mẫu và nhồi nhét trong nhà trường đã quá đủ rồi.

Ngôn ngữ của một người lập tức sẽ trở nên linh hoạt, sắc bén khi người đó phát biểu về cái điều mà họ tin, họ nghĩ. Vì thế, hãy để các em nói ra, viết ra. Muốn làm được như thế thì phải có tinh thần tôn trọng dành cho trẻ. Và muốn vậy, ở đây phải không được có óc chuyên chế, độc tài của cha mẹ. Muốn có sự phong phú về vốn từ và cách viết thì nghe nhiều, đọc nhiều là một điều kiện cần thiết.

Ban đầu, nếu các em chưa có thói quen đọc và viết thì hãy khuyến khích. Ví dụ, đọc xong một cuốn sách và tóm tắt được nó, sẽ được thưởng 50 nghìn hay 100 nghìn chẳng hạn; viết xong một bài sẽ được nhuận bút 100 hay 200 trăm nghìn. Thưởng bằng tiền hoặc một bữa đi trà sữa, đi ăn tối bên ngoài hoặc đi du lịch, đó là những cách khuyến khích ban đầu; đến khi các em đã hình thành được thói quen đọc và viết rồi, thì có khi cha mẹ sẽ “ốm đòn” vì tiền mua sách của chúng! Nếu cha mẹ không có tiền thì lời khen luôn là miễn phí. Hãy khen các cháu, tán thưởng các cháu; tuyệt đối không bao giờ được chê bai, chỉ trích, cười cợt, coi thường. Hãy để các em đọc bất cứ cái gì các em thích, viết bất cứ cái gì cá em muốn. Đầu tiên là phải đọc và viết cái đã, chuyện hay dở tính sau. Và tôi tin, các em sẽ ổn lại rất nhanh thôi.

Theo Fb Thái Hạo.