Nó la lên như thể nó mới là nạn nhân rồi chạy về bàn – nơi có hai phụ nữ đang trò chuyện rổn rảng một góc quán. Họ dửng dưng với những gì xảy ra trước mắt. Không bị ai can ngăn, chốc chốc thằng bé lại lấy ống hút chọt vào lưng tôi. Tôi chỉ biết lắc đầu chịu trận.
Tôi đã quen, đến mức bất lực, với những đứa trẻ mất trật tự, cũng như những đám đông người lớn ồn ào. Không chỉ tôi, thế giới có lẽ cũng đã quen với những người Việt lộn xộn, huyên náo ở nơi công cộng và những điểm du lịch. Khi tiếng ồn được mang ra khỏi không gian riêng, vấn đề không còn là thói quen, tính cách hay sở thích “ăn to nói lớn” của một cá nhân hay cộng đồng, mà trở thành nguy cơ ô nhiễm âm thanh.
Số liệu xử phạt vi phạm hành chính theo thống kê của Sở Tài nguyên & Môi trường phần nào phản ánh tình hình này. Trong năm 2022, 8.679 trường hợp vi phạm về tiếng ồn trong đô thị bị phát hiện, trong đó nhắc nhở hơn 8.500 trường hợp và xử phạt 135 trường hợp, tổng số tiền phạt hơn 420 triệu đồng. 8 tháng đầu năm 2023, Cổng thông tin 1022 TP HCM tiếp nhận 11.115 tin phản ánh về tiếng ồn. Số tin phản ánh trung bình ngày cuối tuần gấp hơn 1,4 lần ngày trong tuần, khung giờ tối (18h-22h) gấp 3,1 lần khung giờ ban ngày, khung giờ khuya đến sáng (22h-6h) cũng gấp 1,5 lần khung giờ ban ngày.
Có luật, có chế tài xử phạt rõ ràng, nhưng xô xát, thậm chí án mạng xuất phát từ những mâu thuẫn liên quan đến tiếng ồn vẫn xảy ra. Nếu mỗi người ý thức được tầm quan trọng của việc tôn trọng không gian công cộng, không để âm thanh của mình làm ảnh hưởng đến người khác thì đã bớt đi những tin tức đau lòng liên quan đến chuyện đánh nhau vì người này người kia ồn ã.
Đã có nhiều giải pháp được đề ra để nâng cao nhận thức cộng đồng, góp phần giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nhấn mạnh tới ý thức, như một phần quan trọng của văn hóa hành xử, hệ quả của quá trình giáo dục, trước tiên là giáo dục trong gia đình. Yếu tố làm gương ở đây rất cần thiết. Những phụ huynh huyên náo khó có thể dạy trẻ trở thành người biết cư xử phù hợp nơi công cộng.
Có lần tôi ngồi chờ nhận phòng ở một resort, ngồi cạnh bàn tôi là một gia đình dắt theo vài đứa trẻ, đứa lớn nhất tầm 10 tuổi. Chúng rượt đuổi nhau rất ồn, dù nhân viên đã nhắc vài lần. Chưa kịp làm quen với tiếng ồn của bọn nhỏ, tôi bỗng giật thót mình khi người mẹ kêu lớn: “Ti ơi, có đi tè không con?”. Cả sảnh chờ ngẩng lên nhìn, bất đắc dĩ nghe trọn cuộc thảo luận “vào hay không vào nhà vệ sinh” của hai mẹ con.
Những chuyện như thế tôi gặp mỗi ngày tại nơi công cộng, và tôi tự hỏi người lớn còn không ý thức được sự phiền nhiễu của bản thân, không biết phép tắc tối thiểu chỗ đông người thì sao dạy được con trẻ.
Tất nhiên, tôi cũng gặp những đứa trẻ và các phụ huynh chuẩn mực. Buổi sáng, chúng vào thang máy, chào hỏi những người đứng sẵn trong thang, tháo ba lô và cầm trên tay để tiết kiệm không gian, tránh chạm vào người khác, rồi chúng đứng im lặng, trật tự. Có những đứa trẻ quấy khóc vì không chịu đi học, ba mẹ chúng lập tức xin lỗi mọi người. Tôi nghĩ đó là cách nhẹ nhàng, vừa làm gương, vừa rèn giũa thói quen cho trẻ.
Gia đình chính là phần quan trọng của việc giáo dục trẻ con, vì trẻ học đầu tiên và thường xuyên không ở đâu xa, chính là từ bố mẹ. Trong gia đình, nếu người lớn không thực hành phép tắc thì không thể dạy trẻ bằng lý thuyết. Và nếu không được dạy dỗ bởi gia đình, chúng sẽ được cuộc đời dạy cho những bài học.
Tôi vẫn thường nhẫn nhịn, cam chịu những đứa trẻ ồn ào, một phần vì thấy vô ích, phần vì ngại những bình luận cho rằng “trẻ con biết gì đâu mà khắt khe”. Đúng là trẻ con có thể không biết gì, nhưng người lớn chắc chắn phải hiểu một điều đơn giản: những đứa trẻ ồn ào rồi sẽ tiếp tục tạo nên một thế hệ người lớn huyên náo.
Theo Báo điện tử VnExpress.