Cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến “Pháp luật với mọi người”
Lượt xem:
Bộ Tư pháp vừa ban hành Kế hoạch về việc tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Pháp luật với mọi người”.
Cuộc thi: “Pháp luật với mọi người” được tổ chức dưới hình thức thi trực tuyến trong 30 ngày (từ ngày 20/10/2020 đến ngày 20/11/2020).
Cuộc thi được tổ chức nhằm cung cấp, phổ biến, trang bị kiến thức pháp luật về một số lĩnh vực thiết thực với cuộc sống người dân; khuyến khích, phát huy tinh thần chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành và bảo vệ pháp luật trong các tầng lớp Nhân dân, giúp giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa Cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến trở thành Cuộc thi thường niên của Bộ Tư pháp; đổi mới, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật.
Tên gọi Cuộc thi: “Pháp luật với mọi người”.
Đối tượng tham gia dự thi: Người Việt Nam ở trong nước; người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc trên lãnh thổ Việt Nam.
Nội dung thi: Tìm hiểu một số quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp.
Văn bản sử dụng xây dựng bộ câu hỏi và đáp án: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan; Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Hình thức thi: Cuộc thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Thí sinh tham gia đăng ký dự thi trực tiếp tại địa chỉ website: https://pbgdpl.moj.gov.vn/qt/cuocthi/Pages/home.aspx.
Cách thức thi:
– Thí sinh dự thi trả lời 19 câu hỏi trắc nghiệm trực tiếp, 01 câu dự đoán trên máy tính và các thiết bị di động có kết nối internet theo phần mềm bộ đề câu hỏi được thiết kế sẵn với nhiều cấp độ (từ dễ đến khó).
– Số lượng câu hỏi trong một phần thi trực tuyến là 20 câu hỏi (17 câu hỏi trực tiếp; 02 câu hỏi tình huống và 01 câu hỏi dự đoán số lượng người thi trả lời đúng tất cả các câu hỏi trắc nghiệm). Mỗi lần thi trực tuyến kéo dài tối đa 20 phút. Bài dự thi chỉ được coi là hợp lệ khi người dự thi trả lời đủ 20 câu hỏi.
Thời gian thi: 30 ngày (từ ngày 20/10/2020 đến ngày 20/11/2020).
Giải thưởng Cuộc thi gồm: Ban Tổ chức Cuộc thi cấp Giấy chứng nhận kèm theo hiện vật (nếu có) và mức giải thưởng như sau:
– 01 Giải Nhất: 6.000.000 đồng/giải (Sáu triệu đồng/giải);
– 02 Giải Nhì: 3.000.000 đồng/giải (Ba triệu đồng/giải);
– 03 Giải Ba: 2.000.000 đồng/giải (Hai triệu đồng/giải);
– 05 Giải Khuyến khích: 1.000.000 đồng/giải (Một triệu đồng/giải).
Chi tiết mời xem tại Thể lệ Cuộc thi và các văn bản kèm theo:
>> Công văn phát động Cuộc thi.
BỘ CÂU HỎI CUỘC THI TRỰC TUYẾN “PHÁP LUẬT VỚI MỌI NGƯỜI” NĂM 2020
Câu hỏi 1: Theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, cá nhân có quyền nào sau đây?
A. Được làm việc trong môi trường không chịu ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia.
B. Được nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao nhằm giảm tác hại của rượu bia.
C. Được sống trong môi trường không chịu ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia.
D. Được khen thưởng khi có thành tích trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Câu hỏi 2: Hành vi nào sau đây thuộc hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia?
A. Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.
B. Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người đủ 18 tuổi.
C. Vận động cá nhân, tổ chức không sử dụng sản phẩm rượu, bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.
D. Phát hiện, phản ánh người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia để cảnh báo, phòng ngừa, xử lý hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.
Câu hỏi 3: Người ở độ tuổi nào sau đây không được uống rượu, bia?
A. Người đủ 18 tuổi.
B. Người chưa đủ 20 tuổi.
C. Người chưa đủ 18 tuổi.
D. Các phương án trên đều sai.
Câu hỏi 4: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, học sinh, sinh viên không được uống rượu, bia trong trường hợp nào dưới đây?
A. Ngay trước giờ làm việc, học tập.
B. Trong giờ làm việc, học tập.
C. Nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
D. Các phương án nêu ra đều đúng.
Câu hỏi 5: Vào thời gian rảnh rỗi, anh A thường xem tivi và thỉnh thoảng thấy có chương trình quảng cáo các loại rượu, bia. Anh A muốn biết việc quảng cáo các loại rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ không được thể hiện các nội dung nào sau đây?
A. Có thông tin, hình ảnh nhằm khuyến khích uống rượu, bia.
B. Sử dụng người từ đủ 18 tuổi trở lên hoặc hình ảnh của người từ đủ 18 tuổi trở lên trong quảng cáo rượu, bia
C. Sử dụng vật dụng, hình ảnh, biểu tượng, âm nhạc, nhân vật trong phim, nhãn hiệu sản phẩm dành cho người cao tuổi.
D. Hướng đến người lao động là người chưa thành niên trong doanh nghiệp
Câu hỏi 6: Địa điểm nào sau đây không được bán rượu, bia?
A. Cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi
B. Xung quanh các cơ sở giáo dục
C. Xung quanh các cơ sở y tế
Câu hỏi 7: Địa điểm công cộng nào sau đây không được uống rượu, bia?
A. Trung tâm tiệc cưới.
B. Quán bar.
C. Cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke.
D. Nhà chờ xe buýt
Câu hỏi 8: Quy định nào sau đây là trách nhiệm của gia đình trong việc phòng, chống tác hại của rượu, bia?
A. Vận động cá nhân không sử dụng sản phẩm rượu, bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.
B. Giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên trong gia đình chưa đủ 18 tuổi hạn chế uống rượu, bia
C. Giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia, các thành viên khác trong gia đình hạn chế uống rượu, bia.
D. Phát hiện, phản ánh người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia để cảnh báo, phòng ngừa hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.
Câu hỏi 9: Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia năm 2019 có hiệu lực thi hành khi nào?
A. Từ ngày 01/7/2019
B. Từ ngày 01/01/2020
C. Từ ngày 01/4/2020
D. Từ ngày 01/7/2020
Câu hỏi 10: Tổ chức nào sau đây có trách nhiệm tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của rượu, bia và phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp với lứa tuổi của học sinh, sinh viên?
A. Cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia
B. Cơ sở giáo dục
C. Tổ chức Đoàn Thanh niên
D. Cơ sở y tế
Câu hỏi 11: Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ sẽ bị áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
A. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng
B. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng
C. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng
D. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng
Câu hỏi 12: Đề nghị cho biết hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia bị áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
A. Phạt cảnh cáo
B. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng
C. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng
D. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng
Câu hỏi 13: Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định có các hình thức xử phạt chính nào sau đây?
A. Phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; đình chỉ hoạt động có thời hạn.
B. Cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn.
C. Phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
D. Các phương án nêu ra đều sai.
Câu hỏi 14: Hành vi vi phạm quy định về hoạt động tư vấn pháp luật nào dưới đây bị áp dụng mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng?
A. Nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác ngoài khoản thù lao mà trung tâm tư vấn pháp luật, chi nhánh của trung tâm tư vấn pháp luật đã thu.
B. Xúi giục cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật.
C. Xúi giục cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật khiếu nại, tố cáo, khởi kiện trái pháp luật.
D. Tư vấn pháp luật cho các bên có quyền lợi đối lập trong cùng một vụ việc.
Câu hỏi 15: Hành vi vi phạm quy định về hoạt động hành nghề luật sư nào dưới đây không áp dụng mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng?
A. Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích khác ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.
B. Cung cấp hoặc hướng dẫn khách hàng cung cấp tài liệu, vật chứng giả, sai sự thật.
C. Xúi giục khách hàng khai sai sự thật hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo trái pháp luật.
D. Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
Câu hỏi 16: Theo quy định tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch bị áp dụng mức phạt tiền nào dưới đây ?
A. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
B. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
C. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
D. Không bị áp dụng hình thức phạt tiền.
Câu hỏi 17: Sau 5 năm kết hôn, chị P phát hiện chồng mình là anh K đã chung sống như vợ chồng với chị T- đồng nghiệp cũ của anh K (không có quan hệ họ hàng, huyết thống, nuôi dưỡng với anh K). Sau khi thuyết phục chồng không được, chị P đã quyết định làm đơn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã nơi vợ chồng chị thường trú để tố giác hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng của anh K. Đề nghị cho biết hành vi của anh K sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?
A. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
B. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
C. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
D. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Câu hỏi 18: Hành vi nào sau đây không phải là hành vi vi phạm hành chính về hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật?
A. Thực hiện tư vấn pháp luật có thu phí.
B. Cản trở việc thực hiện quyền được thông tin, tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân.
C. Cung cấp thông tin, tài liệu có nội dung sai sự thật, trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
D. Tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Câu hỏi 19: H và K hiện đang 16 tuổi, sống ở một xã miền núi. Vừa qua, cha mẹ H, K đã đồng ý tổ chức đám cưới cho hai cháu. Sau khi đám cưới được tổ chức, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã đã đến lập biên bản và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn. Đề nghị cho biết, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này như thế nào?
A Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
B. Cảnh cáo.
C. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
D. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Câu hỏi 20: Dự đoán số người trả lời đúng*
Phòng GDĐT Ngọc Hồi.