Huyện Ngọc Hồi tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trong công tác xoá mù chữ và phổ cập giáo dục cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn
Lượt xem:
Huyện Ngọc Hồi được thành lập ngày 15/10/1991. Diện tích tự nhiên 83.936 hecta (839,36 km2), có đường biên giới trên bộ dài 47 km tiếp giáp với hai nước bạn Lào và Campuchia. Huyện có 17 dân tộc sinh sống trên địa bàn 8 xã, thị trấn với dân số 64.968 người trong đó người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 57%.
Lớp xoá mù chữ tại Trung tâm học tập Cộng đồng xã Sa Loong. Ảnh: Hữu Thành.
Từ khi thành lập huyện đến nay, công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ (PCGD, XMC) luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, nghành, đoàn thể trong huyện, cùng với sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Ngành GD&ĐT nên đã đạt được những kết quả tích cực.
Tính đến hết năm 2023, tổng dân số độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi là 41.596 người, trong đó số người trong độ tuổi từ 15-60 biết chữ là 40.145 người, tỷ lệ 96,51%; số người trong độ tuổi từ 15-60 mù chữ là 1.451 người, tỷ lệ 3,49%; số người mù chữ mức độ 1 là 548 người, tỷ lệ 1,01%; số người mù chữ mức độ 2 là 1.451 người, chiếm 3,49%;
Phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt; PCGD Tiểu học đạt mức độ 3; PCGD THCS đạt mức độ 2; PCGD XMC đạt mức độ 2.
Để đạt được kết quả trên nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến các xã, thị trấn với ngành GD&ĐT làm nòng cốt. Các giải pháp được triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao như: Tham mưu UBND huyện ban hành Kế hoạch về công tác PCGD, XMC – XD XHHT các giai đoạn, các năm. Hằng năm, Phòng GD&ĐT tham mưu cho Ban chỉ đạo PCGD, XMC – XD XHHT huyện ban hành văn bản chỉ đạo về công tác điều tra, rà soát, lập danh sách người mù chữ tại địa phương; Trên cơ sở đó Phòng GD&ĐT tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch mở lớp XMC các giai đoạn, các năm. Hằng năm, Phòng GD&ĐT đăng ký ngồn vốn thuộc Chương trình MTQG để thực hiện công tác XMC và tham mưu UBND huyện Kế hoạch mở lớp XMC, kế hoạch thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5 Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Phòng GD&ĐT huyện phối hợp với các đoàn thể, Trung tâm HTCĐ các xã, thị trấn và chỉ đạo các đơn vị trường học cùng đi tuyên truyền về công tác XMC cho người dân, nhất là người dân vùng đồng bào DTTS. Phát huy vai trò của các Già làng, Thôn trưởng, người có uy tín trong việc vận động người mù chữ đến lớp học. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tác dụng của vấn đề XMC trong tình hình hiện nay, chỉ ra cho người dân thấy được nếu biết chữ thì có thể giao tiếp, tiếp cận được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng (TiVi, điện thoại, vi tính,…). Đặc biệt, nhấn mạnh sự cần thiết của việc biết chữ trong đời sống, nhất là trong xã hội hiện nay.
Mặc dù đạt được những kết quả theo mục tiêu, kế hoạch đề ra nhưng công tác XMC và PCGD trên địa bàn huyện, nhất là ở vùng đồng bào DTTS vẫn gặp những khó khăn, hạn chế nhất định như: Công tác điều tra số người mù chữ và vận động người mù chữ đăng ký đi học có nơi đạt kết quả chưa cao; công tác xã hội hoá trong việc thực hiện XMC chưa hiệu quả; kinh phí dành cho công tác XMC đúng chính sách nhưng còn thấp; ý thức tham gia học tập của học viên còn hạn chế do ngại thay đổi, do bận lao động sản xuất, do tuổi cao nhận thức chậm,… khiến việc đi học thiếu chuyên cần và nguy cơ bỏ học luôn hiện hữu.
Những năm tới, việc duy trì và nâng cao kết quả PCGD – XMC đòi hỏi phải phù hợp với yêu cầu của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đối số. Nghĩa là, XMC và PCGD hiện nay không đơn thuần chỉ là xóa mù về đọc, viết tiếng Việt phổ thông mà còn phải cung cấp kiến thức khoa học, xóa mù công nghệ, xóa mù ngoại ngữ,… Do đó, đòi hỏi phải có những hướng và những cách tiếp cận mới, tiếp cận khác. Do đó, ngành GD&ĐT và các địa phương cần phải chủ động đổi mới nội dung, phương pháp cho phù hợp.
Với những kết quả đã đạt được, cùng với sự quan tâm thường xuyên, sâu sát của Huyện ủy, UBND huyện và các ban ngành, đoàn thể, các địa phương, công tác PCGD và XMC trên địa bàn huyện, nhất là ở vùng đồng bào DTTS, những năm tới tin tưởng đạt được những kết quả cao hơn, toàn diện hơn và bền vững hơn.
Một số hình của các lớp xoá mù chữ trên địa bàn huyện trong thời gian qua:
Bà Y Đối hằng ngày cùng cháu nội miệt mài đến lớp xoá mù chữ.
Hữu Thành (Phòng GDĐT Ngọc Hồi).