Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS
Lượt xem:
Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 6/5/2021 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS giai đoạn 2021 – 2025, thời gian qua, huyện Ngọc Hồi triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực sự nghiệp giáo dục vùng đồng bào DTTS trên địa bàn.
Trường TH-THCS Đắk Xú có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng học sinh DTTS.
Bà Y Lan – Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi cho biết: UBND huyện Ngọc Hồi chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện bố trí, phân công giáo viên phù hợp, ưu tiên bố trí đủ giáo viên thực hiện chương trình sách giáo khoa mới (lớp 1, lớp 2, lớp 6…). Đối với cán bộ, giáo viên người DTTS, đa số được bố trí công tác ổn định tại các đơn vị gần nơi cư trú, không thực hiện luân chuyển. Số giáo viên công tác ở vùng khó khăn được đảm bảo hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Nhà nước theo quy định, yên tâm công tác lâu dài tại vùng đồng bào DTTS.
Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Hồi tích cực chỉ đạo các trường đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm và rèn kỹ năng sống phù hợp với học sinh DTTS; triển khai thực hiện tốt phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, phát huy tính tích cực trong học tập cho học sinh, thu hút học sinh đến trường.
Chúng tôi đến Trường TH-THCS Đăk Xú để tìm hiểu việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS. Năm học 2022 – 2023, trường có 40 lớp, 1.131 học sinh, trong đó, khối cấp I có 24 lớp với 666 học sinh, khối cấp II có 16 lớp với 465 học sinh; học sinh DTTS chiếm 62%.
Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Phượng cho biết, nhà trường đã đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục dành riêng cho học sinh DTTS như tăng cường tiếng Việt, dạy phụ đạo, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm nhằm tăng kỹ năng giao tiếp tiếng Việt cho học sinh, giúp các em tiếp thu kiến thức tốt hơn.
Ông Kiều Quốc Tường – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hồi cho hay: Thời gian qua, ngành đã chi đạo các trường tăng thời lượng học tập của học sinh trên lớp, thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Cụ thể, đối với bậc mầm non, thực hiện dạy tập nói tiếng Việt vào các buổi sáng từ thứ hai đến thứ năm hàng tuần, tăng cường 3 tiết/buổi vào các buổi chiều hàng tuần với các nội dung như ôn tập nói tiếng Việt, hoạt động âm nhạc, văn học, chữ viết. Năm học 2021 – 2022 có 53 lớp thực hiện cho 1.448 học sinh với 22.667 tiết phụ đạo; năm học 2022 – 2023 có 60 lớp, gần 1.500 học sinh, trên 23.000 tiết học.
Đối với bậc tiểu học, tăng cường tiếng Việt cho học sinh trước khi vào lớp 1; tăng cường tiếng Việt thông qua các hoạt động ngoại khóa, hoạt động cộng đồng, hoạt động trải nghiệm nhằm thúc đẩy kỹ năng đọc-viết cho học sinh; sử dụng ít nhát 4 tiết/tuần tổ chức hoạt động trải nghiệm nhằm hỗ trợ học sinh DTTS học tiếng Việt bằng môi trường giao tiếp mới, giúp học sinh có cơ hội giao lưu và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt.
Đối với bậc THCS, ngoài các tiết dạy chính khóa, các trường sắp xép, bố trí giáo viên thực hiện các tiết dạy phụ đạo những kiến thức học sinh còn yếu vào các buổi theo thời khóa biểu với các chuyên đề, chủ đề cụ thể, phù hợp với đối tượng học sinh DTTS. Thực hiện các tiết dạy bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp cho học sinh DTTS, kết hợp với các chuyên đề, chủ đề phù hợp như bồi dưỡng trực tiếp tại trường, trực tuyến trên các phần mềm Zoom, Office 365; đồng thời yêu cầu giáo viên chủ động, bố trí thêm thời gian để tăng cường bồi dưỡng học sinh các ngày khác trong tuần. Năm học 2021-2022 có 86 lớp thực hiện cho 2.396 học sinh với 12.264 tiết phụ đạo; năm học 2022-2023 có 91 lớp thực hiện cho 2.420 học sinh với 12.356 tiết dạy phụ đạo.
Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, việc nâng cao chát lượng giáo dục đối với học sinh vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Ngọc Hồi đạt được một số kết quả tích cực.
Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hồi, so với năm học 2020- 2021, một số chỉ tiêu của Đề án nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy năm học 2021-2022 đều đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Cụ thể, với giáo dục mầm non, tỷ lệ huy động trẻ em DTTS dưới 3 tuổi đến nhà trẻ tăng 2%; trẻ DTTS 3-5 tuổi học mẫu giáo đạt 95,4%, tăng 3%, trong đó tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%. Có 2.104/2.104 trẻ DTTS 3-5 tuổi học mẫu giáo được tăng cường và chuẩn bị tiếng Việt để vào học lớp 1 (đạt 100%); trong đó có 755/755 học sinh từ 5-6 tuổi (đạt 100%). Có 8/10 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tăng 01 trường so với năm trước.
Đối với giáo dục phổ thông, học sinh DTTS cấp tiểu học được đánh giá hoàn thành chương trình lớp học đạt 99,6%, tăng 0,2%; riêng học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%. Học sinh DTTS cấp THCS có học lực từ trung bình trở lên đạt 93,5%, giảm so với ti lệ 95% năm học trước; trong đó đạt khá, giỏi chiếm tỉ lệ 29,1%, tăng 4,1%. Học sinh tốt nghiệp THCS chuyển sang học nghề đạt 26,5%, tăng 5,7%. Đặc biệt hiện nay, toàn huyện Ngọc Hồi có 3/3 trường TH- THCS đạt chuẩn quốc gia; có 4/6 trường THCS đạt chuẩn quốc gia, tăng 01 trường; có 9/11 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, tăng 1 trường so với năm học trước.
Bài được đăng trên trên báo Kon Tum số ra ngày 29-5-2023 (số 4124).
Theo Cao Cường (Báo Kon Tum).