Ngành GD&ĐT huyện Ngọc Hồi: ​Ổn định công tác dạy và học

Lượt xem:

Đọc bài viết

Năm học mới 2017-2018, huyện Ngọc Hồi có 36 trường học với 464 lớp, 14.349 học sinh (9.190 học sinh DTTS); trong đó: bậc mầm non có 13 trường -136 lớp với 4.391 cháu, bậc tiểu học có 14 trường – 218 lớp với 6.231 học sinh, bậc THCS có 9 trường – 110 lớp với 3.727 học sinh. So với năm học trước, trong năm học mới này, học sinh của huyện tăng thêm 350 em ở 3 cấp học.

Năm học mới 2017-2018, Trường Tiểu học Đăk Xú có 26 lớp với 737 học sinh. Em Y Phương (lớp 5) chia sẻ: Cũng như các bạn có hoàn cảnh khó khăn, bước vào năm học mới, em và 465 học sinh DTTS được nhà trường hỗ trợ 40 chiếc cặp, 200 tập vở để đi học. Ngoài ra, nhà trường còn vận động các bạn lớp trên tặng hàng trăm bộ sách giáo khoa cho học sinh lớp dưới. Vì vậy, chúng em đến trường học tập không thiếu sách vở, được thầy cô và bạn bè tận tình giúp đỡ, thương yêu, tự hứa sẽ học cho thật tốt để không phụ công ơn của thầy cô, cha mẹ và sự giúp sức của bè bạn cùng trường.

Điểm mới của Trường Tiểu học Đăk Xú trong năm học này là nhà trường đã tạo cảnh quan sạch sẽ, thân thiện. Các phòng học được sơn sửa lại mới hơn, có nước sạch đủ dùng, nhà vệ sinh sạch hơn. Trong giảng dạy và học tập, trường sẽ tổ chức nhiều hoạt động, trong đó mỗi tháng sẽ tổ chức một hội thi, như tháng 9 là hội thi học sinh trang trí lớp học đẹp, tháng 10 là hội thi giáo viên dạy giỏi, tháng 11 là hội thi văn nghệ toàn trường chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11…

Năm học 2017-2018, huyện Ngọc Hồi có 36 trường học với 464 lớp, 14.349 học sinh… Ảnh: Q.Đ

“Nhà trường còn phát động và tổ chức nhiều phong trào thi đua đối với giáo viên và học sinh, cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ năm học, phấn đấu đến cuối năm học, có trên 99% học sinh hoàn thành chương trình đào tạo” – Thầy giáo Nguyễn Đức Dương – Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Trong năm học mới này, Trường THCS thị trấn Plei Kần có 67 cán bộ, giáo viên, nhân viên; có 31 lớp, 1.171 học sinh, tăng 3 lớp và 147 học sinh so với năm học trước.

Cô giáo Huỳnh Thị Tường Vi – Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đến nay, Trường đã ổn định công tác dạy và học, học sinh đã học tập chính khóa tại trường hơn 3 tuần rồi. Năm học này, Trường tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy học sinh làm trung tâm; cùng với đó là tổ chức nhiều phong trào thi đua theo hướng thiết thực, có trọng tâm, có chủ điểm, đặc biệt là phải mang lại hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục; phấn đấu đến cuối năm học, có 100% học sinh hoàn thành chương trình đào tạo, Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Trong năm học 2017-2018, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên toàn huyện Ngọc Hồi có 849 người; trong đó, bậc mầm non có 194 người, bậc tiểu học có 376 người, bậc THCS có 279 người. Khó khăn chung của ngành GD&ĐT huyện là giáo viên trực tiếp giảng dạy còn thiếu so với quy định ở cấp học mầm non và tiểu học. Cụ thể, bậc mầm non mới chỉ đạt 1,07 giáo viên/lớp, trong khi quy định tại Thông tư liên tịch 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV về định mức số lượng người làm việc ở cơ sở giáo dục mầm non là 2,2 giáo viên/lớp đối với lớp mầm non học 2 buổi/ngày (100% lớp mầm non ở Ngọc Hồi học 2 buổi/ngày); cấp tiểu học mới chỉ đạt 1,37 giáo viên/lớp 2 buổi/ngày, trong khi Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Nội vụ – Bộ GD&ĐT quy định 1,5 giáo viên/lớp 2 buổi/ngày (Ngọc Hồi 100% học sinh học 2 buổi/ngày).

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Việt Thắng – Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hồi cho biết: Trong năm học mới, ngành GD&ĐT huyện tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra đối với các hoạt động giáo dục; kiện toàn đội ngũ phụ trách, theo dõi công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống tại các trường học…

Bên cạnh đó, ngành quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện bồi dưỡng, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để có được đội ngũ cán bộ quản lý có tầm nhìn và năng lực, tận tâm, năng động, sáng tạo; đội ngũ giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học. Xây dựng và củng cố trường phổ thông dân tộc bán trú đáp ứng quy mô phát triển giáo dục vùng khó khăn.

Mặt khác, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền các gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến để lan tỏa, khích lệ các thầy cô giáo, các em học sinh phấn đấu, vươn lên, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển giáo dục và đào đạo chung của huyện; tiếp tục đổi mới phương pháp giáo dục, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS; giao quyền chủ động cho các nhà trường trong quản lý giáo dục, trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương và khả năng học tập của học sinh; tiếp tục thực hiện công tác khảo thí theo hướng đánh giá năng lực người học, ứng dụng công nghệ thông tin trong khảo thí, bảo đảm công bằng, khách quan, chính xác, tin cậy, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dạy và người học…

Nguồn: Báo Kon Tum điện tử.