Ngành giáo dục huyện Ngọc Hồi vững bước đổi mới và phát triển

Lượt xem:

Đọc bài viết

Năm 2023 là năm thứ 32 huyện Ngọc Hồi thành lập (15/10/1991 – 15/10/2023). Trong 32 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, mọi mặt của huyện nhà không ngừng phát triển trong đó có sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân các dân tộc và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương theo các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Năm học 2023 – 2024 Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện có 28 trường, trong đó cấp học mầm non có 13 trường, cấp tiểu học có 07 trường, cấp trung học cơ sở có 03 trường và trường phổ thông liên cấp TH – THCS có 05 trường. So với năm học trước giảm 05 trường do việc sáp nhập các đơn vị sự nghiệp theo kế hoạch của địa phương nhưng số lớp và số học sinh đều tăng với 523 lớp và 15.313 học sinh. Đây là năm học thứ 10 thực hiện Nghị quyết 29 của BCH TW Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, năm học thứ tư thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Để thực hiện các nhiệm vụ nói chung, nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo nói riêng, những năm học vừa qua, dưới sự lãnh đạo sát sao của cấp uỷ, chính quyền địa phương và Sở GD&ĐT, bằng tinh thần đoàn kết, chủ động khắc phục khó khăn, đổi mới, sáng tạo, toàn ngành đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp và đã đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, ngành đã sắp sếp các cơ sở giáo dục theo hướng tập trung, phù hợp với sự phân bố dân cư nhằm vừa phát huy các nguồn lực, phát huy hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho con em nhân dân đi học. Hàng năm, ngành tham mưu các cấp đầu tư cơ sở vật chất, tuyển dụng giáo viên, nhân viên cơ bản đáp ứng yêu cầu; tham mưu và phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện uỷ tổ chức bồi dưỡng chính trị cho toàn thể đội ngũ vào các dịp hè, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn giúp nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực cho đội ngũ.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là huy động học sinh ra lớp và duy trì sĩ số học sinh. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động của các nhà trường, cấp uỷ, chính quyền và các các đoàn thể cùng Ban đại diện cha mẹ học sinh, tỷ lê học sinh ra lớp luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra trong đó trẻ 5 tuổi hoàn thành MN, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và học sinh hoàn thành tiểu học vào lớp 6 luôn đạt 100%. Tỉ lệ chuyên cần các cấp học đạt từ trên 99 đến 100%.

Đáp ứng yêu cầu đổi mới, toàn ngành đã tích cực triển khai các mô hình giáo dục, các hoạt động và nội dung giáo dục hiện đại như mô hình trường học hạnh phúc, thư viện xanh, thư viện ước mơ, giáo dục Stem/Steam ở cấp học phổ thông; Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ở cấp học mầm non… Cùng với việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT, chuyển đổi số thông qua việc sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến như Padlet, Microsoft team 365, Google Classroom, hệ thống LMS, Zoom, Zalo… đã mang đến những thay đổi tích cực ở cả cách dạy của thầy và cách học của trò. Không gian tiết học giờ đây không chỉ bó hẹp trong bốn bức tường lớp học mà nó được mở ra đa chiều, đa màu sắc, gắn với trải nghiệm thực tiễn, gắn với đời sống, môi trường… Nội dung dạy học giờ đây không chỉ nằm trong cuốn sách giáo khoa duy nhất mà nó được khai thác từ các nguồn học liệu phong phú sao cho phù hợp với đối tượng học sinh và đạt được hiệu quả giáo dục cao nhất. Chất lượng giáo dục giờ đây không chỉ được đánh giá bằng điểm số đơn điệu khô khan mà quan trọng hơn, toàn diện hơn là ở các biểu hiện phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh… Không gian trường lớp giờ đây mang ý nghĩa giáo dục theo hướng xanh, sạch, đẹp, an toàn. Đến nhiều trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn huyện có cảm giác như bước vào một công viên với cây xanh bóng mát, vườn hoa, đường hoa, các góc giáo dục đầy màu sắc sinh thái và truyền thống; nguồn nước, nhà vệ sinh sạch sẽ… Đó là kết quả của bao tâm sức, những sẻ chia cộng đồng trách nhiệm của thầy cô, học trò, cha mẹ học sinh …trong sự chăm lo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự ủng hộ, giúp đỡ của các đoàn thể, các cơ quan trên địa bàn…

Là địa phương có tỷ lệ học sinh người DTTS chiếm gần 60%, các trường đã đẩy mạnh những giải pháp phù hợp như tăng cường Tiếng Việt cho hóc inh DTTS, phụ đạo học sinh và thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng học sinh DTTS theo Nghị quyết số 02-NQ/TU Khoá XVI của Đảng bộ tỉnh.

Một trong những nỗ lực vượt bậc ở cấp học mầm non và tiểu học trong chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ là việc tổ chức mô hình bán trú với hai hình thức: Bán trú tập thể ở nơi thuận lợi và Bán trú dân nuôi ở vùng khó khăn. Trong năm học 2023 – 2024, có 1638 học sinh tiểu học, 3960 học sinh mầm non được ăn ở bán trú tại trường. Các hình thức bán trú vừa là sự cố gắng đầy trách nhiệm của các nhà trường, vừa là sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo của đội ngũ quản lý giáo dục trước những điều kiện khách quan đa dạng và nhiều khó khăn thách thức của địa phương. Xin được cảm ơn những giáo viên mầm non, nhất là ở các trường, các điểm trường mầm non trên địa bàn các xã. Ở đó, hình thức chủ yếu là Bán trú dân nuôi với việc cha mẹ đưa cơm đến trường để buổi trưa các cô cho các con ăn. Vào những thời điểm thiếu định biên, thay vì từ hai cô/ lớp như quy định, hầu hết mỗi lớp chỉ có một cô nuôi dạy hai ba chục trẻ người DTTS gồm nhiều độ tuổi, buổi trưa còn thêm một việc vất vả là chăm cho các con ăn, ngủ mà không hưởng chế độ nào thoả đáng. Các cô làm vì trách nhiệm, vì lòng yêu nghề, yêu trẻ, vì sự cảm thông với hoàn cảnh cha mẹ trẻ. Nhờ sự hy sinh lớn lao ấy mà 100% trẻ mầm non toàn huyện nhiều năm qua được ăn ở bán trú tại trường. Cũng nhờ vậy mà việc chăm nuôi trẻ được chu đáo hơn, khoa học hơn, giúp phần lớn trẻ phát triển tốt về thể chất, giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng đồng thời tạo điều kiện để cha mẹ các em yên tâm lao động sản xuất.

Thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục nói chung, chủ trương phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập nói riêng, với sự tạo điều kiện mọi mặt của các cấp các ngành, đến nay toàn huyện đã phát triển được 04 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập gồm 02 trường MN tư thục, 01 trường MN dân lập, 01 nhóm trẻ – lớp mẫu giáo độc lập tư thục cùng với một số Trung tâm ngoại ngữ tư nhân. Việc phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập vừa chia sẻ với nhà nước một phần nguồn lực cho giáo dục, vừa đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng, học tập đa dạng của con em nhân dân.

Bằng những nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ, hiệu quả, những năm qua sự nghiệp GD&ĐT trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển toàn diện. Tính đến năm học 2023 – 2024 có 22/25 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm 88%, đạt chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết Đại hội lần thứ VII Đảng bộ huyện. Tỷ lệ học sinh hoàn thành lớp học đạt từ trên 99 đến 100%. Tỉ lệ học sinh khá, giói cấp THCS và số học sinh đạt giải các kỳ thi học sinh giỏi lớp 9, thi Cuộc thi khoa học, kỹ thuật các cấp ngày càng tăng. Nhiều giáo viên giỏi, nhiều SKKN, bài giảng e-learning; video,…đạt giải các cấp. Nhiều tập thể, cá nhân được các cấp tặng giấy khen, bằng khen, danh hiệu thi đua, cờ thi đua xuất sắc…8/8 xã, thị trấn đạt và giữ vững kế quả phổ cập giáo dục MN 5 tuổi, Phổ cập GDTH, THCS mức độ 2, mức độ 3.

Dù đạt nhiều kết quả nhưng trước những yêu cầu mới ngày càng nặng nề, Ngành giáo dục và đào tạo huyện đang gặp những khó khăn đòi hỏi phải vượt qua như chất lượng GD giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn chưa đồng đều; nguy cơ nghỉ học, bỏ học của một tỉ lệ học sinh vẫn hiện hữu; cơ sở vật chất trường lớp và trang thiết bị dạy học phần còn thiếu, phần hư hỏng hoặc lạc hậu, chưa đồng bộ; việc thiếu giáo viên cục bộ vẫn diễn ra …

Giáo dục là quốc sách hàng đầu đã luôn được Đảng bộ huyện nêu cao, đưa vào nghị quyết và triển khai đến các chi bộ, đảng viên trong toàn huyện, được chính quyền cụ thể hoá trong các kế hoạch phát triển KT – XH địa phương. Với những thuận lợi cơ bản và với truyền thống đoàn kết, thi đua dạy tốt, học tốt, tin tưởng sự nghiệp GD&ĐT của huyện nhà sẽ đạt được nhiều kết quả to lớn trong hành trình đi tới, xứng đáng với kỳ vọng của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương.

Vũ Việt Thắng (Phó trưởng phòng GGĐT Ngọc Hồi).