Ngành giáo dục huyện triển khai Mô hình “Góc học tập yêu thương” từ năm học 2023-2024 hướng tới học sinh tiểu học, THCS có hoàn cảnh khó khăn
Lượt xem:
Nhằm giúp đỡ, hỗ trợ học sinh cấp tiểu học, THCS người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện có được góc học tập riêng tại nhà, giúp các em có điều kiện tốt hơn để theo đuổi con đường học tập, chinh phục tri thức; vừa qua Phòng Giáo dục và Đào tạo đã triển khai Mô hình “Góc học tập yêu thương”, Mô hình bắt đầu được thực hiện từ năm học 2023-2024, thời gian thực hiện từ đầu năm học đến hết ngày 05/11 hằng năm.
Ảnh minh hoạ.
Theo đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường tiểu học, THCS trực thuộc trên địa bàn huyện triển khai khảo sát thực trạng, thống kê nhu cầu học sinh người dân tộc thiểu số cần Thiết bị xây dựng góc học tập (bao gồm: bàn, ghế, bóng đèn học sinh, các đồ dùng học tập, máy tính, đèn năng lượng mặt trời, ổ cắm, dây điện, …) để xây dựng góc học tập riêng tại nhà.
Tổng hợp, thống kê số lượng Thiết bị xây dựng góc học tập đã huy động được. Huy động các nguồn lực xã hội, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Liên hiệp Thanh niên, giáo viên, học sinh, cựu học sinh … trên địa bàn để sửa chữa, trang trí Thiết bị xây dựng góc học tập đã quyên góp được đảm bảo tính an toàn, thẩm mỹ; huy động các nguồn lực xã hội vận chuyển Thiết bị xây dựng góc học tập đến gia đình học sinh và tổ chức trao tặng cho học sinh người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn chưa có góc học tập riêng tại nhà.
Các nhà trường phát động học sinh, cha mẹ học sinh có Thiết bị xây dựng góc học tập ở gia đình (còn sử dụng được, nhưng không có nhu cầu) quyên góp, ủng hộ để triển khai Mô hình tại đơn vị.
Mô hình “Góc học tập yêu thương” được Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai nhằm hưởng ứng Chương trình “Điều ước cho em” của Giáo dục và Đào tạo; kết nối nguồn lực xã hội, hỗ trợ học sinh người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn có được góc học tập tại nhà, có thêm niềm tin, nghị lực vượt qua những khó khăn của cuộc sống.
Thông qua Mô hình “Góc học tập yêu thương” phát huy tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, tinh thần tương thân, tương ái “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức chính trị, xã hội, các mạnh thường quân trong việc chăm sóc, giúp đỡ học sinh, đặc biệt là những học sinh người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
Tin, ảnh: Phương Thảo (Phòng GDĐT Ngọc Hồi)