Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay…

Lượt xem:

Đọc bài viết

(Trích bài phát biểu của thầy giáo Phan Quang Sum, nhà giáo nghỉ hưu, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học 732, nay là Trường Tiểu học Võ Thị Sáu tại buổi Gặp mặt kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam của Ngành Giáo dục và Đào tạo Ngọc Hồi).

Trong bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng” của nhà thơ Tố Hữu có câu:  “Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay/ Ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm”.

Đúng như vậy. Có qua mùa đông lạnh lẽo thì mới thấy giá trị ấm áp của ngày xuân.

Nhớ lại những thập niên 80 – 90 của thế kỷ 20, thời điểm huyện Ngọc Hồi chưa thành lập và mới thành lập, sự nghiệp giáo dục của huyện nhà rất nhiều thiếu thốn, khó khăn, vất vả. Quy mô trường lớp hết sức tạm bợ  với chủ yêu là mái tranh vách nứa dựng lên giữa bản làng. Bàn ghế thiếu thốn, cái thì gãy chân, cái thì xiêu vẹo, thế nhưng cũng không đủ cho học sinh ngồi học. Bàn ghế giáo viên làng có, làng không có. Học sinh áo quần không đủ mặc, trời rét nhưng không có áo ấm, dép không có phải đi chân trần, nhất là học sinh DTTS. Các điểm trường ( Cả điểm trường trung tâm và điểm trường lẻ) thường không có hàng rào, không có cổng trường. Sáng sớm trâu bò trong làng vào tận trường. Mùa mưa lầy lội, mùa khô  bụi bặm mịt mù. Đúng là trường không ra trường, lớp không ra lớp.

Kết quả hình ảnh cho mừng ngày nhà giáo việt nam 20 11

Đội ngũ giáo viên lúc bấy giờ phần đa được đào tạo cấp tốc, trình độ học vấn cũng như chuyên môn rất hạn chế. Dạy một tiết cho đúng quy trình cũng khó khăn. Lúc bấy giờ cả huyện giáo viên là đảng viên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có điều đặc biệt là dù khó khăn vất vả, thiếu thốn trăm bề nhưng CBQL và GV có tình đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau cả về tinh thần, vật chất, và chuyên môn. Đặc biệt có tình thương học sinh thật lòng và hết mực. Học sinh gặp khó khăn bỏ học thầy cô giáo tới tận từng nhà gặp gỡ phụ huynh để nắm bắt tâm tư, hoàn cảnh  rồi vận động học sinh tới trường trở lại. Học sinh tới lớp thầy cô giáo chải tóc, vá áo cho các em, rửa mặt cho các em như mẹ hiền, nhất là với học sinh lớp mẫu giáo và học sinh lớp 1, 2, 3.

Tôi cứ nhớ mãi những kỷ niệm khi được Phòng Giáo dục điều động đi kiểm tra trường Đắk Dục.  Khi đoàn đến làng nào thì thôn trưởng và các đoàn thể ở thôn họ sắm bữa cơm mời đoàn chúng tôi ăn cùng với họ bữa thân mật, tuy bữa cơm đạm bạc nhưng sao tôi thấy ngon một cách lạ lùng!

Tôi lại nhớ kỷ niệm khi đi kiểm tra ở trường tiểu học Đắk Ang. Lúc bấy giờ thầy A Phê làm Hiệu trưởng. Thầy dẫn đoàn đi từ trường trung tâm tới các điểm lẻ. Đường đi trong rừng phải vượt qua suối, vượt đồi. Mỗi lần đi qua cầu treo dân tự làm qua suối, bắc từ bờ này sang bờ bên kia bằng dây cáp cứ đung đưa như võng, nhìn xuống sợ vô cùng. Tới bên kia suối gặp lớp học lợp tranh, vách nứa, có khoảng 15 em học sinh, áo quần nhếch nhác, có em mang cả em nhỏ khoảng 03 tuổi theo ngồi bên cạnh – trong lớp thầy giáo chủ nhiệm lớp ân cần chỉ bảo cho học trò của mình.

Thầy giáo Phan Quang Sum (đứng giữa) nhận quà kỷ niệm tại buổi gặp mặt kỉ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

Nhắc lại ngày trước, thực ra cũng chỉ trên dưới 20 năm, thấy giáo dục huyện nhà đã có những bước phát triển lớn lao. Giờ đây, từ thị trấn trung tâm đến các xã xa xôi nhất như Đăk Ang, Saloong đều có trường xây 2, 3 tầng khang trang đẹp đẽ cùng  đồ dùng dạy học, phương tiện thông tin hiện đại. Trường nào cũng có khuôn viên, có cổng trường, bàn ghế sách vở đầy đủ, áo quần của học sinh đồng phục đẹp đẽ. Các thầy cô giáo có trình độ đại học, cao đẳng với 100% đạt chuẩn và trên chuẩn. Trường nào cũng có chi bộ Đảng. Chất lượng Giáo dục đã được nâng cao và bền vững với tỷ lệ học sinh ra lớp đạt trên 98%, tỷ lệ học sinh khá giỏi cao và tỷ lệ học sinh đậu vào các trường Cao đẳng, Đại học hàng năm đứng vào tốp đầu của tỉnh. Tôi thực sự vui mừng với sự nghiệp giáo dục của huyện nhà bây giờ!

Tôi tin tưởng rằng với sự quan tâm của Đảng bộ huyện và chính quyền địa phương, sự đồng hành chia sẻ, giúp đỡ của các ban, ngành đoàn thể, sự ủng hộ của nhân dân cùng những cố gắng của đội ngũ CBQL, giáo viên, sự nghiệp giáo dục của huyện sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Giáo dục huyện nhà đã và sẽ mãi xứng đáng với niềm tin tưởng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương trong sứ mệnh trồng người cao cả.

Là những người đi trước, chúng tôi càng tự hào về những đóng góp của thế hệ nhà giáo chúng tôi cho giáo dục huyện nhà bao nhiêu thì chúng tôi càng tin tưởng vào các thế hệ nhà giáo của huyện  hôm nay bấy nhiêu. Chúng tôi ý thức rất rõ nền giáo dục của chúng ta hôm nay không chỉ có thuận lợi mà cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đó là sự đòi hỏi ngày càng cao của chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng học sinh dân tộc thiểu số. Đó là đòi hỏi mỗi CBQL và đội ngũ giáo viên, nhân viên phải không ngừng học hỏi nhằm nâng cao về phẩm chất chính trị, đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ mới có thể đáp ứng được yêu cầu ngày một cao hơn. Đó là việc các thầy cô giáo phải vượt qua những khó khăn của đời sống bởi đồng lương còn bất cập để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Và đặc biệt phải vượt qua những cám dỗ về vật chất, những cạm bẫy của đời thường mà thời chúng tôi ít phải đối diện. Nhưng tôi tin với đại bộ phận nhà giáo chúng ta được đào tạo bài bản, có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, nhất định các thầy cô sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân giao phó. Nếu được, tôi chân thành nhắn nhủ chỉ một điều, cái điều được đúc kết bằng tâm huyết cả đời nghề của những người đi trước: Rằng chỉ cần các thầy cô yêu nghề và yêu người thật sự thì nhất định các thầy cô sẽ vững vàng đi hết con đường  vất vả nhưng vinh quang nghề nghiệp của mình.

Phan Quang Sum