Phòng GDĐT chỉ đạo công tác chuyên môn và một số công tác chuẩn bị cho năm học 2021-2022 cấp Tiểu học
Lượt xem:
Ngày 17/8, Phòng Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản về việc chỉ đạo công tác chuyên môn và một số công tác chuẩn bị cho năm học 2021 – 2022 cấp Tiểu học, theo đó Phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường tiểu học trực thuộc thực hiện một số nội dung như sau:
Ảnh minh họa.
Các trường thực hiện tốt công tác tuyển sinh và biên chế lớp theo quy định và phù hợp với các điều kiện của đơn vị, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục.
Trên cơ sở tuyền sinh và biên chế lớp, nhà trường tăng cường các biện pháp phù hợp để vận động 100% học sinh ra lớp theo kế hoạch.
Chuẩn bị tốt nhất cơ sở vật chất trong điều kiện có thể cho năm học mới.
Kịp thời nắm bắt tình hình mua sắm sách giáo khoa, đồ dùng học tập và các nhu yếu phẩm khác của cha mẹ học sinh cho con em chuẩn bị đến trường đi học, nhất là số học sinh khó khăn, để có giải pháp kịp thời nhằm không để học sinh nào thiếu sách vở, đồ dùng học tập, quần áo… đi học.
Làm tốt công tác vệ sinh trường lớp; Thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh covid – 19 theo chỉ đạo của chính quyền, của ngành giáo dục và hướng dẫn của ngành y tế (ngoài các quy định của chính quyền, hướng dẫn của y tế, yêu cầu các trường có biện pháp nắm bắt và có biện pháp phù hợp kịp thời với những học sinh đi về từ địa phương khác, nhất là từ vùng dịch); Xây dựng các “kịch bản”hoạt động cho những cấp độ dịch: an toàn, nguy cơ, nguy cơ cao.
Phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Hiệu trưởng các trường tiểu học phải nghiên cứu kĩ, hiểu thấu đáo Công văn 2345/ BGDĐT-GDTH ngày 07/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về “Hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường cấp tiểu học” để triển khai thực hiện xây dựng kế hoạch giáo dục năm học đạt chất lượng tối ưu nhất.
Phải vận dụng các Luật, các văn bản dưới luật và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo liên quan như Luật Giáo dục 2019; Thông tư 32/2018/TT- BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình GDPT 2018); Quyết định số 16/2006-BGDĐT ngày 05/05/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông; Kế hoạch thời gian năm học của tỉnh; Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 09/7/2021); Công văn 3535/ BGDĐT – GDTH ngày 19/8/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện nội dung Hoạt động trải nghiệm cấp tiểu học trong Chương trình GDPT 2018; Chương trình Giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum được phê duyệt bởi Quyết định số 277/QĐ – SGDĐT ngày 28/5/2020 của Sở GD&Đ; Kế hoạch số 53/KH-SGDĐT ngày 13/06/2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số năm học 2021-2022; Quyết định số 1722/QĐ-SGDĐT ngày 29/06/2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc về việc triển khai thí điểm mô hình “Vui học tiếng Việt” ở một số cơ sở giáo dục tiểu học năm học 2021-2022; Nghị định 24/2021/NĐ- CP ngày 23/3/2021 của Chính phủ về Quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông; Điều lệ trường Tiểu học (hiện hành), Công văn 4612/BGDĐT-GDTrH V/v hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018; Công văn 381/PGDĐT năm 2017 của Phòng Giáo dục và Đào tạo và các văn bản khác của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo về thực hiện chương trình GDPT cấp Tiểu học…Các Nghị quyết số 22, 23, 24, 25 của UBND tỉnh Kon Tum về công tác giáo dục; Phải bám sát đặc điểm địa phương và điều kiện thực tế của đơn vị về đội ngũ, cơ sở vật chất, kinh phí, đối tượng học sinh…
Các cuộc họp triển khai nhiệm vụ xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, các cuộc họp thảo luận của nhà trường và tổ chuyên môn phải được ghi thành biên bản và lưu theo quy định. Các kết quả thảo luận được sử dụng trong xây dựng kế hoạch giáo dục; được đưa vào báo cáo và nghị quyết hội nghị viên chức năm học của đơn vị (các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong kế hoạch giáo dục không phải thảo luận, biểu quyết tại hội nghị viên chức nữa).
Kế hoạch giáo dục nhà trường phải thể hiện đầy đủ nội dung chương trình các môn học và hoạt động giáo dục cấp tiểu học theo Chương trình GDPT 2018 và Quyết định số 16/2006-BGDĐT ngày 05/05/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông; Phải thể hiện những nội dung, yêu cầu cơ bản, cốt yếu của các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về đổi mới giáo dục, về tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS, giáo dục trải nghiệm, giáo dục địa phương, Đề án nâng cao chất lượng học sinh DTTS…; Phải phù hợp với đặc điểm địa phương và các điều kiện của đơn vị.
Khung kế hoạch giáo dục được thống nhất thực hiện theo mẫu tại Phụ lục 1 của Công văn 2345/BGD ĐT-GDTH ngày 07/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về “Hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường cấp tiểu học”. Chậm nhất 31/8 hàng năm các trường ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục.
Phòng Giáo dục và Đào tạo thẩm định kế hoạch giáo dục của các trường và sẽ có trao đổi, tư vấn (nếu có nội dung cần trao đổi, tư vấn) hoặc yêu cầu điều chỉnh, cao hơn là đình chỉ thực hiện để xây dựng lại nếu thấy kế hoạch không đảm bảo về nội dung chương trình, yêu cầu đổi mới phương pháp theo hướng phát triển phẩm chất năng lực người học hoặc có vi phạm về pháp luật, quy chế, quy định chuyên môn của các cấp quản lý ngành.
Phòng Giáo dục và Đào tạo lưu ý các trường không xây dựng “Kế hoạch năm học” như các năm trước mà căn cứ vào nhiệm vụ năm học do các cấp ban hành và các nhiệm vụ khác xây dựng trong báo cáo hội nghị viên chức năm học của đơn vị. Ngoài ra, tùy yêu cầu nhà trường xây dựng kế hoạch riêng cho từng nhiệm vụ cụ thể như kế hoạch thực hiện các phong trào, các cuộc vận động… Không xây dựng “Kế hoạch năm học” nhưng phải ban hành khung hoạt động năm học theo mẫu quy định để thực hiện.
Chậm nhất ngày 20/9 hàng năm các trường đề xuất nội dung cần tư vấn trong năm học bằng văn bản (gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo) để trên cơ sở đó Phòng xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động tư vấn chuyên môn năm học của ngành.
Thống nhất cho học sinh tiểu học các trường nghỉ học vào chiểu thứ tư hàng tuần để sinh hoạt Đội – Sao nhi đồng, sinh hoạt tập thể khác hoặc về sinh hoạt, nghỉ ngơi tại gia đình để trường tổ chức các hoạt động hội họp, sinh hoạt chuyên môn theo quy định (theo quy định tổ chuyên môn sinh hoạt 02 lần/tháng. Tuy nhiên nếu buổi sinh hoạt chuyên môn của tổ trùng vào hoạt động nào đó của tổ, của trường hoặc do các cấp ngành tổ chức thì được tính như một lần sinh hoạt chuyên môn theo quy định của tổ).
Các Cụm sẽ tổ chức sinh hoạt chuyên môn vào chiều thứ tư một tuần trong tháng (một lần/tháng); Phòng Giáo dục và Đào tạo thống nhất cơ bản tổ chức các hoạt động chuyên môn của cấp học vào chiều thứ tư.
Đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý-quản trị nhà trường qua đó đánh thức và phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực đội ngũ nhà giáo.
Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác kiểm tra chuyên môn theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả và lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ, kết quả học tập – giáo dục của học sinh làm trọng trong thước đo hiệu quả công tác chuyên môn.
Hoạt động kiểm tra chuyên ngành năm học 2021 – 2022 của Phòng Giáo dục và Đào tạo không có nội dung kiểm tra chất lượng học sinh.
Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghiêm túc việc kiểm định chất lượng học sinh tất cả các khối lớp bằng bài kiểm tra trắc nghiệm hoặc bài kiểm tra tự luận ít nhất 01 lần/học kì. Theo đó, trong một thời điểm có 05 cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo (01 thầy cô/01 lớp/01 khối lớp) đến coi kiểm tra và tổ chức chấm bài tại lớp. Nội dung kiểm tra là kiến thức, kỹ năng tối thiểu của 02 môn Toán, Tiếng Việt và về phẩm chất, năng lực của học sinh theo Chương trình GDPT 2018 và Chương trình GDPT theo QĐ 16/2006 – BDGĐT. Kết quả sẽ được tổng hợp gửi công khai đến các trường để phục vụ nhiều nhiệm vụ liên quan.
Để đạt tỷ lệ huy động học sinh ra lớp và chất lượng học sinh DTTS theo Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 09/7/2021 (Đề án nâng cáo chất lượng học sinh DTTS), yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch riêng cho nội dung này, xác định rõ lộ trình đạt chỉ tiêu của đề án theo từng giai đoạn (Mục tiêu đến năm 2025; Định hướng đến năm 2030). Ví dụ mục tiêu chất lượng đến năm 2025 của đề án là 99,5% học sinh DTTS cấp tiểu học được đánh giá hoàn thành chương trình lớp học trong khi hiện tại học sinh DTTS của trường mới đạt 95% trường cần đề ra lộ trình tăng lên theo từng năm: Năm học 2021 – 2022 đạt 96%; Năm học 2021 – 2022 đạt 97%… làm sao đến năm 2025 đạt 99,5% trở lên.
Phòng GDĐT Ngọc Hồi.