Phòng GDĐT hướng dẫn kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I năm học 2023-2024 đối với cấp tiểu học
Lượt xem:
Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành văn bản hướng dẫn kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I năm học 2023-2024 đối với cấp tiểu học.
Học sinh cấp tiểu học Trường TH-THCS Lý Tự Trọng. Ảnh: Nguyễn Thị Duyên.
Theo đó, các trường Tiểu học, trường có cấp tiểu học chủ động bố trí, sắp xếp lịch kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I, năm học 2023-2024 theo nội dung chương trình của từng môn học cho phù hợp với kế hoạch năm học, phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường; thời gian kiểm tra hoàn thành trước ngày 13/01/2024.
Hiệu trưởng các trường Tiểu học, trường TH-THCS chỉ đạo việc ra đề kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I, năm học 2023-2024 theo quy định.
Việc ra đề kiểm tra định kỳ đối với môn Toán và môn Tiếng Việt lớp 1, 2, 3, 4 cần đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Thông tư 27, phù hợp với yêu cầu cần đạt và các biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học.
Đề và đáp án đảm bảo tính chính xác, khoa học, được diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, không gây hiểu nhầm; xác định được kết quả học tập, rèn luyện theo mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học và sự tiến bộ của học sinh.
Đề kiểm tra đọc tiếng, đọc hiểu và bài viết chính tả lựa chọn đoạn văn, đoạn thơ, bài văn, bài thơ thuộc chủ đề các em đã học không có trong sách giáo khoa các em đã học.
Việc ra đề kiểm tra định kỳ đối với môn Toán và môn Tiếng Việt lớp 1, 2, 3, 4 phải đảm bảo các câu hỏi, bài tập trong đề kiểm tra có thể là câu hỏi trắc nghiệm khách quan (nhiều lựa chọn, trả lời ngắn, đúng- sai, nối) hoặc tự luận. Cần tăng cường loại câu hỏi mở, bài tập phát huy năng lực tư duy của học sinh. Tỷ lệ số câu, số điểm theo các mức và hình thức câu hỏi trong đề kiểm tra (trắc nghiệm khách quan, tự luận, hình thức khác) do hiệu trưởng quyết định, đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, phù hợp với đối tượng học sinh. Đề kiểm tra được thiết kế theo 3 mức, có thể: mức 1: Khoảng 50%; mức 2: Khoảng 30-40%; mức 3: Khoảng 10-20%). Tùy từng đơn vị, đối tượng học sinh, các trường có thể đưa ra tỉ lệ ở các mức khác nhau phù hợp với yêu cầu đánh giá.
Việc ra đề kiểm tra định kỳ đối với môn Toán và Tiếng Việt lớp 5 cần đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Thông tư 22/2016/TT-BGD&ĐT, ngày 22 tháng 9 năm 2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đề kiểm tra phù hợp về chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh của khối lớp. Đề kiểm tra được thiết kế theo 4 mức (mức 1: 40%; mức 2: 30%; mức 3: 20%; mức 4: 10%). Tuy nhiên, tùy từng đơn vị, đối tượng học sinh, chương trình thực hiện, các trường chọn tỉ lệ theo 4 mức cho phù hợp. Đề kiểm tra gồm các câu hỏi và bài tập (có trắc nghiệm và tự luận), phân hóa được đối tượng học sinh. Đề và đáp án đảm bảo tính chính xác, khoa học, được diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, không gây hiểu nhầm hoặc đánh đố học sinh; xác định được kết quả học tập, rèn luyện theo mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học và sự tiến bộ của học sinh.
Đối với môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý lớp 4, đề kiểm tra kết hợp cả hai hình thức: câu hỏi dạng trắc nghiệm khách quan và câu hỏi dạng tự luận. Và được ehực hiện soạn đề theo ma trận có 3 mức độ: Mức 1: Nhận biết, nhắc lại hoặc mô tả được nội dung đã học và áp dụng trực tiếp để giải quyết một số tình huống, vấn đề quen thuộc trong học tập (khoảng 40%); Mức 2: Kết nối, sắp xếp được một số nội dung đã học để giải quyết vấn đề có nội dung tương tự; (khoảng 40%); Mức 3: Vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập và cuộc sống. (khoảng 20%). Số lượng câu hỏi không quá 10 câu cho mỗi bài kiểm tra. Cấu trúc đề kiểm tra môn Khoa học và Lịch sử – Địa lí gồm câu hỏi trắc nghiệm (6 điểm) khoảng 60% số lượng câu hỏi, có đủ các dạng bài tập (nhiều lựa chọn, chọn Đúng – Sai, điền khuyết – viết tiếp, đối chiếu cặp đôi,….); câu hỏi tự luận (4 điểm) khoảng 40% số lượng câu hỏi.
Đối với môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý lớp 5 thực hiện đúng quy định tại Thông tư 22/2016/TT-BGD&ĐT, ngày 22 tháng 9 năm 2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đề kiểm tra gồm các câu hỏi và bài tập (có trác nghiệm và tự luận), phân hoá được đối tượng học sinh. Trong đó câu hỏi trắc nghiệm (6 điểm) khoảng 60% số lượng câu hỏi, có đủ các dạng bài tập (nhiều lựa chọn, chọn Đúng – Sai; điền khuyết – viết tiếp; đối chiếu cặp đôi,….). Câu hỏi tự luận (4 điểm) khoảng 40% số lượng câu hỏi.
Đối với môn Tiếng Anh cấu trúc đề đầy đủ phần nghe, phần nói, phần đọc và viết để đánh giá các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết của học sinh theo các mức được quy định tại Thông tư 22/2016/TT-BGD&ĐT, ngày 22 tháng 9 năm 2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với lớp 5 và Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT ngày 4 tháng 9 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Thông tư ban hành quy định đánh giá học sinh Tiểu học đối với lớp 3,4; chú trọng kĩ năng nghe, nói.
Đối với môn Công nghệ và môn Tin học lớp 3, lớp 4 thực hiện bài kiểm tra định kỳ như các môn học độc lập. Đề kiểm tra kết hợp cả hai hình thức: câu hỏi dạng trắc nghiệm khách quan và câu hỏi dạng tự luận.
Thực hiện soạn đề theo ma trận có 3 mức độ: Mức 1: Nhận biết, nhắc lại hoặc mô tả được nội dung đã học và áp dụng trực tiếp để giải quyết một số tình huống, vấn đề quen thuộc trong học tập (khoảng 40% – 50%); Mức 2: Kết nối, sắp xếp được một số nội dung đã học để giải quyết vấn đề có nội dung tương tự (khoảng 30% – 40%); Mức 3: Vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập và cuộc sống (khoảng 20%). Số lượng câu hỏi không quá 10 câu cho mỗi bài kiểm tra.
Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy các môn học (có kiểm tra định kỳ theo Thông tư 22 và Thông tư 27) chịu trách nhiệm chấm bài kiểm tra và đánh giá kết quả kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I; thực hiện đánh giá và nhận xét theo quy định tại Thông tư 22 và Thông tư 27; bài kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I, năm học 2023-2024 được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, ghi điểm và được trả lại cho học sinh; Thông tư 27 (thực hiện đối với lớp 1, 2, 3 và lớp 4): Điểm của bài kiểm tra theo thang điểm 10 (mười), không cho điểm thập phân; Thông tư 22 (thực hiện đối với lớp 5): Điểm của bài kiểm tra theo thang điểm 10 (mười), không cho điểm 0 (không) và không cho điểm thập phân. Nếu kết quả bài kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I, năm học 2023-2024 bất thường so với kết quả đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh.
Tại văn bản hướng dẫn kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I năm học 2023-2024 đối với cấp tiểu học, Phòng GDĐT yêu cầu các nhà trường nghiêm túc thực hiện quan điểm đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan. Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác mà chủ yếu giúp giáo viên và cha mẹ học sinh nắm bắt tình hình chất lượng để có sự chấn chỉnh, bồi dưỡng và rèn luyện cho học sinh trong học kỳ II, năm học 2023- 2024. Việc kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I được tổ chức theo thời khóa biểu vào buổi học chính khoá, không gây áp lực, lo lắng cho học sinh và cha mẹ học sinh. Trong quá trình tổ chức coi kiểm tra, yêu cầu đảm bảo nghiêm túc, khách quan, trung thực; tạo tâm lý để học sinh làm bài kiểm tra thoải mái, nhẹ nhàng, không gây căng thẳng. Chấm bài kiểm tra: Chính xác, đúng đáp án, công bằng, khách quan để đánh giá được kết quả thực chất của học sinh. Từ đó, có các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học đối với từng cơ sở giáo dục tiểu học.
Minh Tuấn (Phòng GDĐT Ngọc Hồi).