Tận tâm “gieo chữ” ở ngã ba biên
Lượt xem:
Hơn 10 năm qua, cô giáo Bùi Thị Huệ (32 tuổi, dân tộc Mường, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi) đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, tận tâm “gieo chữ” cho học trò nghèo vùng ngã ba biên giới.
Cô giáo Bùi Thị Huệ trong giờ lên lớp.
Theo gia đình từ miền Bắc vào xã Pờ Y (huyện Ngọc Hồi) lập nghiệp theo diện kinh tế mới, cô Bùi Thị Huệ chứng kiến nhiều em học sinh DTTS vì nhà nghèo nên thường xuyên nghỉ học, hoặc không đi học chuyên cần, phụ giúp gia đình làm rẫy khi vào mùa vụ. Cũng chính vì thế, nhiều em học sinh tiếp thu bài chậm, dẫn đến chán, bỏ học sớm rồi lập gia đình và cuộc sống bấp bênh, cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng.
Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Bùi Thị Huệ thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum (nay là Trường Cao đẳng Kon Tum) với tâm niệm sau này trở thành giáo viên, trở về Pờ Y dạy học. Sau khi tốt nghiệp (năm 2013), cô Huệ phân công dạy học tại Trường Tiểu học Bế Văn Đàn và gắn bó với ngôi trường này từ đó đến nay.
Hơn 10 năm gắn bó với sự nghiệp “gieo chữ, trồng người”, cô Huệ không ngừng nỗ lực học hỏi kinh nghiệm dạy học từ các đồng nghiệp đi trước; học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng học sinh DTTS, phương pháp tổ chức các hoạt động trải nghiệm, trò chơi dân gian, sinh hoạt văn nghệ, thể thao cho học sinh, tạo động lực cho các em cố gắng phấn đấu học tốt các môn văn hóa.
Để các em dễ tiếp thu bài giảng, nắm vững các kiến thức đã học, vào đầu tiết học, cô Huệ cho học sinh ôn lại bài cũ khoảng 15 phút rồi mới dạy bài mới. Phân loại từng đối tượng học sinh để có phương pháp dạy phù hợp, giúp các em học tốt hơn.
Với học sinh DTTS, cô dạy chậm, giảng bài kỹ và nhiều lần để các em tiếp thu, hiểu bài, cho bài tập về nhà. Hôm sau kiểm tra, em nào làm tốt thì biểu dương, khen thưởng tại lớp nhằm động viên tinh thần học tập của học sinh.
Cô còn phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để xây dựng “góc học tập” cho các em tại nhà; thường xuyên đến nhà tuyên truyền, vận động cha mẹ quan tâm việc học tập của con mình. Tại lớp, cô Huệ phát động, xây dựng, tổ chức, triển khai phong trào “Đôi bạn cùng tiến”; trong đó, 1 em có học lực khá giỏi hỗ trợ, giúp đỡ 1 em có học lực yếu để cùng nhau tiến bộ trong quá trình học tập.
Ngoài ra, cô Huệ còn tổ chức cho học sinh tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tạo cho các em có tinh thần thoải mái, vui vẻ, đoàn kết, hòa đồng với các bạn, góp thêm động lực để học sinh có ý thức tự học, nâng cao chất lượng học tập, làm cho các em cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi được đi học mỗi ngày tại ngôi trường này, không để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.
Cô giáo Bùi Thị Huệ chia sẻ, niềm vui và hạnh phúc của người giáo viên được nhân lên gấp bội lần vì đã dạy dỗ được nhiều thế hệ học trò nên người. Cô kể, năm đầu tiên ra trường dạy lớp 5, lớp cô làm chủ nhiệm có 26 học sinh. Đến nay, có 6 em đang học đại học và 6 em học cao đẳng. Thỉnh thoảng các em về thăm hỏi sức khỏe, công việc, cuộc sống của mình hiện tại, cô cảm thấy vinh dự và tự hào vì “đã làm một người lái đò”.
Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Văn Đại – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bế Văn Đàn cho biết: Cô giáo Bùi Thị Huệ là một trong những giáo viên tiêu biểu của trường, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàng năm. Cô từng đạt giáo viên giỏi bài giảng Elearning cấp tỉnh năm 2019, 2021; đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện nhiều năm; hàng năm đều được các cấp, các ngành khen thưởng.
Theo báo Kon Tum số ra ngày 05/01/2024 (số 4283).