Thư viện xanh từ vật liệu tái chế

Lượt xem:

Đọc bài viết

Nhiều trường học trên địa bàn huyện Ngọc Hồi đang sử dụng vật liệu tái chế để xây dựng thư viện xanh. Việc làm này không chỉ giúp bảo vệ môi trường khỏi sự ô nhiễm, mà còn giúp học sinh có những công trình độc đáo và tiết kiệm.

>> Trường TH Số 2 thị trấn Plei Kần xây dựng Thư viện xanh.

Một góc thư viện xanh của Trường TH-THCS Đắk Dục. Ảnh. Nguyễn Thị Liên.

Trong vài năm gần đây, phong trào tái chế các vật liệu làm thư viện xanh đang được nhiều trường học trên địa bàn huyện Ngọc Hồi triển khai và mang lại hiệu quả tích cực. Một trong số đó là Trường TH-THCS Đắk Dục (xã Đắk Dục). Thư viện xanh của trường được bố trí ở ngay chân cầu thang và trong lớp học.

Nguyên liệu làm các tủ sách trong thư viện xanh của trường được tận dụng từ vật liệu tái chế như vỏ chai nhựa, bìa cát tông. Dưới bàn tay khéo léo của các thầy, cô giáo, vật liệu tưởng như bỏ đi thành tủ, bàn, kệ sách khá đẹp. Bên cạnh đó, xung quanh tủ sách là những bộ bàn ghế được làm từ lốp xe, thùng sơn cũ. Trong không gian đó, các giáo viên bố trí những bình hoa, chậu hoa được làm từ vỏ chai nhựa, ống hút nhựa đã qua sử dụng. Những vật dụng này đã tạo nên không gian đọc sách mới lạ cho học sinh nhà trường.

Sau khi chọn cho mình cuốn truyện có tích, em Y Hồng Hạnh – lớp 4A2, học sinh Trường TH-THCS Đắk Dục thích thú chia sẻ: “Mỗi giờ ra chơi em thưởng cùng các ban trong lớp đến đây đọc sách vì thích bộ bàn ghế được thầy, cô giáo làm từ lốp xe cũ. Đọc sách ở đây mát và thoải mái hơn ở trong phòng. Ngoài ra, em còn có thể học theo cách làm đồ tái chế như chậu hoa được làm từ chai nhựa và ống hút”.

Không chỉ ở chân cầu thang, góc thư viện xanh trong lớp học cũng được thầy, cô giáo trang trí từ vật liệu tái chế nhằm giúp các em tăng cường tiếng Việt và nâng cao văn hoá đọc. Cô Y Hải – giáo viên chủ nhiệm lớp 1A1, Trường TH-THCS Đăk Dục cho hay: Lớp có hơn 80% là học sinh DTTS nên việc bố trí góc thư viện xanh từ vật liệu tái chế trong lớp học giúp các em thích thú đọc sách, tăng cường tiếng Việt. Ở lớp học, tôi đã sử dụng những bìa cát tông bỏ đi để làm kệ sách hình biểu tượng của tỉnh Kon Tum.

Theo thầy Trần Đức Thư – Hiệu trưởng Trường TH-THCS Đăk Dục, xuất phát từ phong trào xây dựng thư viện xanh nhằm thu hút học sinh đọc sách, nâng cao văn hóa đọc, giáo viên nhà trường đã nảy sinh ý tưởng làm thư viện từ các vật liệu tái chế trong lớp học và chân cầu thang. Mô hình được trường triển khai thực hiện từ năm học 2021-2022.

“Được tham gia làm thư viện từ các vật liệu tái chế cùng các thầy, cô giáo giúp học sinh hiểu hơn về ý nghĩa của việc phân loại rác thải và không vứt rác bừa bãi để bảo vệ môi trường. Đến với thư viện xanh, các em sẽ học được cách giữ gìn sách, tự sắp xếp sách vào kệ ngăn nắp, dọn dẹp vệ sinh khu vực thư viện sạch sẽ sau khi đọc sách” – thầy Thư cho biết.

Thư viện ước mơ – thư viện xanh của Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc. Ảnh: Công Hiếm.

Còn tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Pờ Y), thư viện xanh được xây dựng cạnh thư viện truyền thống. Vật liệu làm thư viện xanh được các thầy cô dùng bằng khung thép, mái lợp tôn đã qua sử dụng và được rào bởi thân cây tre, lốp xe đạp sơn nhiều màu sắc. Các tủ đựng sách bỏ đi cũng được thầy, cô giáo trong trường tái chế và sử dụng trong thư viện.

Ngoài ra, nhà trường còn sử dụng gùi để đựng những cuốn sách rồi treo lên thân cây và sắp xếp các ghế đá bên cạnh cho học sinh thuận tiện ngồi đọc. Vào giờ ra chơi, dưới tán cây, các em học sinh chọn cuốn sách, truyện ưng ý, phù hợp với lứa tuổi, sở thích say sưa đọc sách. Hết giờ ra chơi, các em tự giác sắp xếp, đem sách, truyện trả lại vị trí cũ.

Thư viện xanh hoạt động tất cả các ngày trong tuần, mỗi tuần, thư viện xanh được thay the bằng những đầu sách khác nhau để các em không cảm thấy nhàm chán. Đồng thời, để tạo cảnh quan sinh động nhằm thu hút các em, giáo viên nhà trường đã tái chế các ly nhựa làm chậu hoa trang trí khu vực thư viện xanh.

Nhiều năm qua, trường tổ chức ngày hội đọc sách, phát động phong trào đọc sách, thi kể chuyện về nhận vật trong sách; tổ chức quyên góp sách cho thư viện. Hiện nay, thư viện xanh thường xuyên duy trì trên 4.000 đầu sách với đủ thể loại, thu hút hơn 90% học sinh trong trường đến đọc, từng bước tạo thói quen đọc sách cho học sinh.

Thầy Phan Đăng Việt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc cho hay, trước đây, nhà trường tổ chức giờ đọc sách cho học sinh từng khối lớp tại thư viện truyền thống. Tuy nhiên, không gian đọc chật hẹp, hạn chế sự tìm tòi, thích thú với sách. Từ khi xây dựng thư viện xanh, tất cả học sinh các khối lớp đều có thể đọc sách, trao đổi lẫn nhau. Mô hình đã và đang phát huy được hiệu quả, tăng số lượng học sinh đến đọc sách, truyện trong những giờ ra chơi. Thư viện xanh không chỉ tạo không khí thoải mái trong giờ giải lao, mà còn góp phần rèn luyện kỹ năng, nâng cao vốn từ, ý tưởng cho học sinh ở các môn học.

Thầy Vũ Việt Thắng – Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hồi cho biết: “Hiện nay có hơn 10 đơn vị trường ở huyện Ngọc Hồi đã xây dựng thư viện xanh từ vật liệu tái chế. Nhiều trường đã có ý tưởng hay từ việc tận dụng chai nhựa, hộp giấy, lốp xe, lon bia, ống nhựa để sáng chế thành nhiều đồ dùng hữu ích, tạo ra những góc thư viện xanh, góp phần xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp. Thông qua thư viện xanh, giúp học sinh có ý thức bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi, nâng cao văn hóa đọc trong trường học”.

Theo báo Kon Tum số ra ngày 15/11/2023 (số 4246).