Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cơ bản năm học học 2021-2022 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Lượt xem:
Ngày 02/10, Sở GDĐT Kon Tum ban hành văn bản gửi các đơn vị trực thuộc Sở, Trung tâm GDNN-GDTX các huyện và Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố về việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022 trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa.
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các đơn vị trực thuộc Sở, Trung tâm GDNN-GDTX các huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cơ bản năm học học 2021 – 2022, cụ thể như sau:
Chuẩn bị đầy đủ các phương án dạy học ứng với các mức độ nguy cơ dịch bệnh COVID-19 theo Quyết định số 581/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Triển khai có hiệu quả các biện pháp về phòng, chống dịch COVID-19, xây dựng các biện pháp, giải pháp ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch bệnh COVID-19; chủ động đảm bảo an toàn khi học sinh học trực tiếp tại trường, xử lý các tình huống y tế phát sinh trong quá trình dạy học; tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch phù hợp tại các cơ sở giáo dục, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Chủ động triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch COVID-19 tại các đơn vị, địa phương, đảm bảo hiệu quả, chất lượng theo tinh thần Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 03 tháng 9 năm 2021; Công điện số 1190/CĐ-TTg ngày 20 tháng 9 năm 2021; Thông báo số 240/TB-VPCP ngày 11 tháng 9 năm 2021; Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT ngày 24 tháng 8 năm 2021; Công điện số 905/CĐ-BGDĐT ngày 10 tháng 9 năm 2021.
Triển khai có hiệu quả các chính sách miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí và các chính sách hỗ trợ khác theo quy định; bảo đảm hỗ trợ, cung cấp kịp thời sách giáo khoa cho học sinh, kể cả học sinh khuyết tật thực hiện giáo dục hòa nhập, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm học; thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ để đảm bảo không học sinh nào không được đến trường sau dịch COVID-19 vì khó khăn, có giải pháp phù hợp để hỗ trợ giáo viên, người lao động trong ngành Giáo dục và Đào tạo bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là giáo viên, người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Tạo điều kiện tiếp nhận, chuyển trường thuận lợi cho học sinh đang lưu trú/cư trú trên địa bàn tỉnh trong thời gian thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh chưa thể quay trở về địa phương để bắt đầu năm học 2021 – 2022.
Triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non sau sửa đổi, bổ sung; tiếp tục thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2020 – 2025. Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào lớp 1, nâng cao tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp. Đổi mới phương pháp phối hợp với gia đình nhằm chăm sóc trẻ mầm non hiệu quả trong tình hình dịch bệnh.
Triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đảm bảo chất lượng và hiệu quả, đặc biệt đối với lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021 – 2022; chuẩn bị các điều kiện để thực hiện dạy học môn Tin học và môn Ngoại ngữ bắt đầu triển khai đối với lớp 3 từ năm học 2022 – 2023; tổ chức biên soạn trình cơ quan thẩm quyền thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa các môn học, hoạt động giáo dục lớp 3, lớp 7, lớp 10 và tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình quy định.
Có giải pháp nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh và môn Lịch sử, trong đó giáo dục có hiệu quả truyền thống đoàn kết, văn hóa, các giá trị sống tốt đẹp của dân tộc, đặc biệt là giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương.
Thực hiện nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục bắt buộc đối với cấp tiểu học. Xây dựng mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú phù hợp với điều kiện của địa phương; trong đó chú trọng đẩy mạnh duy trì, mở rộng, phát huy hiệu quả mô hình “bán trú dân nuôi”. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Triển khai thực hiện đồng bộ Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 và Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”. Nâng cao nhận thức của các cơ sở giáo dục phổ thông, cha mẹ học sinh, học sinh về ý nghĩa, tầm quan trọng về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông theo hướng mở; đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu thị trường; thực hiện kết hợp dạy văn hóa phổ thông với dạy nghề hiệu quả, đúng quy định.
Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt chú trọng xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng tài năng trẻ từ học sinh; khuyến khích đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đáp ứng ngày càng tốt công tác chuyên môn, kỹ năng ứng dụng và thực hành, chú trọng đạo đức nghề nghiệp. Tăng cường thực hiện Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025.
Triển khai thực hiện hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình trong quản lý giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, tập trung hình thành và phát triển khát vọng vươn lên trong học tập và cuộc sống của học mỗi học sinh; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học, xây dựng văn hóa học đường, đảm bảo môi trường giáo dục an toàn,
lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường gắn với trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị và đội ngũ nhà giáo. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục thể chất và y tế trường học; đẩy mạnh phong trào dạy bơi, học bơi và phòng, chống đuối nước cho học sinh; tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trường học, đảm bảo tăng cường sức khỏe, hình thành thói quen tập luyện thể dục thể thao thường xuyên cho học sinh. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng, an ninh.
Triển khai thực hiện Đề án phát triển đội ngũ giáo viên mầm non và phổ thông ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và tiến độ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Kịp thời bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên gắn với vị trí việc làm theo quy mô trường, lớp học; tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế và tuyển dụng giáo viên bảo đảm “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”.
Thực hiện hiệu quả Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gắn với thực hiện lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 để đảm bảo đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị của các cơ sở giáo dục. Huy động các nguồn lực để đầu tư cho giáo dục và thực hiện hỗ trợ học sinh có cha mẹ thuộc đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, lao động mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động tự do, không để học sinh vì điều kiện kinh tế khó khăn mà không thể đến trường.
Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đi đôi với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng, hoàn thiện, khai thác hiệu quả kho học liệu số của ngành, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, gắn với việc đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học. Quan tâm đầu tư các điều kiện cần thiết để tổ chức dạy học trực tuyến hiệu quả; xây dựng, hoàn thiện, khai thác hiệu quả kho học liệu số của ngành. Triển khai có hiệu quả Chương trình “Sóng và máy tính cho em” để hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn có thể tham gia học trực tuyến, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị; kịp thời khen thưởng, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến có sáng kiến, giải pháp, mô hình sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có thể kéo dài.
Tại văn bản này, Sở GDĐT cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Sở, Trung tâm GDNN-GDTX các huyện và Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố phải tăng cường công tác thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách mới của ngành giáo dục và đào tạo; kết quả triển khai thực hiện về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tăng cường phối hợp, xử lý hiệu quả các vấn đề về truyền thông, nhất là các vấn đề xã hội quan tâm, bức xúc để xã hội, Nhân dân hiểu, chia sẻ, ủng hộ.
Phòng GDĐT Ngọc Hồi.