Tiếp sức cho em đến trường

Lượt xem:

Đọc bài viết

Mô hình “Em nuôi của Đoàn” của Huyện đoàn Ngọc Hồi đã giúp đỡ, tiếp thêm động lực cho các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống và trong học tập. Đây là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần xung kích vì cộng đồng của tuổi trẻ.

Em Y Trinh (thôn Đăk Long Giao, xã Đăk Xú) sinh ra trong gia đình gồm 7 anh chị em, điều kiện kinh tế rất khó khăn, bố mẹ đều làm nông. Thu nhập của gia đình đều phụ thuộc vào 1ha mì và tiền công làm thuê của bố mẹ.

Bất hạnh xảy đến vào ngày bố em mắc bệnh hiểm nghèo, phải đi chữa trị suốt thời gian dài, gia đình vay mượn khắp nơi, đã khó khăn lại trở nên khó khăn hơn. Đến tháng 1/2024, bố em qua đời, kể từ đó, mẹ trở thành trụ cột, một mình gồng gánh nuôi các con.

Với tình yêu thương, trách nhiệm, năm 2023, Đoàn xã Đăk Xú đã nhận em Y Trinh là “Em nuôi của Đoàn”. Hằng tháng, thông qua nguồn quỹ huy động từ các tổ chức, cá nhân đoàn viên, Đoàn xã trích một phần để hỗ trợ em Y Trinh. Vào đầu năm học mới, Đoàn xã vận động các nguồn lực để hỗ trợ mua sắm quần áo, sách vở, dụng cụ học tập tiếp thêm động lực cho em đến trường.

Cán bộ Đoàn xã Đăk Xú đến thăm, động viên em Y Trinh. Ảnh: Y.Đ

Không chỉ có em Y Trinh, từ năm 2023 đến nay, Đoàn xã Đăk Xú còn  nhận hỗ trợ cho 4 em học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với hình thức giúp đỡ, hỗ trợ tiền mặt 300.000 đồng/tháng/em trong suốt năm học. Ngoài ra, vào dịp đầu năm học mới, Đoàn xã cũng kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho các em về đồ dùng học tập, sách vở, quần áo mới.

Cùng với hỗ trợ về vật chất, Đoàn xã cũng như các đoàn viên, thanh niên trong thôn còn thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ, động viên, gia đình các em trong cuộc sống hàng ngày như là dọn vệ sinh nhà cửa, nhắc nhở việc học tập, rèn luyện bản thân.

Còn ở xã Đăk Kan, trong năm 2024, Đoàn xã nhận hai chị em Xa Thị Lan Hương (sinh năm 2017) và Xa Thị Hồng Thắm (sinh năm 2019) làm “Em nuôi của Đoàn”.

Chúng tôi cùng cán bộ Đoàn xã Đăk Kan đến thăm gia đình hai chị em Hương – Thắm, ở thôn Hào Phú. Bà Đinh Thị Dựng (bà nội của 2 em) nghẹn ngào chia sẻ: Hai chị em, đứa thì mới học lớp 2, đứa thì mới vào mẫu giáo. Bố tụi nó đi tù từ năm 2019, còn mẹ cũng bỏ đi biệt tăm,  chẳng liên lạc được. Hoàn cảnh nghèo khó, nghĩ đến hai cháu còn nhỏ quá, đã biết gì đâu, tôi cũng cố gắng chăm lo cho các cháu đi học, để biết cái chữ.

Đoàn xã Đăk Kan thăm hỏi và trao quà 2 chị em Xa Thị Lan Hương và Xa Thị Hồng Thắm. Ảnh: Y.Đ

Anh Đặng Đình Hào – Bí thư Đoàn xã Đăk Kan chia sẻ, trước hoàn cảnh của hai chị em Hương – Thắm, Đoàn xã đã nhận hai em là “Em nuôi của Đoàn”. Đoàn xã đã trao hỗ trợ cặp sách, đồ dùng họ tập và sách vở để 2 em vào năm học mới. Do kinh phí còn hạn hẹp, nên trước mắt Đoàn xã sẽ thường xuyên thăm hỏi, động viên và giúp đỡ gia đình trong cuộc sống, sau này sẽ vận động các nguồn lực để có kinh phí hỗ trợ các em theo hằng tháng.

Theo chia sẻ của anh Hào, sắp tới Đoàn xã sẽ hỗ trợ mô hình sinh kế cho gia đình em Hương, với 30 con ngan giống và giúp đỡ xây dựng chuồng trại.

Anh Nguyễn Tiến Huy – Bí thư Huyện đoàn Ngọc Hồi chia sẻ, từ năm 2018, một số sơ sở đoàn trên địa bàn đã nhận đỡ đầu, giúp đỡ các em học sinh nghèo, khó khăn. Tuy nhiên, trong năm 2024, Huyện đoàn mới triển khai thực hiện cụ thể mô hình “Em nuôi của Đoàn” gắn với công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh thiếu niên chậm tiến và yếu thế. Ban Thường vụ Huyện đoàn còn chỉ đạo nhân rộng mô hình theo phương châm mỗi cơ sở đoàn đảm nhận đỡ đầu ít nhất 1 em có hoàn cảnh khó khăn trong 1 năm học.

Từ khi phát động đến nay, đã có 8/8 đoàn xã, thị trấn triển khai thực hiện mô hình “Em nuôi của Đoàn”. Với tinh thần chủ động, cách làm linh hoạt, Đoàn thanh niên các xã, thị trấn đã triển khai kêu gọi, vận động từ các nhà hảo tâm, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động gây quỹ để hỗ trợ cho các em. Bên cạnh hỗ trợ vật chất, các cơ sở đoàn thường xuyên thăm hỏi, động viên các em trong cuộc sống, hỗ trợ kịp thời, thiết thực.

“Hiện nay, nguồn kinh phí còn hạn chế, chủ yếu là từ nguồn đóng góp các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Vì thế để mô hình “Em nuôi của Đoàn” được lan tỏa và hiệu quả hơn, trong thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện đoàn mong muốn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể và xã hội, nhất là các “mạnh thường quân” để giúp các em có cuộc sống tốt đẹp hơn”- anh Huy chia sẻ thêm.

Theo Báo Kon Tum điện tử.