Tiếp tục tăng cường triển khai, thực hiện các quy định về quy tắc ứng xử, xây dựng văn hóa học đường, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh
Lượt xem:
Phòng Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trường học trực thuộc tiếp tục tăng cường triển khai, thực hiện các quy định về quy tắc ứng xử, xây dựng văn hóa học đường, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh.
Đội hồng kỳ tại Lễ khai mạc Hội khoẻ Phù Đổng huyện Ngọc Hồi năm 2024. Ảnh: Lê Văn Anh.
Theo đó, thời gian vừa qua, công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống; văn hóa học đường; xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường đã được các đơn vị trường học triển khai thực hiện nghiêm túc và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, gần đây vẫn còn xảy ra hiện tượng học sinh, giáo viên có hành vi chưa phù hợp với chuẩn mực văn hóa gây ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường và của ngành.
Để kịp thời chấn chỉnh tình trạng trên, Phòng Giáo dục và Đào tạo đề nghị các đơn vị đề nghị các đơn vị trường học trực thuộc quan tâm hơn đối với các vấn đề xã hội quan tâm, phương tiện truyền thông phản ánh, Hiệu trưởng các nhà trường khẩn trương tổ chức quán triệt, thảo luận, phân tích và rút ra các bài học kinh nghiệm tại đơn vị; rà soát các vấn đề liên quan để điều chỉnh, bổ sung các quy định, quy chế, nội quy liên quan đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong công tác xây dựng văn hóa trường học, văn hóa cơ quan, đơn vị; công tác đảm bảo an toàn trường học và các hoạt động giáo dục liên quan; đồng thời định hướng các biện pháp quản lý giáo dục kịp thời đối với các trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo và đạo đức học sinh.
Đồng thời tiến hành tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình hoạt động, các giải pháp hiệu quả trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh của các đơn vị; kịp thời khen thưởng, động viên những cá nhân, đơn vị có cách làm hiệu quả trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống, tư vấn tâm lý, hỗ trợ học sinh; giải quyết các mâu thuẫn của học sinh đúng quy định và kịp thời.
Quán triệt đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh sử dụng Internet và các nền tảng mạng xã hội đúng quy định pháp luật, đặc biệt là không đăng tải, chia sẻ, bình luận về thông tin cá nhân của học sinh, nhất là đối với trẻ vị thành niên.
Các nhà trường tổ chức hội nghị cấp trường đánh giá toàn diện việc triển khai công tác xây dựng văn hóa trường học, văn hóa đơn vị và công tác đảm bảo an toàn trường học trong thời gian qua theo các văn bản hiện hành. Qua đó, đánh giá toàn diện quá trình lãnh đạo triển khai, các kết quả, hạn chế, phân tích các nguyên nhân và đề ra giải pháp trong thời gian đến.
Đổi mới nội dung phương pháp giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh; chú trọng việc giáo dục ý thức tôn trọng và chấp hành các quy định pháp luật, các chuẩn mực đạo đức và hành vi ứng xử đối với học sinh thông qua mọi hoạt động giáo dục trong nhà trường. Ban hành mới Bộ quy tắc chuẩn mực ứng xử trong toàn trường phù hợp với thực tế tại đơn vị và tạo sự đồng thuận trong toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.
Thành lập các tổ phối hợp quản lý liên trường trên cùng địa bàn; kiện toàn và phát huy vai trò của Tổ tư vấn tâm lý học đường và công tác xã hội trường học, tổ chức Đoàn, Hội, Đội, các câu lạc bộ liên quan, giúp học sinh có địa chỉ tin cậy trong việc giải quyết các vấn đề cá nhân; khai thác, sử dụng đường dây nóng An toàn trường học trên website của Ngành (tại địa chỉ https://kontum.edu.vn/atth.html) và của các cơ sở giáo dục; tạo lập các hộp thư góp ý, đường dây nóng nội bộ của đơn vị,… nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, các mâu thuẫn phát sinh trong học sinh, từ đó có biện pháp hỗ trợ, giáo dục kịp thời, hiệu quả.
Chú trọng giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại cho người học; giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng chống bạo lực học đường, trong đó có kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả, tập trung vào một số kỹ năng thiết yếu như giao tiếp, ứng phó với mâu thuẫn; kỹ năng kiểm soát cảm xúc… để học sinh biết tạo lập mối quan hệ thân thiện, cân bằng cảm xúc và hạn chế các mâu thuẫn trong các mối quan hệ học tập và đời sống; quan tâm giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn học sinh, hướng dẫn học sinh tạo lập các mối quan hệ tốt đẹp giữa con người và con người như tình bạn, tình thầy trò, tình cảm gia đình, …
Tiếp tục phát huy tính gương mẫu của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và trách nhiệm người đứng đầu trong công tác triển khai thực hiện bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên trong trường học; chấp hành nghiêm túc chuẩn nghề nghiệp nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Chú trọng xây dựng cảnh quan môi trường đơn vị xanh sạch đẹp an toàn; tăng cường hệ thống camera giám sát trật tự, an toàn trong phạm vi trường học; xây dựng bầu không khí dân chủ, cởi mở, kỷ cương tình thương, trách nhiệm trong các hoạt động giáo dục của nhà trường.
Chú trọng ý thức tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm, tình yêu thương đối với trẻ của đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non. Lựa chọn, bồi dưỡng và phân công giáo viên có kinh nghiệm, năng lực và trách nhiệm làm công tác chủ nhiệm, công tác tư vấn học sinh, công tác xã hội để thường xuyên theo sát tình hình, quản lý, giáo dục học sinh; Có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo; xâm phạm thân thể, sức khỏe và tinh thần của trẻ. Kịp thời xử lý theo quy định pháp luật đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm đạo đức nhà giáo.
Mỗi giáo viên cần chú trọng đổi mới công tác giáo dục học sinh, chủ động phối hợp với đồng nghiệp, gia đình học sinh trong phát hiện, ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi lệch chuẩn và bạo lực học đường; hỗ trợ đồng nghiệp xử lý có hiệu quả tình huống phát sinh; mỗi giáo viên là tấm gương tiêu biểu trong xây dựng trường học hạnh phúc.
Tăng cường công tác phối hợp với gia đình học sinh, chính quyền địa phương trong việc giáo dục học sinh. Giải quyết dứt điểm, không để mâu thuẫn tồn tại kéo dài hoặc tái diễn các xung đột đối với học sinh có dấu hiệu vi phạm đạo đức, lối sống, hoặc hành vi lệch chuẩn.
Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về xây dựng văn hóa học đường, văn hóa ứng xử trong trường học; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh và đội ngũ; trực tiếp báo cáo Phòng Giáo dục và Đào tạo và cơ quan quản lý về những trường hợp cán bộ, giáo viên, nhân viên hoặc học sinh vi phạm về đạo đức, lối sống để có biện pháp xử lý kịp thời; trực tiếp phát ngôn và chủ động cung cấp thông tin đến các cơ quan truyền thông đảm bảo sự phản ánh kịp thời, đầy đủ và chấp hành đúng các quy định về quyền của trẻ em.
Ngọc Hiền (Phòng GDĐT Ngọc Hồi).