Tình hình công tác dạy, học trên địa bàn huyện (từ 05/9 đến 09/9/2021)

Lượt xem:

Đọc bài viết

Ngày 09/9, Phòng Giáo Dục và Đào tạo tham mưu UBND huyện ban hành Báo cáo số 706/UBND-GDĐT về tình hình dạy, học các cấp học trên địa bàn huyện từ ngày khai giảng đến nay và đề xuất phương án dạy, học trong thời gian tới, cụ thể như sau:

Học sinh Trường Tiểu học số 2 Thị trấn Plei Kần học trực tuyến trên phần mềm Microsoft Teams.

Tình hình dạy học từ ngày khai giảng đến nay (09/9/2021)

UBND huyện đã triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và đào tạo. UBND huyện đã kịp thời chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện tham mưu, ban hành các văn bản hướng dẫn chuẩn bị cho năm học mới và tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Huy động được sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của Nhân dân trong công tác dạy học, giáo dục ứng phó với dịch Covid-19. Nhìn chung, công tác chỉ đạo, điều hành về công tác dạy học, giáo dục trên địa bàn huyện được thực hiện kịp thời, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế địa phương và bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-1

Thuận lợi

Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Huyện uỷ, sự hướng dẫn kịp thời của Sở GD&ĐT Kon Tum. Làm tốt công tác truyền thông đến toàn xã hội về việc tổ chức các hình thức dạy học để ứng phó với tình hình dịch covid-19, qua đó, nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của các ban, ngành, đoàn thể và cha mẹ học sinh.

Công tác chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022 được ngành Giáo dục chủ động, sớm tính tới tình hình dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp; vì vậy các nhiệm vụ đầu năm được các cơ sở giáo dục sớm triển khai thực hiện; không bị động, lúng túng.

Học sinh Trường THCS Đắk Dục học trực tuyến theo nhóm nhỏ.

Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục huyện thể hiện được sự quyết tâm, đoàn kết, khắc phục khó khăn để duy trì công tác dạy học, giáo dục, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Cơ bản tất cả các học sinh đã có đầy đủ sách giáo khoa, vở viết, đồ dùng học tập, trang phục và các phương tiện, thiết bị dạy học trực tuyến, trực tiếp. Số học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số kịp thời được hỗ trợ, giúp đỡ.

Khó khăn

– Đối với hình thức dạy, học tập trung (trường PTDTBT THCS Ngô Quyền): Hiện tại, số học sinh đang ăn, ở, học tập tại trường theo hình thức khép kín (kể cả học sinh không thuộc diện bán trú) có số lượng lớn (457 học sinh), vì vậy cơ sở vật chất phục vụ ăn, ngủ, sinh hoạt, nhà vệ sinh, sân chơi, bãi tập bị quá tải; nhà trường vẫn đảm bảo cho số học sinh không có chế độ bán trú ăn, ngủ tập trung tại trường nhưng chưa có chính sách hỗ trợ đối với đối tượng này (đang thực hiện vận động, song số lượng vận động hỗ trợ được còn hạn chế).

– Đối với hình thức dạy, học có hướng dẫn (trực tiếp tại các điểm trường, các thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư): Do tổ chức theo nhiều nhóm nhỏ bố trí tại nhà rông, hội trường thôn, điểm trường lẻ, mượn nhà dân, … nên cơ sở vật chất còn thiếu (bàn học, bảng, các thiết bị nghe nhìn, …); giáo viên phải di chuyển qua lại nhiều lần để đảm bảo dạy học cho các nhóm.

Một địa điểm học theo nhóm (mượn nhà dân) của các em học sinh Trường THCS Đắk Dục.

– Đối với hình thức dạy, học trực tuyến: Một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa trang bị được các thiết bị cần thiết để học trực tuyến (máy vi tính, điện thoại thông minh, internet, …); số khác đã trang bị được song thiết bị có cấu hình thấp, kết nối mạng không ổn định, kỹ năng sử dụng thiết bị, thao tác trên các phần mềm học trực tuyến của học sinh còn hạn chế. Một số giáo viên bước đầu còn lúng túng trong việc ứng dụng các phần mềm để soạn giảng dạy trực tuyến. Việc hỗ trợ, kiểm soát nề nếp, giờ giấc học tập của phụ huynh đối với học sinh còn gặp khó khăn do học sinh, phụ huynh chưa quen với hình thức dạy học mới.

Đề xuất phương án dạy, học trong thời gian tới

Đối với bậc Mầm non

Dạy học trực tiếp đối với trẻ 5-6 tuổi theo phương án chia nhóm nhỏ (không quá 20 trẻ); bố trí dạy học tại các điểm trường chính và các điểm lẻ.

Đối với trẻ 2, 3, 4 tuổi thực hiện hướng dẫn cha mẹ học cùng con tại nhà: Thông qua việc thiết kế nội dung bài học thành giáo án, bài tập, các video và gửi trực tiếp đến cha mẹ trẻ, hoặc thông qua mạng zalo, facebook. Mặt khác, hướng dẫn cha mẹ trẻ khai thác tài nguyên thông tin trên mạng internet, các kênh Youtube để hỗ trợ trẻ học tập.

Một phòng học mượn của nhà dân, GV Trường Tiểu học só 2 thị trấn Plei Kần vừa quản lý học sinh học trực tuyến, vừa tổ chức học sinh học trực tiếp. 

Đối với bậc Tiểu học

Đối với học sinh học lớp 1, lớp 2 (hoặc thêm khối lớp khác tuỳ thuộc quy mô trường lớp, số lượng và đia bàn cư trú của học sinh) tổ chức dạy, học trực tiếp tại các điểm trường theo từng nhóm nhỏ (không quá 20 học sinh), bố trí lệch giờ ra vào lớp, không tổ chức ra chơi mà cho học sinh giải lao tại chỗ khoảng 15 phút; mỗi buổi học từ 2 đến 3 tiết, bố trí học theo ca và lệch giờ giữa các khối lớp để đảm bảo trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Đối với học sinh khối lớp 3, 4, 5 dạy học theo phương án khoanh vùng “học sinh ở thôn, làng, tổ dân phố nào thì học tại thôn, làng, tổ dân phố đó”, tổ chức dạy học từ 3 – 5 buổi/tuần, mỗi tuần từ 12 – 15 tiết.

Tổ chức dạy học trực tuyến: Thực hiện đối với học sinh lớp 3, 4, 5 có đủ điều kiện thiết bị, phương tiện học trực tuyến (không ép buộc học sinh phải mua thiết bị để học tập).

Duy trì thêm 1, 2 buổi học trực tuyến vào buổi tối để: (1) Hỗ trợ học sinh học tập các môn học theo đề cương hướng dẫn học tập ở nhà như: Âm nhạc, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội,…; (2) Trao đổi, hướng dẫn cha mẹ học sinh về việc hỗ trợ học sinh học tập ở nhà; (3) Nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ số trong việc dạy và học cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh; (4) Sẵn sàng chuyển trạng thái dạy học trực tuyến hoàn toàn trong trường hợp dịc Covid-19 diễn biến phức tạp hơn.

Một học sinh tiểu học đang học trực tuyến tại nhà.

Chia sẻ bài giảng trên truyền hình đến cán bộ thôn, đoàn thanh niên xã, cha mẹ học sinh qua Zalo (Có 56 chủ đề tương ứng với 56 số phát sóng theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn TV1, chung cho các SGK, tập trung việc hỗ trợ HS học phần Học vần, tiến tới biết đọc, viết, nói và nghe. Lịch phát sóng trực tiếp trên kênh VTV7 bắt đầu từ ngày 06/9/2021,  khung giờ 14h30’-15h00’ từ thứ 2 đến 7 hằng tuần và được lưu trên ứng dụng VTVgo, kênh Youtube VTV7 và cổng thông tin điện tử VTV7, VTV.VN; …).

Hướng dẫn cán bộ thôn, đoàn thanh niên xã, phụ huynh học sinh cùng hỗ trợ dạy cho con em vào các buổi tối tại nhà, phát huy phong trào “Anh chị chỉ

bài”, “Bố mẹ cùng con học bài” giúp HS lớp 1 ghi nhớ các âm, vần; giao thêm phiếu bài tập cho HS lớp 2, 3, 4, 5 để tự học ở nhà.

Giáo viên khai thác trang web http://hanhtrangso.nxbgd.vn và  http://hoc10.com và các kho học liệu số khác có liên quan để tổ chức dạy học.

Tập trung dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến đối với các môn Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh; xây dựng đề cương các môn học và các hoạt động giáo dục khác để hướng dẫn học tập ở nhà.

Điều chỉnh nội dung dạy học các môn học, tập trung vào những kiến thức trọng tâm, cốt lõi của bài học, môn học nhằm hoàn thành nội dung chương trình theo kế hoạch thời gian năm học.

Đối với bậc Trung học cơ sở

Sáng 06/9/2021, học sinh Trường TH Trần Quốc Toản được GV đến tận thôn làng tổ chức lớp học theo nhóm nhỏ.

Tổ chức dạy học tập trung tại trường (Đối với Trường PT DTBT THCS Ngô Quyền): Đảm bảo các điều kiện tổ chức học tập, ăn, ở, sinh hoạt… cho học sinh (kể cả học sinh không thuộc diện bán trú). Tiếp tục tham mưu các cấp và vận động Nhân dân từng bước khắc phục các khó khăn nêu trên; quyết tâm duy trì tổ chức dạy học đảm bảo an toàn.

Dạy học trực tiếp theo nhóm lớp nhỏ tại các điểm trường đối với lớp 6 (hoặc các khối lớp khác tuỳ quy mô trường lớp, số lượng và địa bàn cư trú của học sinh): Các trường biên chế thành các nhóm lớp (không quá 20 học sinh); bố trí học theo ca và lệch giờ giữa các khối lớp để đảm bảo trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Dạy học trực tiếp theo nhóm lớp tại thôn, làng, tổ dân phố, địa bàn dân cư đối với khối lớp 7, 8, 9: Điều chỉnh nội dung dạy học, bố trí học theo ca và lệch giờ giữa các khối lớp để đảm bảo trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Cô giáo Nguyễn Thị Đào – Phó HT Trường TH-THCS Đắk Xú trực tiếp hướng dẫn học sinh học tập tại thôn Xuân Tân sáng 09/9/2021 (địa điểm mượn nhà dân).

Dạy học trực tuyến: Áp dụng đối với các học sinh đã đảm bảo các điều kiện thiết bị và kỹ năng sử dụng các phần mềm học trực tuyến (không ép buộc học sinh phải mua thiết bị để học tập). Học sinh sử dụng phương tiện, thiết bị để học cá nhân, học theo nhóm nhỏ hoặc biên chế thành các nhóm lớp (không quá 20 học sinh), sắp xếp thời khóa biểu học tập linh hoạt, phù hợp để tổ chức dạy học các môn học.

Bên cạnh đó, học sinh, cha mẹ học sinh có thể tham khảo các trang học liệu để hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập (Kho học liệu số giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo https://igiaoduc.vn/; Kho bài giảng eLearning https://igiaoduc.vn/; Kho học liệu trực tuyến của Đại học sư phạm Hà Nội https://olm.vn/bg; Các trang sách giáo khoa điện tử (đối với lớp 6); …).

Xây dựng nội dung học tập, bài tập phô tô cấp phát cho học sinh thể thực hiện nhiệm vụ tự học tập ở nhà (đối với các môn Giáo dục công dân, Công nghệ, … và các hoạt động giáo dục khác).

Phòng GDĐT Ngọc Hồi.