Trả lời bạn đọc về chế độ làm việc hiệu trưởng, nhân viên trường học

Lượt xem:

Đọc bài viết

(GDVN) – Người lao động sẽ được bố trí ít nhất 12 ngày nghỉ phép hàng năm, do đó có thể bố trí để các nhân viên trường học nghỉ trong năm học hoặc thời gian hè phù hợp.

Ảnh minh họa.

Kính chào quý anh chị toà soạn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Chúng tôi là những giáo viên, nhân viên trung học phổ thông ở tỉnh Quảng Bình.

Qua theo dõi các bài viết của toà soạn trên trang báo, chúng tôi nhận thấy quý báo rất quan tâm đến đội ngũ giáo viên, nhân viên như chúng tôi, đặc biệt các trường ở những vùng khó khăn, những tỉnh lẻ; những người mà có thể nói “thấp cổ bé họng” nhất trong các cơ sở giáo dục.

Lời đầu tiên, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn đến các nhà báo, các tác giả viết bài về giáo dục rất chân thực.

Chúng tôi cảm thấy hầu như những bài viết về giáo viên trên quý Báo như đang viết về trường chúng tôi. Điều đó khiến chúng tôi thấy ấm lòng vì như được chia sẻ, được đồng cảm.

Nhân đây, chúng tôi xin mạnh dạn hỏi quý báo một số nội dung như sau và xin lỗi quý báo nếu các câu hỏi làm ảnh hưởng thời gian của các anh chị.

1. Trường chúng tôi có 05 nhân viên (1 văn phòng, kế toán, thư viện, y tế, thiết bị). Xin hỏi là các anh chị ấy có được nghỉ hè như giáo viên hay không? Hay chỉ được nghỉ phép như một viên chức bình thường. Nếu nghỉ phép thì họ nên làm gì để xin nghỉ và căn cứ vào văn bản nào?

Ngoài ra, dù là viên chức bình thường nhưng họ vẫn làm việc từ thứ 2 đến thứ 7, có mặt lúc 6h45 – 11h15 sáng, chiều 12h45 – 17h15 (mỗi ngày nhiều hơn 01 giờ so với định mức người lao động), vì lịch học của nhà trường như thế.

Liệu họ làm việc như thế có đúng quy định không, có văn bản nào yêu cầu họ phải thực hiện theo giờ giấc đó hay chỉ cần làm đúng 8 giờ mỗi ngày, 40 giờ mỗi tuần là đủ?

Chúng tôi nên kiến nghị gì để nhà trường chỉ đạo đảm bảo công bằng cho nhân viên trường học? Căn cứ vào các văn bản nào?

2. Tương tự với ban giám hiệu trường. Họ có được nghỉ hè không hay làm việc theo giờ hành chính bình thường và chỉ được nghỉ phép năm? Nếu tính theo giờ hành chính bình thường thì việc họ phải có mặt tại trường như nhân viên trường học liệu có đảm bảo công bằng cho họ? Liệu có văn bản nào quy định vậy không?

3. Hỏi về số tiết dạy của lãnh đạo trường:

Trường chúng tôi có 1 hiệu trưởng, 2 phó hiệu trưởng.

– Hiệu trưởng là bí thư đảng bộ (gồm 4 chi bộ).

– 1 hiệu phó là Phó bí thư đảng bộ.

– 1 hiệu phó là bí thư chi bộ Xã hội; phụ trách các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

– 3 chi bộ khác do tổ trưởng chuyên môn làm bí thư chi bộ.

Qua đọc các bài viết của quý báo chúng tôi hiểu rằng, lãnh đạo trường kiêm bí thư chi bộ thì không được miễn giảng dạy trực tiếp. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đều không trực tiếp dạy học. Vậy xin hỏi như thế Ban giám hiệu có thực hiện đúng quy định không?

Họ vẫn được hưởng phụ cấp đứng lớp có đúng quy định không? Nếu không thì chúng tôi nên phản ánh với cơ quan nào để khắc phục?

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các anh chị dành thời gian lắng nghe ý kiến. Xin kính chúc các anh chị sức khoẻ, hạnh phúc và thành công!

Xin chân thành cảm ơn.

Về nội dung các câu hỏi trên, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin được tư vấn như sau (nội dung chỉ mang tính chất tham khảo, tùy từng trường hợp cụ thể sẽ có cách áp dụng khác nhau):

1. Chế độ làm việc của nhân viên trường học

05 nhân viên gồm các nhân viên văn phòng, kế toán, thư viện, y tế, thiết bị (sau này xin gọi chung là nhân viên trường học).

Thứ nhất, hiện tại, theo quy định của Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT, Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT và thông tư 15/2017/TTBGDĐT thì thời gian nghỉ hè đối với giáo viên mầm non là 08 tuần và thời gian nghỉ hè đối với giáo viên phổ thông là 02 tháng (bao gồm cả ngày nghỉ hàng năm). Thời gian nghỉ hè, giáo viên vẫn được hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp.

Tuy nhiên, đối với cán bộ, nhân viên khác của trường học mà không phải là giáo viên thì hiện tại chưa có quy định riêng về chế độ nghỉ hè.  Do đó, thời gian làm việc và nghỉ ngơi của nhân viên trường học thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động 2012.

Cụ thể, nhân viên trường học sẽ chỉ được nghỉ và hưởng nguyên lương vào các ngày nghỉ lễ, Tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương và các ngày nghỉ hàng năm theo quy định của Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT, Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT. Thông thường, trường học sẽ bố trí ngày nghỉ hàng năm cho nhân viên trường học cùng với kỳ nghỉ hè.

Như vậy, nhân viên trường học sẽ không được hưởng thời gian nghỉ hè như đối với giáo viên, việc điều động hay phân chia lịch làm việc công tác trong kỳ nghỉ hè cho cán bộ công nhân viên của trường trong thời gian nghỉ hè sẽ do Ban giám hiệu quyết định và bố trí sao cho hợp lý với hoạt động của trường.

Cụ thể, theo điều 111 Luật lao động 2012 quy định về ngày nghỉ phép hàng năm được hưởng 100% lương dành cho mọi đối tượng người lao động bao gồm cả công chức, viên chức và công nhân,…có tham gia đóng bảo hiểm xã hội như sau:

“Người lao động có đủ 12 tháng làm việc trở lên thì được nghỉ phép hàng năm hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

a. 12 ngày làm việc đối với người làm việc trong điều kiện bình thường…

Số ngày nghỉ phép được tăng theo thâm niên cứ mỗi 05 năm tăng thêm một ngày”.

Người lao động sẽ được bố trí ít nhất 12 ngày nghỉ phép hàng năm, do đó có thể bố trí để các nhân viên trường học nghỉ trong năm học hoặc thời gian hè phù hợp.

Việc nghỉ phép thì do đơn vị sự nghiệp mà cụ thể là trường học trả lương nên chỉ cần làm đơn xin nghỉ phép hưởng nguyên lương theo hình thức liên tục hoặc cách quãng theo quy định.

Thứ hai, về thời gian làm việc như bạn nêu thì Căn cứ Điều 104 Bộ Luật Lao động 2012 có quy định về thời giờ làm việc bình thường như sau:

“1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần .

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.

3. Thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành”.

Về việc làm thêm giờ được quy định tại Điều 106 Bộ Luật Lao động 2012:

“1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.

2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Được sự đồng ý của người lao động;

b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;

c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ”.

Căn cứ quy định trên, dù bạn là nhân viên trường học thì thời gian làm việc của bạn cũng phải tuân thủ theo quy định tại Điều 104, Điều 106 Bộ luật lao động 2012, Theo Khoản 2 Điều 104 quy định ở trên thì “người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần”.

Như vậy, nhà trường đã phân công, phân việc cho các nhân viên trường học trái quy định, trái Luật lao động 2012.

Vấn đề này nên báo với tổ chức công đoàn (chủ tịch công đoàn) để hiệu trưởng quy định lại chặt chẽ trong hợp đồng lao động đảm bảo không quá 48 giờ/tuần.

2. Chế độ làm việc của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng

Tại thông tư số: 15/2017/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ở Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại khoản 6.

6. Khoản 2, Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.

Định mức tiết dạy/năm đối với hiệu trưởng được tính bằng: 2 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học;

Định mức tiết dạy/năm đối với phó hiệu trưởng được tính bằng: 4 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học”.

7. Bổ sung khoản 2a, Điều 7 như sau:

“2a. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông, trường dự bị đại học không được quy đổi chế độ giảm định mức tiết dạy đối với các chức vụ kiêm nhiệm thay thế cho định mức tiết dạy được quy định tại Thông tư này”.

Tại thông tư liên tịch số: 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện quyết định số 244/2005/qđ-ttg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập. Về đối tượng hưởng phụ cấp ưu đãi thì:

1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

a) Nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương, đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, Đảng, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục công lập) được nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật);

b) Nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập làm nhiệm vụ tổng phụ trách đội, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm;

c) Cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập, trực tiếp giảng dạy đủ số giờ theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Như vậy, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải dạy đủ số giờ quy định thì mới được hưởng phụ cấp ưu đãi và không được giảm trừ khi thực hiện kiêm nhiệm hoặc các hoạt động (ngoài giờ lên lớp, hướng nghiệp…).

Nếu hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường bạn dù kiêm nhiệm bí thư chi bộ nhưng không được giảm trừ tiết dạy mà phải dạy hiệu trưởng là 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng 4 tiết/tuần.

Do hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không trực tiếp giảng dạy nên không được hưởng phụ cấp ưu đãi, bị thu hồi phụ cấp ưu đãi và vi phạm về chế độ làm việc, bạn có thể làm đơn kiến nghị về Sở Giáo dục và Đào tạo Tỉnh Quảng Bình (kèm minh chứng) để lập đoàn thanh tra giải quyết.

Về vấn đề hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có làm việc trong hè không tôi xin được trả lời là theo thông tư 15/2017/TTBGDĐT chỉ quy định giáo viên được nghỉ hè 2 tháng hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cũng như nhân viên trường học phải làm việc trong thời gian hè và được bố trí nghỉ phép ít nhất 12 ngày/năm.

Nguồn: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.