Vì sao có những hiệu trưởng khiến giáo viên ngán ngẩm?

Lượt xem:

Đọc bài viết

Một số người tham lam, hống hách, độc quyền khiến cho giáo viên chán ngán và họ mong những lãnh đạo của mình ra đi càng sớm càng tốt.

Khi vẫn còn tồn tại những hiệu trưởng chuyên quyền, độc đoán, bảo thủ, cố vị thì nền giáo dục của nước nhà sẽ không thể cất cánh và hội nhập được.

Có những hiệu trưởng khi về hưu hay bị điều chuyển sang trường khác công tác nhưng vẫn luôn để lại sự lưu luyến, tiếc nuối cho giáo viên, nhân viên trong nhà trường.

Tuy nhiên, cũng có những hiệu trưởng đang công tác trong trường mà không nhận được sự  đồng thuận, cảm phục của đội ngũ thuộc quyền. Có những hiệu trưởng để lại nỗi ngao ngán cho giáo viên, nhân viên nhà trường.

Bởi, suốt quá trình tại vị thì họ thường có những quyết định độc đoán. Một số người tham lam, hống hách, độc quyền khiến cho giáo viên chán ngán và họ mong những lãnh đạo của mình ra đi càng sớm càng tốt.

Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh khá nhiều về những trường hợp hiệu trưởng độc quyền, tham lam, xem nhà trường là nơi để mình ra oai, thể hiện.

Nhiều người lợi dụng vị trí công tác của mình để trục lợi cho bản thân. Họ chạy việc cho giáo viên, họ để xảy ra tình trạng lạm thu trong mỗi khi bước vào đầu năm học, họ không đứng lớp vẫn nhận tiền đứng lớp, họ bớt xén tiền ăn, chế độ của học trò.

Quy chế dân chủ trong một số đơn vị bị mai một, lu mờ và thực hiện hình thức. Chính vì thế, có những trường, giáo viên, nhân viên cảm thấy ngột ngạt trong môi trường làm việc.

Nhưng, họ phải im lặng vì nếu phát biểu, nếu nêu ý kiến sẽ bị trù dập, bị đưa vào danh sách đen để gây khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Lâu dần, một số hiệu trưởng trở thành những ông vua con trong nhà trường và xây dựng cho mình một ê kíp thân tín và đội ngũ này trở thành tai mắt của hiệu trưởng.

Những người nịnh bợ, tâng bốc hiệu trưởng thì được hưởng lợi, được lưu tâm, được đặt vào một số vị trí chức tước trong nhà trường. Những người dám nói, có chính kiến dần dần lui vào một vị trí đơn độc.

Chính vì thế, một số giáo viên ít quan tâm đến việc nội bộ của nhà trường, ai làm gì cũng kệ mặc miễn sao đảm bảo được tiền lương hàng tháng cho họ. Họ đến lớp khi có giờ, khi hội họp và tức thì ra về khi hết nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên, vẫn có những đợt sóng ngầm trong trường xảy ra bởi họ không bằng lòng và dần dần mất niềm tin vào lãnh đạo nhà trường. Họ mong cho hết nhiệm kỳ, mong cho hiệu trưởng của mình ra đi càng sớm càng tốt.

Theo quy định hiện nay thì hiệu trưởng không được tại vị quá 2 nhiệm kỳ/1 đơn vị nhưng 2 nhiệm kỳ cũng đã tương đương 10 năm trời.

Nếu hiệu trưởng mà trách nhiệm, cảm thông với công việc của cấp dưới, biết chia sẻ, động viên và cùng tháo gỡ những khó khăn với cấp dưới thì đó là điều hạnh phúc cho giáo viên và nhân viên trong trường.

Nhưng, thực tế thời nay không nhiều những hiệu trưởng như thế. Vậy nên, nói 2 nhiệm kỳ có lẽ thấy ít nhưng 10 năm ấy cũng gây ra nhiều chán ngán cho nhiều giáo viên trong nhà trường.

Con giun xéo lắm cũng phải oằn

Có một thực tế bây giờ là các cơ quan quản lý thường xuyên nhận được những đơn thư tố cáo hiệu trưởng của giáo viên, nhân viên ở nhiều trường học. Những người tố cáo có thể là giáo viên nhưng cũng có những người được xem là thân tín của các hiệu trưởng.

Họ có thể là phó hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn…mới đau. Bởi, chỉ những người này thường hiểu được cặn kẽ những sai phạm của hiệu trưởng nhà trường.

Mảng mà hiệu trưởng hay bị tố cáo nhiều nhất là quản lý, chi tiêu tài chính, quản lý về nhân sự.

Ngoài ra cũng có những đơn thư nặc danh của các giáo viên trong các nhà trường họ bất mãn vì cách quản lý của hiệu trưởng, họ chán nản vì sự tham lam của hiệu trưởng trường mình nên làm đơn gửi cấp trên.

Và, chúng ta cũng đã thấy nhiều hiệu trưởng bị mất chức, bị kỷ luật, bị điều chuyển công tác, thậm chí bị truy tố vì những đơn thư của cấp dưới.

Hãy vì nhà trường, vì mọi người

Trước khi làm lãnh đạo thì hiệu trưởng đã từng là giáo viên nhiều năm, họ cũng hiểu được nỗi bất công, hiểu được nỗi vất vả “trên đe dưới búa” của người giáo viên đứng lớp.

Hiểu được quyền lợi, nghĩa vụ của giáo viên là được cống hiến, được chi trả chế độ lương, thưởng, được bình đẳng trước tập thể.

Thế nhưng, chỉ một vài năm lên làm lãnh đạo thì nhiều người quên mất điều này. Nhiều hiệu trưởng bắt đầu thể hiện sự tham lam vô lối của mình. Cái gì có thể ra tiền là họ sẵn sàng làm cả.

Từ tờ giấy kiểm tra của học trò, từ những chiếc áo đồng phục, từ tin nhắn điện tử đến mua sắm, sửa chữa hàng năm. Cái gì cũng có hoa hồng, cũng có tiền chênh lệch. Tham lam không từ một thứ gì, nếu có cơ hội là vơ vét, tư túi. Khi giáo viên lên tiếng thì họ trù dập cho không ngóc đầu dậy được.

Những mối quan hệ với cấp trên của hiệu trưởng ngày càng nhiều, nên có nơi, có lúc những sai trái của hiệu trưởng vẫn nhận được sự bao che của cấp trên. Nhiều khi đơn thư gửi lên thì hiệu trưởng đã biết để chuẩn bị.

Khi thanh tra về trường thì mọi thứ đã sẵn sàng để đối chứng. Vì thế, người tố cáo, người khiếu nại lại thành người có tội, người gây mất đoàn kết nội bộ trong nhà trường.

Song, điều đáng mừng là những năm gần đây đã có nhiều hiệu trưởng sai phạm phải đứng trước vành móng ngựa mà mới đây nhất là trường hợp bà Lê Thị Thu Thủy, cựu Hiệu trưởng trường Tiểu học Đặng Cương (An Dương, Hải Phòng) vừa phải nhận 66 tháng tù.

Hy vọng, từ những “tấm gương” như thế này sẽ giúp cho môi trường giáo dục dưới cơ sở sẽ được lành mạnh hơn, không còn những trái ngang, bất công ở các trường học như một số trường mà chúng ta đã thấy trong thời gian qua.

Theo: Giaoduc.net