Cô ơi! Em muốn đi học
Lượt xem:
Xin dùng truyện ngắn này thay cho một nén hương thắp lên để tưởng nhớ một thiên thần – Bé Thủy.
Các học sinh đứng dậy chào khi tôi bước vào lớp. Tôi chào lại rồi cho các em ngồi xuống và hỏi em lớp trưởng.
– Lớp ta hôm nay nghỉ bao nhiêu bạn?
– Thưa cô sáu bạn ạ.
Tôi cố nén một tiếng thở dài. Cầm lấy viên phấn ghi vào một ô nhỏ ở góc bảng
Sĩ số: 45 Vắng mặt: 6
Xong việc, tôi ra bàn ngồi mở cuốn sổ điểm chăm chú dò tên học sinh trong sổ
– Nào! mời em Thắng lên chữa bài tập số hai.
Một thằng bé đứng dậy. Tóc nó nhuộm chỗ vàng chỗ đỏ, mặt câng câng không một chút sợ hãi hay ngượng ngùng.
– Thưa cô bài này em chưa làm được ạ.
– Thế em làm được bài nào?
Không hề lúng túng, nó thản nhiên nói
– Thưa cô em chưa làm được bài nào cả
Nghe nó nói mà máu tôi dồn lên cổ đông nghẹn. Dù đã hết sức cố gắng nhưng tôi vẫn không sao ngăn được ánh mắt khinh bỉ của mình.
– Em ngồi xuống. Chín điểm.
Tôi lạnh lùng nói và cầm bút ghi một con số chín vào sổ điểm. Tôi thấy một thằng đồng bọn với đứa học sinh không học bài ngồi ở ngay bàn đầu đứng dậy kiễng chân nhìn vào sổ điểm rồi quay sang bảo bọn bạn.
– Cô cho chín thật chúng mày ạ.
Lũ chúng ngơ ngác nhìn nhau. Còn tôi, tôi chỉ muốn xé tan cuốn sổ điểm chạy vào một chỗ khuất nào đó để khóc cho vơi đi những uất ức, chán nản của nghề.
Chắc ai đó đọc đến đoạn này sẽ hỏi.
– Sao không cho nó 0 điểm hay một điểm cho nó sợ lần sau phải học?
Tôi phải nói ngay rằng chẳng có tác dụng. Lũ trẻ bay giờ từ “Sợ” và “Xấu hổ “hình như không còn trong vốn từ tiếng việt của chúng. Chúng cứ nhơn nhơn bất cần. Chúng đi học hộ bố mẹ chúng còn giáo viên chúng tôi thì lại không thể cho chúng ở lại lớp. Nếu trời cho chúng tôi một điều ước thì tôi chỉ ước gì ông bộ trưởng bộ giáo dục xuống dạy thử lớp tôi đang chủ nhiệm một năm thôi để tôi xem ông làm cách nào để cho một lũ đi học hộ ấy có thể lên lớp đến chín mươi nhăm phần trăm như các hiệu trưởng vẫn yêu cầu ở chúng tôi. Hay là ông cũng chỉ còn có cách cuối năm “Căng dây cấy lúa thẳng hàng” như chúng tôi thôi. Thế thì cho điểm xấu làm gì để cuối năm lại phải sửa lại sổ điểm?
Mẹ tôi cũng làm nghề dạy học. Ngày xưa khi còn bé, thấy hàng xóm người nào cũng kính trọng mẹ mình. Khi bà ra đường, ai gặp cũng chào bà đon đả, kính trọng
– Chào bà giáo. Hôm nay sao bà đi dạy sớm thế?
– Cháu đi chợ bà giáo có mua gì để cháu mua giúp cho luôn thể.
Tôi thích lắm và trong cái đầu non nớt của tôi luôn luôn tâm niệm rằng sau này lớn lên tôi nhất định sẽ làm cô giáo. Tôi xếp một loạt những con búp bê của mình làm học sinh, còn mình cầm cái thước kẻ của mẹ gõ cạch cạch lên tấm bảng
– Sao em không chịu học bài? Chìa tay ra đây – Tôi cầm lấy cánh tay của một con búp bê, cầm thước kẻ vụt mấy cái nhè nhẹ – Lần sau còn không học bài nữa cô bắt lên bảng úp mặt vào tường đấy nghe chưa.
Mẹ tôi nhìn tôi cười hiền lành:
– Con làm cô giáo thì phải thương yêu học trò chứ ai lại đi đánh học trò bao giờ.
– Nhưng em ấy lười học lắm mẹ ạ.
Mẹ tôi củng yêu một cái vào đầu tôi rồi nói:
– Thì cô giáo còn lười học làm gì học sinh chẳng lười
Lớn lên, tình yêu nghề giáo của tôi không những không giảm đi như bao đứa trẻ con khác mà càng ngày càng trở nên mãnh liệt. Rồi tôi vào trường sư phạm. Tôi cứ nghĩ đến lúc mình đứng trên bục giảng tôi sẽ yêu hết mình những học sinh của tôi và tôi sẽ nhận được sự yêu mến, kính trọng của mọi người. Nhưng tôi đã nhầm. Càng ngày tôi càng chán gét nghề nghiệp của mình. Khi cơ chế thị trường mở ra, đồng tiền ùa vào trường học thế là mọi sự tốt đẹp trong mối quan hệ thầy trò, phụ huynh với giáo viên bị lung lay đến tận gốc, Những lời nói kính trọng mà mẹ tôi đươc nghe ngày xưa không còn nữa.
– Này! Mụ ấy dạy ở trường điểm đấy. Ông sang hỏi mụ ta xem phải mất mấy vé mới xin cho con mình vào được?
– Thôi trăm sự nhờ cô. Cần bao nhiêu tiền cô cứ bảo miễn là làm sao cho con em lên được lớp.
Đạo đức của bố mẹ đi xuống hỏi làm sao đạo đức của học sinh có thể đi lên. Tôi nhớ mãi một câu chuyện của một ông giáo già đã kể cho tôi nghe:
“Hôm ấy, tôi đi xe đạp trên tuyến đường Đại cồ Việt. Vừa đi vừa nghĩ linh tinh không ngờ đi vào đoạn đường một chiều mà không biết. Một tay cảnh sát giao thông mặt non choẹt chặn xe tôi lại. Nhìn lên biết mình mắc lỗi tôi cười:
– Xin lỗi đồng chí tôi mải nghĩ nên không biết mình đi vào đường một chiều.
Tay cảnh sát giao thông nhìn tôi một lúc rồi hỏi:
– Có phải bác là giáo viên trường Trần nhân Tông không?
– Vâng đúng rồi đấy.
– Thế thì ngày xưa bác dạy tôi đấy.
Tôi cười lắc đầu.
– Có lẽ là đồng chí nói đùa. Tôi làm sao có được cái vinh hạnh là được dạy những người như đồng chí. Thôi! Đồng chí cho tôi nộp phạt để tôi còn phải đi”.
Trời ơi! Học sinh như thế làm sao những người thầy như tôi còn có thể tâm huyết với nghề. Chẳng biết từ lúc nào, tâm hồn tôi đã biến thành sa mạc
Tôi nhìn xuống dưới lớp.
– Em nào giải được bài này?
Lác đác hai ba cánh tay đưa lên. Trong đó có một cánh tay ở ngay bàn đầu tiên rụt rè đưa lên rồi lại hạ xuống. Tôi nhìn vào em đó khuyến khích
– Thủy! Em lên giải thử xem nào.
Con bé đi lên bảng. Người gày yếu, da tái xanh. Đầu nó trọc lốc không còn một sợi tóc nên mặc dù ở trong lớp tôi vẫn cho phép em choàng khăn kín đầu. Con bé từ từ giải bài toán. Tôi động viên
– Đúng rồi đấy nhưng sao em không rút gọn kết quả lại?
Con bé nhìn tôi, nước mắt nó rơm rớm
– Em xin lỗi cô. Bài rút gọn em chưa học kịp
Tôi đứng lên đi lại ôm lấy con bé. Tôi nghẹn ngào
– Không! Em không có lỗi. Cô phải cám ơn em mới đúng. Nếu không có những học sinh như em thì có lẽ cô phải bỏ nghề dạy học mất thôi.
Tôi nhìn xuống dưới lớp, đám học sinh cùng hội với thằng Thắng mặt cúi gằm.
Ðến tối, cơm nước xong tôi bảo với chồng.
– Anh ở nhà trông con em đi thăm một con bé học sinh bị ốm.
Chồng tôi ngạc nhiên nhìn tôi hỏi lại:
– Em đi thăm học sinh?
– Vâng!
Chồng tôi há mồm định nói điều gì đó nhưng anh đã kịp dừng lại. Anh chỉ bảo:
– Em cứ đi đi.
Tôi mua một hộp sữa bột “Cô gái Hà Lan” và một cân đường tìm đến nhà con bé. Một căn nhà tồi tàn, siêu vẹo trong một xóm lao động nghèo. Bước vào nhà, cái đập vào mắt tôi đầu tiên là một cái bàn thờ mới lập. Trên bàn thờ là bức ảnh một người đàn bà đã trung tuổi. Tôi đoán đấy là mẹ con bé. Nhìn căn nhà trống hơ trống hoác mà tài sản quý giá duy nhất và đồng thời là chiếc cần câu cơm của cả gia đình là chiếc xe máy Tầu, trong tôi dâng lên một niềm xa xót và ân hận. Tôi lại sực nhớ đến lời mẹ tôi bảo ngày xưa.
– Con là cô giáo thì phải thương yêu học trò chứ.
Mẹ ơi! Con đã không làm được điều mẹ dạy. Tôi vẫn biết nhà con bé nghèo. Mẹ mất sớm bố làm nghề xe ôm nuôi ba đứa con nhưng tôi không thể ngờ nhà con bé nghèo đến thế. Tôi chú ý đến con bé không phải là vì nó học giỏi. Thực ra học lực của nó chỉ vào loại trên trung bình một chút mà tôi chú ý đến con bé vì tôi biết nó cũng bị ung thư giống mẹ và hiện đang phải xạ trị. Lẽ ra con bé phải nằm điều trị tại bệnh viện nhưng không hiểu vì không có tiền hay vì nó muốn đi học mà nó xin điều trị ngoại trú. Nhưng lần nào cũng thế, sau khi điều trị xong con bé lại bảo bố đèo thẳng từ bệnh viện đến trường. Nhiều hôm nó đến trường nhưng chỉ còn kịp học một tiết cuối cùng. Nhìn con bé tái xanh lảo đảo đi vào lớp học mà ai cũng phải rớt nước mắt.
Cả nhà đang ăn cơm, thấy tôi vào mọi người đứng cả dậy. Tôi vội xua tay ngăn lại.
– Cả nhà cứ ăn cho xong bữa đi đã. Tôi còn ngồi chơi lâu mà.
Bố con bé vội nói:
– Mời cô giáo vào nhà. Chúng tôi cũng ăn xong rồi.
Tôi liếc nhìn mâm cơm. Một đĩa rau muống chấm tương. Mấy miếng đậu kho trắng nhợt. Ở phía con bé ngồi có một cái đĩa đựng một quả trứng luộc đã sắn một nửa già. Chắc là tiêu chuẩn bồi dưỡng giành riêng cho con bé. Con bé vội vàng gắp nốt miếng trứng vào bát cho thằng em và bảo.
– Thôi các em bê xuống bếp để bố với chị còn tiếp cô.
Con bé đứng dậy đi pha nước. Tôi cầm chén nước, xoay xoay trong tay mà chẳng biết nói gì. Tôi biết nói gì đây? Một lời an ủi. Một lời chia sẻ chăng? Những người khốn khổ như bố con anh tâm hồn đã rắn đanh lại để chịu đựng. Tôi cứ nghĩ tâm hồn anh chỉ mềm đi một chút. Một chút thôi. Chắc anh sẽ tự tử. Vợ vừa bị mất vì ung thư chưa được một năm thì nay đứa con gái đã đang ung thư giai đoạn cuối. Không ai có thể dám sống để đối mặt với một thảm cảnh như vậy nếu như tâm hồn họ không được tạo bằng một tấm đá hoa cương. Không! những người như thế họ không cần một lời an ủi. Họ cần một bàn tay.
Đêm hôm ấy tôi về nhà mà không sao ngủ được. Mỗi lần tôi nhắm mắt hình ảnh con bé rơm rớm nước mắt và câu nó nói lại vang lên trong đầu tôi.
– Em xin lỗi cô bài rút gọn em chưa học kịp.
Tôi trở dậy đi ra phòng khách. Một lúc sau chồng tôi cũng theo ra
– Có việc gì mà làm em xúc động đến mất ngủ vậy?
Tôi kể lại cho anh nghe về con bé. Anh trầm ngâm một lúc rồi bảo tôi.
– Em nói đúng đấy. Con bé cần một bàn tay. Em thử mang việc này bàn với hội đồng nhà trường xem. Anh tin rằng tuy con người ở thời buổi này tâm hồn đã cằn cỗi đi nhiều nhưng không phải ai cũng vô cảm. Còn về phần chúng mình, em nên bố trí một tuần em đến phụ đạo cho nó hai buổi tối. Anh sẽ lĩnh trách nhiệm trông con.
– Anh không kêu ca đấy chứ?
Chồng tôi nhìn tôi.
– Làm sao anh có thể kêu ca được. Anh phải cám ơn con bé nữa là đằng khác.
– Anh phải cảm ơn con bé?
Chồng tôi gật đầu.
– Em không thấy sao? Đã từ rất lâu rồi tâm hồn em đã trở nên cằn cỗi. Bốn từ “Học sinh của em” từ rất lâu rồi anh không nghe thấy em nói đến.Làm nghề giáo mà chết mất tình yêu con trẻ thì em chỉ còn là một cái xác biết cử động. Sau cái đêm mất ngủ này, từ ngày mai anh chắc rằng em sẽ bận bịu hơn nhưng sẽ vui hơn.
Ôi! Anh đã đánh trúng vào nỗi đau đớn của tôi. Từ khi tình yêu học trò của tôi chết đi công việc dạy học của tôi trở nên tẻ nhạt và nặng nề. Tôi như một cái máy, lên lớp vô cảm đứng giảng bài. Đứng trước bao nhiêu học sinh mà tôi cứ như thấy mình đang nói giữa một bãi đất hoang vắng. Đâu rồi những ánh mắt chăm chú. Đâu rồi bầy chim nhỏ ríu rít quanh mình. Tôi đã đánh mất chúng và tôi cũng đã đánh mất chính mình. Tiếng cười trong nghề của tôi tắt lịm. Thủy ơi! Cô rất biết ơn em.
Hôm sau tôi bàn với hội đồng nhà trường và cô giáo tổng phụ trách. Chúng tôi quyết định mở một đợt tuyên truyền nêu tấm gương quyết tâm vượt qua bệnh tật để học tập của con bé ra trước toàn trường và mở một đợt quyên góp. Chủ nhật tuần ấy, tôi tổ chức cho lớp tôi đến nhà thăm con bé.
Bố con bé đi làm. Hai đứa em đi chơi quanh hàng xóm ở nhà chỉ còn mỗi con bé đang ngồi học. Thấy các bạn đến chơi, con bé vui lắm. Thằng Thắng đi đến chỗ học của con bé, lật quyển sách giáo khoa ra hỏi:
– Cậu đang học cái gì thế?
– Tớ đang học bài rút gọn. Lần trước tớ đi bệnh viện không được học tiết này. Bây giờ đọc sách tớ chẳng hiểu gì cả. Cậu nói lại cho tớ phần này với.
Mặt thằng Thắng đỏ lên. Nó quay sang nhìn tôi cầu cứu nhưng tôi cứ lờ đi quay mặt nhìn ra chỗ khác làm như không biết chúng đang nói chuyện gì. Tôi nghe thấy thằng Thắng bảo con bé.
– Được rồi. Tối mai tớ sẽ đến giảng lại cho cậu. Thứ ba mới có tiết toán cơ mà.
Nói xong nó móc trong túi ra một gói ô mai to đùng. Lũ con gái kêu ré lên một tiếng rồi xúm cả lại. Qua tấm gương treo trên tường, tôi thấy thằng Thắng bấu con bé lớp trưởng và lấy tay chỉ chỉ về tôi. Con bé lớp trưởng cầm mấy quả ô mai chạy lại chỗ tôi.
– Chúng em mời cô.
– Cô xin.
Một niềm vui không ồn ào từ từ dâng lên trong tôi. Đàn chim nhỏ của tôi.
Sáng thứ hai tôi không có tiết ở lớp. Giờ ra chơi tôi thấy thằng Thắng thập thò ở phòng giáo viên. Tôi đi ra ngoài cửa.
– Có việc gì đấy Thắng?
Thằng bé gãi gãi đầu. Cái đầu nửa đỏ nửa vàng của nó đã biến mất.
– Thưa cô, cô xem cho em phần bài tập rút gọn em làm thế này đã đúng chưa ạ?
Tôi sực nhớ ra lời thằng bé nói với bạn “Tối mai tớ sẽ đến giảng lại cho cậu”. Tôi mỉm cười cầm lấy cuốn vở mở ra xem.
– Đúng rồi đấy. Em thấy chưa. Nếu em chăm chỉ thì em sẽ học khá lên ngay.
Mặt thằng bé hồng lên vì vui sướng.
Tôi cứ tưởng trong cơ chế thị trường đồng tiền đã biến tâm hồn con người thành gỗ đá nhưng không phải. Một buổi tối, nhà tôi vừa ăn cơm xong thì thằng bé Thắng đưa mẹ đến. Mẹ thằng bé ngượng ngùng nói với tôi.
– Tôi đến đây để xin lỗi cô giáo – Bố mẹ thằng bé vốn là những người làm ăn lớn rất quan tâm đến con nhưng là quan tâm theo kiểu người có tiền. Miễn là mày lên lớp còn sau này sẽ cho mày đi du học – Suýt nữa thì tôi đã giết chết chính con mình. May mà con bé Thủy đã mở mắt ra cho tôi và cho thằng bé. Chúng tôi đến đây để cám ơn cô và cũng xin hàng tháng trợ cấp cho cháu Thủy hai trăm ngàn đồng.
Còn thằng bé thì cúi mặt nhìn xuống những đầu ngón chân của nó đang di di trên nền nhà. Nó ngập ngừng.
– Cô ơi….
– Sao? em muốn hỏi gì?
– Em muốn chuyển lên ngồi cạnh chỗ bạn Thuỷ có được không ạ?
Tôi ôm lấy thằng bé. Nước mắt tôi trào ra.
– Được em ạ!
Hôm sau tôi có tiết ở lớp. Thằng Thắng đã chuyển lên ngồi cạnh con bé. Giờ ra chơi, trên đưồng đi lên phòng giáo viên tôi nhìn thấy hai đứa đang đứng ở một gốc cây trong sân trường. Chúng chào tôi khi tôi đi ngang qua. Đi được một đoạn, tôi nghe thấy thằng Thắng bảo con bé
– Đằng ấy mà không uống là tớ giận đấy.
Tôi quay nhìn lại thấy thằng bé đang dúi cho bạn mình một hộp sữa tươi.
Các em ơi! Sau này có thể có em làm tiến sỹ, có em làm xe ôm, có em làm đến bộ trưởng nhưng trước tiên các em phải làm một con người.
Càng gần đến cuối năm học bệnh tình của con bé càng nặng. Những buổi đến lớp của nó cứ thưa dần. Nó rất lo lắng. Một hôm nó nói với tôi.
– Cô ơi! Tình hình của em thế này khó mà em thi được vào trường công lập cô ạ. Mà học trường tư thục thì nhà em lấy đâu ra tiền mà học hả cô.
Nghe con bé nói mà lòng tôi đau đớn. Tôi động viên con bé.
– Em sẽ thi được. Cô sẽ cố gắng hết sức giúp em.
Một tuần tôi giành ra ba buổi tối để đến giúp con bé học. Hôm ấy, tôi đến nhà con bé. Thấy tôi đến, đang nằm, con bé định nhổm dậy để lấy sách vở ra. Tôi đặt tay lên trán con bé. Người nó đang nóng hầm hập. Tôi liền bảo với nó.
– Em đang sốt lắm. Tối nay em cứ nghỉ đi một buổi. Tối mai cô lại đến.
Nó nắm chặt tay tôi giữ tôi lại.
– Cô cứ ngồi đây. Chỉ một lúc là em hết sốt ngay ấy mà.
Nói xong nó quay sang bảo với bố nó.
– Bố ơi! Bố đi mua cho con mấy cục đá để chườm cho mau hạ sốt
Bố con bé đi ra cửa. Đột nhiên con bé chống tay nhổm người dậy bảo với bố.
– Bố đợi để con đi mua đá với.
Tôi vội giữ người con bé lại. Nó đã quá yếu. Nó ôm lấy cổ tôi thì thào vào tai tôi.
– Cô ơi! em muốn đi học
Rồi nó lả đi không còn biết gì nữa. Tôi ôm chặt lấy con bé úp mặt mình vào lồng ngực bé nhỏ, gày gò của nó mà nước mắt cứ thế trào ra. Thủy ơi. Sao em lại làm cô khóc trước lúc em cho lại cô nụ cười?
Hai hôm sau tôi lên lớp. Ở chỗ ngồi của con bé, thằng Thắng đặt ở đấy một tấm ảnh của con bé mặt quay lên trên bảng.
Từ trên bục cao tôi nhìn xuống cả lớp. Lớp tôi vẫn đủ cả. Tôi cầm phấn viết vào một góc bảng
Sỹ số: 45 Vắng mặt: 0
Tôi mở sổ điểm.
– Nào! ta kiểm tra bài cũ. Em nào có thể giải được bài tập số 3.
Nhiều cánh tay dơ lên. Tôi nhìn vào bàn đầu tiên. Cánh tay thằng bé Thắng dơ cao
– Mời em Thắng!
Nguồn: Internet.