Cô Lê Thị Nguyệt, Hiệu trưởng trường THPT Triệu Quang Phục (huyện Yên Mỹ) cho rằng để đẩy lùi bạo lực học đường, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu nhà trường đều phải có trách nhiệm.
Cô Nguyệt lấy hai ví dụ. Sau giờ học tìm hiểu về rượu, giáo viên dạy Hóa của trường hào hứng khoe với ban giám hiệu về một tiết học thành công. Các em đã mang một số loại rượu đến, thuyết trình rất hay về chủ đề này. Những tiết học hứng thú sẽ làm các em không còn nghĩ đến những điều tiêu cực như bạo lực.
Cũng ở trường THPT Triệu Quang Phục, một cô giáo dạy Giáo dục công dân quan sát thấy trong lớp 11A6 có nữ sinh cá tính, không ghi chép bài trong ba tiết liền. Bị nhắc nhở, em này không thay đổi. Đến tiết kiểm tra 15 phút, nữ sinh bị cô cho ngồi riêng một bàn. Em phản ứng và ngay lập tức bị cô giáo nói nặng lời.
Cô chủ nhiệm lớp 11A6 sau đó chủ động góp ý với nữ sinh, liên hệ với phụ huynh để cùng giáo dục và học sinh đã thay đổi tích cực. “Vai trò của giáo viên chủ nhiệm là vô cùng quan trọng. Nếu họ có mối quan hệ tốt với học sinh, phụ huynh thì mầm mống bạo lực học đường sẽ được đẩy lùi”, cô Nguyệt nói.
Chia sẻ về biện pháp phòng chống bạo lực học đường, cô Nguyệt nhấn mạnh vai trò của việc nêu gương. Ở trường THPT Triệu Quang Phục, học sinh có thành tích nhỏ, làm việc tốt cho cộng đồng thường xuyên được vinh danh trước toàn trường. Việc nêu gương giúp các em có động lực để có thêm nhiều hoạt động tích cực, đẩy lùi suy nghĩ tiêu cực.
Cô Nguyễn Thị Lệ Xuân, Hiệu trưởng trường THPT Mỹ Hào khẳng định giáo viên chủ nhiệm giữ vị trí then chốt trong việc giảm thiểu bạo lực học đường. Người ở vị trí này phải làm được ba việc. Đầu tiên phải nghiên cứu học sinh, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, đặc điểm tâm lý và tình hình học tập của từng em, từ đó có giải pháp tác động phù hợp. Ví dụ học sinh có biểu hiện trầm cảm, tăng động cần được quan tâm hơn, sắp xếp vị trí ngồi để bạn khác hỗ trợ.
Việc thứ hai là phải xây dựng tập thể đoàn kết, yêu thương nhau bằng cách cho học sinh thảo luận về một số chuyên đề như kỹ năng khai thác, sử dụng thông tin trên môi trường mạng, kỹ năng ứng phó với stress. Qua đó, học sinh được thể hiện quan điểm cá nhân và học hỏi được những điều cần thiết.
Cuối cùng, giáo viên chủ nhiệm cần có học sinh “tai mắt” vì thầy cô không phải lúc nào cũng trong lớp học. Nhờ đó, thầy cô nắm bắt được hoạt động trong và ngoài lớp, giúp phát hiện mâu thuẫn của học sinh và kịp thời hóa giải.
“Một số sự việc diễn ra ngoài sự kiểm soát của nhà trường, tôi nghĩ giáo viên chủ nhiệm cần hết sức bình tĩnh, phối hợp với phụ huynh và cơ quan chức năng để tìm ra giải pháp giúp đỡ các em”, cô Xuân nói.
TS Nguyễn Tùng Lâm phát biểu tại hội nghị chiều 6/4 ở Hưng Yên. Ảnh: Dương Tâm.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho biết đang đấu tranh để đưa vai trò của giáo viên chủ nhiệm vào dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi). Luật cần quy định sao cho người làm công tác chủ nhiệm cảm thấy được tôn trọng, yên tâm, vinh dự khi làm chứ không phải ai rỗi thì làm hay bắt phải làm. Giáo viên chủ nhiệm cần được hưởng chế độ lương khác, được bồi dưỡng để hiểu về tâm lý, giỏi về chuyên môn.
Cho rằng việc cãi vã, đánh nhau ở học sinh là khó tránh khỏi, nhưng thầy Lâm khẳng định vụ nữ sinh lớp 9 ở trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi) bị đánh hội đồng ngay tại lớp là đặc biệt nghiêm trọng. “Bạo lực học đường xảy ra ở nhiều nước, quan trọng chúng ta đã ngăn chặn, xử lý như thế nào? Mục tiêu của chúng ta là giáo dục học trò chứ không phải đuổi các em, nhưng cũng phải làm sao để học trò tự chịu trách nhiệm”, thầy Lâm nói.
Nguyên hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nhắc nhở các giáo viên phải tìm ra nhiều hoạt động, trò chơi đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ, trong đó lồng ghép giá trị sống. Qua các hoạt động, học trò yêu thương, tôn trọng và khoan dung cho nhau thì không lý gì bạo lực xảy ra.
Cô Nguyễn Thị Hồng Thúy, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hưng Yên, cho rằng mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường là quan trọng bởi có nhiều sự vụ diễn ra bên ngoài nhà trường. “Cha mẹ là trung tâm để kết nối mọi mối quan hệ nên quan điểm của chúng tôi là khi có sự cố sẽ tìm hiểu kỹ nguyên nhân, mời phụ huynh lên và hỏi rất kỹ về học sinh khi ở nhà, chơi với ai, biểu hiện ra sao. Có tìm được nguyên nhân mới giải quyết được tận gốc vấn đề”, cô Thúy nói.
Hiệu trưởng này thông tin trường THPT chuyên Hưng Yên có rất nhiều phụ huynh chiều con, con không nghe lời. Nhà trường đã kết hợp tư vấn cho phụ huynh về việc giáo dục con, yêu cầu họ cam kết phối hợp.
Cô Nguyễn Thị Hồng Thúy, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hưng Yên. Ảnh: Dương Tâm.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên Nguyễn Văn Phê khẳng định những trao đổi của giáo viên là rất quý báu để giáo viên toàn tỉnh học tập. “Tôi mong muốn thầy cô ý thức sâu sắc về nghề giáo, xem mình đã trang bị gì cho học trò làm hành trang trong cuộc sống và đã đóng góp gì cho việc phát triển nhân cách, ước mơ của học sinh”, ông Phê nói.
Ông Bùi Văn Linh, Phó vụ trưởng phụ trách Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên thông tin Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã ký một số văn bản gửi các tỉnh thành về việc tăng cường đảm bảo an toàn trường học, phê duyệt chương trình hành động phòng chống bạo lực học đường giai đoạn 2018-2021 trong các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục thường xuyên. Đây là những giải pháp quyết liệt để đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh cho học sinh.
“Thời gian tới, chúng ta sẽ cố gắng làm một số nội dung mang tính phòng ngừa hơn là chống. Đây cũng là điều được ưu tiên trong hướng chỉ đạo tới đây của Bộ”, ông Linh nói và cho rằng các hoạt động thể dục thể thao, giúp đỡ cộng đồng sẽ được tổ chức nhiều hơn để tạo môi trường hấp dẫn, góp phần hoàn thiện nhân cách và đẩy lùi các tệ nạn xã hội cũng như bạo lực học đường.