Tôi đã trải qua ba học kỳ dạy online toàn phần hoặc dạy online nửa mùa – tức đang dạy trên trường được nửa học kỳ thì phải rút về nhà dạy online.
Thời gian đầu, tôi và các đồng nghiệp cảm thấy “sao mà tiện” vì không phải di chuyển, không bị thanh tra lớp học, vì tính điệu – đi đâu là phải quần là áo lượt, trang điểm khá tốn thời gian và công sức. Giờ thì cô trò giao lưu qua tiếng nói với màn hình. Bộ đồ tôi mặc cũng đơn giản, còn làm đẹp đã có phần mềm “filter” giúp sức.
Nhưng rồi mọi thứ dần không còn màu hồng.
Lớp tôi dao động trong sĩ số từ 35 đến hơn 100. Khi cả nước đổ xô vào công cuộc học online ở tất cả các cấp, với sĩ số lớp đông, tôi không thể duy trì việc tất cả học trò đều phải mở camera.
Thậm chí, chúng yêu cầu: “Cô tắt màn hình đi nghe rõ hơn đó cô”. Tôi nghe theo, tắt luôn cam, hoàn toàn tương tác với các em bằng tiếng nói. Chúng tôi lạc nhau từ đấy.
Tôi ngồi lì trên ghế, cắm mặt vào laptop, miệng giảng, hỏi không ngừng để duy trì sự kết nối với lớp học. Màn hình trình chiếu nội dung, bài học chi tiết mỗi ngày được gửi qua email. Tôi không ngại lặp đi lặp lại câu hỏi: “Còn ai hỏi gì nữa không?”, nhưng đáp lại là khoảng im lặng đến nao lòng.
Tôi dò danh sách, gọi một cái tên. Học trò trả lời “đã hiểu”, nhưng khi bị hỏi ngược lại thì ấp úng đổ cho rớt mạng. Bình thường trên lớp, tôi sẽ nhìn thẳng vào mặt em, đặt câu hỏi gợi mở cho đến khi có được câu trả lời đúng. Nhưng giờ đây, qua ứng dụng trực tuyến, em có thể vừa bấm game, hoặc nằm, hoặc vò gối – tôi đoán được qua tiếng động, và thường là trúng – rồi xin tôi “cho em thêm thời gian suy nghĩ”. Kết quả là tôi buộc phải gọi một em khác.
Trợ giảng lớp học online hỏi tôi với giọng ngỡ ngàng: “Sao cô khác quá cô? Bài giảng cũng không được như trên lớp”. Tôi cố gắng tìm mọi cách khắc phục: dùng trò chơi, giao lưu tâm tình, trình chiếu màn hình, bài tập nhanh… Nhưng dường như mọi thứ không thể đạt được kết quả như bình thường cũ. Tôi ít nghe thấy tiếng cười hay sự hào hứng cuồn cuộn như trong lớp học trực tiếp. Năng lượng của chính tôi cũng bị triệt tiêu dần.
Trong lớp, học trò thường thực hiện ngay nhiệm vụ của họ, nghe giảng, làm bài tập, nghiên cứu, làm việc nhóm, trả lời câu hỏi, duy trì dự tập trung và nghiêm túc trong sự có mặt trực tiếp bởi giáo viên – những người có thể chạm vào họ bằng một cánh tay hữu hình. Điều này hoàn toàn biến mất trong các lớp học online. Khi giáo viên không có mặt ngay cạnh các em, khi ai cũng biết đang cách nhau một khoảng cách về địa lý, không gian, sự kết nối lỏng hơn khó lòng tạo ra sức ép để thúc đẩy sự cố gắng.
Các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng, ngôn ngữ chỉ góp phần nhỏ trong tác động tới người nghe, giọng điệu chiếm 38% và yếu tố phi ngôn từ rất quan trọng vì chiếm tới 55%. Tôi thiếu biểu cảm gương mặt khi giảng dạy online, thiếu tác phong đứng lớp, thiếu giao lưu ánh mắt, thiếu những động tác tay chân thú vị, thậm chí là cả những bước chân đi lại quanh lớp học, chỉ tay lên cuốn tập… 55% hiệu quả của buổi giảng biến mất. 45% còn lại rơi rớt dần vì đường truyền, vì sự xao nhãng của học trò hay của chính tôi.
Một lần, khi tôi gọi học trò phát biểu online, tiếng em nói như đang ngái ngủ. Tôi hét lên: “Mở cam cho cô!”. Kết quả là thấy học trò mình đang lồm cồm bò dậy, vớ vội cái áo trên thành giường mặc vào người.
Nhiều người nói học trò tôi cấp ba và đại học nên nghiêm túc và có ý thức, không như các em bé tiểu học, cấp hai. Nhưng không ai có thể cưỡng được sự dịu êm của cái giường và mái nhà thân yêu. Ở trong bầu không gian ấy, chúng ta sẽ thở, nằm, ngồi dang chân, ngoáy mũi, chạy đi uống nước mỗi năm phút một lần, vuốt con mèo một cái, tia củ khoai lang đang ra lá vì mua tích trữ ăn không kịp… Hàng trăm thứ quyến rũ, mà lại không có ánh mắt nào nhìn thì ngại gì?
Với năm học mới, việc chưa từng gặp mặt nhau biến giáo viên và học trò thành những cá thể xa lạ mà ở đó, những nguồn năng lượng khó có thể chạm tới nhau. Nguồn năng lượng của việc truyền thụ điều tôi tâm đắc phải gặp được nguồn năng lượng của sự ham thích cái mới, cái hay mới có thể tạo nên một ngọn lửa hừng hực khí thế của lớp học. Đó là thứ giáo viên chúng tôi nỗ lực tạo ra dưới mỗi mái trường, được gọi là không khí tập thể. Trong bầu không khí ấy, những học sinh dù là lười nhất cũng được cuốn theo sự háo hức say mê chung của các bạn học khác mà trở nên tốt hơn.
Sức hấp dẫn của giáo viên không giống với người nổi tiếng. Chúng tôi không đóng vai trò giải trí. Chúng tôi có vai trò dẫn dắt và gợi mở, do đó cực kỳ cần sự tương tác hiệu quả. Chúng tôi cần phải điều chỉnh kịp thời và giải thích kịp thời cho học trò, khi nhìn thấy ánh mắt em gợn lên chút băn khoăn.
Sau màn hình, ai có thể nhìn rõ được những băn khoăn của những học trò nhút nhát – nhóm yếu thế không có can đảm tự mình phát biểu mà luôn cần được giáo viên khuyến khích thì mới đưa ra ý kiến? Ai sẽ khiến một đứa trẻ trở nên hoạt bát hơn khi nó không được thầy cô dùng ánh mắt trìu mến động viên khi đã lỡ nói sai?
Những tâm hồn rụt rè trước tòa lâu đài tri thức sẽ không nhận được cái nắm tay dắt vào, và mãi mãi có thể sẽ chỉ đứng ngoài chỉ vì không ai nhận ra những tích tắc biến chuyển nhỏ bé từ trong mắt chúng. Không có những bước đi đầu tiên, ở đâu ra cho các em sự chủ động và niềm say mê học tập tri thức?
Tôi cần đến trường!
Đến trường để hòa chung vào nguồn năng lượng khổng lồ trẻ trung từ các học trò – phúc lợi lớn lao nhất mà giáo viên chúng tôi nhận được.
Đến trường để khi một học trò của tôi nghẹn ngào nói nhỏ, rằng người nhà của em vừa qua đời vì Covid, tôi có thể cho em một cái nắm tay hay một cái vỗ vai nhè nhẹ, tiếp cho em một chút serotonin vượt qua những ngày tháng khó khăn này.
Đến trường để có sự tập trung cao độ nhất cho việc dạy mà không bị lợn kêu, con khóc, chồng đòi ăn cơm, người giao hàng bấm chuông… làm xao nhãng công việc.
Đến trường để tự sửa mình trong mỗi hành vi, tác phong cho đỡ ù lỳ bê bối sau chuỗi ngày dài nghỉ dịch.
Đến trường để cả mình và học trò đều hữu hình trong nhau, thì khi đó sẽ dễ cảm thông và yêu mến nhau hơn. Để không vì đôi lời chưa thuận tai rồi biến nhau thành miếng mồi ngon trên mạng.
Nhiều sinh viên còn đang bị kẹt ở quê hay những vùng có dịch. Tỷ lệ phủ vaccine trong cả nước vẫn ở mức thấp, muốn đến trường sớm hơn, các trường học có thể tạo ra những lớp học quy mô nhỏ hơn để đảm bảo giãn cách. Một lớp học 50 em có thể chia thành hai lớp, và thay vì đến trường năm buổi mỗi tuần, sinh viên có thể tới trường 2-3 buổi và học online các buổi còn lại. Việc sắp xếp như vậy vẫn duy trì được kết nối giữa thầy và trò, cũng như người học với nhau.
Tôi vẫn tin sự tương tác người – người trong giáo dục có thể quyết định phần lớn chất lượng của học tập và chất lượng mỗi ngày ta đang sống.
Tác giả bài viết: Trần Hương Thảo (Thạc sĩ Tâm lý)
Theo: Vnexpress
———————————————
Đọc bài viết trên độc giả ThuDiep viết:
ThuDiep
Ở VN thì bạn còn bắt các em mở webcam, chứ tôi dạy cấp 3 ở Mỹ suốt 1 năm rưỡi, không được bắt học sinh mở webcam vì school district cho rằng làm như vậy sẽ ảnh hưởng quyền riêng tư của học sinh vì nhiều em không có không gian riêng / góc học tập ở nhà. Tôi chỉ yêu cầu học sinh phải để hình profile picture thì có 2 em, trong tổng số hơn 150 học sinh, tôi dạy 5 lớp, không đồng ý, 2 em lên gặp hiệu trưởng và rốt cuộc, tôi là người thua cuộc. Năm học này thì ở Mỹ đã mở cửa trở lại, và tôi rút ra kinh nghiệm là, những em nào thích / chịu học thì hoàn cảnh nào cũng học tốt, các em không thích / không chịu học thì luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh để lười biếng. Các em sẽ được học từ nhiều bài học từ cuộc sống thôi.