Độc giả bàn luận xung quanh quyết tâm của Bộ giáo dục “Năm 2018 sư phạm chỉ tuyển những học sinh ưu tú nhất”

Lượt xem:

Đọc bài viết

Cổng TTĐT Phòng GD Ngọc Hồi xin được tổng hợp một số ý kiến của độc giả xung quanh đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về việc từ năm 2018 ngành sư phạm chỉ tuyển những học sinh ưu tú nhất

Mới đây, tại hội nghị Hiệu trưởng các trường sư phạm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nêu quyết tâm, năm 2018 ngành sư phạm chỉ tuyển những học sinh ưu tú nhất “Chúng ta quyết tâm để năm 2018 điểm đầu vào sư phạm nằm trong top đầu, các trường không vì chạy theo chỉ tiêu mà chấp nhận điểm đầu vào thấp” và “Chúng ta thống nhất rằng từ năm 2018 chỉ tiêu tuyển sinh các trường sư phạm phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng. Học sinh vào học ngành sư phạm phải là những học sinh ưu tú nhất, quyết tâm để năm 2018 điểm đầu vào sư phạm nằm trong top đầu, các trường không vì chạy theo chỉ tiêu mà chấp nhận điểm đầu vào thấp”  

Đây được xem như một yêu cầu, quyết tâm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trước thực trạng điểm đầu vào của các trường sư phạm liên tục giảm, thậm chí có trường chỉ ngang bằng điểm sàn.

Trên các trang báo điện tử có rất nhiều độc giả ủng hộ chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

Trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam độc giả Nguyễn Văn Pha bình luận: “… Đúng là muốn có học sinh giỏi, ngoan phải có thầy giỏi, có tâm với học trò. Ở nhiều nước họ tuyển sinh viên sư phạm rất khắt khe cả về lực học lẫn đạo đức, thậm chí còn chú trọng đến cả truyền thống gia định. Ai cũng biết, ngành giáo dục là máy cái tạo ra các thế hệ có tri thức và đạo đức để gánh vác giang sơn và thúc đẩy đất nước tiến lên cùng thời đại, nhưng trong thực tế chúng ta chưa quan tâm nhiều đến việc đào tạo ra các giáo viên đủ đức đủ tài để dạy dỗ các em học sinh từ mẫu giáo đến đại học, nhiều trường sư phạm còn tuyển sinh theo kiểu vơ bèo, vợt tép thì làm sao cho ra lò những giáo viên đủ tài đủ đức”.

Độc giả Nguyễn Thu Sáng phân tích: “Thợ giỏi làm ra sản phẩm chất lượng cao, thầy giỏi mới đào tạo ra trò giỏi là đương nhiên. Thế nhưng từ bản thân tôi cả 10 năm học phổ thông, đến 5 năm học đại học rồi sau này học các lớp đào ngắn hạn, tôi thấy có quá ít thầy giỏi thực sự và nhất là có tâm với nghề và đặc biệt có đạo đức tốt. Ngay đến thầy cô có trình độ cao nhưng phương pháp sư phạm yếu nên truyền tải kiến thức hạn chế học sinh học không hiểu nên chán, chứ đừng nói thầy cô yếu chuyên môn yếu sư phạm thì học sinh chẳng muốn học. Có câu từ xưa “danh sư xuất cao đồ” và thực tế cho thấy những thầy giỏi đều có học trò xuất sắc từ xưa tới nay. Nếu cứ để tình hình như hiện nay học sinh yếu kém vẫn thành thầy thì hệ lụy vô cùng lớn, mong rằng Bộ Giáo dục hãy quyết liệt trong việc chỉnh đốn việc đào tạo thầy cô giáo trong thời gian ngắn,đừng để học sinh Việt Nam mang tiền bạc lũ lượt ra nước ngoài đi học từ phổ thông, rồi ở lại mà chẳng muốn về Tổ Quốc”.

Độc giả Xuân Vi đồng tình nêu ý kiến: “Thế cho nên tục ngữ mới có câu Thầy nào trò ấy. Thầy như bây giờ trò mai này sẽ ra sao? Em nào phúc dày mới được gặp và học những người thầy chân chính”.

Không chỉ đồng tình, ủng hộ quyết tâm tuyển sinh viên ưu tú vào các trường sư phạm của Bộ GDĐT trong năm 2018, độc giả Hoàng Sa còn hiến kế: “Chỉ cần giải quyết được 2 việc: 1. Sinh viên ra trường CÓ VIỆC LÀM NGAY mà không phải chạy chọt, đút lót chỗ này, chỗ nọ. 2. MỨC LƯƠNG TƯƠNG ĐỐI HỢP LÝ (giống như lực lượng vũ trang) thì sẽ có những con người ưu tú hoạt động trong môi trường sư phạm ngay”.

Tuy nhiên bên cạnh luồng quan điểm đồng tình, ủng hộ còn rất nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí phản đối khá gay gắt khi cho rằng ý tưởng của Bộ không mới và phi thực tế, khó thực hiện trong tình hình quản lý giáo dục như hiện nay.

Cũng tại báo Giáo dục Việt Nam, độc giả có nickname là vinh khai nam nêu ý kiến với nhiều trăn trở: “Khó lắm đấy, không dễ đâu. Cái chính của GD là phải hoàn thiện lại bộ máy tứ trên xuống, xây dựng lại các quy định chế độ của GV và HS, xây dựng lại chương trình, giáo trình cho cụ thể không nên chung chung nữa, trường nào yếu kém thì giải tán không nên để họ lừa ngươì học nữa. Chương trình đào tạo, tốt nhất cái gì của GV phải trả đủ cho GV cái nào của hoc sinh trả đủ cho học sinh, không nên bớt xén khẩu phần kiến thức của nguoi học nữa”.

Độc giả có nickname là Đông Hưng lại cho rằng “mệnh lệnh” của tư lệnh ngành là thiếu thực tế, độc giả này bình luận như sau: “Phụ huynh sẽ vô cùng biết ơn chỉ đạo của của ngài Bộ trưởng khi chỉ tuyển những học sinh ưu tú nhất vào trường sư phạm. Chắc hẳn rồi, vì tương lai HS sẽ được học những thầy cô giáo giỏi, ai mà không vui cơ chứ. Nhưng chắc ngài BT lại quên mất một điều rằng những học sinh ưu tú mà ngài BT đang hướng đến kia có nhu cầu vào trường sư phạm hay ko mới là điều quan trọng? Các HS ưu tú ấy hiếm lắm và các em có thích thú với nghề dạy học hay không, khi mà học xong sư phạm thì cả một tương lai ảm đạm có thể đang đón chờ họ: họ chắc sẽ có việc làm chứ ? Những ngươì quản lý họ sẽ là ai (có phải tất cả họ đều tương xứng với những nhân tài vừa mới ra trường)? Và điều quan trọng nhất mà ai cũng thừa hiểu nhưng ko thể giải quyết được đó là LƯƠNG; sẽ chẳng có phép màu nào có thể ưu đãi thu nhập cho riêng đối tượng ưu tú này cả… Tóm lại đây là ý tưởng lương thiện nhưng cực kỳ thiếu thực tế”.

Đồng tình với ý kiến trên, bạn đọc Lê Quý Linh bình luận bằng nhiều câu hỏi: “Bộ trưởng nói thế thì dân mừng quá. Thưa Bộ trưởng học xong ra trường thì tân thầy cô giáo làm gì?đó mới là vấn đề chính, bộ trưởng nói như thế không sợ là lời nói gió bay à? Bộ trưởng mơ làm sao được như các trường công an, quân đội vì học xong các trường này có ngay nơi nhận .Tôi là dân đen còn nhìn ra mà sao bộ trưởng không nhìn ra ? Mỗi năm nước ta cần bao nhiêu giáo viên các cấp, thế mà cứ thi nhau đào tạo, học xong đỗ bằng giỏi còn chăn lợn thì học để làm gì thưa bộ trưởng ?

Độc giả có nickname Moi Ke Toan lại cho rằng “Bộ trưởng có dắt tay từng học sinh giỏi vào trường sư phạm được không khi chúng (HS ưu tú) không nộp đơn xin vào sư phạm và BGD cũng làm gì có quyền xếp lương cho giáo viên cao nhất như vẫn nói cho vui từ trước tới giờ. “Có thực mới vực được đạo” vẫn là câu nói hay!!!”

Độc giả có nickname là dungha nêu quan điểm của mình như sau: “Bộ trưởng quyết tâm là một chuyện còn có nguyện vọng theo ngành sư phạm không lại là quyền quyết định của học sinh và phụ huynh. Cứ cái tình trạng cử nhân đại học hưởng lương trung cấp, cao đẳng 1 tháng không nổi 3 triệu ý thì thôi đi làm công nhân cho nhanh. Sau này đỡ mất tiền chạy chọt lương không đủ tiêu. Bộ trưởng quy hoạch với tái cấu trúc các trường sư phạm cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Ông không thể đòi người giỏi cống hiến khi mà chế độ đãi ngộ chưa đầy 3 triệu đông cho một cử nhân mới tốt nghiệp trong khi lương công nhân làm samsung cũng khoảng 8 triệu một tháng”.

Vấn đề tiền lương của ngành giáo dục có lẽ được nhiều độc giả quan tâm, vì đây có lẽ là một trong những yếu tố quan trọng thu hút học sinh giỏi vào học ngành sư phạm và gắn bó lâu dài với nghề dạy học, bạn đọc có nickname Nhu Du cho rằng: “Lương giáo viên như hiện nay người tài có đăng ký vào sư phạm đâu mà tuyển sinh. Cứ tình hình nay mà tuyển sinh mà đòi tuyển học sinh ưu tú thì các trường SP không có sinh viên mà đào tạo đâu”.

Cùng chung quan điểm bạn đọc có nickname David Nguyen cho rằng: “Với suy nghĩ của bản thân, tôi cho rằng, chúng ta cần phải thực hiện đồng thời các nhiệm vụ sau để nghề giáo thực chất là nghề cao quí nhất. Thứ nhất, Chính phủ cần gấp rút đề ra và thực hiện biện pháp đưa mức lương cho giáo viên lên ngang bằng hoặc hơn các ngành an ninh, quân đội, chứ không phải chỉ đưa ra quan điểm chung chung như trên các phương tiện truyền thông đã đăng tải. Thứ hai, các cấp lãnh đạo cần quyết liệt tái cơ cấu hệ thống GD”.

Và còn rất nhiều các ý kiến đồng tình ủng hộ cũng như những bình luận thiếu tin tưởng vào tính khả thi về “mệnh lệnh” của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi thể hiện quyết tâm “từ năm 2018 sư phạm chỉ tuyển những học sinh ưu tú nhất”. Điều này chứng minh một điều rằng, lĩnh vực giáo dục và đào tạo chưa khi nào và chưa bao giờ nhận được nhiều sự quan tâm của đội ngũ giáo chức nói riêng và của toàn xã hội nói chung đến như vậy. Và cho dù không có đồng quan điểm nhưng tất cả đều chung một mong muốn Việt Nam có nền giáo dục tiên tiến và phát triển.

Chúng tôi xin khép lại bài viết bằng ý kiến của một bạn đọc Trên báo VOV điện tử: “Bộ ta đang tiến hành đổi mới, giáo viên cũng rất ủng hộ việc đổi mới. Nhưng đổi mới như thế nào, cách làm ra sao thì hãy lắng nghe ý kiến của giáo viên – những người trực tiếp thực hiện đổi mới. Trước khi thực hiện một việc gì đó có tác động sâu sắc đến giáo viên, xin hãy cho chúng tôi được góp ý trực tiếp.

Nhiều cơ sở chỉ có lãnh đạo đi góp ý, lại sợ phật ý cấp trên nên cố tình nói theo kiểu cổ vũ, đồng tình chứ không dám đưa ý kiến khác biệt. Tôi nghĩ sự phản biện của giáo viên và góp ý của chính học sinh, phụ huynh học sinh mới là cơ sở quan trọng để đưa sự đổi mới đi đúng hướng”.

Phòng GDĐT Ngọc Hồi (Tổng hợp).