Đối thoại gay gắt giữa hội đồng thẩm định sách và giáo sư Hồ Ngọc Đại. “Anh khinh bỉ người khác, người khác cũng khinh bỉ anh”
Lượt xem:
Ý kiến có phần công kích giữa các GS trong hội đồng thẩm định và phía GS Hồ Ngọc Đại đã làm cho cuộc đối thoại có những lúc rơi vào cãi cọ, nặng lời, xúc phạm nhau.
9h sáng nay 3-1, Bộ GD-ĐT tổ chức đối thoại với đại diện chương trình Công nghệ Giáo dục là GS-TSKH Hồ Ngọc Đại và PGS-TS Nguyễn Kế Hào – theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hơn 1 tháng trước.
Chủ trì đối thoại về phía Bộ GD-ĐT là Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ.
Phía Công nghệ giáo dục ngoài GS-TSKH Hồ Ngọc Đại, PGS-TS Nguyễn Kế Hào còn có các cộng sự của hai ông tham gia quá trình triển khai Công nghệ giáo dục, tham gia hoàn thiện các sách giáo khoa theo phương pháp Công nghệ giáo dục.
“Thứ trưởng có đủ thẩm quyền quyết định những vấn đề Thủ tướng giao không thì mới làm việc tiếp. Vì tôi biết có những văn bản Thứ trưởng ký rồi nhưng Bộ trưởng vẫn thu hồi được”
Ông Nguyễn Kế Hào
“Tôi được Bộ trưởng ủy quyền và có thể quyết được”
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ
“Không phải mọi kết luận của hội đồng đều được tất cả các chủ biên tán thành, nhưng đó là ý kiến xác đáng. Chúng tôi biết viết sách lớp 1 là khó nhất. Nên hội đồng thẩm định cũng rất linh hoạt, rộng rãi. Tôi khẳng định hội đồng làm việc nghiêm túc, cũng không đến nỗi cũ kĩ về tư duy đâu. Về thái độ thì rất khách quan”.
PGS Trần Kiều – chủ tịch hội đồng thẩm định môn toán
“Bộ sách bị loại, tôi không oán trách nào đối với các thành viên hội đồng thẩm định. Vì họ phải làm đúng trách nhiệm được giao. Cái quan trọng là nơi giao trách nhiệm cho họ”
GS Hồ Ngọc Đại
“Thoạt nhìn sách của thầy Đại thì thấy khó. Nhưng khi xem thiết kế sách cho giáo viên và nhìn vào thực tiễn tập huấn giáo viên của thầy Đại thì lại thấy tốt”
PGS-TS Lê Anh Vinh – Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Mở đầu buổi đối thoại, ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ GD tiểu học Bộ GD-ĐT – thông tin lại vắn tắt quá trình thẩm định sách giáo khoa mà Bộ GD-ĐT đã tổ chức thực hiện. Theo ông Thái Văn Tài, quy trình tiếp nhận hồ sơ đăng ký thẩm định sách giáo khoa, việc thành lập hội đồng thẩm định quốc gia, quá trình thẩm định sách giáo khoa đã diễn ra đúng quy định.
“Thành viên hội đồng thẩm định có 15 ngày nghiên cứu sách giáo khoa độc lập, sau đó có các buổi làm việc chung và nghe đối thoại của tác giả sách giáo khoa đăng kí thẩm định. Cuối cùng, các thành viên tiếp tục làm việc độc lập và tiến hành bỏ phiếu. Hội đồng sẽ gặp gỡ thông báo cho tác giả sách giáo khoa ý kiến đánh giá của hội đồng. Như vậy trong quá trình thẩm định đã có 2 lần tác giả được gặp nghe ý kiến, đối thoại với hội đồng thẩm định”- ông Thái Văn Tài cho biết.
Theo thông tin của Bộ GD-ĐT, trong đợt thẩm định đầu tiên, có 49 bản thảo sách giáo khoa đăng kí, trong đó có 38 bản thảo được hội đồng đánh giá đạt, 11 bản thảo không đạt ở cả vòng 1 và 2. Những sách giáo khoa đạt lại tiếp tục được rà soát, tham vấn ý kiến các cơ quan liên quan trước khi trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt.
Hiện có 32 SGK đã được phê duyệt. Trong 11 SGK hội đồng đánh giá không đạt có những cuốn được tác giả sửa chữa có nhu cầu thẩm định lại, có SGK bảo lưu quan điểm nên không gửi thẩm định lại.
Về ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc đối thoại về “Chương trình thực nghiệm”, ông Thái Văn Tài cho biết năm 2017, Bộ GD-ĐT đã thành lập hội đồng thẩm định chương trình Thực nghiệm theo 2 vòng.
Hội đồng gồm 13 thành viên do Viện Khoa học Giáo dục thành lập.
Hội đồng đã trình bộ trưởng kết quả đánh giá vòng 1 chương trình Thực nghiệm phù hợp với chương trình hiện hành và cho phép thực hiện 1 năm trước khi chương trình GD phổ thông mới triển khai.
Ở vòng 2 hội đồng cũng khẳng định có một số ý kiến góp ý từ vòng 1 đã được tác giả sửa chữa, nhưng còn một số nội dung chưa sửa chữa. “Việc đánh giá chương trình thực nghiệm đã làm từ năm 2017 và có kết luận”- ông Thái Văn Tài khẳng định.
“Thứ trưởng đủ thẩm quyền quyết mới làm việc tiếp”
Kế tiếp phần trình bày của ông Thái Văn Tài, PGS-TS Nguyễn Kế Hào nói ông đến buổi đối thoại là để gặp, trao đổi với Bộ trưởng, nhưng rất tiếc là Bộ trưởng không có mặt.
Nói trực tiếp vào chương trình Tiếng Việt Công nghệ giáo dục, PGS-TS Nguyễn Kế Hào dẫn chứng kết quả cụ thể triển khai tại các tỉnh, thành. Trong đó có những tỉnh khó khăn. Phản hồi của cán bộ quản lý, giáo viên ở các địa phương về Tiếng Việt Công nghệ cũng rất tốt.
“Trẻ em học Tiếng Việt công nghệ giáo dục nhanh, chắc, không tái mù, không nói ngọng”, đó là sự thật được ông Nguyễn Kế Hào nhắc lại. Ông Hào cũng nhắc lại thời kì ông làm vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học đã linh hoạt triển khai bốn chương trình theo một mục tiêu thống nhất để phù hợp với điều kiện dạy học khác nhau.
Nhờ có cách đó thì Việt Nam mới hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ. Với những điều dẫn giải, PGS-TS Nguyễn Kế Hào bày tỏ bức xúc khi bộ sách Công nghệ giáo dục bị loại. Ông cho rằng Bộ GD-ĐT đã áp dụng quan điểm chưa linh hoạt, mềm dẻo khi chỉ đạo việc thẩm định SGK.
Ông Hào cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT cần đi các địa phương để xem việc dạy Tiếng Việt công nghệ giáo dục như thế nào. Và cần thực hiện lời dạy của Bác Hồ là điều gì tốt cho dân thì cố gắng làm.
“Tôi đến với một ý định duy nhất”
Trong phần trao đổi của mình, GS-TSKH Hồ Ngọc Đại nói ông đến cuộc đối thoại này chỉ muốn được xác nhận bộ SGK này (bộ sách Công nghệ giáo dục) được sử dụng cho năm học mới.
GS Hồ Ngọc Đại cho biết đã nghiên cứu, thực nghiệm 40 năm và dạy Công nghệ giáo dục tại Nga. Trong 40 năm đó, ông không hề xa dời việc dạy học trong nhà trường. Và khẳng định tiểu học là bậc học vô cùng quan trọng. Từ những gì nghiên cứu, thực nghiệm, ông khẳng định ông chịu trách nhiệm với những gì ông viết ra và không thể sửa chữa.
Nói cụ thể về viết sách cho học sinh tiểu học, ông bày tỏ quan điểm mỗi lớp chỉ dạy rất ít khái niệm mang tính cốt lõi. “Tiếng Việt là môn Khoa học, các khái niệm của nó là khái niệm khoa học. Tiếng Việt lớp 1 chỉ có 1 khái niệm là tiếng. Lớp 2 là từ và câu, lớp 3 là ngữ, lớp 4,5 là bài”- GS Đại nói.
Cần một cách thẩm định khác
Trao đổi từ trải nghiệm của mình, ông Nguyễn Kế Hào cho rằng việc dạy học cho trẻ tiểu học cần mềm dẻo, linh hoạt. Vì thế không nên loại một bộ sách đã được thực tế kiểm nghiệm và đạt hiệu quả tốt.
“Cách xử lý vấn đề này không khó. Bộ trưởng vẫn dựa vào các hội đồng thẩm định và có thể giao cho hội đồng làm việc theo tinh thần đổi mới, cởi mở hơn. Vẫn theo đánh giá của Thông tư 33, nhưng các chỉ báo được vận dụng linh hoạt hơn để giữ bản sắc riêng cho mỗi bộ sách.
Điều căn bản là thực hiện được mục tiêu và chuẩn đầu ra của từng lớp, cấp học. Cần chú trọng đánh giá qua thực tiễn, đây mới là thước đo đáng tin cậy, không thể thiếu trong đánh giá sách, đánh giá hoạt động dạy học ở tiểu học” – Ông Nguyễn Kế Hào đưa ra quan điểm và cũng là gợi mở cho hướng xử lý của Bộ GD-ĐT.
Ông Hào cũng viện ra ý kiến của GS Trần Ngọc Thêm khi cho rằng “Sách của GS Đại cần một cách thẩm định khác”. Nói chung về việc thẩm định các bộ sách giáo khoa, ông Nguyễn Kế Hào cũng nói thêm: Bộ GD-ĐT nên coi việc thẩm định sách giáo khoa chỉ là một bước, tiếp theo cần đưa các sách giáo khoa đã qua thẩm định dạy thử nghiệm một một thời gian.
“Tôi khẳng định hội đồng làm việc nghiêm túc”
Trao đổi tại buổi đối thoại, PGS Trần Kiều – chủ tịch hội đồng thẩm định môn toán – cho biết: “Không phải mọi kết luận của hội đồng đều được tất cả các chủ biên tán thành, nhưng đó là ý kiến xác đáng. Chúng tôi biết viết sách lớp 1 là khó nhất. Nên hội đồng thẩm định cũng rất linh hoạt, rộng rãi. Tôi khẳng định hội đồng làm việc nghiêm túc, cũng không đến nỗi cũ kĩ về tư duy đâu. Về thái độ thì rất khách quan”.
Nói về kiến nghị thẩm định bộ sách Công nghệ giáo dục, PGS Trần Kiều bày tỏ quan điểm: “Bao giờ có một chương trình mới, sẽ có những sách giáo khoa mới phù hợp với chương trình. Có những cuốn sách giáo khoa rất hay nhưng vẫn phải ngừng. Không thể lấy việc có nhiều học sinh đang học thì phải được tiếp tục”.
Ông Kiều nói thẳng nếu vì bộ sách của GS Đại đặc biệt thì phải thẩm định đặc biệt thì nếu không cẩn thận, các nhóm tác giả sách giáo khoa khác sẽ phản ứng.
Khá gay gắt, ông Trần Kiều cho rằng GS Đại chỉ nên viết sách tham khảo. Vì sách giáo khoa của GS Đại phải viết lại, vì có tới 160 lỗi chứ không ít. GS-TSKH Hồ Ngọc Đại phản biện lại: “Ở đây là là sự khác biệt về tư duy kinh nghiệm và khoa học”
Cách ông Trần Kiều phát biểu là “tư duy kinh nghiệm của môt người dạy thêm lão luyện” nên không phù hợp”. Bày tỏ thái độ có phần thiếu thiện chí, PGS Trần Kiều cho biết ông nể GS Đại vì ông là nhà tâm lý học, không phải nhà toán học “nhưng lại viết sách giáo khoa toán”.
Đến lượt GS Trần Đình Sử khi “đối thoại” với GS Đại lại cho rằng “GS Đại là nhà toán học, nhà tâm lý học nhưng không hiểu về Văn học. Tư duy của GS Đại là “tư duy tự do”.
Trên thực tế, GS-TSKH từng bảo vệ luận án TS về Toán, nhưng ông cũng là một nhà Tâm lý học. Trong thời gian làm việc tại Liên Xô (cũ) ông nghiên cứu và thực nghiệm về toán.
Sự đối thoại có phần công kích giữa các GS trong hội đồng thẩm định và phía GS Hồ Ngọc Đại đã làm cho cuộc đối thoại có những lúc rơi vào cãi cọ, nặng lời, xúc phạm nhau.
PGS Trần Kiều bất bình khi cho rằng những quan điểm nào trái quan điểm GS Đại thì ông Đại phản đối. Còn GS Trần Đình Sử đã mất bình tĩnh trước phản ứng tiêu cực của GS Đại nên cho rằng nếu cứ như thế ông sẽ khinh bỉ, không nói chuyện.
Chừng mực hơn, GS Mai Ngọc Chừ, hội đồng thẩm định môn Tiếng Việt cho biết cháu của ông học Tiếng Việt công nghệ GD nên ông cũng thừa nhận những ưu điểm của Tiếng Việt Công nghệ GD. Nhưng ông và các thành viên hội đồng thẩm định SGK theo yêu cầu của chương trình GD mới nên phải đảm bảo các tiêu chí đã đề ra. Ông Chừ cho rằng GS Đại nên sửa sách để thẩm định lại.
“Thích cách tiếp cận của GS Đại”
PGS-TS Lê Anh Vinh – Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đồng thời là tác giả môn Toán của một nhóm viết SGK khác – khi chia sẻ tại cuộc đối thoại đã đánh giá thành công của GS Hồ Ngọc Đại ở khâu tập huấn giáo viên.
Ông Vinh cho biết đã nghiên cứu rất kĩ sách Toán của Công nghệ GD các thời kì và SGK đã đưa thẩm định mới đây. “Thoạt nhìn sách của thầy Đại thì thấy khó nhưng khi xem thiết kế sách cho giáo viên và nhìn vào thực tiễn tập huấn giáo viên của GS Đại thì lại thấy tốt”- ông Vinh nói.
Theo ông Vinh thì sách chỉ là tài liệu, còn quan trọng vẫn là người thầy dạy như thế nào. Ở đây, điểm mạnh của sách GS Đại là tập huấn giáo viên rất kĩ, là cách thiết kế tổ chức dạy học làm cho học sinh được học tích cực. Ông Vinh cũng khẳng định là một người làm Toán, ông thích cách tiếp cận của GS Đại ở sách Toán. Nhưng nếu GS có điều chỉnh để trẻ tiếp cận trực quan hơn thì sẽ nhiều học sinh tiếp cận hơn. Ông Vinh cho rằng sách đã qua phép thử của thời gian 40 năm thì khó có thể nói nó không tốt.
Về câu hỏi “Sách của GS Đại có phù hợp với chương trình không?”, ông Vinh nêu quan điểm rằng cứ nói chương trình cũ, chương trình mới không nên nghĩ nó quá xa rời nhau. Theo ông Vinh thì chương trình có chuẩn đầu ra, dạy học như thế nào để đảm bảo chuẩn đầu ra là được. Không nên quy định cứng nhắc. Giống như xây ngôi nhà cho thầy, trò ở thoải mái thì không nên quy định nhà phải như thế nào mà nên nhìn vào mục đích sử dụng được đặt ra.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Khó thực hiện cách thẩm định khác
Kết luận buổi đối thoại, trả lời câu hỏi PGS-TS Nguyễn Kế Hào đặt ra, ông Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ đã làm theo Nghị quyết của Quốc hội. Vì thế trong quy định thẩm định SGK, hồ sơ SGK gửi lên thẩm định đã phải có thực nghiệm rồi. Việc thẩm định nhằm mục đích công bố cho xã hội những cuốn sách phù hợp để sử dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì thế nếu cho rằng thẩm định chỉ là bước 1 và tiếp tục thực nghiệm thì chưa thật đúng.
Việc cho sách Công nghệ giáo dục một cách thẩm định khác như ý kiến của GS Trần Ngọc Thêm khó thực hiện vì cần phải công bằng giữa các bộ SGK. “Nếu được thì thầy nghiên cứu phương án điều chỉnh SGK để đảm bảo yêu cầu”- ông Nguyễn Hữu Độ đề nghị với GS-TSKH Hồ Ngọc Đại. Một trong những mục tiêu khi thực hiện chương trình giáo dục mới là khuyến khích có nhiều bộ SGK đa dạng sử dụng trong các nhà trường.
Sẽ tiếp tục ý kiến lên cấp trên
“Tôi sẽ tiếp tục có ý kiến lên cấp trên” – PGS-TS Nguyễn Kế Hào khẳng định điều này. Ông cho rằng nếu Thứ trưởng thay mặt Bộ trưởng giải đáp thế là chưa thỏa đáng”. Ông Hào cho biết rất nhiều khái niệm bây giờ Bộ GD-ĐT mới nói nhưng ở trường thực nghiệm, những nơi thực hiện Công nghệ giáo dục đã làm từ lâu.
Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại không phải chương trình cải cách giáo dục năm 1981, cũng không phải chương trình giáo dục hiện hành mà là nghiên cứu trong một quá trình với việc thực nghiệm nghiêm túc, rộng rãi.
“Chúng tôi không chống lại chương trình mới, mà chúng tôi dùng chương trình mới với quan điểm mới, phương pháp mới. Cái mới này tôi nhìn thấy trước thì nói trước, chứ không hề cũ so với yêu cầu được viết mới bây giờ. Có thể đổi mới nhưng không thể hy sinh hệ tư tưởng mới. Cách Bộ GD-ĐT đang đổi mới như hiện nay chỉ là cách viết khéo lại cái cũ. Chúng tôi mới là mới”, GS-TSKH Hồ Ngọc Đại nói ở cuối cuộc đối thoại.
Đã thực hiện ở 48 tỉnh, thành
Công nghệ giáo dục với tư tưởng nhất quán lấy học sinh làm trung tâm, dạy học theo cách “thầy thiết kế, trò thi công” được GS-TSKH Hồ Ngọc Đại triển khai nghiên cứu, thử nghiệm từ năm 1978.
Trong hơn 40 năm, theo những người thực hiện, Công nghệ giáo dục đã chứng minh được hiệu quả từ việc dạy thử nghiệm đến thực hiện đại trà ở 48 tỉnh, thành. Trong đó từ năm 2006 đến nay, Tiếng Việt theo phương pháp Công nghệ giáo dục đã được Bộ GD-ĐT đưa trở lại với vai trò là giải pháp tăng cường dạy Tiếng Việt cho học sinh vùng khó khăn, cứu vãn tình trạng sa sút về chất lượng dạy học Tiếng Việt.
Khi Bộ GD-ĐT chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, Bộ GD-ĐT thành lập hội đồng thẩm định quốc gia để thẩm định các sách giáo khoa phục vụ việc dạy học theo chương trình mới.
Các sách giáo khoa của Công nghệ giáo dục do GS-TSKH Hồ Ngọc Đại cũng đăng kí thẩm định nhưng đã bị loại ngay từ vòng đầu thẩm định.
Trong ba sách giáo khoa của Công nghệ giáo dục là sách Tiếng Việt, Toán, Đạo đức cùng bị loại, sách Tiếng Việt gây bất ngờ nhất cho dư luận và cho các cơ sở giáo dục đang thực hiện Tiếng Việt Công nghệ giáo dục ở nhiều tỉnh thành.
Nhất là khi một số bản thảo sách giáo khoa khác được hội đồng thẩm định đánh giá “đạt nhưng cần sửa chữa” để đăng kí thẩm định vòng 2 thì các sách giáo khoa của Công nghệ giáo dục bị coi là có quá nhiều nội dung cần sửa, nên không thể đủ thời gian sửa chữa kịp đăng kí thẩm định vòng 2.
GS-TSKH Hồ Ngọc Đại không có ý kiến chính thức phản bác quyết định của hội đồng thẩm định. Nhưng khi chia sẻ với báo chí, ông khẳng định sẽ không sửa các sách giáo khoa do mình chủ biên theo ý kiến Hội đồng thẩm định, do không nhất trí với quan điểm của hội đồng. Theo quy định hiện hành, nếu các SGK Công nghệ giáo dục không được phê duyệt thì Công nghệ giáo dục sẽ phải ngừng dạy học ở các tỉnh, thành.
Ngay sau sự việc này, PGS-TS Nguyễn Kế Hào, người từng từ chức Vụ trưởng vụ GD tiểu học- Bộ GD-ĐT để bảo lưu quan điểm linh hoạt trong áp dụng chương trình GD phù hợp với các vùng miền trên cả nước đã có bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội và Bộ GD-ĐT thể hiện quan điểm không đồng tình với kết quả của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa.
Đối thoại để được đánh giá công tâm
GS-TSKH Hồ Ngọc Đại và PGS-TS Nguyễn Kế Hào cho rằng điều họ trông đợi ở Bộ GD-ĐT không chỉ là tổ chức thẩm định lại sách giáo khoa Công nghệ giáo dục theo quy trình, tiêu chí và quan điểm thẩm định tương tự như đã làm đợt đầu mà họ cần đối thoại để Bộ GD-ĐT đánh giá công tâm, khách quan thành quả của Công nghệ giáo dục đã triển khai trên thực tiễn, rà soát lại việc thẩm định SGK để tránh việc vận dụng quy định cứng nhắc.
Đối thoại “nảy lửa” giữa Bộ GD-ĐT và GS Hồ Ngọc Đại. Kênh VCT1
GS Trần Đình Sử: “Anh khinh bỉ người khác, người khác cũng khinh bỉ anh”
Theo: TuoitreOnline.