Giáo dục quyền uy tạo ra ‘người máy’: Cần tôn trọng sự khác biệt
Lượt xem:
Cách dạy học dễ dàng nhất là giáo viên đưa ra một ‘mệnh lệnh’, một yêu cầu và tất cả học sinh phải đồng loạt theo, nhưng để học sinh không bị biến thành ‘người máy’ thì việc dạy học hướng tới cá nhân hóa là đòi hỏi tất yếu.
Từng học sinh có năng lực khác nhau nên cách đánh giá phải khác để các em có cơ hội phát huy ưu điểm. Ảnh: Ngọc Dương.
“Không sáng tạo chỉ có đi làm thuê mà thôi !”
Đã có rất nhiều ví dụ được nêu ra vì sự khiên cưỡng đến nực cười của phương pháp giáo dục kiểu khuôn mẫu, máy móc. Tả ông bà thì phải lưng còng, tóc bạc, da mồi mặc dù nhiều ông bà còn trẻ, vẫn lái ô tô, xe máy đi lại hằng ngày…, chỉ cần làm khác là sẽ bị giáo viên (GV) gạch đi hoặc trừ điểm. Học sinh (HS) được học thuộc lòng về phương pháp giải toán để đi thi lấy điểm cao nhưng không hề biết bản chất của bài toán. Các trường thường quan tâm nhiều đến việc học những đơn vị kiến thức nào, giải được bao nhiêu dạng bài tập, điểm số ra sao…
GS Đỗ Đức Thái, Trưởng khoa Toán – Tin, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thẳng thắn nhận xét: “HS Việt Nam thông minh nhưng gần như thiếu sự sáng tạo, mà không sáng tạo thì chỉ có đi làm thuê mà thôi”.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tây Hồ, Hà Nội, chia sẻ: Đi dự giờ nhiều tiết học thì thấy rằng GV đã quan tâm thay đổi phương pháp dạy học, sử dụng nhiều phương tiện, hình ảnh để minh họa cho bài giảng, cho HS làm việc nhiều hơn… Tuy nhiên, người có chuyên môn, quan sát kỹ sẽ thấy việc “bày” ra quá nhiều thứ cho một giờ dạy học đã thực sự hướng tới người học hay chưa thì lại là nội dung đáng bàn. Nhiều khi dạy HS bằng trình chiếu, bằng đồ dùng dạy học quá nhiều mà thiếu đi sự tương tác giữa thầy và trò sẽ khiến cho thầy không hiểu học trò của mình đang cần gì, có thực sự hiểu bài hay không.
Do vậy, theo ông Vũ, điều quan trọng nhất là phụ thuộc vào năng lực của HS, và đối tượng HS khác nhau. “Yêu cầu cá nhân hóa trong giáo dục là yêu cầu chúng tôi luôn nói với GV dù đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ hơn nhưng phải thực hiện bằng được”, ông Vũ nói.
Cô giáo Đinh Hồng Nhung, Trường tiểu học Lê Văn Tám (Lào Cai), cho hay việc dạy học hướng tới cá nhân hóa đòi hỏi GV phải kiên trì và mất nhiều công sức hơn. Chia sẻ trải nghiệm của bản thân, cô Nhung cho biết: “Không chỉ GV mà thói quen cô bảo sao, trò làm vậy của cách học truyền thống đã ăn sâu trong các em. Khi hoạt động nhóm hoặc làm việc cá nhân, thực hiện hết yêu cầu của một hoạt động cơ bản hay hoạt động thực hành, HS lại ngồi chờ đợi GV giao tiếp yêu cầu mặc dù các em có thể tự làm được”.
Thí sinh thi THPT quốc gia năm 2018. Ảnh: Ngọc Thành
Cứ để học sinh được quyền sai
Muốn để HS chủ động, theo cô Hồng Nhung, GV phải khắc phục “bệnh” nói nhiều: “Tôi cũng như nhiều GV khác lúc đầu cứ lo HS không hiểu bài nên phải nói thật nhiều. Nhưng khoảng 3 tháng đổi mới phương pháp, chúng tôi rút ra một bài học là cứ để HS trải nghiệm, được quyền sai và cứ để các em tự đúc kết thì kiến thức đó mới là của các em. HS được hình thành thói quen làm việc như vậy sẽ có ý thức được mình phải bắt đầu và kết thúc hành động thế nào, không chờ đến sự nhắc nhở của GV, tránh sự thụ động trong dạy và học”.
PGS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (Hà Nội), nêu quan điểm: Thói quen sử dụng “quyền lực” của người thầy hiện không còn phù hợp. Sử dụng quyền lực thái quá trong môi trường học đường tạo nên sự sợ hãi, căng thẳng ở thế hệ học trò. Cũng vì một chữ “sợ” mà không ít HS VN đang phải làm những điều mà các em không thích.
Ông Nam cho rằng để giúp HS có đủ tự tin và dũng cảm để nói lên ý kiến, suy nghĩ của mình dựa trên những giá trị tốt, trong cuộc sống hằng ngày, cha mẹ và GV phải giúp trẻ thấy được ai cũng có quyền được nêu chính kiến và được quyền bảo vệ. Cha mẹ và GV coi những lỗi lầm mà trẻ mắc phải là cơ hội để học tập.
Được tự chủ trong đánh giá học sinh
Cô Vũ Thị Tuyết Nga, GV Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội, được học trò yêu quý vì dày công lập hồ sơ tâm lý của HS, sử dụng phương pháp giáo dục cá thể hóa chăm lo tới từng HS. Cô Nga chia sẻ, trong những lớp học mà cô từng chủ nhiệm, có một số HS thích thì nghỉ học, nếu có đến lớp cũng chỉ quậy phá, không thể đáp ứng được yêu cầu cơ bản nhất về nội dung bài học… Nếu chọn giải pháp kỷ luật, thậm chí là đuổi học thì quá dễ dàng. Thế nhưng khi tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của HS, chủ động tiếp cận để nghe tâm tư của em thì GV đã tìm ra cách thức phù hợp. Cách làm của cô Nga là với những HS có khó khăn trong học tập cô sẽ không bao giờ đưa ra quá nhiều yêu cầu cùng một lúc như những HS khác mà hướng dẫn từng việc, từng bước.
PGS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục VN, thì mong muốn mỗi nhà trường được tự chủ nhiều hơn trong đánh giá HS, đánh giá GV, nhân viên dựa trên năng lực của họ, rồi đáp ứng nhu cầu của chính họ. Mỗi GV cần được đào tạo, bồi dưỡng để thực hiện công việc của mình, hướng đến giáo dục nhân cách của HS chứ không phải dùng quyền uy để áp đặt, nhồi nhét kiến thức.