Nhiều người có xu hướng cho rằng, học ở nước ngoài nhẹ nhàng và ít áp lực, nhưng thực tế, chương trình học của Australia nặng gần gấp đôi của Việt Nam. Ví dụ cụ thể là môn Toán. Theo hướng dẫn kiểm tra của Bộ Giáo dục và sách giáo khoa lớp 6 mới của Việt Nam, tôi bóc tách được 48 kỹ năng, tính cả 11 kỹ năng phát triển thêm từ lớp 5. Tuy nhiên chương trình khung của bang Queensland (tương tự các bang khác) bao phủ tới 89 kỹ năng, với 15 kỹ năng phát triển thêm từ lớp 5.
Nghịch lý này thực ra lại vô cùng hợp lý. Giáo dục phổ thông trang bị kiến thức làm hành trang cuộc sống. Cuộc sống càng hiện đại phức tạp, con người càng phải giải quyết nhiều vấn đề, và vì thế, càng phải được trang bị nhiều kỹ năng. Nếu nhìn vào sự khác biệt giữa hai chương trình học, không khó để nhận ra các kỹ năng của Việt Nam chủ yếu tập trung vào giải toán, ví dụ các loại phép tính với phân số. Tuy nhiên, chương trình của Australia còn phủ thêm kỹ năng giải quyết vấn đề cụ thể, như chuyển đổi tiền tệ. Về nguyên tắc toán học, nếu biết làm phép tính với phân số thì có thể chuyển đổi tiền tệ, nhưng về lý thuyết sư phạm, đây có thể là khác biệt mấu chốt tạo nên áp lực học tập.
Thứ nhất, mọi người đều dễ nhận thấy, học không gắn với thực hành khiến người học không hiểu vì sao phải học, chỉ như cái máy lặp lại các kỹ năng. Trẻ em mất hứng thú và đến trường với tâm lý nặng nề, chối bỏ. Ngược lại, nếu được hướng dẫn để ứng dụng lý thuyết vào cuộc sống, trẻ sẽ cảm thấy tự tin và ham học, muốn đến trường để biết thêm những điều bổ ích, những chân trời mới lạ.
Yếu tố thứ hai, có thể cũng nhiều người nhận ra, là việc có ít kỹ năng hơn khiến nội dung các bài kiểm tra có xu hướng đào sâu và chú trọng vào sự thành thạo. Điều này tạo áp lực rất lớn cho học sinh Việt Nam. Theo lý thuyết sư phạm, để đạt tới 95% độ thành thạo một kỹ năng, các em cần nỗ lực gấp bốn lần so với đạt 70%. Nội dung học của Việt Nam ít hơn nhưng học sinh phải “cày ải” nhiều hơn, đặc biệt là những thứ chưa hiểu dùng để làm gì. Trong khi đó, Australia chú trọng vào việc hiểu và áp dụng vấn đề. Bài kiểm tra không có độ khúc khuỷu, biết/ hiểu là làm được; việc học không phải “cưỡi ngựa xem hoa”, mà có áp dụng cụ thể. Vì thế nội dung học của Australia rộng hơn, mà áp lực nhẹ nhàng và nhiều hứng thú hơn.
Điều thứ ba, có thể ít người nhận ra hoặc coi như đương nhiên, là sự khuyết thiếu yêu cầu làm việc nhóm. Do tính chất đào sâu, việc học và kiểm tra hầu hết các môn học đều là điểm cá nhân. Học là mỗi người tự học, thi là mỗi người tự thi. Thậm chí một số môn đòi hỏi phối hợp như bóng rổ cũng thi bằng cách mỗi người tự ném bóng vào rổ.
Tâm lý chung của trẻ là sợ cô đơn và ngại đối diện với vấn đề một mình, không có điểm nương tựa. Quá trình này kéo dài sẽ gây trầm cảm. Đây cũng là một trong các lý do khiến tỷ lệ tự tử ở học sinh các nước Nhật, Hàn lại cao. Các nước này đề cao tự lập và cho rằng việc không thể tự làm là đáng thất vọng. Giáo dục Australia cho học sinh nhiều quyền quyết định và đề cao tự chủ, nhưng không quên nhấn mạnh vào tương tác. Điều này làm trẻ hiểu việc có đồng đội và dựa vào đồng đội những lúc nhất định trong cả một chặng đường dài không phải là xấu, miễn sao mỗi người đều có giá trị và đóng góp đúng mực cho sự phát triển của nhóm.
Vậy để không tự tạo áp lực, rất cần có lời giải thích hợp lý cho cả ba vấn đề trên. Thứ nhất, chương trình giáo dục của Việt Nam có thể cân nhắc đến việc tăng khía cạnh ứng dụng, giảm tính hàn lâm. Điều này Bộ Giáo dục đang làm, nhưng còn cách rất xa yêu cầu. Giảm sự đòi hỏi về việc thành thạo kỹ năng là điều thứ hai nên tính tới. Mặc dù có câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, nhưng giáo dục phổ thông không nhằm bồi dưỡng học sinh giỏi. Các kỹ năng làm việc, giải quyết vấn đề sẽ có giá trị hơn là tinh thông nhiều mẹo tính nhẩm. Thứ ba, khung điểm mười nên được thay bằng cách đánh giá đạt/không đạt với một số môn hoặc nội dung không trọng tâm, đặc biệt với cấp 2, 3. Điều này một mặt giúp giải tỏa áp lực được điểm tối đa; mặt khác, tạo điều kiện áp dụng các nội dung đánh giá tập thể.
Tóm lại, việc học ở Việt Nam nặng nề là do chúng ta (bao gồm cả nhà trường và gia đình) đã tự gia tăng cho chính mình áp lực phải thành thạo, đặc biệt là thành thạo những thứ không cần thiết.
Trừ đặc thù nghề nghiệp, rất hiếm người phải giải phương trình bậc ba, so sánh tính chất hóa học của kim loại hay đọc thuộc thơ Bà Huyện Thanh Quan khi đi làm. Vậy trẻ phải đọc như thần chú hay tụng kinh tất cả những thứ đó để làm gì?
Bài viết được đăng lại từ vnexpress.net