Hư hư thực thực
Lượt xem:
Sáng Chủ nhật hàng tuần, bạn bè tôi ngồi uống cà phê. Một anh khơi chuyện rằng bây giờ đi đâu cũng chỉ thấy nói dối, nghe gì cũng phải nghĩ “có thật thế không?”.
Ảnh minh họa.
Một người khác thử lý giải. Anh nghe một giáo sư tên tuổi “phát hiện” rằng dân ta bị cả mấy nghìn năm phong kiến kìm kẹp hà khắc nên phải nói dối mới sống được. Nói dối lâu ngày nên thành bệnh di truyền. Chứng cứ là chuyện Cuội nói dối, câu thành ngữ “nói dối như Cuội” được coi như một lẽ sống dân gian. Tôi rất lưu tâm về nhận xét này.
Trong khoảng hai tuần qua, có tới vài chục cuộc điện thoại của phóng viên các báo gọi tới tôi. Họ muốn phỏng vấn về việc cả Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh đều đưa ra dự thảo giá đất của nhà nước (gồm khung giá đất của Chính phủ và bảng giá đất của UBND cấp tỉnh) cho năm năm tới tăng thêm khoảng 30% so với hiện hành. Sau đó, Hà Nội lại lùi mức tăng chỉ có 15%. “Ông nghĩ như thế nào về sự việc này”, họ hỏi, “và việc tăng giá đất của nhà nước như vậy có gây khó trong thực hiện bồi thường khi nhà nước thu hồi đất không?”.
Tôi tư duy một mình mà buồn quá. Tại sao pháp luật lại phải nói dối như vậy? Hơn thế lại còn nói dối kép nữa. Luật Đất đai 2013 đã quy định giá đất của nhà nước “phải phù hợp giá đất trên thị trường” và chỉ được sử dụng để tính thuế, phí về đất đai, một số việc phụ khác. Việc tính bồi thường khi nhà nước thu hồi đất phải thực hiện khâu định giá đất cho từng trường hợp cụ thể.
Tôi đã trả lời chân thực nhất. Ý thứ nhất, tôi nói: “Tôi không quan tâm giá đất mới tăng bao nhiêu phần trăm mà phải tăng bằng mức giá đất trung bình trên thị trường. Hiện giá đất của nhà nước chỉ bằng khoảng 30% giá đất thị trường, có đẩy lên thêm 30% nữa thì cũng chỉ bằng một nửa giá đất trên thị trường. Như vậy, thu thuế và phí về đất đai vẫn bị thất thoát mất một nửa”.
Ý thứ hai của tôi: “Giá đất của nhà nước không liên quan gì đến bồi thường về đất. Thế nhưng Chính phủ lại quy định một phương pháp định giá đất cụ thể thiếu minh bạch, được sử dụng để tính bồi thường về đất bằng cách lấy giá đất của nhà nước nhân với một hệ số do UBND cấp tỉnh quyết định, hệ số này thường là từ 1,5 đến 2 lần. Vậy là giá trị bồi thường về đất sau khi tăng thêm 30% cũng chỉ được 70% giá trị thị trường. Tức là người bị nhà nước thu hồi đất vẫn không được bồi thường theo giá trị thị trường như pháp luật đã quy định”.
“Như vậy, nếu quy định của luật là đúng thì thực thi luật là nói dối. Nếu thực thi luật là đúng thì quy định của Luật là nói dối”, tôi nói. Tại sao đến việc nghiêm túc nhất là pháp luật và thực thi pháp luật cũng phải dối?
Mới đây thôi, khi nhà máy Rạng Đông bị cháy, chủ nhà máy tuyên bố ngay “chúng tôi không dùng thủy ngân lỏng để sản xuất”, nhân dân yên tâm. Khi cư dân phát hiện nước sạch có mùi lạ, chủ nhà máy nước Sông Đà cũng tuyên bố ngay đó là mùi Clo, nhân dân yên tâm. Ít lâu sau, dân vỡ lẽ họ đều nói dối. Việc hệ trọng với sức khỏe đồng bào như vậy, tại sao lại nói cứ như không.
Ngay hôm qua thôi, tại phiên tòa xét xử vụ án MobiFone mua 95% giá trị AVG, hợp đồng thương mại cũng bị nói là tài liệu mật, không được lưu hành công khai. Lời nói dối khiến thiệt hại cho ngân sách nhà nước lên tới 6.500 tỷ đồng.
Tôi đã sống ở phương Tây tám năm. Bên đó dân không nói dối. Nếu họ phải mắng nhau “đồ dối trá!” thì nặng nề lắm, gần như sẽ không nhìn mặt nhau nữa. Cả một năm, họ chỉ có một ngày mồng một tháng Tư là được phép nói dối, còn các ngày khác là không được. Có lẽ xưa kia họ cũng phải nói dối như ta, nhưng rồi họ “chữa được” nên chỉ để ra một ngày làm kỷ niệm. Tôi sang bên Australia dự hội nghị, gặp con gái tôi đang làm việc bên đó. Cháu hớn hở nói với tôi rằng “các anh Tây khờ khạo lắm, pháp luật nói gì cũng làm nghiêm, mình mà ‘giả vờ’ thì cũng được khối thứ lợi cho mình”. “Không phải họ khờ khạo đâu mà là họ không biết nói dối”, tôi nói lại với con.
Tôi vẫn nhớ thời bao cấp, các lớp tuyên huấn đều nói rằng thế giới chia ra làm ba phe gồm “phe ta, phe địch và phe trung lập”; nhưng đang tồn tại bốn mâu thuẫn. Trong đó, mâu thuẫn nội bộ phe địch là sâu sắc nhất. Nhưng rồi một hôm, tôi mở đài phát thanh Bắc Kinh thì lại nghe thấy mâu thuẫn cực điểm giữa Trung Quốc và Liên Xô. Tôi cứ bần thần mãi, sao “cán bộ tuyên huấn” lại phải nói dối như vậy.
Tôi còn nhớ một lần vào khoảng năm 2005, Chính phủ mở ra chính sách xã hội hóa giáo dục – đào tạo với trọng tâm đầu tiên là xóa các trường lớp tranh tre nứa lá tại mọi địa phương. Thủ tướng có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh báo cáo về tình trạng lớp học tranh tre nứa lá. Các địa phương cấp tỉnh gửi báo cáo với các số liệu đẹp như mơ, rằng “các cơ sở tranh tre nứa lá chỉ còn lác đác”. Thế rồi các tỉnh lần lượt gửi báo cáo bổ sung, thành ra tranh tre nứa lá vẫn còn rất bề bộn. Hóa ra lúc đầu các địa phương nghĩ rằng đó là báo cáo thành tích, sau mới vỡ ra là báo cáo để phân bổ vốn nhằm xóa tình trạng lớp học tranh tre nứa lá. Chuyện thật cứ như hài.
Ai cũng biết rằng ngành nào cũng cần số liệu thống kê trung thực nhất. Số liệu bị nói dối thì mọi quyết định đều sai. Khi còn công tác ở Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi vốn không tin các số liệu kiểm kê đất đai mỗi năm năm làm theo cách: xã báo cáo số liệu lên huyện, huyện tổng hợp gửi lên tỉnh, tỉnh tổng hợp gửi trung ương. Vào đợt kiểm kê đất đai năm 2000, tôi yêu cầu các địa phương phải báo cáo số liệu dựa trên bản đồ. Ghép lại cả nước, số nào cũng vênh váo nhau hết cả. Xuống địa phương hỏi mới biết khá nhiều địa phương đã khai rút diện tích đất nông nghiệp từ thời bao cấp để giảm thuế nông nghiệp, nay đã đẩy bớt một phần… xuống sông, nhưng vẫn không xuể.
Tại sao ở ta, thói quen nói dối lại nghiễm nhiên như vậy? Con nói dối bố mẹ. Chồng nói dối vợ. Nhân viên nói dối thủ trưởng. Cấp dưới nói dối cấp trên, và ngược lại. Rồi đến pháp luật và thực thi pháp luật cũng ngang nhiên nói dối bằng văn bản, có đống dấu đỏ hẳn hoi. Có lẽ lý giải nói dối ở ta đã thành di truyền là đúng, tức là nói dối đã thành một phản xạ vô điều kiện. Lưu Quang Vũ đã viết vở “Lời nói dối cuối cùng” để chuyển tải thông điệp, từ giờ Cuội cũng không nói dối nữa để thay đổi sự tích “nói dối như Cuội”.
Vậy làm gì để chữa bệnh nói dối? Chỉ trừ binh pháp “hư hư thực thực” dùng trong quân sự với kẻ thù. Còn lại, chúng ta đều phải nói thật, phải biết xấu hổ khi nói dối. Tự vấn mình. Đó là liều thuốc chữa nói dối công hiệu nhất.
Đặng Hùng Võ (Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường).
Nguồn: VnExpress.